Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.10.2021 | PV Power đạt gần 5.000 tỷ doanh thu quý III, giảm 18% so với cùng kỳ

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/10/2021    63073

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá nhôm lên kỷ lục 13 năm và còn có thể tăng thêm 10% trong thời gian ngắn
– Ngày 11/10 trên sàn kim loại London, Anh, giá nhôm ở mức 3.049 USD/tấn, cao nhất kể từ tháng 7/2008. Giá nhôm tăng trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có thiếu điện ở Trung Quốc. Thiếu điện đang ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh tế tại Trung Quốc, lan rộng ra toàn cầu. Nguồn cung nhôm thiếu hụt do nhiều yếu tố khiến nhiều chuyên gia đánh giá mặt hàng này tiếp tục đà tăng trong tương lai.
– Sản xuất nhôm vốn là ngành tốn rất nhiều điện. Để sản xuất được 1 tấn nhôm, lượng điện cần thiết tương đương với trung bình một hộ gia đình ở Anh có thể sử dụng trong 3 năm. Do đó, nhôm là một trong những ngành phải cắt giảm lượng điện đầu tiên ở Trung Quốc.
– Ông Mark Hansen, giám đốc điều hành tại công ty thương mại Concord Resources Ltd., có trụ sở tại London, cho biết sản lượng nhôm ở Trung Quốc có thể đã đạt đỉnh, ít nhất là trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ sự thay đổi của xuất khẩu nhôm Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Quốc gia này vẫn là một trong những lực cung lớn nhất thị trường toàn cầu về nhôm, khi giá được hỗ trợ một phần bởi cái khoản giảm thuế.
– Ở chiều ngược lại, Trung Quốc đang nhập khẩu ngày càng nhiều hơn vì áp lực sản xuất trong nước và nhu cầu gia tăng. Các chuyên gia dự đoán, Trung Quốc sẽ tiếp tục nhập khẩu khối lượng nhôm lớn trong thời gian tới. Điều này có thể khiến phần còn lại thế giới thiếu hụt nhôm và làm tăng nguy cơ giá tăng đột biến.
– Giá nhôm tăng vọt trong năm nay thúc đẩy các nhà sản xuất ở nhiều nơi mở lại các nhà máy cũ và xem xét bổ sung nguồn cung mới. Tuy nhiên, sự tăng vọt về chi phí điện năng đang gây áp lực lên các lò luyện và có thể gây khó khăn cho việc khởi động lại.

2. Thông tin Việt Nam

• Hơn 28 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong quý III
– Báo cáo tình hình lao động việc làm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy cả nước có 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… So với quý II/2021, số lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 quý III tăng thêm 15,4 triệu người.
– Đông Nam Bộ là vùng ghi nhận sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long.
– Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy trên phạm vi toàn quốc, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý III là hơn 1,7 triệu người, tăng hơn nửa triệu người so với quý trước. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III là gần 4%.
– Báo cáo của Tổng cục Thống kê còn cho thấy thu nhập trung bình của người lao động trong quý III vừa qua bị giảm gần 900.000 đồng so với quý trước. Trong đó, Đông Nam Bộ là khu vực bị giảm thu nhập nhiều nhất. Chỉ tính riêng trong 3 tháng của quý III, người lao động bị mất 1/4 thu nhập hàng tháng. Đáng chú ý, thu nhập của người lao động ở tâm dịch TP HCM bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với mức thu nhập giảm sâu, về mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (5,8 triệu đồng).
– Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ tư đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở mức gần 4% là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn. Vấn đề này sẽ có cơ hội cho nhưng doanh nghiệp đã có tầm nhìn xa và giữ được chân người lao động, ngược lại, thì một số doanh nghiệp cũng sẽ chịu ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng thiếu lực lượng lao động, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.

