Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 10.11.2021 | Giá thực phẩm thế giới cao nhất hơn 10 năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/11/2021    77058

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/11/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá thực phẩm thế giới cao nhất hơn 10 năm
– Giá lương thực và thực phẩm trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, do nhu cầu tăng mạnh và mùa màng một số nông sản thất thu – trang CNN Business dẫn thông tin của Liên hiệp quốc cho hay.
– Trong tháng 10 vừa qua, giá lương thực-thực phẩm toàn cầu tăng tháng thứ ba liên tiếp, với mức tăng 3% so với tháng 9 – theo chỉ số của Tổ chức Nông lương thuộc Liên hiệp quốc (FAO). Sự gia tăng này chủ yếu do giá dầu thực vật và giá lúa mỳ tăng mạnh.
– Chỉ số giá lương thực-thực phẩm của FAO theo dõi biến động giá cả mỗi tháng các mặt hàng này trên toàn cầu. Trong vòng 1 năm trở lại đây, chỉ số đã tăng hơn 30%. Hiện chỉ số đang đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.
– Giá lúa mỳ, nông sản hiện được trồng trên diện tích đất nhiều hơn bất kỳ nông sản thương mại nào khác, tăng 5% trong tháng 10 do sản lượng giảm tại những nước xuất khẩu lúa mì chủ chốt, gồm Canada, Nga và Mỹ. Giá lúa mạch, gạo và ngô cũng đồng loạt tăng. Giá các loại dầu cọ, đậu tương, hạt hoa hướng dương leo thang dẫn tới mức tăng 9,6% trong giá dầu thực vật thuộc chỉ số của FAO. Giá dầu cọ tăng vọt do lo ngại về sản lượng suy giảm ở Malaysia vì nước này đang khan hiếm lao động nhập cư làm việc tại các đồn điền trồng cọ.
– Nguồn cung và giá cả lương thực-thực phẩm trên toàn cầu đang chịu nhiều áp lực từ thời tiết cực đoan, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nhân công và chi phí gia tăng.

2. Thông tin Việt Nam

• RCEP sẽ tạo xung lực mới cho kinh tế Việt Nam phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch
– RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch.
– Theo Bộ Công Thương, việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 01/2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
– Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.
– Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
– RCEP là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand), chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.
– RCEP bao gồm gần như toàn bộ các đối tác thương mại và đầu tư quan trọng nhất của Việt Nam: thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn một nửa (55%) tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10/2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.
– Được ký kết vào tháng 11/2020 và có hiệu lực đầu năm 2022 trong bối cảnh thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những tác động chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19, RCEP mang nhiều kỳ vọng trở thành một xung lực mới cho nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam để có thể phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch.

