Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 14.07.2021 | Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 6 tăng 15% lên 713 tỷ đồng, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh

Nhận định Thị trường hàng ngày 14/07/2021    23856

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Bloomberg: Mỹ tiến tới 1 thoả thuận thương mại số để đối đầu với Trung Quốc ở châu Á
– Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận về việc đề xuất 1 thoả thuận thương mại số bao trùm các nền kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) nhằm kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Các chi tiết của thoả thuận vẫn đang được phác hoạ, nhưng thoả thuận này có thể bao gồm những nước như Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Australia, New Zealand và Singapore.
– Thoả thuận sẽ lập ra những tiêu chuẩn cho nền kinh tế số, bao gồm các quy tắc về sử dụng dữ liệu, thuận lợi hoá thương mại và các thoả thuận về thuế quan điện tử. Thoả thuận cũng cho thấy chính quyền của ông Biden quan tâm đến việc theo đuổi các cơ hội thương mại mới. Trong những tháng đầu tiên, ông Biden đã tập trung nhiều hơn vào củng cố các thoả thuận sẵn có thay vì tiến tới đàm phán xa hơn ở những thoả thuận với Anh và Kenya mà được thừa kế từ chính quyền Trump.
– Và điểm quan trọng nhất ở đây là chính quyền Biden đã thể hiện những nỗ lực đầu tiên cho 1 kế hoạch phát triển hợp tác kinh tế ở Indo-Pacific, khu vực quan trọng nhất thế giới cả về kinh tế và chiến lược nhưng ông Trump đã gây sốc khi quyết định rút khỏi TPP năm 2017.
– Thoả thuận này có thể tránh được ít nhất là một trong số các rào cản chính trị đã cản bước các cuộc đàm phán thương mại trước, ví dụ như sự phản đối từ các liên đoàn lao động. Thoả thuận cũng không cần phải được Quốc hội thông qua, nơi sự phản đối của những nghị sĩ Dân chủ cấp tiến có thể khiến các thoả thuận thương mại bị trì hoãn tới vài năm.
– “Một trong rất nhiều thách thức mà chính sách thương mại hiện đại gặp phải là cần cân bằng rất nhiều lợi ích trong 1 thoả thuận phức tạp bao trùm nhiều lĩnh vực từ sản xuất, lao động, nông nghiệp, dịch vụ đến môi trường”, Nigel Cory, chuyên gia đang làm việc tại think-tank Information Technology & Innovation Foundation nói. “Đó là nhiệm vụ rất thách thức và phức tạp, mà các thoả thuận thương mại số sẽ khiến câu chuyện đơn giản hơn một chút”.

• Mỹ hối thúc EU chi tiêu nhiều hơn thay vì ‘thắt lưng buộc bụng’
– Ngày 12/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp kích thích hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế của liên minh, trong bối cảnh các nước chia rẽ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế, cũng như hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
– Trong bài phát biểu chuẩn bị cho cuộc họp của các Bộ trưởng tài chính EU tại Brussels (Bỉ), bà Yellen nhấn mạnh: “Trong tương lai, điều quan trọng là các quốc gia thành viên phải nghiêm túc xem xét các biện pháp tài khóa bổ sung để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ nội khối và toàn cầu”.
– Mặc dù đánh giá cao các giải pháp kinh tế của EU trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bà Yellen vẫn lưu ý rằng: “Tình trạng bất ổn vẫn ở phía trước và chi tiêu công của châu Âu và Mỹ sẽ vẫn cần được hỗ trợ cho đến năm 2022”.
– Trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hiện nay, EU chọn một con đường khác, với 27 các quốc gia thành viên thông qua kế hoạch phục hồi lớn nhất trong lịch sử trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD), được huy động từ các khoản vay mới trên thị trường.

