Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 11.05.2021 TIẾT KIỆM CHI PHÍ, NGÀNH DỆT MAY NỖ LỰC VƯỢT KHÓ TRONG QUÝ I

Nhận định Thị trường hàng ngày 11/05/2021    2845

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 11/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá đồng tăng gấp đôi trong 1 năm
– Giá đồng thế giới thiết lập đỉnh cao lịch sử mới trong tuần này, nối tiếp xu hướng tăng mạnh mẽ đưa giá kim loại công nghiệp này tăng gấp đôi trong vòng 1 năm trở lại đây. Kỷ lục gần đây nhất của giá đồng được thiết lập vào năm 2011 – ở giai đoạn đỉnh điểm của
siêu chu kỳ giá nguyên vật liệu thô. Siêu chu kỳ đó là kết quả của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ, vươn lên vị trí siêu cường và đòi hỏi một lượng hàng hoá cơ bản khổng lồ làm nguyên liệu đầu vào.
– Lần này, giới đầu tư đang đặt cược rằng vai trò đặc biệt quan trọng của đồng trong cuộc dịch chuyển của thế giới sang năng lượng sạch sẽ dẫn tới nhu cầu tiêu thụ đồng tăng mạnh và giá đồng sẽ còn cao hơn nữa. Trong phiên giao dịch ngày 7/5 tại thị trường London, giá đồng có lúc đạt 10.440 USD/tấ“n, phá vỡ kỷ lục cách đây 1 thập kỷ.
– Đánh giá: Đang xuất hiện nhiều lo ngại rằng sự tăng giá trên diện rộng của nguyên vật liệu thô, từ gỗ tới thép và đồng, sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải vào cuộc để ngăn nguy cơ lạm phát giá hàng hoá cơ bản vượt khỏi tầm kiểm soát.Trong trường hợp đó, sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ – động lực cho xu hướng leo thang của giá nguyên vật liệu thô – có thể khựng lại trong môi trường lãi suất tăng, tỷ suất lợi suất của các doanh nghiệp suy giảm,
và nhu cầu tiêu dùng yếu đi.
• Giá thép ở Mỹ tăng gấp 3, chuyên gia cảnh báo nguy cơ bong bóng
– Chuyên gia phân tích của một số ngân hàng cảnh báo về nguy cơ bong bóng đối với cổ phiếu thép trên Phố Wall. Đại dịch Covid-19 khiến ngành thép Mỹ điêu đứng suốt mùa xuân năm 2020. Các nhà sản xuất buộc phải đóng cửa nhà máy và phải rất chật vật để có thể tồn tại trong bối cảnh kinh tế trên bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, đến nay, với đà phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế lớn nhất thế giới, các nhà máy bắt đầu tái hoạt động nhưng vì tốc độ còn chậm chạp nên gây ra tình trạng thiếu thép trầm trọng.
– Dù vậy, sự bùng nổ của ngành thép trong thời gian gần đây khiến một số chuyên gia lo ngại mọi thứ sẽ kết thúc trong nước mắt. “Đà tăng này chỉ trong ngắn hạn. Tình trạng này rất phù hợp để gọi là bong bóng”, chuyên gia phân tích Timna Tanners của Bank of America nói với CNN Business. Sau khi chạm đáy ở khoảng 460 USD trong năm 2020, giá thép cuộn cán nóng tại Mỹ hiện là 1.500 USD/tấn, mức cao kỷ lục và gấp gần 2 lần mức trung bình của 20 năm qua. Giá thép tăng mạnh cũng khiến cổ phiếu thép trở nên “bỏng
tay” hơn. Cổ phiếu US Steel tăng 200% chỉ trong 12 tháng sau khi xuống thấp kỷ lục hồi tháng 3/2020 vì nỗi lo phá sản. Cổ phiếu Nucor cũng tăng 76% kể từ đầu năm nay.
– Tuy nhiên, bà Tanners dự đoán thị trường sẽ chứng kiến một màn đảo chiều đau đớn, khi nguồn cung bắt kịp với nhu cầu khổng lồ hiện nay. “Chúng tôi dự đoán thị trường thép sẽ điều chỉnh, thậm chí sẽ điều chỉnh quá mức”, bà nói. Ông Phil Gibbs, giám đốc nghiên cứu cổ phiếu kim loại tại KeyBanc Capital Markets, đồng tình rằng giá thép hiện nay không bền vững. Lịch sử cho thấy giá cổ phiếu thép có xu hướng đạt đỉnh trước giá thép khoảng một tháng hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, cổ phiếu thép có thể vẫn hấp dẫn với nhà đầu tư vì đây là ngành công nghiệp “in ra tiền” vào thời điểm hiện tại. Theo Citigroup, ngành công nghiệp thép cán dẹt của Bắc Mỹ dự kiến tạo ra mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021.
– Đánh giá: Những chuyên gia dự đoán thị trường thép sụp đổ có thể đang đánh giá thấp sức mạnh của đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Một đợt bùng nổ kéo dài trong đà phục hồi kinh tế có thể kích thích nhu cầu thép đủ lớn để giữ giá ở mức cao. Một rủi ro khác là các quy định khắt khe hơn về môi trường ở Trung Quốc có thể khiến nguồn cung thép tại đây bị hạn chế.

