Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 10.11.2020 – ADB duyệt khoản viện trợ 2.5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam ứng phó thiên tai

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/11/2020    535

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/11/2020

1. Vĩ mô quốc tế

WTO hủy cuộc bầu tổng giám đốc kế nhiệm

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hủy cuộc họp xúc tiến quy trình bầu bà Ngozi Okonjo-Iweala – cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, làm tổng giám đốc kế nhiệm

Hãng tin Reuters trích dẫn một tài liệu của WTO nêu rõ vì các lý do bao gồm y tế và các sự kiện đang diễn ra, phái đoàn công tác sẽ không thể đưa ra quyết định chính thức vào ngày 9/11. Do đó, cuộc họp bị hủy cho đến khi có thông báo mới.

Theo một số nguồn tin, họ cho rằng yếu tố làm chậm trễ quy trình bầu người đứng đầu WTO là do chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, với vai trò điều hành chính sách thương mại của WTO, không thể hiện rõ sự ủng hộ đối với bà Okonjo-Iweala. Trong khi đó, Geneva – nơi đặt trụ sở của WTO, lại đang áp dụng các biện pháp hạn chế để ứng phó với dịch COVID-19, trong đó có quy định cấm các cuộc họp có trên 5 người tham gia

Anh khó có thể đảm bảo giao thương thông suốt với EU từ đầu năm 2021

Ngày 6/11, Văn phòng kiểm toán quốc gia (NAO), cơ quan chuyên đánh giá tình hình chi tiêu công tại Anh, cảnh báo nguy cơ cao sẽ xảy ra tình trạng gián đoạn trên diện rộng tại hầu hết các khu vực biên giới Anh khi quốc gia này chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) từ đầu năm 2021. Theo NAO, tình trạng trên sẽ xảy ra bất kể 2 bên có đạt thỏa thuận thương mại tự do hay không. Nguyên nhân là do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến công tác chuẩn bị không thể đảm bảo tiến độ.

Từ ngày 1/1/2021, sau khi Anh chính thức ra khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan EU, tất cả các đơn vị xuất khẩu sẽ phải nộp hồ sơ hải quan và an toàn kể cả khi Anh đạt được thỏa thuận với EU.

Tuy nhiên, NAO đánh giá các cảng hiện nay không còn nhiều thời gian để hoàn tất việc tích hợp hoặc thử nghiệm các hệ thống của họ với các dịch vụ công nghệ mới của chính phủ. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn thiếu địa điểm kiểm tra hải quan và thiếu người trung gian thực hiện thủ tục hải quan để hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi sang giai đoạn mới. Báo cáo của NAO nêu rõ cơ quan hải quan sẽ phải xử lý khoảng 270 triệu hồ sơ hải quan mỗi năm. Ngân hàng trung ương Anh từng cảnh báo GDP của quốc gia này có thể sụt giảm 1% vì những thay đổi về thương mại, kể cả khi hai bên đạt thỏa thuận.

Hiện đàm phán thương mại Anh-EU vẫn chưa có tiến triển đáng kể dù thời gian còn lại không nhiều. Ngày 6/1, Ủy viên EU phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton  cho rằng cơ hội đạt thỏa thuận là 50/50.

Thai Airways bán 34 máy bay để tái cấu trúc

Thai Airways International đang tìm những người mua lại hơn 30 chiếc máy bay Boeing và Airbus đã qua sử dụng như một phân của nỗ lực tái cấu trúc nợ 350 tỷ Bath (11.4 tỷ USD).

Những tổ chức mua tiềm năng sẽ có thời gian đến ngày 13/11 để nộp đơn đăng ký mua và đợt bán máy bay sẽ được thực hiện theo kế hoạch tái tổ chức doanh nghiệp mà tòa án phá sản đã thông qua từ tháng 9/2020, theo Thai Airways. Những đời máy bay bán ra bao gồm chiếc Boeing 747, Boeing 777 và Airbus 340.

