Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 12.11.2021 | SK rót thêm 340 triệu đô la vào nền tảng bán lẻ của Masan

Nhận định Thị trường hàng ngày 12/11/2021    78148

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 12/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• CPI Mỹ tăng mạnh nhất 30 năm
– Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 12/1990, Bộ Lao động Mỹ hôm nay cho biết, vượt dự báo tăng 5,9% từ Dow Jones. So với tháng 9, CPI tháng 10 tăng 0,9%, vượt dự báo tăng 0,6%. CPI lõi, loại bỏ biến động giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với dự báo tăng 0,4%. So với cùng kỳ năm trước, CPI lõi tháng 10 tăng 4,6%, vượt dự báo tăng 4% và là cao nhất kể từ tháng 8/1991.
– Giá nhiên liệu tăng 12,3% trong tháng 10, giá năng lượng chung tăng 4,8%, lần lượt tăng 59,1% và 30% trong 12 tháng trước đó. Giá phương tiện đã qua sử dụng là một yếu tố thúc đẩy CPI đáng kể, tăng 2,5%, giá phương tiện mới tăng 1,4%. Giá thực phẩm tăng 0,9%.
– Giá tăng đồng nghĩa người lao động bị bỏ lại xa hơn. Bộ Lao động Mỹ cho biết lương thực tế sau lạm phát giảm 0,5% từ tháng 9 đến tháng 10, lương trung bình theo giờ tăng 0,4% bị lu mờ trước CPI.
– Các nhà lập chính sách như chủ tịch Fed Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đó giữ quan điểm áp lực tăng giá hiện tại chỉ là tạm thời, liên quan đến Covid-19. Dù thừa nhận lạm phát kéo dài hơn dự báo, họ cho rằng tình hình sẽ bình thường trở lại trong năm sau.
– Lạm phát tăng có thể khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn kế hoạch. Thị trường dự báo có hai đợt tăng lãi suất trong năm 2022, xác suất 44% xảy ra lần tăng thứ ba.

2. Thông tin Việt Nam

• Giá quặng sắt xuống thấp nhất 1 năm
– Giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên sàn giao dịch Đại Liên, Trung Quốc ngày 10/11 ở mức 536,5 nhân dân tệ/tấn (83,6 USD/tấn), mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.Trên sàn giao dịch Singapore, giá quặng sắt trong hợp đồng giao tháng 12 là 87,2 USD/tấn, giảm 4% so với ngày 9/11.
– Các nhà phân tích của Zhongzhou Futures nhận định việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép đã dập tắt kỳ vọng nhu cầu quặng sắt sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tồn kho tại các cảng ở Trung Quốc là 145,1 triệu tấn trong tuần trước, cao nhất trong 31 tháng. Theo SteelHome, khả năng trong thời gian tới, tồn kho còn tiếp tục tăng.
– Cuộc khủng hoảng thanh khoản trầm trọng trong lĩnh vực bất động sản, đặc biệt liên quan đến vụ Evergrande, khiến nhu cầu thép giảm vì ngành bất động sản là mảng chiếm đến 1/4 nhu cầu thép của Trung Quốc.
– Ông Daniel Hynes, chuyên gia chiến lược hàng hóa cấp cao của ANZ, cho rằng tiêu thụ yếu từ ngành bất động sản khiến giá quặng trong các hợp đồng tương lai đi xuống. Dựa vào những diễn tiến trên thị trường, Fitch Solutions đã thay đổi dự báo giá quặng sắt. Cụ thể, tổ chức này cho rằng giá quặng trong năm nay và 2022 lần lượt là 155 USD/tấn và 110 USD/tấn so với mức 170 USD/tấn và 130 USD/tấn.
– Về dài hạn, Fitch nhận định giá quặng sẽ xuống còn 65 USD/tấn vào 2025 và 52 USD/tấn vào 2030. “Chúng tôi cho rằng giá quặng sẽ tiếp tục giảm vì tốc độ tăng trưởng sản xuất thép của Trung Quốc hạ nhiệt và sản lượng cao hơn từ các nhà máy toàn cầu”, Fitch đánh giá.