2. Thông tin Việt Nam

• Bộ Tài chính: Chủ động xây dựng các kịch bản điều hành giá
– Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đối với việc thực hiện giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình thị trường trong năm 2021, Cục Quản lý giá sẽ chủ động dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết
yếu theo lộ trình thị trường, nhưng vẫn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
– Về việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra của năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết năm 2021, Quốc hội đã quyết định CPI tăng khoảng 4%. Trên thực tế, quản lý nhà nước về giá đã từng bước kiểm soát và có điều chỉnh kịp thời giá một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu với đời sống kinh tế-xã hội; hàng hóa, dịch vụ có tính độc quyền theo hướng thực hiện tính đúng tính đủ các chi phí, yếu tố cấu thành giá theo thị trường. Đồng thời, đã làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Nhà nước trong quản lý, điều hành, bình ổn giá thông qua các cơ
chế, biện pháp vĩ mô phù hợp với yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
– Ví dụ như mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu vừa tính đến yếu tố thị trường, vừa kết hợp với Quỹ Bình ổn giá
xăng dầu để điều hành. Hay như mặt hàng điện, cần đánh giá kỹ yếu tố chi phí tác động đến giá thành để xem xét mức độ ảnh hưởng đến giá điện, qua đó có kịch bản điều hành phù hợp.- Đánh giá: Việc điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình, như dịch vụ công (y tế, giáo dục), tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không… dự báo gặp nhiều khó khăn, nên nhìn chung mặt bằng giá cả mặt hàng thiết yếu dự kiến không có biến động./.
• Chi phí đầu vào tăng, xi măng đồng loạt nâng giá
– Một loạt doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh giá bán xi măng tại thị trường nội địa trong tháng 4/2021 với biên độ tăng giá 30.000 – 40.000 đồng/tấn. Xi măng Xuân Thành, Duyên
Hà, Hoàng Long, Long Sơn tăng 40.000 đồng/tấn, trong khi các thương hiệu thuộc Vicem (Vicem Bỉm Sơn, Vicem Hoàng Mai…) tăng 30.000 đồng/tấn. Lý giải sự điều chỉnh này, các doanh nghiệp cho biết, do chi phí đầu vào như điện, than, xăng dầu, giá cước vận chuyển và giá nhân công tăng, nên không thể duy trì giá bán cũ.
– “Chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thành vỏ bao. Để đảm bảo chi phí trong quá trình sản xuất của nhà máy, doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh tăng thêm 30.000 đồng/tấn cho tất cả các loại xi măng, đã bao gồm VAT”, đại diện Công ty TNHH Thương mại Xi măng Công Thanh chia sẻ. Theo ông Lương Đức Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), việc tăng giá này đã được các doanh nghiệp cân nhắc từ cuối năm 2020 dựa trên sự cân đối chi phí đầu vào, đầu ra của sản phẩm và khả năng bán hàng. “Việc điều chỉnh tăng giá của các doanh nghiệp vào thời điểm này là hợp lý”, ông Long đánh giá.
– Đánh giá: Dù đồng loạt công bố điều chỉnh giá bán xi măng từ tháng 4/2021, nhưng điều dễ nhận thấy trong đợt tăng giá này là các doanh nghiệp khá thận trọng, cân nhắc để đưa ra mức điều chỉnh phù hợp, không tạo cú sốc cho thị trường. Các sản phẩm xi măng ở thị trường Việt Nam có chất lượng gần như tương đồng nhau, nên yếu tố giá đóng vai trò quyết định tới khả năng tiêu thụ. Đồng thời, hệ thống phân phối của các doanh nghiệp xi măng ở Việt Nam hiện nay phần lớn phụ thuộc vào các nhà phân phối, đại lý và cửa hàng bán lẻ vật liệu do hiệu quả bán hàng trực tiếp tới khách hàng không cao. Do đó, các nhà máy lựa chọn giải pháp tăng mức chiết khấu trên giá bán để các đại lý chủ động phân phối.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Tiết kiệm chi phí, ngành dệt may nỗ lực vượt khó trong quý I
– Ngay hồi đầu năm Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) dự báo giá trị xuất khẩu năm 2021 có thể phục hồi về mức năm 2019, đạt 39 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 10,6% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương cũng nhận định, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội
phát triển rất lớn từ các hiệp định thương mại tự do vừa được ký kết, đặc biệt là tiềm năng mở rộng xuất khẩu đến các thị trường lớn trên thế giới, các thương hiệu cao cấp sẽ hưởng lợi nhiều.- Bên cạnh đó, năm 2021 nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập như xu thế giảm giá chi phối toàn thị trường; hàng hóa dệt may đơn giản thay thế hàng thời trang, dẫn tới nhiều năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt; mô hình kinh doanh online, giảm trung gian, đòi hỏi quản trị và giao tiếp số với toàn bộ các thành phần của chuỗi cung ứng….
– Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng chuyển dịch sản xuất hàng may mặc từ Trung Quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều này đã bị gián đoạn trong
thời kỳ Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát thành công, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thể tiếp tục sản xuất trong thời gian phong tỏa. Logistics và kho bãi tiếp tục hoạt động trơn tru cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn của Việt Nam so với các nước châu Á khác. Do đó, chúng tôi cho rằng Việt Nam có khả năng hoàn thành các đơn đặt hàng nhanh chóng so với các nhà sản xuất dệt may lớn khác như Bangladesh, Pakistan hoặc Ấn Độ. Chúng tôi tin rằng Việt Nam có đủ khả năng để giành thêm những đơn hàng xuất khẩu khi nhu cầu tăng trở lại. Ngoài ra, sự phục hồi của các khách hàng chính từ Mỹ và Trung Quốc là dấu hiệu tốt cho ngành dệt may Việt Nam. IMF ước tính GDP năm 2021 của Trung Quốc sẽ tăng 8,2% và GDP của Mỹ tăng 3,1%.
– Chúng tôi kỳ vọng ngành dệt may sẽ phục hồi hoàn toàn trong Q4/21 nhờ: 1) nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau đại dịch ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc và 2) các hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ thúc đẩy giá trị xuất khẩu ngành phục hồi vào năm 2021.
– ChúngtôiưathíchSTKvàTCMvìcảhaicôngtyđangsởhữuvịthếtốtđểnắmbắtcác cơ hội đến từ FTA. Chúng tôi tin rằng STK sẽ là một trong những doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất trong ngành nhờ tiềm năng từ mảng sợi tái chế trong khi hợp đồng với Adidas là động lực tăng trưởng chính cho TCM.
• Petrolimex đăng ký bán tiếp 25 triệu cổ phiếu quỹ
– Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) thông báo quyết định HĐQT duyệt phương án đăng ký bán 25 triệu cổ phiếu quỹ. Hình thức giao dịch là khớp lệnh trên hệ thống giao dịch cổ phiếu của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Nếu giao dịch
thành công, doanh nghiệp sẽ giảm lượng cổ phiếu quỹ xuống 25 triệu đơn vị.
– Vào tháng 3, Petrolimex vừa bán xong 25 triệu cổ phiếu quỹ cho ENEOS Corporation thu về 1.426 tỷ đồng. Sau giao dịch Petrolimex giảm lượng cổ phiếu quỹ xuống 50 triệu đơn vị. Trong khi, ENEOS tăng sở hữu lên 38 triệu cổ phiếu, tương đương 2,94% vốn
Petrolimex. Trước đó, chính tổ chức này cũng đã mua 13 triệu cổ phiếu quỹ doanh nghiệp xăng dầu bán ra.- PLX là cơ hội đầu tư vững chắc nhờ mức tăng trưởng 5,5% mỗi năm của tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam (kế hoạch của Chính phủ). PLX có năng lực tài chính mạnh với số dư tiền mặt tại quỹ đạt 823 triệu USD và tỷ lệ đòn bẩy ròng đạt 2,5% tính đến cuối năm 2020. Ngoài ra, PLX có thể mở khóa tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn từ phát triển các dịch vụ tại các trạm xăng dầu cũng như cơ hội từ mảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
– Nguồn tiền thu được từ bán hết toàn bộ số cổ phiếu quỹ sẽ giúp bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư, phát triển cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, PLX cũng đã đặt mục tiêu thoái vốn khỏi
PG bank trong năm 2021, để tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.

4. Các kênh tài sản đầu tư

• Thêm 110.000 tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 4
– Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 4 ở mức 109.998 đơn vị, gấp 3 lần so với cùng kỳ dù giảm so với mức 113.191 đơn vị của tháng 3. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp cá nhân mở mới trên 100.000 tài khoản. Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng giảm trở lại với 123 đơn vị (tháng 3 là 149 đơn vị).
– Tại thời điểm 30/4, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 3,1 triệu, tăng 110.121 tài khoản so với tháng trước.
– Trong khi đó, cá nhân nước ngoài mở mới 512 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng
4, tăng nhẹ khoảng 2% so với tháng trước, nhưng đây lại là mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Tổ chức nước ngoài mở mới 22 tài khoản, giảm so với mức 33 tài khoản của tháng 3. Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài tại thời điểm 30/4 đạt 36.908, tăng 534 tài khoản so với tháng trước.
– Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, chính phủ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi bằng các gói tài khóa mới; mặt bằng lãi suất ngân hàng thấp giúp kích thích tăng trưởng thông qua kích thích đầu tư, khôi phục sản xuất với chi phí vốn thấp hơn; trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư sẽ chuyển hướng sang kênh đầu tư chứng khoán; động lực mới từ nhóm ngân hàng mới niêm yết và chuyển sang niêm yết trên sàn HoSE,
thoái vốn nhà nước được thúc đẩy, câu chuyện nâng hạng thị trường lên nhóm các thị trường mới nổi. Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong dài hạn.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