Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 11.08.2021 | Thép Nam Kim chốt quyền chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20%

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/08/2021    33630

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Hàng không Trung Quốc ngấm đòn biến chủng Delta, tệ nhất từ đợt dịch bùng ở Vũ Hán
– Hiện công suất của ngành hàng không Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ tuần 8/2/2019. Số ghế mà các hãng hàng không Trung Quốc cung cấp đã sụt giảm mạnh nhất kể từ đầu đại dịch do nước này kích hoạt các biện pháp hạn chế đi lại để đối phó với số ca nhiễm biến chủng Delta tăng vọt.
– Dữ liệu từ OAG cho thấy đà giảm bắt đầu từ cuối tháng 7 đã khiến số chỗ ngồi giảm tới 32% chỉ trong 1 tuần. Mức giảm của Trung Quốc cũng khiến tổng số chỗ ngồi mà ngành hàng không toàn cầu có thể cung cấp giảm 6,5% trong 1 tuần. Ở khu vực châu Âu và Bắc Mỹ, hoạt động đi lại đã hồi phục nhưng rất chậm chạp.
– Làn sóng lây nhiễm mới giáng 1 đòn mạnh lên ngành du lịch Trung Quốc ngay tại thời điểm mùa du lịch cao điểm nhất. Từng có lúc vượt Mỹ trở thành thị trường hàng không lớn nhất thế giới nhờ Covid-19, giờ đây Trung Quốc đang phải chiến đấu với đợt bùng dịch rộng nhất kể từ khi virus lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán cuối năm 2019. Sau khi có ca nhiễm đầu tiên ở Nam Ninh, dịch bệnh đã lan ra hơn một nửa số tỉnh thành của Trung Quốc và khiến nước này phải thắt chặt đi lại. Hiện công suất của ngành hàng không đang ở mức thấp nhất kể từ tuần 8/2/2019.
– Biến chủng Delta khởi nguồn từ Ấn Độ nhưng đã nhanh chóng lây lan ra toàn thế giới và làm gián đoạn các kế hoạch tái mở cửa cũng như nỗ lực hồi phục kinh tế của Anh, Mỹ và cả liên minh châu Âu. Các nước châu Á như Thái Lan cũng đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm khủng khiếp. Công suất của ngành hàng không toàn cầu hiện đang ở mức 64% so với trước dịch. Sau khi tăng nhanh trong tháng 6 và tháng 7, công suất của thị trường Mỹ và châu Âu đang đi ngang.
– Giống như Trung Quốc, tại Mỹ đà hồi phục chủ yếu đến từ thị trường nội địa. Mặc dù đã mở cửa trở lại một phần các đường bay với châu Âu, vẫn chưa thể hồi phục công suất nhanh chóng vì các hãng đã cắt giảm sản lượng rất sâu trong đại dịch. Tuần trước hãng hàng không giá rẻ Frontier Airlines làm dấy lên những lo ngại mới khi thông báo số lượng đặt chỗ không như kỳ vọng vì biến chủng Delta.
– Theo Anne Agnew Correa, phó chủ tịch của MBA Aero, ngành hàng không chỉ có thể hồi phục mạnh mẽ nếu như các nước dỡ bỏ lệnh giới hạn đi lại và niềm tin hoàn toàn hồi phục. “Nhiều hãng đã hưởng lợi từ niềm tin trên thị trường nội địa tăng trở lại trong mùa hè vừa qua, nhưng họ vẫn bị ảnh hưởng lớn từ việc thị trường quốc tế gần như đóng băng”. EU đang xem xét áp đặt lại lệnh giới hạn khách du lịch từ Mỹ vào tuần tới do số ca nhiễm tại Mỹ tăng cao trở lại.

