Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 14.05.2021 Giá tăng đột biến, Bộ Công Thương đề nghị hạn chế xuất khẩu thép

Nhận định Thị trường hàng ngày 14/05/2021    4320

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Thâm hụt ngân sách của Mỹ lên mức cao kỷ lục 1.900 tỷ USD

– Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng lên kỷ lục 1.900 tỷ USD trong 7 tháng (tháng 10/2020 – 4/2021) của năm tài khóa hiện hành giữa bối cảnh nước này chi hàng tỷ USD cho các gói cứu trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

– Trong báo cáo ngân sách hàng tháng, Bộ Tài chính cho biết con số trên tăng 30,3% so với mức thâm hụt 1.480 tỷ USD của cùng kỳ tài khóa trước. Chính phủ Mỹ đã phê duyệt gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD để chi cho ba đợt hỗ trợ các cá nhân, trợ cấp thất nghiệp bổ sung và hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.

– Trong tài khóa trước (kết thúc vào ngày 30/9/2020), thâm hụt ngân sách của Mỹ đã lên mức kỷ lục 3.100 tỷ USD. Nhiều nhà kinh tế tư nhân dự báo mức thâm hụt của tài khóa hiện hành sẽ vượt cao hơn nữa, trong đó một số người dự báo về con số 3.300 tỷ USD.

– Đánh giá: Nguyên nhân của việc thâm hụt ngân sách của mỹ được xác định là do đại dịch covid 19 gây ra khiến nguồn thu từ thuế bị sụt giảm trong khi chi tiêu cho các biện pháp cứu trợ dịch bệnh thì tăng vọt. Điều này có thể làm giảm sự tăng trưởng kinh tế, làm tăng mức lạm phát kỳ vọng của người dân và của các nhà đầu tư

• Thảm kịch Covid-19 ở Ấn Độ có thể khiến gián đoạn cung ứng toàn cầu thêm trầm trọng

– Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, vài tuần gần đây vật lộn để kiểm soát làn sóng Covid-19. Hàng trăm nghìn ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày. Các chuyên gia kinh tế phải đánh giá lại triển vọng tăng trưởng 2 con số đưa ra trước đó cho Ấn Độ trong năm nay. Đây thực sự là đòn giáng mạnh đối với Ấn Độ – năm 2020 chìm sâu trong đợt suy thoái đầu tiên trong 25 năm, khi New Delhi ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc.

– Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn chưa ban lệnh phong tỏa toàn quốc mới dù được nhiều người kêu gọi. Thậm chí, nhiều khu vực phải ra những biện pháp hạn chế riêng. Một số ngành trên thế giới, vốn phụ thuộc lớn vào Ấn Độ, đang phải đối mặt với vô vàn nguy cơ. Nếu như cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Á này trầm trọng hơn, các ngành từ dệt may, dược phẩm cho tới dịch vụ tài chính, vận tải sẽ thực sự cảm nhận được sức nóng.

– Khoảng 80% thương mại hàng hóa toàn cầu, tính theo khối lượng, được vận chuyển trên tàu biển, theo thông tin từ Hội nghị Thương mại và Phát triển toàn cầu của Liên Hợp Quốc, và Ấn Độ là quốc gia sở hữu rất nhiều thủy thủ. Hơn 200.000 trong tổng số 1,7 triệu thủy thủ trên toàn cầu là người Ấn Độ, theo Guy Platten, tổng thư ký tại Phòng Vận tải quốc tế. Phần nhiều trong số họ đảm nhận những vị trí chủ chốt nhờ sở hữu nhiều kỹ năng quan trọng trong vận tải biển.

– Nếu tình hình dịch bệnh ở Ấn Độ không được cải thiện thì ngành vẫn tải biển toàn cầu sẽ thiếu hụt lực lượng lao động rất lớn và các chuỗi cung ứng toàn cầu khó có thể tránh khỏi việc bị gián đoạn. Và thế giới cũng sẽ phải đối mặt với sự đe dọa nghiem trọng đến dòng chảy hàng hóa.

2. Thông tin Việt Nam

• Giá tăng đột biến, Bộ Công Thương đề nghị hạn chế xuất khẩu thép

– Bộ Công Thương cho biết, ngày 11/5, Bộ đã có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước. Nội dung văn bản đề nghị Hiệp hội rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu.

– Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Thép thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

– Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

– Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có văn bản về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá một số vật liệu xây dựng chủ yếu có xu hướng tăng cao, nhất là giá thép tăng đột biến, không theo quy luật thông thường đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng. Trước tình hình trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật tình hình. Đồng thời điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

• Thuế quan thay đổi cục diện thương mại tại Mỹ, Trung Quốc nhường đường cho Việt Nam

– Dữ liệu mới cho thấy thuế quan của Mỹ đã khiến xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc giảm mạnh, đồng thời tạo ra những thay đổi lớn trong danh sách đối tác thương mại của Mỹ, đó chính là sự tăng tiến không ngừng của Việt Nam.

– Trong hai năm 2018 và 2019, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên gần 2/3 tổng lượng hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc – tương đương khoảng 370 tỷ USD mỗi năm.

– Chính quyền ông Trump áp đặt thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nhằm mục đích thúc đẩy lĩnh vực sản xuất trong nước bằng cách làm cho hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

– Song, tham vọng của cựu Tổng thống Mỹ dường như không thành công, vì theo dữ liệu kinh tế mới thì các công ty tại Mỹ lại chuyển sang mua hàng từ các nước châu Á để lấp đầy khoảng trống hàng hóa từ Trung Quốc.

