Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 12.10.2021 | PNJ Dự kiến lỗ ròng 140 tỷ đồng quý III/2021, lợi nhuận cả năm âm 9,2%

Nhận định Thị trường hàng ngày 12/10/2021    62697

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 12/10/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Sau Trung Quốc, Ấn Độ có thể đối mặt với khủng hoảng điện nghiêm trọng
– Mới đây nhất, thủ hiến Delhi, ông Arvind Kejriwal, cảnh báo thủ đô của Ấn Độ có thể đứng trước nguy cơ khủng hoảng điện do thiếu than. Ông cũng đã gửi thư tới Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và nêu rõ tình trạng thiếu than đang diễn ra tại một nhà máy điện bên trong và xung quanh Delhi.
– Nhu cầu điện để sản xuất công nghiệp gia tăng trở lại tại Ấn Độ sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 2. Hoạt động kinh tế tăng đã khiến lượng than tiêu thụ cũng tăng theo. Tuy nhiên, nguồn cung cấp than của Ấn Độ lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thời tiết, khi mưa khiến hoạt động khai thác và vận chuyển giữa các khu vực ngày càng trở nên khó khăn.
– Thiếu than gây mất điện tại nhiều bang như Bihar, Rajasthan và Jharkhand. Người dân ở các bang này phải chịu cảnh mất điện đến 14 giờ/ngày. Hơn 1/2 trong số 135 nhà máy nhiệt điện, cung cấp khoảng 70% lượng điện của nước này, có lượng dự trữ than chỉ đủ dùng chưa đầy 3 ngày.
– Ông Arvind Kejriwal cho biết đã hối thúc chính phủ liên bang cung cấp thêm than và khí đốt tới các nhà máy điện để đảm bảo nguồn cung cho Delhi.
– Trước tình trạng trên, Ấn Độ cho biết sẽ cung cấp khí đốt cho 2 nhà máy điện tại Delhi hoạt động. Tập đoàn thuộc chính phủ Ấn Độ NTPC cũng được yêu cầu tăng dự trữ than cho các nhà máy nhiệt điện từ bang Uttar Pradesh.
– Cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc hiện đã tác động sâu rộng đến toàn cầu, từ ngành sản xuất bìa giấy, thức ăn chăn nuôi đến sản xuất iPhone, ôtô. Và khủng hoảng này đang bắt đầu diễn ra tại Ấn Độ, điều này càng dấy lên những lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

• Giá lương thực toàn cầu tăng kỷ lục 10 năm qua
– Chỉ số giá lương thực thực phẩm của FAO đã tăng 130 điểm vào tháng 9, lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2011. Tổng cộng giá lương thực thực phẩm tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp chỉ số giá lương thực toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua.
– Theo phân tích của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, thực trạng giá lương thực tăng này chủ yếu do giá dầu thực vật, ngũ cốc và đường tăng cao. Nguyên nhân là bởi những khó khăn trong thu hoạch và nhu cầu gia tăng đối với các loại thực phẩm này. Cụ thể:
– Chỉ số giá dầu thực vật đã tăng 1,7% chỉ trong tháng 9/2021, với mức tăng so với cùng kỳ năm 2020 là khoảng 60%, dẫn đầu là giá dầu cọ cao hơn do lo ngại về tình trạng thiếu lao động ở Malaysia.
– Chỉ số giá ngũ cốc tăng 2%, trong đó lúa mì tăng nhiều nhất do nguồn cung xuất khẩu giảm trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu tăng mạnh.
– Chỉ số giá đường tăng 0,5%, chủ yếu do thời tiết xấu ở Brazil, nước xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng giảm sản lượng đường ở Brazil có thể được bù đắp bởi triển vọng sản xuất đường thuận lợi ở Ấn Độ và Thái Lan
– Chỉ số giá các sản phẩm sữa trong tháng 9 cũng tăng lên, với sữa bột gầy và bơ có mức tăng lớn.
– Và cuối cùng, Chỉ số giá thịt tiếp tục tăng trong tháng thứ 12 liên tiếp, trong đó tăng giá thịt cừu và thịt bò đứng đầu. Giá gia cầm giảm do nguồn cung trên thị trường toàn cầu tăng. Giá thịt lợn trên toàn cầu cũng giảm do nhu cầu nhập khẩu thấp từ cả Trung Quốc và châu Âu.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngân hàng thế giới (World Bank) gửi thư kiến nghị thủ tướng chính phủ về Dự thảo quy hoạch điện 8
– Mới đây nhất, ngân hàng Thế giới (World Bank) đã có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, khí hậu trong bản Dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương
– Nhằm mục đích đưa ra tín hiệu rõ ràng về cam kết và tiếp tục tham gia của Việt Nam trong thách thức toàn cầu, World Bank khuyến nghị Việt Nam thực hiện theo hai điều sau.
– Thứ nhất, Việt Nam cần đưa ra cam kết rõ ràng về mức phát thải cao nhất và số năm mục tiêu khí nhà kính bằng 0
– Thứ hai, Việt Nam nên thông báo rõ ràng về việc không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới và đưa ra tán thành với Hiệp ước Năng lượng không sử dụng điện than, mới được đưa ra tại buổi Đối thoại Cấp cao về Năng lượng của Liên Hợp Quốc
– World Bank tin rằng việc giảm thiểu carbon sẽ là “chìa khóa” thúc đẩy khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư FDI hơn, khi mà các tập đoàn lớn đang chú trọng hơn vào chuỗi cung ứng xanh và các sản phẩm xanh.
– Với tư cách là một nhóm các đối tác phát triển, World Bank cam kết sẽ hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho Chính phủ Việt Nam, nhằm thúc đẩy các khoản đầu tư công và tư nhân (bao gồm cả FDI) trong quá trình chuyển đổi và thích ứng năng lượng, đồng thời huy động tài chính xanh và tài chính khí hậu quốc tế.

• Doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 60.000 nhân lực mới trong những tháng cuối năm
– Đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt tại khu vực phía Nam. Đặc biệt, làn sóng di cư của người lao động lớn chưa từng có vẫn đang không ngừng diễn ra đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng tại các doanh nghiệp.
– Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến thời điểm hiện tại con số lao động tại thành phố đã giảm còn 46%. Do đó, việc thu hút nguồn lao động trở lại sản xuất đang là vấn đề lớn được các doanh nghiệp quan tâm
– Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV/2021 cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc. Nhu cầu tuyển dụng tập trung ở các nhóm nghề như: Kinh doanh – thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; du lịch – nhà hàng – khách sạn; công nghệ lương thực – thực phẩm.
– Mặt khác, ông cho biết để thu hút người lao động trở lại làm việc, bên cạnh đảm bảo các chế độ lương, thưởng và ưu đãi phù hợp, doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các “khu nhà trọ 0 đồng”, cùng với chính quyền địa phương hỗ trợ tiêm ngừa vắc xin, phối hợp với các doanh nghiệp vận tải tổ chức đón người lao động quay trở lại thành phố làm việc.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
– VN-Index tạo khoảng trống tăng giá sau khi phiên ATO và liên tục duy trì đà tăng giá trong phiên sáng. Đà tăng càng mạnh mẽ trong phiên chiều với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng giúp chỉ số vượt xa vùng đỉnh cũ tháng 08/2021 và kết phiên với mức tăng hơn 21 điểm. VN-Index vượt khỏi kháng cự 1.360-1.380 điểm với khối lượng giao dịch gia tăng mạnh.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng hơn 400 tỷ đồng sau 3 phiên bán ròng liên tiếp. FMC được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị hơn 200 tỷ đồng và chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. VRE và VHM đứng sau với giá trị mua ròng 113 tỷ đồng và 81 tỷ đồng. Chiều ngược lại, SBT bị bán ròng mạnh nhất với 74 tỷ đồng. VNM và NVL bị bán ròng lần lượt 53 tỷ đồng và 51 tỷ đồng.
– Về mức độ ảnh hưởng đến chỉ số VN-Index, VIC, TCB, CTG và HPG những mã có tác động tích cực nhất, với tổng cộng gần 10 điểm đóng góp. Trong khi đó, NVL và LGC là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất lên thị trường nhưng mức ảnh hưởng không đáng kể.
– Nhóm ngân hàng tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng 2,68%. Trong nhóm ngân hàng, ngoài SSB kết phiên đứng yên tại chỗ, toàn bộ 18 cổ phiếu ngân hàng còn lại đều kết phiên trong sắc xanh. Cổ phiếu TCB, MBB, VPB và ACB cùng nhau tăng ở mức trung bình 4%. Các cổ phiếu ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn như SHB, STB, HDB hay VIB có phiên giao dịch rất sôi động và kết phiên tăng giá.
– Cùng với ngân hàng, ngành vật liệu xây dựng cũng một trong những nhóm có mức tăng hơn 2%. Cổ phiếu HPG tăng 2,69%, HSG theo sau với mức tăng 0,42%, VCS tiến nhẹ 0,71%.
– Thị trường vượt đỉnh tháng 8 thành công nhờ dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng. VN-Index có cơ hội kiểm định đỉnh lịch sử khi thanh khoản đã có dấu hiệu tăng trở lại. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực hơn và dòng tiền có xu hướng tăng dần cho thấy xu hướng ngắn hạn sẽ bền vững hơn với mức kháng cự kế tiếp của chỉ số VN-Index là 1.410-1.420 điểm.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• PNJ: Dự kiến lỗ ròng 140 tỷ đồng quý III/2021, lợi nhuận cả năm âm 9,2%
– Trong quý III/2021, PNJ dự kiến chỉ đạt doanh thu thuần 1.130 tỷ đồng, theo ước tính của SSI Research. Doanh thu này giảm 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm gần 75% so với quý II/2021.
– Doanh thu giảm khiến trong quý 3/2021, công ty ghi nhận lỗ ròng 140 tỷ đồng (quý III/2020 lãi ròng 202 tỷ đồng). Như vậy, mức lỗ của riêng tháng 9/2021 vào khoảng 30 tỷ đồng. Trước đó, công ty báo lỗ 78 tỷ đồng trong tháng 8/2021 và lỗ 32 tỷ đồng trong tháng 7/2021.
– Nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận PNJ giảm mạnh trong quý 3 là do các đợt giãn cách xã hội kéo dài ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh miền Nam kể từ đầu tháng 7. Trong quý, PNJ đã đóng cửa 274 cửa hàng (chiếm 82% tổng số cửa hàng), trong khi doanh thu bán hàng trực tuyến chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng doanh thu.
– Mặc dù vậy, nhờ kết quả kinh doanh nửa đầu năm khá tốt (riêng quý II/2021 doanh thu tăng 62% và lợi nhuận tăng 606% so với cùng kỳ) nên ước tính cả năm, doanh thu của PNJ chỉ giảm nhẹ 1,8%, đạt 17.200 tỷ đồng, lợi nhuận giảm mạnh hơn ở mức 9,2%, chỉ còn 971 tỷ đồng. Điểm tích cực của PNJ là nhiều đối thủ đang phải thu hẹp hoặc đóng cửa, giúp doanh nghiệp này tiếp tục tăng thị phần.