2. Thông tin Việt Nam

• Nếu bị EC áp ‘thẻ đỏ’, thủy sản Việt Nam sẽ mất gần 600 triệu đô la mỗi năm
– Nếu bị Ủy ban châu Âu (EC) thuộc Liên minh châu Âu (EU) quyết dịnh rút “thẻ đỏ” để phạt thì ngành thuỷ sản Việt Nam có thể mất gần 600 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, tổn thất trước mắt và trực tiếp ước tính lên đến 480 triệu đô la Mỹ. Đây là nội dung trong báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU): trường hợp Việt Nam” do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện.
– Theo đó, kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các quy định IUU và cảnh báo “thẻ vàng”, trong khi sản phẩm thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong trường hợp EC áp dụng “thẻ đỏ”, thì tác động trước mắt và trực tiếp đối với thủy sản Việt Nam, đó là lệnh cấm thương mại của EC. Khi đó, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu đô la Mỹ mỗi năm.Còn các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng xuất phát từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) khiến ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu đô la Mỹ.
– Như vậy, những tác động trực tiếp và gián tiếp từ việc EC áp dụng “thẻ đỏ” có thể khiến ngành thuỷ sản Việt Nam bị thiệt hại 573 triệu đô la Mỹ mỗi năm.
– Báo cáo của VASEP và WB công bố cũng cho thấy, về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó, khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng”, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA, thì cơ hội phục hồi và xuất khẩu vào EU trong những năm tới hoàn toàn có thể đạt mục tiêu 1,2-1,4 tỉ đô la Mỹ. Thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam về giá trị, chiếm khoảng 4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm gần đây dao động từ 8,5 đến gần 9 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, trong đó, thủy sản nuôi trồng đóng góp 60- 65%, thủy sản khai thác chiếm 35 – 40% giá trị.

• Kim ngạch thương mại Việt Nam – Mỹ vượt mức 50 tỉ đô la trong 6 tháng đầu năm
– Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ đạt 45,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 44,7% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt 7,63 tỉ đô la, tăng 9%.
– Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính chung trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại Việt Nam và Mỹ đạt 53,21 tỉ đô la Mỹ, trong đó Việt Nam xuất siêu gần 38 tỉ đô la Mỹ. Nhóm hàng mà Mỹ nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam là dệt may, da giày, gỗ, thủy sản… Trong số này nhóm hàng dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 7,61 tỷ đô la Mỹ, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm ngành dệt may khi chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
– Ngược lại, Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Mỹ Latin. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ đạt 7,63 tỉ đô la Mỹ, nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông, đậu nành và phế liệu sắt thép…
– Các chuyên gia kinh tế nhận định, cơ hội để hai nước tiếp tục gia tăng kim ngạch thương mại song phương trong thời gian tới là rất lớn. Động thái rõ ràng nhất là việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đồng thuận sẽ không ban hành bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày 19-7-2021 vừa qua.
– Ngoài ra, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng với các Bộ ngành Việt Nam đã thúc đẩy hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam – Mỹ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong thời gian qua, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam đã phối hợp tích cực với phía Mỹ nỗ lực xử lý nhiều vấn đề, đem lại kết quả cụ thể, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại song phương.
– Nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2016-2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng trưởng đến 230%, kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ cũng tăng 175%. Nếu chỉ tính riêng trong năm 2020, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa đôi bên đã vượt mốc 90 tỉ đô la Mỹ, mục tiêu của năm 2021 là đạt 100 tỉ đô la Mỹ. Đến hiện tại Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ và ngược lại Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index dao động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng tham chiếu trong phiên 10/08. Thanh khoản không thay đổi nhiều so với phiên trước cả về giá trị và khối lượng giao dịch và tiếp tục ở mức cao. Thị trường khởi đầu phiên giao dịch với sắc xanh chiếm ưu thế, trong đó nhiều cổ phiếu trụ cột đồng loạt tăng giá và kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index không duy trì được lâu khi áp lực bán chốt lời khá chủ động và dần chiếm ưu thế so với lực cầu, theo đó đã đẩy chỉ số chung đóng cửa tăng nhẹ so với phiên trước đó.
– Thị trường phiên 10/08 tiếp tục chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Trong khi nhóm Ngân hàng, Chứng khoán, Thép chịu áp lực chốt lời thì nhóm Cảng biển và Dầu khí lại thu hút dòng tiền khá mạnh. Trong khi đó hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn nhìn chung biến động trong biên độ hẹp quanh mức tham chiếu.
– Tiêu điểm trong phiên hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu dầu khí như PVD, PVS, GAS… khi nhóm này tăng giá khá mạnh kèm theo thanh khoản gia tăng. Trong khi đó hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn nhìn chung biến động trong biên độ hẹp quanh mức tham chiếu.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 7 phiên mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 570 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là trên 20 triệu cổ phiếu. Trong đó, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 159 tỷ đồng, tiếp đến là SSI và VIC.
– Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại, tâm lý nhà đầu tư đang có phần thận trọng hơn khi chỉ số đã có nhịp tăng liên tiếp lên vùng cản ngắn hạn. Do đó một nhịp điều chỉnh ngắn hạn ở thời điểm hiện tai nếu có sẽ giúp thị trường đi lên một cách bền vững hơn.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Thép Nam Kim chốt quyền chia cổ tức và thưởng cổ phiếu tỷ lệ 20%
– Thép Nam Kim (HoSE: NKG) thông báo ngày 24/8 chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát hành gần 36,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ phân phối 20%. Trong đó, doanh nghiệp phát hành 23,7 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 13%) và 12,7 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Vốn điều lệ tăng từ 1.820 tỷ đồng lên 2.184 tỷ đồng.
– Tại thời điểm cuối quý II, Nam Kim có 944,5 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần và 1.713 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm với doanh thu 11.862 tỷ đồng, gấp 2,5 lần; lãi sau thuế 1.166 tỷ đồng, gấp gần 20 lần cùng kỳ năm trước.
– Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu nội địa ghi nhận tăng 72% lên 5.081 tỷ đồng; doanh thu xuất khẩu gấp 3,6 lần lên 6.796 tỷ đồng. Doanh thu xuất khẩu vượt doanh thu nội địa và đóng góp 57% tổng doanh thu.
– Kênh xuất khẩu sẽ là động lực giúp Nam Kim duy trì tăng trưởng lợi nhuận cao trong nửa cuối năm 2021. Doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng xuất khẩu để hoạt động hết công suất đến hết tháng 11. Xuất khẩu dự kiến chiếm 80% tổng sản lượng trong nửa cuối năm.