2. Thông tin Việt Nam

• VCFA kiến nghị nới tỷ lệ cho vay margin lên 70%, nâng biên độ giao dịch HoSE lên 10%
– Mới đây, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) đã công bố báo cáo, trong đó đánh giá thực trạng cũng như đề xuất các phương pháp nhằm phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2023 tới đây.
– Theo đánh giá của UBCKNN, chứng khoán Việt được đánh giá nằm trong top 10 thị trường chứng khoán có sức chống chịu với đại dịch, phục hồi tốt nhất thế giới. Từ vùng đáy 650 điểm tháng 3/2020, chỉ số VN-Index không chỉ hồi phục về vùng 1.000 điểm trước dịch Covid-19 mà trong tháng 6/2021 đã tiến thẳng lên giao dịch quanh vùng 1.400 điểm. Tính đến đầu tháng 7/2021, định giá P/E của thị trường ở mốc 18,9 lần, thấp hơn đỉnh cao của giai đoạn 2016-2018 đồng thời thấp trong khu vực Đông Nam Á cho thấy thị trường vẫn còn dư địa để tiếp tục hướng tới các đỉnh cao mới.
– Theo VCFA, động lực tới đây cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong giai đoạn còn lại của năm 2021 xuất phát từ việc GDP năm 2021 tiếp tục tăng trưởng mạnh và tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu 6,5% đến hết năm. Mới đây, cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, S&P và Fitch) cũng vừa đồng loạt nâng điểm triển vọng lên tích cực của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự nâng cấp về hệ thống công nghệ, bộ máy quản lý và hành lang pháp lý trong thời gian qua cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ giúp thu hút dòng tiền hướng đến thị trường chứng khoán, và duy trì sự tăng trưởng quy mô của thị trường. VCFA cũng đánh giá, “game” tăng vốn của hàng loạt CTCK thời quan qua đã giúp giải tỏa cơn khát margin của nhà đầu tư trên thị trường và sẽ là động lực cho sự tăng trưởng trong dài hạn của chứng khoán Việt Nam.
– Bên cạnh những đánh giá, báo cáo của VCFA cũng đưa ra các đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021 – 2023.
Đầu tiên là giải pháp nâng biên độ dao động của sàn HoSE từ 7% lên đến 10%. VCFA cho rằng, chứng khoán Việt Nam sau hơn 20 năm hoạt động đã có sự thay đổi về chất ngày càng trở nên minh bạch, rõ ràng hơn. Từ đó, thị trường cần có một lộ trình nâng dần biên độ dao động lên, tiến gần với chuẩn mực của thế giới. Trước mắt, trong năm 2021, VCFA kiến nghị UBCK xem xét nâng biên độ dao động của sàn HOSE từ 7% lên thành 10% ngang với sàn HNX và ngang bằng với mức biến động của sàn chứng khoán Trung Quốc.
Một giải pháp khác được VCFA đề cập là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, bởi lẽ đây là một trong những yếu tố tiên quyết để thị trường Việt Nam được xem xét để nâng hạng thị trường theo MSCI. Báo cáo cho rằng, Chính phủ cần có lộ trình nghiên cứu để dần nới room cho nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 50% ở nhóm ngành năng lượng và tài chính, tuy nhiên vẫn giới hạn quyền biểu quyết theo quy định hiện tại. Điều này sẽ giúp thị trường tránh được sự thao túng của nhà đầu nước ngoài trong những lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế mà vẫn giúp các mã cổ phiếu của những ngành quan trọng này tăng thêm độ hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.
– Cuối cùng, một lộ trình xem xét nâng cấp tỷ lệ cho vay margin từ 50% lên 70% được VCFA nhận định là một giải pháp tích cực và phù hợp nên được xem xét ở thời điểm hiện tại. Nhận thấy chứng khoán Việt đã có sự tăng trưởng vượt bậc về mặt quy mô và thanh khoản, nhà đầu tư tham gia thị trường cũng đã có sự thay đổi về chất, hoạt động quản trị rủi ro tài khoản và tận dụng các đòn bẩy tài chính đã tốt hơn nhiều. Việc nâng tỷ lệ cho vay margin sẽ giúp thị trường chứng khoán sôi động hơn đồng thời giúp CTCK giải phóng nguồn lực của mình.

