Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 14.03.2022 – Lạm phát của Mỹ tăng mạnh nhất trong 40 năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 14/03/2022    34447

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 14/03/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Lạm phát của Mỹ tăng mạnh nhất trong 40 năm
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 2/2022 cao hơn 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng tốc trong tháng 2 là tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 1/1982, khi nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với mối đe dọa kép là lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế giảm, chưa bao gồm hầu hết các đợt tăng giá dầu và khí đốt từ cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine vào 24/2.
Chi phí năng lượng, nhà ở và thực phẩm tăng là một trong những “thủ phạm chính” gây lạm phát cao ở Mỹ. Năng lượng tăng 3,5% trong tháng 2 và chiếm khoảng 1/3 mức tăng. Chi phí nhà ở, chiếm khoảng 1/3 trọng số CPI, đã tăng thêm 0,5%, tăng 4,7% so với cùng kỳ, mức tăng hàng năm nhanh nhất kể từ tháng 5 năm 1991. Giá thực phẩm tăng 1%, mức tăng hàng tháng nhanh nhất kể từ tháng 4 năm 2020.
Lạm phát của Mỹ đã vượt xa mức mục tiêu 2% mà Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Dự kiến, ngày 16/3, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất cơ bản để kiềm chế lạm phát.
Giá cả tại Mỹ tăng cao do tác động của tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguyên vật liệu và nhân lực, cũng như nhu cầu tiêu dùng tăng cao khi nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Và tình trạng này càng trở nên trầm trọng thêm khi Mỹ, châu Âu và đồng minh áp lệnh trừng phạt lên Nga, khi Nga và Ukraine là những nước xuất khẩu lớn năng lượng, kim loại và ngũ cốc. Điều này đẩy chi phí năng lượng lên cao hơn và đe dọa làm căng thẳng chuỗi cung ứng vốn đã chao đảo, nguồn cung bị bóp nghẹt làm gia tăng lo ngại về tình trạng khan cung kéo dài, giá hàng hóa dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

• Mỹ cấm nhập khẩu dầu từ Nga
Sáng ngày 08/03 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố chính phủ Mỹ sẽ lập tức cấm thực hiện các hợp đồng nhập khẩu mới đối với dầu từ Nga, một số sản phẩm dầu lửa, khí thiên nhiên hóa lỏng và than đá. Sắc lệnh này cũng cấm Mỹ đầu tư mới vào lĩnh vực năng lượng của Nga và ngăn chặn người Mỹ tài trợ cho các công ty nước ngoài có đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nga. Hiện nay, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ nhập khẩu 8% dầu và sản phẩm tinh chế từ Nga trong năm 2021, tương đương 672,000 thùng/ngày.
Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nga cũng sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên. Liên minh châu Âu hiện đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí từ Nga, khi Nga chiếm tỷ lệ cung cấp khoảng 40% khí đốt, một số trong đó chạy qua Ukraine.
Trong khi đó, các chính phủ châu Âu – vốn phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều hơn – đưa ra động thái khác với Mỹ, khi Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga trong năm nay và lên mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga trước năm 2030.
Mỹ đang đứng trước áp lực phải hạn chế năng lực xuất khẩu dầu của Nga, việc thiếu hụt nguồn cung bổ sung từ Nga trong ngắn hạn sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát lên thị trường Mỹ. Ngoài ra các đồng minh châu Âu và thị trường toàn cầu phải gánh hậu quả khi phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí từ Nga. Đặc biệt, nhu cầu dầu mỏ thế giới đang hồi phục nhanh, dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch.Tình trạng thiếu hụt nguồn cung khó có thể được lấp đầy trong thời gian ngắn và giá dầu có thể tiếp tục được đẩy lên cao.