Thai Airways đang tái cấu trúc sau khi đại dịch Covid-19 hủy hoại ngành hàng không toàn cầu. Hãng máy bay giá rẻ Nok Airlines – trong đó Thai Airways giữ 13% cổ phần – cũng được tòa án cho phép triển khai kế hoạch tái cấu trúc nợ sau khi hoạt động kinh doanh bị tác động nặng nề bởi sự đi xuống của ngành du lịch và hàng không.

Đợt bán máy bay này là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp của Thai Airways, theo đó hãng sẽ “cần phải giảm quy mô đội bay để phù hợp với các tuyến đường và mức độ hiệu quả sử dụng trong kế hoạch quản lý chi phí”, Thai Airways cho biết trong tuyên bố riêng vào ngày 06/11. “Đợt bán máy bay sẽ cần sự chấp thuận từ các bên liên quan và tòa án phá sản”, Thai Airways cho biết.

2. Vĩ mô Việt Nam

Thủ tướng đồng ý thêm 2 tỷ USD đầu tư cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 9/11, trả lời câu hỏi đại biểu về nguồn lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Bộ GTVT thời gian tới sẽ hoàn thành các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau – Bạc Liêu – Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Nguồn lực thứ hai là từ địa phương, ở đây là nguồn lực mà địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng. Thứ ba là nguồn lực Trung ương, trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoảng 2 tỷ USD trong giai đoạn tới.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.

Bên cạnh đó, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét.

ADB duyệt khoản viện trợ 2.5 triệu USD hỗ trợ Việt Nam ứng phó thiên tai

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản viện trợ 2,5 triệu USD để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cung cấp các dịch vụ cứu trợ khẩn cấp và nhân đạo cho người dân bị ảnh hưởng bởi các đợt lũ lụt gần đây ở miền Trung Việt Nam. Khoản viện trợ không hoàn lại này được tài trợ từ Quỹ Ứng phó thảm họa Châu Á – Thái Bình Dương, được thiết lập để hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển của ADB bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên tai nặng nề.

ADB đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển khác để hỗ trợ những nỗ lực cứu trợ thảm họa của chính phủ, bao gồm đánh giá tác động của thiên tai và nhu cầu hỗ trợ ở các tỉnh miền Trung. Hỗ trợ của ADB nhằm mục tiêu bảo đảm rằng người dân sống trong các vùng bị thiên tai được tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội cơ bản, cũng như các nguồn lực để tái thiết đời sống và sinh kế của họ.

Cùng với Kế hoạch ứng phó lũ lụt của Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc, ADB sẽ làm việc chặt chẽ với chính phủ và phối hợp với các đối tác phát triển khác để cung cấp viện trợ nhân đạo theo cách thức giúp giảm thiểu nguy cơ về đại dịch COVID-19 cho người dân bị ảnh hưởng tại các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất ở miền Trung Việt Nam.

Hiệp định RCEP có thể được ký trực tuyến trong tuần này

Bangkok Post ngày 7/11 cho biết, Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit đại diện cho Thái Lan ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa tháng 11.

Việt Nam với cương vị Chủ tịch ASEAN dự kiến tổ chức một loạt hội nghị cấp cao theo hình thức trực tuyến trong 4 ngày, từ 12 đến 15 tháng 11, bao gồm cả Hội nghị cấp cao Đông Á với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Theo lịch trình, Hội nghị cấp cao RCEP diễn ra vào ngày 15.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Với Việt Nam, RCEP giúp các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận thị trường tiêu thụ lớn, quy mô GDP gấp đôi CPTPP, mà còn tiếp cận được nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu hiện nay. Việt Nam có thể nhập khẩu chip điện tử từ Nhật Bản, Hàn Quốc; nhập nguyên liệu dệt may từ Trung Quốc, sau đó sản xuất trong nước và xuất đi nước khác, đồng thời thỏa mãn quy tắc xuất xứ nội khối để tận dụng được ưu đãi thuế quan.