• Gemadept – lũy kế 7 tháng, doanh thu tăng 19%, lãi ròng tăng 27% lên 331 tỷ đồng.
– Gemadept (HoSE: GMD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 7 tháng đầu năm với doanh thu thuần tăng 19% lên 1.678 tỷ đồng. Riêng hoạt động khai thác cảng chiếm 86%, tương đương 1.447 tỷ đồng; còn lại là doanh thu từ logistics, cho thuê văn phòng và các hoạt động khác.
– Hoạt động tài chính mang về gần 30,8 tỷ doanh thu, tăng 34% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ tăng lãi thanh lý các khoản đầu tư. Chi phí hoạt động này giảm 21% xuống 82 tỷ đồng do giảm chi phí lãi vay. Chi phí quản lý cũng giảm 11% nhờ khoản phân bổ lợi thế thương mại bằng gần nửa cùng kỳ và tiết giảm được chi phí khấu hao. Song chi phí hoa hồng môi giới và các chi phí bán hàng khác tăng 18% lên hơn 87 tỷ đồng. Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết đạt 120 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
– Kết quả, lợi nhuận trước thuế tăng 29% lên 450 tỷ đồng; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 331 tỷ đồng, tăng 27%. Tính riêng tháng 7, doanh thu thuần tăng 16% lên 239 tỷ đồng, lãi ròng giảm 1% về 42 tỷ đồng.
– Năm 2021, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh theo hai kịch bản tăng trưởng. Trong kịch bản lạc quan, doanh thu dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 700 tỷ đồng; tăng trưởng lần lượt 7% và 37%. Ở kịch bản trung bình, công ty kỳ vọng doanh thu tăng 4% lên 2.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 630 tỷ đồng, tăng 23%. Như vậy, công ty đã hoàn thành 60% chỉ tiêu doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận theo kịch bản lạc quan.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0