• Ngân hàng Nhà nước: Không hạ lãi suất, siết chặt tín dụng các lĩnh vực rủi ro
– Chiều 12-10, tại buổi họp báo về kết quả hoạt động của ngân hàng quý III-2021, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết tính đến ngày 7-10, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng 7,42% so với cuối năm ngoái. Nếu so với cùng kỳ năm 2020 thì tín dụng tăng 5,48%. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bùng phát mạnh, nhu cầu vốn, cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn tăng.
– Đáng chú ý, do tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang có xu hướng tăng. NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn nhiều rủi ro, như bất động sản, chứng khoán, lĩnh vực đầu tư BOT, BT.
– Ngoài ra, theo lãnh đạo NHNN, giá xăng dầu trên thế giới đang có nhiều biến động với xu hướng tăng cao. Dự báo lạm phát kinh tế toàn cầu có thể xảy ra. Để ứng phó, một số ngân hàng trung ương đã thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, thay vì nới lỏng như trước kia để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19. Đây cũng là vấn đề mà NHNN đang xem xét để có những chính sách ứng phó phù hợp.
– Lãnh đạo NHNN cho biết trước mắt sẽ không tính đến việc hạ lãi suất như một số ý kiến đã kiến nghị. Trong thời gian tới, cơ quan này tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
– Trong năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm mạnh và nhanh lãi suất điều hành phát tín hiệu cho lãi suất thị trường giảm trong năm và kéo dài sang năm 2021. Tính từ đầu năm, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,7% trong khi lãi suất huy động giảm 0,4%.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Tiếp nối đà tăng trước đó, VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 12/10/2021 tăng gần 5 điểm với sắc xanh hiện diện ở nhiều nhóm ngành. Sau khi tăng chạm ngưỡng 1.400 điểm, VN-Index có sự sụt giảm nhẹ xuống dưới mức tham chiếu. Bước sang phiên chiều, VN-Index không mấy khởi sắc khi liên tục giằng co quanh mốc tham chiếu. Kết thúc giao dịch, VN-Index chỉ tăng nhẹ nhàng 0,71 điểm.
– Xét về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, VIC là cổ phiếu có tác động tích cực nhất khi góp hơn 1 điểm tăng cho chỉ số. Cùng với VIC, các mã MWG, DGC, BID đều là những mã có đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho thị trường. Trong khi đó, VCB, MSN, NVL là những mã có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 39,5 tỷ đồng. FMC vẫn được khối ngoại trên HoSE mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 270 tỷ đồng, trong đó hầu hết được thực hiện thông qua thỏa thuận. VRE và MBB được mua ròng lần lượt 81 tỷ đồng và 41 tỷ đồng. Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 120 tỷ đồng. GMD và VNM bị bán ròng lần lượt 54 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
– Hưởng lợi từ giá dầu tăng cao, các cổ phiếu nhóm dầu khí trong nước có phiên giao dịch hết sức khởi sắc. Trong đó, POS tăng mạnh 7,3%, BSR tăng 4,1%, PVD, PVC, PVS, PVB cùng tăng trung bình từ 2%-4%, ngược lại GAS giảm nhẹ 0,4%
– Nếu như phiên hôm qua cặp đôi VIC-VHM, các cổ phiếu ngân hàng và HPG đóng vai trò chính giúp VN-Index tăng trên 20 điểm thì phiên hôm nay, nhóm ngân hàng đã phân hóa khá mạnh, chỉ còn BID và VIB có mức tăng tốt còn hầu hết đã quay đầu giảm điểm hoặc giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu.
– Mặc dù nhóm ngân hàng tỏ ra lưỡng lự nhưng điểm tích cực là hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều không giảm sâu, diễn biến theo chiều hướng điều chỉnh kỹ thuật sau phiên tăng mạnh, giảm điểm với thanh khoản thấp. Đây là cơ sở để kỳ vọng nhóm cổ phiếu ngân hàng sớm lấy lại đà tăng trong thời gian tới.
– Thị trường đã vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 1.380 điểm và tiến tới vùng đỉnh thị trường tạo ra từ đầu tháng 7/2021 ở ngưỡng 1.420 điểm của VN-Index nên dự báo thời gian tới thị trường sẽ có biến mạnh trong các phiên ở khu vực từ 1.380-1.420 điểm trên nền thanh khoản tốt. Đây là cơ hội tốt để các nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục của mình, ưu tiên chọn các mã có kết quả kinh doanh quý III khả quan, các mã được dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• VHC: Doanh thu quý III/2021 tăng 17% nhờ thị trường Mỹ
– Mặc dù so với cùng kỳ, doanh thu quý III/2021 của Vĩnh Hoàn vẫn tăng mạnh, song lại có chiều hướng giảm liên tục so với các tháng liền kề. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu tháng 9 đạt 658 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, nhưng giảm 7% so với tháng trước. Doanh thu tháng 8/2021 là 705 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ, nhưng giảm 7,8% so với tháng 7/2021 (765 tỷ đồng).
– Trong quý III/2021, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Vĩnh Hoàn. Riêng trong tháng 9/2021, doanh thu vào thị trường Mỹ đạt tới 344 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17% so với tháng trước. Thị trường châu Âu cũng tăng 11%. Hai thị trường lớn tăng trưởng tốt đã bù đắp phần nào sự suy giảm của thị trường Trung Quốc.
– Trong tháng 9/2021, xuất khẩu sang Trung Quốc của Vĩnh Hoàn giảm 38% so với cùng kỳ và giảm 40% so với tháng 8 xuống 84 tỷ đồng do công ty phải giảm công suất chế biến để tuân thủ yêu cầu về chính sách giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19.
– Về cơ cấu hàng xuất khẩu, cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty với mức tăng trưởng 36%, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng tăng 36%, bù đắp được sự suy giảm của một số sản phẩm khác.
– Riêng Sa Giang, sau khi được Vĩnh Hoàn mua lại đang sụt giảm doanh thu tới 21% so với tháng trước, chủ yếu là do sự sụt giảm của sản phẩm tôm dăm (doanh thu tháng 9/2021 giảm tới 28%, chủ yếu ở thị trường châu Âu). Tuy vậy, sự suy giảm của sản phẩm tôm dăm được bù đắp một phần nhờ sự gia tăng của sản phẩm gạo và các sản phẩm khác.
– Như vậy, lũy kế 9 tháng, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn vẫn tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2020, động lực tăng trưởng chính là thị trường Mỹ.
– Mặc dù đơn hàng tăng mạnh do đang ở thời điểm cao thụ (mùa lễ hội tại Mỹ). Tuy nhiên, công suất chế biến giảm do áp dụng “3 tại chỗ” cộng với giá cước vận chuyển cao khiến biên lợi nhuận của Vĩnh Hoàn bị sụt giảm. Vĩnh Hoàn kỳ vọng lợi nhuận quý IV/2021 sẽ tăng mạnh trở lại khi công suất được cải thiện mạnh mẽ và thị trường tiêu thụ thuận lợi.

