Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.10.2020 – Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số vào tài khóa 2021

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/10/2020    516

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/10/2020

1. Vĩ mô thế giới

COVID-19 tái lây nhiễm ở Trung Quốc sau tuần lễ vàng, Ấn Độ vượt 7 triệu ca

Sau kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài hơn 1 tuần, Trung Quốc phát hiện 4 ca mắc COVID-19 lây lan trong cộng đồng ở Thanh Đảo, ghi nhận lây nhiễm từ người bệnh không có triệu chứng.

Những ca nhiễm mới được thông báo ngay khi Trung Quốc vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài hơn 1 tuần. Đây là kỳ nghỉ lễ lớn đầu tiên ở Trung Quốc kể từ sau khi dịch bệnh bùng phát cuối năm 2019. Kỳ nghỉ được xem như thuốc thử đối với Trung Quốc trong hành trình đưa cuộc sống trở lại bình thường. Quốc gia này đã khống chế thành công dịch bệnh dù là nơi bùng phát.

Trong khi đó, theo số liệu mới nhất được công bố, Ấn Độ đã vượt lên trở thành quốc gia có số ca mắc Covid-19 lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ với hơn 7 triệu ca mắc. Thậm chí, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới có thể sớm soán ngôi Mỹ trở thành ổ dịch Covid-19 tồi tệ nhất hành tinh.

Nhật Bản: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số vào tài khóa 2021

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang lên kế hoạch thử nghiệm đồng tiền kỹ thuật số (CBDC) vào đầu tài khóa 2021. BOJ dự định sẽ thiết lập một hệ thống trên Internet để thử nghiệm các chức năng cơ bản của CBDC, trong đó có việc phát hành và lưu hành đồng tiền kỹ thuật số này.

Quá trình thử nghiệm sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn, trong đó giai đoạn cuối cùng có sự tham gia của các cơ sở kinh doanh tư nhân và người tiêu dùng nhằm kiểm tra tính khả thi và độ an toàn của đồng tiền kỹ thuật số này với tư cách là một phương tiện thanh toán song song với tiền mặt.

Trong thử nghiệm này, BOJ giả định các tổ chức tài chính tư nhân sẽ thực hiện chức năng trung gian đối với CBDC do ngân hàng trung ương phát hành, và đồng tiền kỹ thuật số này sẽ được sử dụng rộng rãi bởi người tiêu dùng, các công ty, các tổ chức và cá nhân khác.

Mỹ sẽ mua 300,000 liều kháng thể từng giúp Trump trị COVID-19

Leonard Schleifer, CEO của công ty công nghệ sinh học Regeneron có trụ sở tại New York, trong cuộc phỏng vấn hôm nay cho biết 300,000 số liều kháng thể thử nghiệm được sản xuất theo hợp đồng trị giá 450 triệu USD được công ty ký với chính phủ Mỹ hồi mùa hè.

Hỗn hợp kháng thể REGN-COV2 được Regeneron điều chế và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng từ ngày 11/6. Tổng thống Mỹ Donald Trump là một trong số ít những người được tiêm kháng thể này nhưng không nằm trong chương trình thử nghiệm lâm sàng, theo chính sách “sử dụng khẩn cấp” do chính phủ Mỹ đề xuất.

Trong cuộc phỏng vấn tuần trước, Schleifer thừa nhận việc để Tổng thống Trump tiêm REGN-COV2 là “cực chẳng đã”, bởi công ty luôn cố gắng duy trì các nguyên tắc trong quá trình thử nghiệm, cho đến khi thuốc được phê chuẩn rộng rãi hơn.

2. Vĩ mô Việt Nam

Việt Nam ngày càng phải nhập nhiều than, khí

Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương gửi Quốc hội liên quan đến việc phát triển ngành năng lượng của Việt Nam trong các năm tới cho thấy, Việt Nam đang chuyển dịch rất mạnh mẽ từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu ròng năng lượng, kể cả các nguồn năng lượng sơ khai.

Riêng với lĩnh vực điện, theo tính toán cân đối trong Qui hoạch điện VII điều chỉnh, tổng nhu cầu than cho sản xuất điện giai đoạn 2016-2030 lên khoảng 1,4 tỷ tấn. Trong đó, nhu cầu than trong nước khoảng 735 triệu tấn. Nhu cầu than nhập khẩu khoảng 650 triệu tấn.

Tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, trong giai đoạn 2010 – 2019, sản lượng khí khai thác về bờ phục vụ cho các hộ tiêu thụ luôn duy trì mức 8,5 – 10,2 tỷ m3 khí/năm. Do sự suy giảm của các mỏ khí khu vực Đông Nam bộ từ sau năm 2022 sản lượng khí Đông Nam bộ sẽ suy giảm rất nhanh từ mức 11 tỷ m3 năm 2022 giảm xuống còn gần 3 tỷ m3 năm 2030. Điều này đồng nghĩa, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện.Lượng LNG nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Bộ Tài chính đề xuất giảm giá nước sạch

Bộ Tài chính đang gửi xin ý kiến dự thảo Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch.. Theo dự thảo, khung giá nước sạch sinh hoạt áp dụng cho bán buôn và bán lẻ nước sạch (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) được quy định theo 3 loại.

Cụ thể, hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực đô thị và khu công nghiệp có giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3 và giá tối đa là 18.000 đồng/m3. Hệ thống cấp nước tập trung hoàn chỉnh khu vực nông thôn có giá tối thiểu là 2.000 đồng/m3 và giá tối đa là 11.000 đồng/m3. Công trình cấp nước phi tập trung, công trình cấp nước nhỏ lẻ, công trình cấp nước tự chảy có giá tối thiểu là 500 đồng/m3 và giá tối đa là 7.000 đồng/m3.

PMI tháng 9 đạt 52.2 điểm, quay lại vùng tăng trưởng

Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (Purchasing Managers’ Index – PMI) của Việt Nam đã tăng trở lại trên ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 9 khi đạt 52.2 điểm so với 45.7 điểm của tháng 8. Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh đã cải thiện lần đầu trong ba tháng, và đây là mức cải thiện đáng kể nhất kể từ tháng 7/2019.

Các số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy việc kiểm soát đại dịch Covid-19 là nhân tố chủ chốt hỗ trợ cải thiện các điều kiện kinh doanh, sau khi số ca nhiễm bệnh tăng lên trong kỳ báo cáo trước.

Số ca nhiễm bệnh giảm đã góp phần đẩy mạnh nhu cầu khách hàng, từ đó làm tăng mạnh số lượng đơn đặt hàng mới. Số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng trong tháng 9, và đây là lần tăng đầu tiên kể từ tháng 1.