• Dragon Capital: Lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi Covid-19
– Trong nhận định mới nhất, Dragon Capital – quỹ đầu tư nước ngoài thâm niên trên thị trường chứng khoán Việt Nam cho rằng lợi nhuận của khối doanh nghiệp niêm yết có thể chịu ảnh hưởng trước tác động tiêu cực của làn sóng Covid-19 kéo dài lên nền kinh tế và doanh nghiệp. Mức giảm sẽ chủ yếu bởi việc dịch bệnh kéo dài tác động lên nền kinh tế và doanh nghiệp. Trước đó, Dragon Capital dự báo tăng trưởng lợi nhuận của 60 doanh nghiệp trong nhóm theo dõi dự kiến 46% trong năm nay, chủ yếu là nhóm ngân hàng, bất động sản và thép.
– Với giả định mức tăng trưởng nếu giảm xuống còn 35%, VN-Index dự báo ở mức 1.350 điểm, tương đương P/E 14 lần. “Mức này không phải thấp so với những năm trước nhưng định giá thị trường Việt Nam vẫn hấp dẫn so với khu vực”, báo cáo cho hay.
– Các nhà phân tích từ quỹ cũng nhìn nhận thị trường chứng khoán cần thêm thời gian tích luỹ để có thể tiếp tục xu hướng đi lên vào năm 2022. “Nếu thị trường thế giới tiếp tục tăng và không có yếu tố tiêu cực xảy ra, chứng khoán Việt có thể tiếp tục tăng trong 2022 nhờ các yếu tố cơ bản phục hồi mạnh sau dịch”, Dragon Capital nêu trong bản tin nhận định.
– Dragon Capital nhìn nhận thông tin giãn cách xã hội tại một số tỉnh thành lớn trong đó có TP HCM khiến nhà đầu tư bắt đầu quan tâm hơn đến rủi ro dịch bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng và định giá thị trường.
– Với mức tăng 6,5% trong tháng 6, VN-Index đã có 5 tháng liên tiếp tăng điểm và ghi nhận mức kỷ lục tại 1.409 điểm với khối lượng giao dịch cao kỷ lục. Thanh khoản thị trường tăng 8% đạt bình quân 23.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 6 sau khi hệ thống giao dịch mới đi vào vận hành. Tính trên 3 sàn, thanh khoản đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 13% so với tháng trước đó. Trong tháng 6 thị trường tiếp tục dẫn dắt bởi lớp nhà đầu tư mới. Số tài khoản mở mới trong tháng 6 140.000 tài khoản, tăng 23% so với tháng trước đó. Đáng nói, dòng vốn margin ở mức cao kỷ lục khi các công ty chứng khoán tăng vốn thì dòng tiền mới nộp vào tài khoản có dấu hiệu bắt đầu giảm. Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư tổ chức có dấu hiệu tích cực trở lại. Trong tháng 6 khối ngoại bán ròng 3.900 đồng, xấp xỉ 1/3 mức của tháng 5. Riêng trong tháng 7, tính đến phiên giao dịch cuối tuần 9/7, khối này đã mua ròng 4.300 tỷ đồng.
– Dựa trên đánh giá mức độ phức tạp của chủng virus, Dragon Capital hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có. Đồng thời quỹ cũng nhấn mạnh, với gần 10% dư địa về tài khóa so với mức trần nợ công 65%, kỳ vọng chính phủ sẽ công bố các gói hỗ trợ kinh tế tiếp theo và nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công (tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng) trong nửa cuối năm nay.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 6 tăng 15% lên 713 tỷ đồng, xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh 77%
– Vĩnh Hoàn (VHC) vừa công bố báo cáo IR tháng 6/2021. Ghi nhận, trong kỳ VHC đạt doanh thu 713 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Đóng góp chính vào đà tăng doanh thu là sản phẩm cá tra với mức tăng trưởng 16% so với tháng 6/2020, đạt 478 tỷ doanh thu. Nhóm sản phẩm phụ cũng tăng đáng kể 45% lên mức 161 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao thứ 2 trong tổng doanh thu VHC, sau sản phẩm chính là cá tra phi lê. Dòng phụ phẩm (Value-added) cũng tăng 19%, đóng góp doanh thu vào khoảng 13 tỷ đồng.
– Chiều ngược lại, sản phẩm chức năng (Wellness) giảm mạnh 39%, doanh thu tương ứng giảm từ mức 70 tỷ xuống còn 43 tỷ đồng. Dòng tạp phẩm (miscellaneous) cũng giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ.
– Mới đây, ngày 28/6, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã chính thức công bố kết quả cuối cùng của đợt ra soát định kỳ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ, trong đó VHC là đơn vị bắt buộc duy nhất chịu mức thuế 0 USD/kg. Hiện, VHC đang chiếm thị phần xuất khẩu cá tra lớn nhất sang Mỹ và có đến 4 nhà máy trên tổng 13 nhà máy được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ phê duyệt theo chương trình kiểm tra cá da trơn.
– Về thị trường xuất khẩu, kim ngạch sang Mỹ trong tháng 6 năm nay tăng mạnh 77% so với cùng kỳ, theo VHC thị trường này cải thiện đáng kể do sự tái hoạt động của nhà hàng cũng như ngành dịch vụ thực phẩm sau cao điểm dịch Covid-19 bùng phát.
– Thị trường này cũng bù đắp một phần cho sự giảm sút ở thị trường Châu Âu (giảm 25%) và thị trường Trung Quốc (giảm 12%), nguyên nhân do lo ngại trước nguy cơ bùng phát trở lại của dịch Covid-19 và đặc biệt là biến thể nghiêm trọng hơn Delta.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0