• PV GAS – Ước tính lợi nhuận quý III/2021 đạt 2.298,9 tỷ đồng, giảm 11,8%
– Trong 9 tháng đầu năm 2021, GAS ước tính tổng doanh thu đạt 58.417 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế ước đạt 7.869 tỷ đồng, tăng 0,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.220 tỷ đồng, giảm 0,4% so với 9 tháng đầu năm 2020. Như vậy, so với mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay đạt 7.036 tỷ đồng, sau 9 tháng đầu năm, ước tính công ty hoàn thành 88,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
– Bên cạnh đó, nếu tính riêng trong quý III/2021, ước tính công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.298,9 tỷ đồng, giảm 11,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.861,2 tỷ đồng, giảm 10% so với quý III/2020.
– Trong 9 tháng đầu năm 2021, GAS cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huy động khí của khách hàng giảm, đặc biệt là huy động khí cho điện bằng khoảng 72% cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch của Bộ Công Thương giao, huy động khí Đông Nam bộ đạt khoảng 84%, Tây Nam bộ khoảng 70%.
– Trong lĩnh vực LPG, GAS sản xuất và cung cấp 1,5 triệu tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế 337.000 tấn), vượt 27% kế hoạch 9 tháng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn và khoảng 12% thị phần bán lẻ toàn quốc. GAS cũng sản xuất và cung cấp trên 47.000 tấn condensate, thực hiện 60% kế hoạch 9 tháng và tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0