• Bộ Giao thông vận tải đề xuất “mở cửa” bầu trời, đón khách quốc tế từ quý 1/2022
– Theo kế hoạch báo cáo Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải đề xuất điều kiện để mở lại bay quốc tế là hành khách nhập cảnh Việt Nam phải có xét nghiệm PCR âm tính với SARSCoV-2 trong 72 giờ, hành khách phải cài đặt và khai báo y tế điện tử, sàng lọc y tế tại cảng hàng không nơi đến.
– “Đối với các chuyến bay công dân Việt Nam tự trả chi phí cách ly (combo) sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao ban hành. Đối với các chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như: Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam theo thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành”, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
– Theo đó, các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam sẽ theo 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, tổ chức các chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền, trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế. Thời gian triển khai từ quý 1/2022. Đối tượng là công dân Việt Nam và người nước ngoài. 15 thị trường khai thác giai đoạn này là: Trung Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Campuchia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc. Giai đoạn 2, triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly tập trung đối với hành khách mang hộ chiếu vaccine từ quý 2/2022. Thị trường triển khai thực hiện theo nhu cầu của các hãng hàng không, tần suất 7 chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Giai đoạn 3, khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu tuỳ thuộc vào diễn biến dịch và tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam và thế giới. Thị trường và tần suất khai thác sẽ do các hãng hàng không tự quyết định, triển khai từ quý 3/2022.
– Bộ Giao thông vận tải cho biết, đề xuất nối lại bay quốc tế thường lệ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không. Đồng thời, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương nói riêng và toàn quốc nói chung đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tuân thủ các quy định về kiểm soát cách ly người nhập cảnh.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở của phiên giao dịch ngày 09/11/2021 khá thận trọng khi giao dịch giằng co quanh mức tham chiếu. Diễn biến của chỉ số có phần tích cực hơn sau đó, có thời gian VN-Index đã vượt lên trên mốc 1.470 điểm với gần 7 điểm tăng, tiến lên giao dịch quanh mức 1.474 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tăng dần khiến chỉ số đánh mất đi gần hết những điểm tăng trước đó khi về cuối phiên sáng. Sang phiên chiều, áp lực chốt lời ở nhóm vốn hóa lớn khiến chỉ số VN-Index giảm mạnh xuống dưới tham chiếu. Kết phiên, VN-Index giảm hơn 6 điểm, xuống mức 1.46,.5 điểm.
– Xét về mức độ ảnh hưởng, GAS, MSN, VCB, BID là những mã có tác động tiêu cực nhất với VN-Index khi lấy đi hơn 4 điểm của chỉ số này. Trong khi đó, VHM, HDB, DIG là những mã có tác động tích cực nhất.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp nhưng giá trị đạt chỉ 7,8 tỷ đồng (giảm 99% so với phiên trước). HPG được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 173 tỷ đồng. CTG và VHM được mua ròng lần lượt 95 tỷ đồng và 86 tỷ đồng. Chiều ngược lại, MSN bị bán ròng mạnh nhất với 97 tỷ đồng DXG và NVL bị bán ròng lần lượt 91 tỷ đồng và 80 tỷ đồng.
– Tâm điểm thu hút dòng tiền vẫn là các cổ phiếu bất động sản, xây dựng hay cảng biển, logistics, một số cổ phiếu như CEO, HDC, LDG đóng cửa tăng kịch trần, hàng loạt mã khác trong nhóm như GMD, HAH, VSC cũng tăng điểm tích cực từ 3-5%.
– Mặt khác, diễn biến phân hóa diễn ra tại hầu khắp các nhóm ngành khác như chứng khoán, ngân hàng khi CTS, MBS, VND, CTG, MBB, STB, HDB đóng cửa tại mức giá xanh trong khi ngược lại HCM, SHS, VCI, SSI, TCB, VPB, SHB kết phiên tại mức giá đỏ.
– Sau những ngày tăng điểm phấn khởi, thị trường chứng khoán đã có phiên điều chỉnh nhẹ. Sự điều chỉnh này là cần thiết điều tiết cho thị trường đi lên bền vững hơn. Với xu hướng tăng điểm vẫn đang đóng vai trò chủ đạo, chỉ số sẽ có cơ hội hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ gần quanh 1.440-1.450 điểm.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• KIDO chi gần 1.256 tỷ đồng để nâng sở hữu tại Vocarimex lên 87,3%
– CTCP Tập đoàn KIDO (Mã: KDC) vừa cho biết đã mua thành công hơn 44,2 triệu cổ phiếu VOC của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán đấu giá.
– Theo SCIC, lô cổ phần này đã được đấu giá thành công với giá gần 1.256 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 28.400 đồng/cp, thấp hơn 21% so với thị giá cổ phiếu VOC kết phiên 9/11.
– Sau giao dịch này, tỷ lệ sở hữu của KIDO tại Vocarimex đã tăng từ 51% lên 87,3%. Đồng thời, việc hoàn tất thoái vốn nhà nước tại Vocarimex đã gỡ được nút thắt để KIDO có thể tiến hành hợp nhất CTCP Dầu Thực Vật Tường An (Mã: TAC).
– Năm ngoái, KIDO cũng dự kiến hợp nhất Dầu Tường An vào tập đoàn. Tuy nhiên, do Vocarimiex – cổ đông có vốn nhà nước, vẫn đang nắm 26,55% cổ phần tại TAC, việc sáp nhập TAC vào KIDO trước sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn tại Vocarimex.
– Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021, ban lãnh đạo Dầu Tường An cho biết ngay sau khi SCIC hoàn tất thoái vốn khỏi VOC, phía KIDO sẽ mời tư vấn để làm thủ tục sáp nhập.
– Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần của Tập đoàn KIDO đạt 7.444 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 488 tỷ đồng, tăng 92%.

• Doanh thu Dệt may TNG xuống thấp nhất 6 tháng
– Dệt may TNG (HNX: TNG) thông báo doanh thu tháng 10 đạt 463,3 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và giảm 13,5% so với tháng trước. Đây là mức doanh thu thấp nhất trong 6 tháng gần đây và rơi xuống dưới mốc 500 tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng, doanh thu tiêu thụ đạt 4.543 tỷ đồng, thực hiện 80% kế hoạch năm và tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong quý III, doanh nghiệp dệt may ghi nhận doanh thu đạt 1.710 tỷ đồng, tương đương cùng năm trước. Song lợi nhuận sau thuế đạt 85,2 tỷ đồng, tăng 31% và là mức kỷ lục trong 1 quý. Biên lợi nhuận gọp cải thiện từ 13,1% lên 14% cùng chi phí bán hàng giảm đã thúc đẩy lợi nhuận. Đây là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát mạnh, đặc biệt là khu vực phía Nam khiến ngành dệt may gặp khó. Dệt may TNG với nhà máy đặt tại tỉnh Thái Nguyên, địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh giúp hoạt động sản xuất duy trì bình thường và có khả năng được hưởng lợi đơn hàng dịch chuyển từ khu vực phía Nam.
– Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 13% lên 4.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 31% lên 169 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 2.122 đồng, tăng 20,6%. So với kế hoạch năm, doanh nghiệp dệt may thực hiện được 97% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế. Dệt may TNG lý giải lợi nhuận tăng nhờ định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm). Cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam, doanh nghiệp xác định rõ dòng hành mục tiêu là các dòng sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall