Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 11.06.2021 NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG NHIỀU NƯỚC CHUẨN BỊ KHẢ NĂNG FED NÂNG LÃI SUẤT

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/06/2021    14350

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Ngân hàng trung ương nhiều nước chuẩn bị khả năng Fed nâng lãi suất
– Dù đà phục hồi của thị trường lao động Mỹ còn chưa chắc chắn, nhưng lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán đã làm gia tăng khả năng Fed có thể sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn kỳ vọng.
– Nhiều thị trường trên thế giới đang chuẩn bị cho khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thông báo kế hoạch rút lại các biện pháp kích thích kinh tế vào tháng Tám tới, trong đó ngân hàng trung ương nhiều nước đã phản ứng ngay từ bây giờ.
– Fed cho biết sẽ không thu hồi chính sách kích thích khổng lồ của mình cho đến khi thị trường việc làm của Mỹ phục hồi đáng kể. Dù đà phục hồi của thị trường lao động Mỹ còn chưa chắc chắn, nhưng lạm phát tăng nhanh hơn dự đoán đã làm gia tăng khả năng Fed có thể sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn kỳ vọng.
– Tháng Tư vừa qua, Ngân hàng trung ương Canada đã trở thành “người tiên phong” trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) trong viêc khép lại chính sách kích thích thời đại dịch và phát đi tín hiệu có thể sẽ bắt đầu nâng lãi suất vào năm 2022.
– Tương tự, New Zealand và Hàn Quốc cũng cho phát đi thông điệp rõ ràng rằng các nước này sẽ nâng lãi suất khi tình hình kinh tế cải thiện. Kể cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), vốn vẫn kiên định với chính sách tiền tệ siêu lỏng của mình suốt hàng chục năm qua, cũng có khả năng thu hồi các chính sách kích thích.
– Các nền kinh tế đang phát triển sẽ đối mặt với rủi ro lớn nhất khi Fed thắt chặt chính sách, động thái đã từng khiến các thị trường chao đảo vì lãi suất của Mỹ tăng lên sẽ thu hút các nguồn vốn bằng đồng USD ra khỏi các thị trường mới nổi, như những gì đã diễn ra vào các năm 1998 và 2013.
– Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết họ sẽ bắt đầu giai đoạn siết chặt các chính sách tiền tệ khi họ tin rằng nền kinh tế và thị trường lao động Mỹ đã đủ mạnh. Các quan chức Ngân hàng Trung ương cho biết họ sẽ chấp nhận lạm phát xung quanh mục tiêu trung bình 2% mà họ đưa ra.
– Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát của Mỹ trong tháng 5 sẽ tăng 0,4% so với tháng trước, nhưng dữ liệu việc làm gần đây cho thấy số việc làm mới không tăng nhiều như dự kiến, và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống mức thấp nhất 1 tháng.
– Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng và nhiều thời điểm, nhiều khu vực gần như tê liệt sản xuất đã khiến giá các loại hàng hóa nguyên liệu thô như đồng, quặng sắt và dầu thô giảm mạnh. Tuy nhiên, gần đây, siêu chu kỳ giá hàng hóa tăng cao cũng là một trong những yếu tố gây ra lạm phát có thể xảy ra trong tương lai mà quý nhà đầu tư cần lưu tâm.
• Mỹ sắp chia sẻ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho các nước đang phát triển
– Theo nguồn tin của Wall Street Journal, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch quyên góp 500 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNtech cho các nước đang phát triển trên thế giới qua cơ chế COVAX trong năm nay và năm 2022. Dự kiến, 200 triệu liều vaccine sẽ được chuyển đi trong năm nay và 300 triệu liều còn lại được phân phối trong nửa đầu năm sau.
– Nguồn tin cho biết: Điều phối viên phụ trách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng Jeff Zients cùng nhóm của mình đã đàm phán mua số vaccine trên từ Pfizer trong 4 tuần qua. Tất cả sẽ được quyên góp thông qua cơ chế COVAX – sáng kiến giúp các nước đang phát triển tiếp cận vaccine Covid-19 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu. COVAX sẽ phân phối vaccine tới 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình, cũng như Liên minh châu Phi.