– Trong đó, Việt Nam là nước được hưởng lợi đặc biệt lớn. Từ vị trí thứ 12 vào năm 2018, Việt Nam hiện là nguồn cung hàng hóa lớn thứ 6 của Mỹ, WSJ cho hay.

– Chất bán dẫn là một ví dụ điển hình. Trong thương chiến Mỹ – Trung, Washington muốn giảm nhập khẩu chất bán dẫn từ Trung Quốc, và thực tế thì kim ngạch nhập khẩu chip từ Trung Quốc đã giảm mạnh, nhưng từ Việt Nam, Đài Loan và Malaysia đều tăng.

– Thuế quan tạo động lực để doanh nghiệp đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển khỏi Trung Quốc. Ví dụ, đối với đồ nội thất, nhiều nhà nhập khẩu của Mỹ đã chuyển sang thị trường Việt Nam, thậm chí là ngay từ trước khi thương chiến nổ ra. Đây được coi là cơ hội thuận lợi cho những doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Masan muốn huy động 1 tỷ USD cho mảng thức ăn chăn nuôi

– Nguồn tin của Bloomberg cho hay, Masan Group đang tìm kiếm các phương án huy động vốn cho mảng thức ăn chăn nuôi, có thể bao gồm việc bán cổ phần cho một đối tác chiến lược.

– Công ty đang làm việc với các cố vấn để cân nhắc đưa ra quyết định đầu tư với mảng thức ăn chăn nuôi, hiện thuộc Masan MeatLife (mã: MML). Masan kỳ vọng thương vụ có thể đem về giá trị 1 tỷ USD.

– Nguồn tin cho biết các cuộc đàm phán hiện mới chỉ trong giai đoạn đầu và có thể không có bất kỳ thương vụ nào. Trong khi đó, đại diện Masan từ chối bình luận.

– Theo số liệu của Bloomberg, nếu thương vụ trị giá 1 tỷ USD này thành công, đây sẽ là thương vụ đầu tư lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2017, khi Vietnam F&B Alliance Investment mua 54% cổ phần Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với giá 4,4 tỷ USD.

• Thế Giới Di Động muốn biến 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam thành cộng tác viên bán hàng

– Thế Giới Di Động vừa chính thức đưa ra một mô hình kinh doanh mới có tên “mô hình cộng tác viên” trong dự án hợp tác cùng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh.

– Ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO của Thế Giới Di Động cho biết, hệ thống bán lẻ offline của đơn vị này hiện có khoảng 2.500 cửa hàng, gồm cửa hàng bán lẻ điện thoại và điện máy. Kế hoạch của TGDĐ là tăng lên 3.000 cửa hàng trong năm 2021. Với 3.000 cửa hàng này, TGDĐ ước tính sẽ chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ điện thoại, điện máy tại Việt Nam, 30% thuộc về các hệ thống bán lẻ khác và 20% còn lại thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ. Mục tiêu của TGDĐ là mở rộng thị phần tại các địa bàn mà cửa hàng TGDĐ chưa thể vươn tới, bằng việc hợp tác với 20% các đại lý nhỏ lẻ nói trên.

– Theo ước tính của TGDĐ, Việt Nam hiện có khoảng 20.000 – 30.000 cửa hàng nhỏ lẻ đang kinh doanh các mặt hàng điện thoại, điện máy. Điều kiện để hợp tác là đại lý cần có mặt bằng và bảng biểu. Để đăng ký thành cộng tác viên, đại lý cần thực hiện một vài thao tác (đăng ký thông tin cá nhân, địa điểm, chụp ảnh mặt bằng cửa hàng vv…). Phía TGDĐ cam kết sẽ thẩm định thông tin đại lý trong vòng 2 ngày. Mức chiết khấu dành cho các đại lý nhỏ lẻ này là 5-20%, tuỳ vào mặt hàng và hãng sản xuất. Chẳng hạn, trong màn demo của TGDĐ, mức chiết khấu cho một chiếc Oppo Reno5 giá 8,99 triệu đồng là 899.000 đồng, tương đương 10%.

– Nói một cách dễ hiểu, các “cộng tác viên” của Thế Giới Di Động đóng vai trò là các tư vấn viên, bán tất cả sản phẩm của Thế Giới Di Động, từ điện thoại, điện máy, laptop hay đồng hồ. Khi khách hàng đồng ý mua sản phẩm, mọi thao tác còn lại sẽ do Thế Giới Di Động lo.

– Theo Thế Giới Di Động, mô hình này mang đến một số lợi ích cho các cửa hàng nhỏ lẻ như không tốn chi phí tồn kho, vận hành. Họ chỉ cần tư vấn và nhận chiết khấu. Thời điểm đầu, TGDĐ chưa cung cấp các hình thức hỗ trợ bán hàng cho các đại lý này như trang trí cửa hàng hay hàng trưng bày.

– Mặc dù vậy, ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng nhận định đây mới chỉ là một thử nghiệm của Thế Giới Di Động, giống với thử nghiệm mô hình điện thoại siêu rẻ trước đây (đã thất bại) hay Điện Máy Xanh mini. “Hiện tại chỉ là chúng tôi nhìn thấy cơ hội và nhảy vào làm. Chỉ đến khi nhìn thấy kết quả bước đầu, chúng tôi mới đưa ra các chính sách phù hợp tiếp theo hoặc đặt mục tiêu kết quả kinh doanh cụ thể”, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết.

– Chúng tôi cho rằng hoạt động kinh doanh này sẽ giúp MWG giành thêm được thị phần và tăng khả năng đàm phán về giá, từ đó có thể tăng biên lợi nhuận gộp của mảng bán lẻ ở chuỗi TGDD và DMX trong giai đoạn tới.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