Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 13.05.2021 Doanh nghiệp logistics kinh doanh khởi sắc trong quý 1

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/05/2021    3834

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 13/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• CPI lõi của Mỹ tăng mạnh cao nhất kể từ 1982, mối lo ngại lạm phát dâng cao
– Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Diễn biến này khiến mối lo ngại về lạm phát càng trở nên căng thẳng hơn.Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4, CPI nước này tăng 0,8% so với tháng trước, trong bối cảnh giá ô tô đã qua sử dụng tăng lên mức kỷ lục. Không bao gồm các loại thực phẩm và năng lượng thường chứng kiến tình trạng giá biến động, CPI cốt lõi đã tăng 0,9% so với tháng 4. Mức tăng này diễn ra trên diện rộng và là mức cao nhất kể từ năm 1982.
– Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cho biết áp lực giá gia tăng đến từ sự hồi phục của chi tiêu và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung sẽ chỉ có tác động “nhất thời” đối với lạm phát. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với nhận định này. Kỳ vọng của thị trường trái phiếu về tốc độ lạm phát giá tiêu dùng trong 5 năm qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2006 vào đầu tuần này.
– Đánh giá: Trong khi các nhà sản xuất đối mặt với thách thức, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên cũng giúp các công ty tự tin hơn về việc họ có thể “gánh chịu” một số chi phí mới. Nếu tiếp tục duy trì, tình trạng “nút thắt cổ chai” trong hoạt động sản xuất có thể sẽ tạo ra rủi ro lạm phát tăng cao.

2. Thông tin Việt Nam

• Lãi suất liên ngân hàng vọt lên cao nhất 2 tháng
– Theo ghi nhận từ một thành viên tham gia thị trường phiên 11/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND nhích nhẹ 0,01 – 0,03 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên đầu tuần. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm dừng ở mức 0,19%; 1 tuần 1,27%; 2 tuần 1,34% và 1 tháng 1,42%. Như vậy, lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn này đã vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm tới nay và cao hơn mức trung bình của cả năm 2020 (dưới 1,15%). Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2/2021 tới nay.
– Hiện tại tín dụng đang tăng tương đối mạnh. Tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức 3,34% so với thời điểm đầu năm, cao hơn rất nhiều so với mức 1,14% của cùng kỳ năm
trước. Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3 mới chỉ đạt 0,54%.
– Đánh giá: Nhiều khả năng, cầu vốn tăng mạnh trong khi mức tăng cung vốn lại thấp, không đáp ứng nhu cầu nên đã tạo áp lực lên diễn biến của lãi suất liên ngân hàng như trên. Tuy
nhiên, với diễn biến phức tạp từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nhiều địa phương, dự kiến nhu cầu vốn sẽ giảm bớt và lãi suất liên ngân hàng sớm ổn định trở lại. Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng tăng như trên, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mức lãi suất hỗ trợ trên kênh cầm cố mà Ngân hàng Nhà nước đang đưa ra (2,5%). Do đó, nhà điều hành duy trì chào thầu 1.000 tỷ đồng mỗi phiên, song không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận khoản vốn này.

• Phí chồng phí sẽ thêm gánh nặng cho doanh nghiệp
– Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, hơn 70% lượng hàng thủy sản xuất nhập khẩu đang tập trung tại các cảng biển của Tp.HCM. Hội
đồng Nhân dân Tp.HCM đã thông qua Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND (Nghị quyết số 10) về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Tp.HCM (có hiệu lực từ 01/7/2021). VASEP cho rằng việc tăng thu phí hạ tầng cảng biển đối với doanh nghiệp ngoại tỉnh khiến cho phí chồng thêm phí, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì khủng hoảng kinh tế do Covid-19.
– Theo báo cáo tại cuộc họp của các đơn vị chức năng của Tp.HCM mới đây, mức tăng thu phí hạ tầng cảng biển đối với doanh nghiệp ngoại tỉnh của Thành phố là nhằm để bảo trì và mở rộng đường bộ, xây dựng cầu, phát triển kết cầu hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện nay, các doanh nghiệp đều phải nộp nhiều loại phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng, như: các phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT… Chỉ tính riêng phí BOT, hiện nay doanh nghiệp đã gánh thêm một khoản lớn tiền phí vận chuyển khi đi qua các trạm BOT.
– Đánh giá: Việc thu phí theo Nghị quyết số 10 chưa phù hợp khi doanh nghiệp đang phải trả rất nhiều chi phí phục vụ mục tiêu xây dựng, mở rộng cơ sở hạ tầng của các địa phương… Hầu hết, tất cả các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu nói chung đều có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để chế biến, gia công hàng và tái xuất thành phẩm. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải chịu hai lần phí: một lần cho cont. hàng nhập khẩu và một lần cho cont. hàng xuất khẩu. Các chi phí logistics của Việt Nam cũng đang ở mức cao so với các nước trong khu vực, làm giảm sức cạnh tranh đáng kể của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam nói chung