• Cán cân thương mại đảo chiều ngoạn mục từ thâm hụt sang xuất siêu
– Số liệu thống kê sơ bộ mới được Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, kỳ 2 tháng 10 (từ ngày 16 đến ngày 31/10) đạt 28,72 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 2,58 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2021.
– Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10/2021 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng đầu năm đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% (tương ứng tăng 99,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
– Trong kỳ 2 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,64 tỷ USD, qua đó đưa con số xuất siêu trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 120 triệu USD. Mặc dù kết quả xuất siêu còn khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là dấu hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh nhập siêu nhiều tháng liên tiếp trước đó.
– Các nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 704 triệu USD, tương ứng tăng 40,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 629 triệu USD, tương ứng tăng 25,5%; giày dép các loại tăng 166 triệu USD, tương ứng tăng 43,1%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 153 triệu USD, tương ứng tăng 38,4%, thủy sản tăng 120 triệu USD, tương ứng tăng 31%.
– Tính đến hết tháng 10, xuất khẩu của Việt Nam đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 40,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
– Về nhập khẩu, kỳ 2 tháng 10 đạt 13,04 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 59 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2021. Nhập khẩu kỳ 2 tháng 10 tăng ở một số nhóm hàng quan trọng như: điện thoại các loại và linh kiện tăng 286 triệu USD, tương ứng tăng 33,3%; xăng dầu các loại tăng 72 triệu USD, tương ứng tăng 53,1%.
– Tính hết tháng 10, nhập khẩu của cả nước đạt gần 269,65 tỷ USD, tăng 28,3% (tương ứng tăng 59,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
– Bộ Công thương đã đưa ra dự báo xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt 600 tỉ USD trong năm nay, tức tăng hơn 10% so với năm 2020 (đạt 545,4 tỷ USD). Để đạt được con số này, Bộ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động xúc tiến thương mại ra các nước đặc biệt từ nay đến cuối năm. Việt Nam đang có thuận lợi khi khai thác hiệu quả các hiệp định tự do thương mại (FTA) và nhu cầu thị trường đang tăng vào dịp mua sắm cuối năm, đặc biệt là nhóm hàng doanh nghiệp trong nước đang có lợi thế.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 11/11/2021 tương đối thận trọng. Chỉ số liên tục giằng co trên tham chiếu và bất ngờ giảm hơn 15 điểm sau đó, dưới áp lực giảm của chỉ số VN30. Tuy nhiên, lực cầu xuất hiện ở vùng giá thấp giúp kéo chỉ số hồi về tham chiếu trước khi bước vào giờ nghỉ trưa. Sang phiên chiều, VN-Index tiếp tục nới rộng sắc xanh, có lúc chỉ số này tăng gần 8 điểm. Trong khi hai chỉ số Mid Cap và Small Cap vẫn đang hết sức tích cực thì nhóm vốn hóa lớn lại giảm mạnh về cuối phiên, khiến VN-Index giảm 2,67 điểm khi kết phiên, xuống còn 1.462,35 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, HPG, GAS và VHM là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index khi lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, GVR, PLX và DIG là những mã có đóng góp tích cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 57% so với phiên trước. HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị 295 tỷ đồng. Các mã VHM, GEX hay VND đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, KDH được mua ròng mạnh nhất với 54 tỷ đồng. DBC cũng được mua ròng 22 tỷ đồng.
– Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu thép tiếp tục có phiên điều chỉnh giảm. Trong đó, HSG giảm 2,2%, HPG giảm 2,35%, NKG giảm 3,4%.
– Ở nhóm bất động sản, các cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục hút tiền với nhiều mã tăng mạnh trong phiên. Nổi bật trong đó là NLG, DIG đồng thời tăng trần, PDR và KDH cùng bật tăng mạnh mẽ hơn 3%.
– Trong khi nhóm cổ phiếu liên quan bất động sản tăng bứt phá thì cổ phiếu ngân hàng lại đảo chiều giảm khá sâu. Hầu hết cổ phiếu ngân hàng giảm giá hôm nay trong đó BVB, MSB, OCB, NAB giảm sâu.
– Cơ hội trên thị trường vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ khi các chỉ số VNMidcap và VNSmallcap đều lập các đỉnh cao mới. Trong khi đó các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn tiếp tục chịu áp lực bán mạnh. Với diễn biến như trên, khả năng dòng tiền còn tiếp tục dịch chuyển khỏi nhóm VN30, bên cạnh đó thanh khoản thị trường gia tăng trong những phiên giảm điểm gần đây cho thấy rủi ro điều chỉnh ngắn hạn đang lớn dần.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vĩnh Hoàn báo doanh thu xuất khẩu tháng 10 đạt 780 tỷ đồng, tăng 6%
– Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) thông báo doanh thu xuất khẩu tháng 10 đạt 780 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19% so với tháng trước. Doanh thu cá tra tăng 11% đạt 596 tỷ đồng và sản phẩm phụ tăng 18% đạt 121 tỷ đồng, các sản phẩm khác giảm.
– Xét về thị trường, Mỹ tiếp tục ghi nhận phục hồi ấn tượng khi tăng 95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 37% so với tháng trước đạt 473 tỷ đồng. Doanh thu tại Trung Quốc giảm 53% so với cùng kỳ năm trước, châu Âu giảm 15% và các thị trường khác giảm 30%.
– Lũy kế 10 tháng, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu 6.899 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Mỹ, doanh thu đạt 3.014 tỷ đồng, đóng góp tỷ trọng 43,4%. Doanh nghiệp vừa công bố BCTC hợp nhất quý III với doanh thu 2.231 tỷ đồng, tăng 24%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 13% lên 18% đã giúp lợi nhuận ròng tăng 46% đạt 256 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu 6.361 tỷ đồng, tăng 25%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 647 tỷ đồng, tăng 17%. Đơn vị thực hiện 74% kế hoạch doanh thu và 92% kế hoạch lợi nhuận năm.

