Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 11.11.2020 – Giá xăng: 1 tháng 3 lần điều chỉnh, tiếp tục nộp quỹ bình ổn

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/11/2020    528

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Đông Nam Á có 40 triệu người lần dầu dùng Internet trong năm 2020, nền kinh tế số bùng nổ mạnh mẽ bất chấp đại dịch

Báo cáo vừa công bố của Google, Temasek Holdings và Bain & Company cho biết có khoảng 40 triệu người lần đầu tiên sử dụng internet vào năm 2020 ở 6 nước Đông Nam Á bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Đây cũng là con số kỷ lục, nâng tổng số người dùng Internet ở Đông Nam Á lên 400 triệu. Cũng theo báo cáo này, rất nhiều người dùng mới tới từ các khu vực không phải đô thị ở Malaysia, Indonesia và Philippines.

Đại dịch Covid-19 tạo ra một thách thức chưa từng có với tăng trưởng toàn cầu do các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp cũng như việc làm trên toàn thế giới. Dẫu vậy, báo cáo này dự báo lĩnh vực Internet của Đông Nam Á có thể chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, với thương mại điện tử tăng 63%.

Nhìn chung, các lĩnh vực Internet của Đông Nam Á vẫn đang trên đà cán mốc 300 tỷ USD vào năm 2025.

EU áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hoá của Mỹ vì trợ cấp Boeing

Ngày 9/11, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch áp thuế đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ có giá trị lên tới 4 tỷ USD liên quan việc Washington trợ cấp cho hãng sản xuất máy bay Boeing.

Trao đổi với báo giới, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis nêu rõ: “Mỹ đã áp thuế (đối với hàng hóa châu Âu) sau phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong vụ Airbus. Giờ đây, chúng tôi cũng có phán quyết của WTO đối với trường hợp Boeing, cho phép chúng tôi áp thuế (đối với hàng hóa Mỹ) và đó là những gì chúng tôi sẽ thực hiện”.

Hồi tháng 10, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO đã chính thức cho phép EU thực hiện các biện pháp trả đũa Mỹ vì trợ cấp bất hợp pháp dành cho hãng sản xuất máy bay Boeing của nước này. Phía Washington cho rằng các động thái thuế quan của EU không có cơ sở pháp lý nào vì các khoản trợ cấp cơ bản cho Boeing đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu lại lập luận rằng chỉ có WTO mới có thể quyết định về việc tuân thủ phán quyết và tổ chức này đã cho phép EU đáp trả.

Theo các nhà ngoại giao, EU sẽ áp thuế quan đối với các mặt hàng bao gồm máy bay và các bộ phận máy bay, trái cây, các loại hạt và một số nông sản khác, nước cam, một số loại rượu mạnh cùng những loại hàng hóa khác như thiết bị xây dựng hay bàn chơi casino.

2. Vĩ mô Việt Nam

Ngành du lịch thất thu 23 tỷ USD trong năm 2020

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm 2019 Việt Nam đón 19 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa, tổng thu 35 tỷ USD. Trong năm 2019, Việt Nam có hơn 30.000 cơ sở lưu trú, năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc so với năm 2015, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Du lịch Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 khu vực và tốp 10 nước phát triển du lịch nhanh nhất châu Á.

Tuy nhiên, năm 2020, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD, khi khách quốc tế giảm hơn 80%, trong nước giảm 50%. Thông tin do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến ngày 29/10 Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 10/2020 ước tính tăng 7,6% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 99,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại. Để bảo vệ người dân, cộng đồng, đồng nghĩa với đó, Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi kinh tế để an toàn. Tính ra, khi Việt Nam chưa mở cửa trở lại cho khách quốc tế, mỗi ngày ngành du lịch thất thu 3,75 triệu USD, tương đương 156.250 USD mỗi giờ.

TP. HCM phát hành 2,000 tỷ đồng trái phiếu

TP HCM sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung vốn ngân sách chi đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh vì dịch bệnh. Mệnh giá của trái phiếu là 100.000 đồng. Trong đó, kỳ hạn 15 năm dự kiến phát hành 500 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm phát hành 500 tỷ đồng; kỳ hạn 30 năm phát hành 1.000 tỷ đồng. Về lãi suất dự kiến phát hành kỳ hạn 15 năm là 3,47%; kỳ hạn 20 năm là 3,82%; kỳ hạn 30 năm là 4,05%. Nguồn vốn thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu được đảm bảo từ nguồn ngân sách thành phố.

Giám đốc Sở Tài chính TP HCM Phạm Thị Hồng Hà thông tin thêm, đây là việc cần thiết để huy động bổ sung nguồn vốn từ ngân sách nhằm chi đầu tư phát triển. TP HCM là địa phương duy nhất đủ điều kiện phát hành trái phiếu chính quyền địa phương bởi đáp ứng yêu cầu chặt chẽ và điều kiện thị trường thuận lợi. Đồng thời, bà cho biết dự kiến sau khi hoàn thành các thủ tục, ngày 24/12 TP HCM sẽ phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu này.

SCIC dự kiến chi 6,800 tỷ đồng vào Vietnam Airlines

Ông Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cho biết, Vietnam Airlines nhu cầu vốn cỡ 12.000 tỷ đồng, trong đó phương án đề xuất ngân hàng cho vay tái cấp vốn khoảng 4000 tỷ, còn 8000 tỷ sẽ thu hút cổ đông hiện hữu thông qua phát hành. Như vậy, giả sử phát hành theo mệnh giá, SCIC sẽ thay mặt Nhà nước đầu tư vào tương đương 85% của 8000 tỷ đó. Với con số đó, nếu được Chính phủ thì SCIC đã sẵn sàng có thể thực hiện được và không gặp bất cứ khó khăn nào ở thời điểm này.

Cho dù hiện nay SCIC chưa phải là cơ quan đại diện trực tiếp làm chủ sở hữu vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, mà là Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, các quy định pháp luật cho phép Ủy ban quản lý vốn báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan, các cấp thẩm quyền, chỉ định SCIC thay mặt cho Nhà nước thực hiện vai trò đại diện thông qua việc tăng vốn vào Vietnam Airlines.

3. Tin tức tài sản đầu tư

Giá xăng: 1 tháng 3 lần điều chỉnh, tiếp tục nộp quỹ bình ổn

Bộ Tài chính vừa có ý kiến gửi Bộ Công Thương góp ý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về kinh doanh xăng dầu.Theo đó, về thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương lựa chọn giảm thời gian từ 15 ngày xuống còn xoay quanh 10 ngày, giúp việc điều hành giá xăng dầu trong nước sát với giá xăng dầu thế giới, khắc phục được hạn chế mất cân đối cung cầu do độ trễ về giá trong trường hợp giá xăng dầu thế giới biến động tăng giảm nhanh trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, liên quan đến mức biến động giá cơ sở giữa hai kỳ điều hành giá liên tiếp cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Công Thương lựa chọn tăng mức biến động từ 7% lên 10%.

Về vấn đề gây ra nhiều tranh luận trái chiều từ trước đến nay liên quan đến việc bỏ hay giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo Bộ Tài chính, tuy còn một số ý kiến khác nhau nhưng từ kết quả thực tế, Quỹ bình ổn giá vẫn là công cụ kinh tế, là giải pháp có tính khả thi, hiệu quả và được thống nhất quy định từ Luật đến các văn bản dưới luật, góp phần bình ổn giá xăng dầu. Qua đó, góp phần ổn định mặt bằng giá cả chung.