• EU tiến tới bãi bỏ quy chế thương mại tối huệ quốc đối với Nga
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ đình chỉ quy chế đối xử kinh tế và thương mại đặc quyền (quy chế thương mại tối huệ quốc) đối với Nga, cấm việc sử dụng tiền điện tử, xuất khẩu các mặt hàng xa xỉ của EU sang Nga và nhập khẩu các sản phẩm thép được áp dụng từ ngày 12/3. Điều này sẽ tạo điều kiện cho EU cấm hoặc áp đặt thuế quan trừng phạt đối với các sản phẩm của Nga.
Trước mắt, EU sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm sắt, thép. EU cũng sẽ đặc biệt cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ sang Nga – được coi là một đòn giáng mạnh vào giới tinh hoa Nga. Cuối cùng, khối sẽ cấm các khoản đầu tư mới của châu Âu vào lĩnh vực năng lượng của Nga.
Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Nga và Ukraine lần lượt chiếm 4% và 1% sản lượng thép toàn cầu trong năm 2021. Tỷ trọng tổng xuất khẩu của Nga và Ukraine cao hơn khoảng 10% lượng thép xuất khẩu toàn cầu. Khoảng 40%-50% thép của cả hai quốc gia được xuất khẩu sang châu Âu, chiếm khoảng 30% lượng thép nhập khẩu và khoảng 9% lượng tiêu thụ của châu Âu.
Việc tước bỏ quy chế “tối huệ quốc” sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế Nga, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt trước đó của phương Tây. Mất đi đãi ngộ “tối huệ quốc” đồng nghĩa với việc một số hàng hóa nhập khẩu từ Nga sẽ chịu mức thuế cao hơn cả mức mà Mỹ đang áp đặt lên Triều Tiên và Cuba. Trong bối cảnh nguồn cung ứng toàn cầu đang gặp khó khăn sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có ngành thép Việt Nam

• Ngành giao thông sẽ giải ngân thêm 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư công trong tháng 3
Theo kế hoạch các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đã đăng ký, trong tháng 3/2022, Bộ Giao thông vận tải sẽ giải ngân khoảng 3.500 tỷ đồng, tập trung ở các dự án lớn như: cao tốc Bắc – Nam khoảng 910 tỷ đồng; trả nợ dự án BT La Sơn – Túy Loan 840 tỷ đồng, dự án cải tạo Quốc lộ 20 (dự án thành phần 1) là 450 tỷ đồng và các dự án quan trọng, cấp bách là 220 tỷ đồng.
Năm nay, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư công hơn 50.300 tỷ đồng. Tính đến nay, sau hai đợt giao chi tiết kế hoạch năm, Bộ đã phân bổ gần 42.000 tỷ đồng (đạt 83,45%).
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ 2021. Trong 2 tháng đầu năm, cả nước giải ngân được trên 44.600 tỷ đồng, đạt 8,61% kế hoạch Thủ tướng giao. Tỷ lệ này cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 (5,09%). Trong đó, vốn trong nước đạt 9,22% (cùng kỳ năm 2021 đạt 5,68%), vốn nước ngoài đạt 0,20% (thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 0,38%).
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và nhiều điểm nghẽn trong công tác thực hiện dự án, giải ngân đầu tư công của Việt Nam trong năm 2020-21 đều không đạt mục tiêu đề ra của Chính phủ. Do đó, Chính phủ đang rất quyết tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022 với hàng loạt động thái quyết liệt. Đồng thời, việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022-25 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông. Nhu cầu huy động vật liệu xây dựng lớn tại các dự án cũng sẽ tác động tích cực đến nhóm doanh nghiệp thép xây dựng, đá xây dựng, nhựa đường và xi măng thời gian tới.