– Ngoại giao vaccine toàn cầu dự kiến sẽ là một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận tại cuộc gặp này trong bối cảnh các quốc gia như Ấn Độ, Brazil và nhiều nước đang phát triển gặp nhiều trở ngại trong chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19. Thủ tướng Anh Minister Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cam kết cung cấp vaccine cho cả thế giới tới cuối năm 2022.
– Trước đó, chính quyền Mỹ cam kết chia sẻ 80 triệu liều vaccine cho thế giới vào cuối tháng 6, động thái mà ông Biden gọi là bước đi đầu tiên để đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng toàn cầu. Nhà Trắng cho biết 75% trong số 80 triệu liều vaccine này sẽ được phân phối qua COVAX và 25% còn lại được chuyển trực tiếp cho những nước có số ca nhiễm tăng và các đồng minh yêu cầu hỗ trợ từ Mỹ.
– Đợt đầu tiên trong số này sẽ là 25 triệu liều, được phân phối cho các quốc gia, vùng lãnh thổ tại châu Mỹ, châu Á và châu Phi, bao gồm Brazil, Argentina, Peru, Ecuador, Guatemala, Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan, các đảo Thái Bình Dương…

2. Thông tin Việt Nam

• Xuất khẩu đồ gỗ vượt ngoài mong đợi bất chấp Covid-19
– Dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu gây ảnh hưởng mạnh đến hàng loạt chuỗi cung ứng hàng hóa trên thị trường thế giới; trong đó, có ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam. Thế nhưng, bất chấp diễn biến phức tạp của dịch bệnh từ các quốc gia nói chung, trong nước nói riêng, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam vẫn vượt ngoài mong đợi.
– Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng vẫn đang ngập trong khó khăn.
– Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, các doanh nghiệp ngành gỗ đã thích ứng được tình hình mới, ổn định sản xuất, tăng cường giao thương trực tuyến tìm các đối tác nước ngoài mở rộng xuất khẩu. Do đó, dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng.
– Vi dịch bệnh diễn ra, các quốc gia thực hiện giải pháp giãn cách xã hội, người lao động làm việc tại nhà nên họ có nhu cầu cao về trang bị bàn ghế, giường, tủ mới nhằm tạo không gian đẹp hơn. Chính vì vậy, người tiêu dùng thế giới có thêm thời gian và nguyện vọng mua sắm, tìm kiếm các sản phẩm, đồ gỗ nội thất trên mạng. Thị trường đồ gỗ, nội thất của thế giới còn rất nhiều dư địa phát triển. Hiện, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng 9% thị phần, còn đến hơn 90% thị phần để ngành gỗ Việt Nam tiếp cận, chiếm lĩnh. Với tốc độ phát triển xuất khẩu mạnh mẽ, ấn tượng như hiện nay, Việt Nam không phải là nước đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu đồ gỗ, mà có thể tiến xa hơn trong tương lai.
• Ngành may mặc không lo thiếu đơn hàng mà lo thiếu lao động
– Một trong những điều nghịch lý trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay là doanh nghiệp ngành may mặc không còn lo lắng thiếu đơn hàng như trước mà lại gặp khó khăn vì thiếu lao động để đáp ứng kịp đơn hàng xuất khẩu.
– Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may trong 5 tháng qua đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước khi một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam dần hồi phục và tận dụng tốt cơ hội từ việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi.
– Đã có nhiều dấu hiệu tích cực từ thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc khi nhiều doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đến quí 3 năm nay. Các ghi nhận từ người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã cho thấy nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng như quần áo và giày dép tăng mạnh khi kinh tế được phục hồi do dỡ bỏ dần lệnh phong tỏa. So với 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 5 tháng đầu năm nay ước đạt 12,2 tỉ đô la, tăng 15%.
– Thời điểm này năm ngoái, nhiều doanh nghiệp của ngành may mặc đã lao đao bởi các nhà nhập khẩu ở các thị trường chính như Mỹ và châu Âu,… yêu cầu dừng thực hiện việc sản xuất theo hợp đồng, đồng thời cho lưu kho những sản phẩm đã sản xuất vì dịch bệnh do Covid-19 ập đến cũng như thực hiện giãn cách xã hội. Hiện diễn biến dịch bệnh trên thế giới còn phức tạp nhưng các doanh nghiệp ngành này đang lấy lại đà tăng trưởng khi đơn hàng tăng cao trở lại, thậm chí còn tăng vượt cả thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh.