• Đường nhập khẩu tăng mạnh khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa
– Ngày 12/5, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức buổi tham vấn công khai (theo hình thức trực tuyến) về vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan (mã số vụ việc: AD13-AS01). Theo đó, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%. Do đó, mức thuế chống bán phá
giá, chống trợ cấp tạm thời với các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan là 48,88%. – Tuy nhiên, sau khi cân nhắc tác động kinh tế – xã hội theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người nông dân, ngành sản xuất, chế biến đường trong nước (gồm cả tạo điều kiện về nguyên liệu cho sản xuất), người tiêu dùng; căn cứ trên thông tin thu thập, tính toán được trong quá trình điều tra, ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các bên liên quan khác, Bộ Công Thương quyết định tạm thời thu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường thô có xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.Theo Bộ Công Thương, mức thuế này sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu đường tinh luyện, đường trắng sang nhập khẩu đường thô để lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức cao hơn
– Đánh giá: Kết quả điều tra vụ việc của Bộ Công Thương, cho thấy thời gian qua ngành sản xuất đường mía Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề. Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động. Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Doanh nghiệp logistics kinh doanh khởi sắc trong quý 1
– Nhóm hỗ trợ vận tải kho bãi tăng phi mã. Đứng đầu bảng xếp hạng trong nhóm hỗ trợ vận tải là Đại lý Vận tải SAFI (HOSE: SFI) với lãi ròng đạt gần 20 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ) do không trích lập dự phòng khoản đầu tư tài chính và doanh thu tăng nhờ giá cước vận chuyển quốc tế và số lượng lô hàng tăng. Với kết quả này, SFI đã thực hiện được 29%
chỉ tiêu lãi ròng đề ra trong năm 2021.
– Hay như Transimex (HOSE: TMS) cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đồng loạt tăng mạnh trong quý đầu năm 2021, đạt 1,085 tỷ đồng và 99 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 đối nghịch nhau với gần 3,315 tỷ đồng doanh thu (giảm 3%) và lãi trước thuế đạt hơn 425 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước). Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, giải thích lý do tại sao lại có sự ngược chiều giữa doanh thu và lợi nhuận, Chủ tịch HĐQT TMS – ông Bùi Tuấn Ngọc chia sẻ một số khoản lợi nhuận từ năm trước sẽ được ghi nhận vào BCTC quý 2/2021, nhờ đó nâng cao mức lợi nhuận ghi nhận trong năm 2021. Còn việc đặt mục tiêu doanh thu giảm, ông Ngọc cho biết năm 2020, trong khi các ngành khác chịu thiệt hại vì dịch bệnh thì TMS phần nào được hưởng lợi, dẫn đến ghi nhận mức doanh thu lớn trong năm trước. Đến năm 2021, dù kết quả kinh doanh quý 1 tương đối khả quan, một số công ty liên kết ghi nhận doanh thu kỷ lục nhưng Công ty chưa dám chắc tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục đi đúng dự báo. Vì vậy, trên cơ sở thận trọng, Công ty đã đặt mục tiêu doanh thu thấp hơn so với năm 2020.
– Nhờ lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường và lợi nhuận khác tăng, Gemadept (HOSE: GMD) cũng báo lãi ròng tăng 29%, đạt hơn 147 tỷ đồng trong quý 1. Về cơ cấu doanh thu, hoạt động khai thác cảng chiếm 85% tổng doanh thu của GMD, còn lại đến từ hoạt động logistics và cho thuê văn phòng.

• MSB tiên phong áp dụng phương pháp Basel II nâng cao và Basel III
– Sau khi hoàn thành sớm trước thời hạn 1 năm cả 3 trụ cột theo chuẩn Basel II vào quý I/2020, MSB tiếp tục là ngân hàng tiên phong trên hành trình phát triển và hoàn thiện nền tảng quản trị rủi ro hiện đại theo chuẩn quốc tế. Đối với rủi ro thị trường, MSB áp dụng
cách tính vốn theo phương pháp nâng cao Internal Model Approach (IMA 2019) bằng mô hình nội bộ Value At Risk (VaR). Theo đó, mô hình VaR sử dụng biến động tỷ giá, lãi suất tại thị trường Việt Nam hàng ngày để tính toán kịch bản lãi lỗ tiềm ẩn giả định thay vì kịch bản cố định như phương pháp tiêu chuẩn Standardized Approach (SA). Tính tương quan của các đối tượng (sản phẩm, đồng tiền) khi đo lường Rủi ro tập trung của danh mục tự doanh hay việc điều chỉnh giá thận trọng (Prudent Valuation) cũng được MSB xem xét, nghiên cứu kĩ càng dựa trên các chuẩn mực quốc tế trước khi đưa vào áp dụng thử nghiệm.
– Về quản lý rủi ro thanh khoản, MSB đã định vị khả năng thanh khoản của ngân hàng theo chuẩn quốc tế thông qua các công cụ giám sát khả năng chống đỡ rủi ro thanh khoản ngắn hạn (Liquidity coverage ratio – LCR) và khả năng chống đỡ rủi ro thanh khoản dài hạn (Net stable funding ratio – NSFR). Đây là bước tiến chủ động của MSB để hội nhập và đón đầu Basel III, nâng cao công tác quản trị rủi ro thanh khoản nội bộ, sẵn sàng và linh hoạt triển khai trong tương lai nếu Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định và thể chế cụ thể.
– Chia sẻ về cột mốc này, ông Nguyễn Hoàng Linh – Tổng Giám đốc MSB đánh giá: “Việc triển khai Basel II nâng cao, đón đầu Basel III là động lực cũng như nền tảng vững vàng để MSB đảm bảo sự cân bằng giữa yếu tố tăng trưởng và tính bền vững, chất lượng trong hoạt động. Tiếp nối bước đà sẵn có, MSB sẽ luôn nỗ lực để giữ vị trí tiên phong trên thị trường khi áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong quản lý rủi ro, góp phần ngăn ngừa tổn thất và nâng cao tính bền vững của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, cùng với kế hoạch triển khai các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế về ghi nhận và đo lường các công cụ tài chính – IFRS9 trong năm 2021, MSB tin tưởng sẽ nâng cao năng lực quản trị, minh bạch trong quản lý rủi ro đối với các đối tác và nhà đầu tư quốc tế, đẩy mạnh hiệu quả sử dụng vốn, quản trị và điều hành hoạt động kinh doanh phát triển một cách chủ động, minh bạch, an toàn và bền vững hơn”.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