• PV Power đạt gần 5.000 tỷ doanh thu quý III, giảm 18% so với cùng kỳ
– Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power – Mã: POW) vừa công bố tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 9 với tổng doanh thu thực hiện ước tính là 869 tỷ đồng, bằng 67% so với kế hoạch doanh thu tháng đã đề ra. Ước tính trong quý III, PV Power đạt tổng doanh thu thực hiện gần 5.000 tỷ đồng, giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước.
– Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu của PV Power ước đạt 20.710 tỷ đồng, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhà máy điện Vũng Áng 1 có đóng góp lớn nhất vào doanh thu toàn tập đoàn, đạt 7.446 tỷ đồng, tiếp đó là nhà máy điện Cà Mau 1&2 gần 6.760 tỷ đồng và nhà máy điện Nhơn Trạch 2 với 4.461 tỷ đồng.
– Theo PV Power, trong tháng 9 nhu cầu phụ tải trên hệ thống tiếp tục thấp do tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát trên khắp cả nước. Nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành cách ly xã hội và các nhà máy điện năng lượng mặt trời vẫn đang được huy động tối đa công suất dẫn đến giá thị trường giảm mạnh. Trong khi đó, các nhà máy điện chỉ phát điện khi có giá thị trường cao, đủ bù đắp đủ chi phí và đảm bảo hiệu quả tối ưu.
– Dữ liệu của công ty cho thấy, chỉ có 2/7 nhà máy điện là thuỷ điện Đakđrink và Cà Mau 1&2 vượt kế hoạch sản lượng trong tháng, lần lượt 112% và 2%, đồng thời vượt kế hoạch doanh thu tháng lần lượt 95% và 25%. Các nhà máy điện như Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 thậm chí chỉ đạt sản lượng dưới 50%.
– Về tình hình đầu tư dự án NMĐ Nhơn Trạch 3 – 4, PV Power cho biết gói thầu EPC đã mở thầu ngày 23/8, ban quản lý dự án điện đang đánh giá hồ sơ dự thầu, thu xếp vốn, đàm phán hợp đồng mua bán khí và điện theo đúng tiến độ.
– Về công tác sản xuất kinh doanh điện trong tháng 10, công ty đặt mục tiêu sản lượng điện dự kiến trong tháng là hơn 1.442 triệu kWh, tăng 64% so với tháng trước, và doanh thu kế hoạch đạt 2.031 tỷ đồng, tăng 57,4%.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0