2. LÃI SUẤT, TIỀN TỆ & NGÂN HÀNG

• Lợi suất trái phiếu chính phủ tháng 2/2022 tăng ở hầu hết các kỳ hạn
So với 1 tuần trước đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ tính đến ngày 4/3/2022 tại phòng giao dịch của VBMA tăng ở hầu hết tất cả các kỳ hạn từ 4,2 điểm đến 40,8 điểm, đặc biệt tăng mạnh ở các kỳ hạn từ 1 năm đến 7 năm. Trước đó, trong tháng 2/2022, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng từ 2,06-25,17 điểm % ở hầu hết các kỳ hạn so với trung bình tháng 1. Đường cong lãi suất có xu hướng phẳng hơn, khi lợi suất tăng khá mạnh ở kỳ hạn từ 1 đến 7 năm và ít thay đổi ở các kỳ hạn dài hơn. Khoảng cách giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam và Mỹ có xu hướng thu hẹp dần ở hầu hết các kỳ hạn. Riêng chênh lệch kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 10 điểm %.
Mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam đã tăng khá nhiều trong tháng 2 vừa qua, nhưng vẫn đang ở mức tương đối thấp so với các thị trường trong khu vực ASEAN. Việc lãi suất trái phiếu Chính phủ tăng đồng loạt đã phản ánh xu hướng dần thắt chặt các chương trình nới lỏng nhằm phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam trong bối cảnh lạm phát của nhiều quốc gia trên thế giới đang liên tục tạo đỉnh mới.

• Đồng Nhân dân tệ tăng mạnh và tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam
Đồng nhân dân tệ đã tăng giá tương đối nhiều so với đồng USD kể từ cuối năm 2020, đầu năm 2021. Hiện tại tỷ giá vào khoảng 6,33 CNY/USD trong khi vào đầu năm 2021 vào khoảng 6,47 CNY/USD nghĩa là ngày càng cần ít nhân dân tệ hơn để mua USD.
Việc đồng CNY liên tục tăng giá gây trở ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng vọt trong khi xuất khẩu đi và thu bằng đồng USD là chủ yếu. Để đối phó với đà tăng giá của đồng CNY, các doanh nghiệp Trung Quốc bên cạnh việc tăng giá bán thì còn đàm phán để nâng tỷ lệ thanh toán bằng đồng CNY lên cao thay vì thanh toán bằng USD. Tuy vậy, việc tăng giá bán cũng làm các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc kém cạnh tranh hơn so với các đối thủ khác trên thế giới.
Việc đồng CNY tăng giá sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam ra/vào Trung Quốc. Nguyên nhân bởi vì chủ yếu Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc bằng USD (giá rẻ), sau đó sản xuất và xuất ngược sang Trung Quốc, nhận về CNY (giá cao) – nghĩa là doanh nghiệp phải trả nhiều USD để mua nguyên vật liệu nhưng nhận được ít CNY hơn. Việc chênh lệch như vậy càng lớn sẽ khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp càng giảm và doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Về tỷ giá USD/VND đang vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên, với việc tăng lãi suất của FED trong năm 2022 có thể làm cho đồng USD mạnh lên, việc đồng USD liên tục tăng giá so với VND sẽ gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đi Trung Quốc. Vì vậy, các doanh nghiệp có khả năng sử dụng linh hoạt các công cụ phái sinh sẽ hạn chế được rủi ro trong bối cảnh hiện tại.

3. Kênh cổ phiếu

• Việt Nam là nước xuất khẩu cao su thứ 3 thế giới
Khu vực Đông Nam Á là khu vực trồng cao su quan trọng nhất thế giới. Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là 3 quốc gia sản xuất lớn với tổng sản lượng chiếm khoảng 60% sản lượng toàn cầu.
Năm 2021, xuất khẩu cao su đạt 3.278 tỷ USD – đánh dấu xuất khẩu cao su quay trở lại mốc 3 tỷ USD sau 10 năm. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2021 ở mức 1,68 USD/tấn (+23%yoy).

• Nguồn cung cao su thế giới giảm trong khi nhu cầu hồi phục mạnh mẽ sau dịch
Theo Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên thế giới 2021 thực tế đạt khoảng 13,86 triệu tấn so với nhu cầu 14,1 triệu tấn.
ANRPC dự báo nguồn cung cao su toàn cầu đang tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu và sẽ gia tăng thiếu hụt trong những năm tiếp theo cho đến năm 2028, thậm chí có thể kéo dài đến năm 2031, khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn.
Nguyên nhân: Diện tích trồng cây cao su giảm từ năm 2013 do giá cao su giảm. Năm 2020, diện tích trồng mới gần như bằng không do sự bùng phát của COVID-19. Với độ trễ 7 năm kể từ khi trồng và lần khai thác đầu tiên dẫn đến nguồn cung cao su tự nhiên sẽ giảm tốc độ tăng trưởng trong vòng 5 năm tới.

4. Kênh tài sản khác

• Dư chấn Nga – Ukraine khiến giá thức ăn chăn nuôi lại tăng vọt
Thời điểm này, lĩnh vực chăn nuôi phải đối diện với muôn vàn khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao…
Nguyên nhân khiến các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng giá chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính trên thế giới tại các nước Nam Mỹ; đồng thời cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và Việt Nam. Từ đó, dẫn tới giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước Việt Nam cũng tăng theo. Cụ thể, ngô hạt 9.000 đồng/kg (tăng 12,5%); khô dầu đậu tương 16.000 đồng/kg (tăng 17,65%); bột cá 30.000 đồng/kg, sắn lát 6.450 đồng/kg (tăng 11,0%); cám mì 7.000 đồng/kg (tăng 3,0%); cám gạo chiết ly 6.000 đ/kg (tăng 17,7%)…
Việt Nam nhập khẩu từ Nga và UKraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như lúa mỳ (chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ), ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi. Nếu căng thẳng Nga, Ukraine tiếp tục diễn ra sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá thức ăn chăn nuôi sẽ tăng tiếp trong thời gian tới, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi. Ngược lại, các doanh nghiệp liên quan đến lương thực sẽ được hưởng lợi.

• Xuất khẩu gạo Việt Nam có được hưởng lợi trong khi nhu cầu thế giới đang tăng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến hết tháng 2-2022, tổng khối lượng gạo xuất khẩu nước ta đạt 906.000 tấn, trị giá 437 triệu USD. Con số này tăng 39% về số lượng và tăng 22% giá trị so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay đạt 6-6,2 triệu tấn, tương đương năm ngoái.
Nhiều nhà xuất khẩu nhận định thị trường xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm nay thuận lợi hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do: Xung đột vũ trang Nga – Ukraine khiến cho người dân nhiều nước tiếp tục quan tâm hơn tới việc dự trữ lương thực. Bên cạnh đó nhiều thị trường nhập khẩu gạo hồi phục, nhiều chuỗi cung ứng từng bị đứt gãy đang được kết nối lại.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục khai thác khá hiệu quả những lợi thế từ hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU. Chất lượng gạo Việt Nam đã có sự thay đổi trong mắt các nhà nhập khẩu, cộng với gạo thơm được miễn thuế 30.000 tấn nên tạo điều kiện cạnh tranh tốt hơn cho gạo Việt.
Xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng đầu năm 2022 tăng mạnh về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Dù đơn hàng tăng, giá tốt nhưng chi phí vận chuyển, bốc xếp… tăng cao khiến các nhà xuất khẩu thu về lợi nhuận không đáng kể. Cước tàu biển từ Việt Nam sang châu Âu tăng rất cao, cuối năm 2021 mới 5.000-6.000 USD/container thì hiện nay đã tăng lên 8.000 USD/container.

• Đầu tư trái phiếu cùng dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á
Trend năng lượng sạch trên quy mô toàn thế giới. Việt Nam định hướng điện gió, mặt trời chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn phát điện đến năm 2045 (42%) 2020 (23%).
Trung Nam là nhà phát triển hàng đầu về năng lượng tái tạo Việt Nam, tài sản 2.3 tỷ USD, tương đương GDP của tỉnh Nam Định. Là một trong số ít nhà đầu tư có thể tự thi công hạ tầng và nhà máy điện. Có lợi thế về đàm phán với nhà cung cấp thiết bị điện.
Nhằm tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty và huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo đầy tiềm năng nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group đã phát hành các mã trái phiếu với các kỳ hạn 1 năm, 7 năm, 9 năm phù hợp với nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư.
Tài sản đảm bảo có giá trị lớn, hơn 130% giá trị phát hành là dự án điện gió lớn nhất ĐNá đã hoàn thiện pháp lý ký hợp đồng mua bán điện. Khi tham gia nhà đầu tư sẽ nhận được lợi suất đầu tư lên đến 9,3 – 9,7%/năm, cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Vốn đầu tư tối thiểu 100 triệu đồng.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0