– Đáng chú ý, những đánh giá về sự ổn định của xã hội và niềm tin vào ngành may mặc Việt Nam đã góp phần khiến các nhà nhập khẩu chuyển đơn hàng từ một số thị trường khác đến Việt Nam. Thêm vào đó, Mỹ vốn là thị trường truyền thống có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của dệt may Việt Nam, đang có những tín hiệu phục hồi kinh tế sau khi quốc gia này mở rộng tiêm vaccine cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay theo các doanh nghiệp là diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước ngày càng phức tạp và một số địa phương áp dụng giãn cách xã hội nên lực lượng lao động sản xuất không làm việc thường xuyên, dẫn đến khó kịp đơn hàng cho nhà nhập khẩu.
– So với 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 5 tháng đầu năm nay ước đạt 12,2 tỉ đô la, tăng 15%, kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 60,1%, kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 66,2%.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Gemadept trình chia cổ tức tỷ lệ 12% năm 2020, kế hoạch lãi 2021 tăng tối thiểu 23%
– Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ban lãnh đạo Gemadept sẽ trình phương án chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 12%, mỗi cổ phiếu được nhận 1.200 đồng. HĐQT được ủy quyền triển khai chi tiết việc chi trả cổ tức.
– Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 2.606 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 2019; lãi sau thuế 440 tỷ đồng, giảm 28%.
– Tuy nhiên, điểm sáng trong năm vừa qua là bất chấp đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đã giải ngân 7.600 tỷ đồng cho dự án cảng nước sâu Gemalink giai đoạn 1. Nhờ vậy, ngay từ tháng 1, cảng tiếp nhận chuyến tàu thử nghiệm có tải trọng 157.000 DWT, chiều dài 365,98 m và chiều ngang 51 m, sẵn sàng để vận hành thương mại trong năm 2021.
– Với cảng nước sâu Gemalink đi vào hoạt động cùng những cơ hội tăng trưởng từ thị trường và thách thức từ diễn biến bất ngờ của dịch bệnh, HĐQT trình cổ đông kế hoạch kinh doanh theo 2 kịch bản. Ở kịch bản lạc quan, doanh thu hợp nhất dự kiến 2.800 tỷ đồng, tăng 7%; lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tăng 37% so với thực hiện 2020. Ở kịch bản trung bình, doanh thu tăng 4% lên 2.700 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 23% lên 630 tỷ đồng. Như vậy, dù ở kịch bản nào, Gemadept kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận cùng tăng trưởng.
– Quý I năm nay, điều kiện thị trường thuận lợi như tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước quý I đạt 172,45 triệu tấn, tăng 7%, riêng hàng container tăng 17% và giá cước tăng. Nhờ vậy, Gemadept ghi nhận doanh thu hợp nhất 687 tỷ đồng, tăng 14%. Trong đó, doanh thu khai thác cảng đạt 582 tỷ đồng, tăng 15,4%; doanh thu logistics, cho thuê văn phòng tăng nhẹ 8% lên 105 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 147 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước.
– Ngoài ra, HĐQT trình cổ đông phê duyệt phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên giai đoạn 2021 – 2025 (ESPP), giá phát hành ưu đãi và không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Số lượng cổ phiếu phát hành trong 5 năm cho giai đoạn 2021 – 2025 tối đa không vượt quá 7,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Điều kiện phát hành là công ty phải hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế được cổ đông giao hàng năm. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, trong năm thứ 3 giải tỏa 50% số cổ phần và trong năm thứ 4 giải tỏa 50% số cổ phần còn lại.
– GMD sở hữu hệ thống cảng biển trải dọc chiều dài đất nước với năng lực vượt trội cùng với hệ thống logistics của mình, nhờ đó GMD có thể cung cấp cho khách hàng chuỗi dịch vụ cung ứng đầy đủ. Điều này giúp cho GMD nổi bật hơn hẳn so với các DN cùng ngành.
– Đặc biệt hơn,GMD sở hữu Gemalink, cảng nước sâu hiện đại nhất Việt Nam với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 250.000 DWT, nằm trong cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và có vị trí thuận lợi để tận dụng dòng chảy thương mại toàn cầu.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