• MCH: SK rót thêm 340 triệu đô la vào nền tảng bán lẻ của Masan
– Ngày 11-11, Tập đoàn Masan cho biết đã ký kết thỏa thuận mua lại cổ phần của The CrownX (TCX) với tổng giá trị tiền mặt là 345 triệu đô la Mỹ, trong đó SK Group đầu tư 340 triệu đô la. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Masan và SK tại TCX lần lượt là 85,0% và 4,9%. Masan còn cho biết có thể gia tăng tỉ lệ sở hữu tại TCX trong thời gian tới.
– Thành lập giữa năm 2020, The CrownX sở hữu nền tảng bán lẻ tiêu dùng WinCommerce (WCM, đổi tên từ VinCommerce) và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer Holdings – MCH).
– Ông Danny Le, Tổng giám đốc của Masan Group chia sẻ thỏa thuận đầu tư này cho thấy SK Group đang đặt niềm tin vào mô hình “mini-mall” được Masan tăng tốc triển khai trên quy mô toàn quốc.
– Mô hình này là sự kết hợp của các thương hiệu như WinMart+ (nhu yếu phẩm), kiosk Phúc Long (trà và cà phê), dược phẩm và Techcombank (tiện ích tài chính) và Mobicast (nhà mạng di động mới).
– Trước đó, hồi tháng 5, nhóm các nhà đầu tư trong đó có Alibaba và Baring Private Equity Asia, chi 400 triệu đô la Mỹ để sở hữu 5,5% cổ phần The CrownX của Masan, với điểm nhấn là thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa hệ thống bán lẻ WinCommerce và Lazada, nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba.
– Trong khi đó, SK được xem là nhà đầu tư “gắn bó” với Masan với tổng giá trị đầu tư công bố hơn 1,2 tỉ đô la. Hồi tháng 4 vừa qua, Masan đã công bố thương vụ SK Group mua lại 16,26% số cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu đô la. Trước đó, vào tháng 10-2018, SK Group đầu tư khoảng 470 triệu đô la để trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất của Masan.
– Theo báo cáo của Masan, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) của TCX đạt 4.774 tỷ đồng, tăng 185,5% so với cùng kỳ. Xét riêng mảng bán lẻ WCM thì quí 3 là quí đầu tiên WCM ghi nhận lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông dương, sau 7 quí kể từ lúc được Masan mua lại. Còn MCH ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt ở mức 14,3% và 28,7% so với cùng kỳ.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall