Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 10.06.2021 Ngân hàng thế giới tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 5.6%

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/06/2021    13145

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc cao nhất kể từ năm 2008
– Chi phí hàng hóa tăng cao đã đẩy lạm phát tại các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 5 lên mức cao nhất kể từ năm 2008, làm tăng thêm áp lực giá toàn cầu. Cụ thể, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ số giá sản xuất PPI tăng 9% so với một năm trước đó, sau khi tăng 6.8% trong tháng 4, cao hơn mức dự báo 8.5% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế.
– Nửa đầu năm 2021 đánh dấu đợt tăng giá hàng hóa kỷ lục khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiềm chế giá tăng cao, bao gồm việc xem xét áp đặt các biện pháp kiểm soát giá đối với than, mở rộng nguồn cung nguyên liệu thô và hạn chế đầu cơ và tích trữ. Mặc dù vậy, lạm phát tiêu dùng vẫn ở mức thấp khi CPI tăng 1.3% so với năm trước, thấp hơn dự báo 1.6%, cho thấy các nhà bán lẻ chưa có dấu hiệu tăng giá khi tiêu dùng nội địa vẫn ở mức thấp. Hơn nữa, mối quan hệ giữa CPI và PPI ở Trung Quốc đã suy yếu trong những năm gần đây do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nhỏ (do thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ) và lực cầu nội địa yếu khiến các nhà máy Trung Quốc tự gánh chịu thay vì chuyển gánh nặng tăng giá sang cho người tiêu dùng.
– Việc chỉ số PPI đang ở mức cao nhất kể từ 2008 cho thấy chi phí sản xuất và nhu cầu xuất khẩu đều tăng mạnh, dẫn đến khả năng các nhà sản xuất Trung Quốc tăng giá bán và ảnh hưởng đến nguy cơ lạm phat toàn cầu. Các nhà chức trách cho biết PPI có thể sẽ tiếp tục tăng trong quý II trước khi điều chỉnh vào nửa cuối năm nay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có khả năng tránh tăng lãi suất để phản ứng với dữ liệu lạm phát và cũng giữ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng cân bằng chặt chẽ.

• Ngân hàng Thế giới tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu lên 5.6%
– Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu cho nửa đầu năm 2021, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 được nâng lên 5.6%, tăng 1.5% so với dự báo hồi tháng 1 nhờ triển vọng phục hồi kinh tế tích cực đến từ các nước đã và đang triển khai vaccine tốt. Đây là mức dự báo phục hồi kinh tế nhanh nhất qua 5 cuộc suy thoái kinh tế kể từ năm 1945.
– Báo cáo của World Bank nhận định hầu hết những nền kinh tế phát triển đều sẽ trở lại mức thu nhập bình quân đầu người trước đại dịch vào năm 2022. Sau khi quy mô kinh tế toàn cầu giảm 3.5% năm 2020, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng trở lại, với dự báo 5.6% cho năm nay và 4.3% cho năm 2022. Dự báo tăng trưởng tại Mỹ được nâng lên 6.8% so với mốc 3.5% vào tháng 1. Các nền kinh tế lớn khác cũng được World Bank nâng dự phóng tăng trưởng – 8.5% với Trung Quốc, 8.3% ở Ấn Độ và 4.2% ở khu vực đồng Euro.
– Tuy nhiên, World Bank dự báo chỉ 1/3 các nước mới nổi và đang phát triển sẽ đạt được mục tiêu phục hồi về mức trước đại dịch. Tăng trưởng ở các nước thu nhập thấp dự kiến sẽ chỉ ở mức 2.9% – giảm so với mức 3.4% dự báo hồi tháng 1. World Bank cho biết mức nợ cao là mối đe dọa đối với triển vọng của các quốc gia này vì lạm phát có thể dẫn đến chi phí đi vay cao hơn. Hơn nữa, việc phân bổ vaccine không đồng đều cho các nền kinh tế, khả năng triển khai vaccine kém và khả năng tái bùng phát COVID-19 cao cũng là nguy cơ cản trở các nước mới nổi và đang phát triển sẽ tụt lại so với đà hồi phục chung, dẫn đến khả năng khoảng cách giàu nghèo trên thế giới nới rộng hơn nữa.

2. Thông tin Việt Nam

• Sau nửa năm đứng yên, ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm mạnh giá mua USD
– Cụ thể, giá USD mua vào của Sở GD NHNN hôm nay giảm 150 đồng, về 22,975 đồng/USD sau hơn một nửa năm không thay đổi. Lần điều chỉnh gần nhất là vào ngày 23/11/2020, khi NHNN giảm giá mua 50 đồng từ 23,175 xuống 23,125 đồng và được duy trì cho đến nay.
– Động thái trên được diễn ra trong bối cảnh chỉ số Dollar Index (đo sức mạnh USD) duy trì ở vùng thấp 89-90 điểm, trong lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ giảm tiếp tục giảm nhẹ 2-5 điểm cơ bản.
– Việc giảm giá mua USD sẽ có lợi cho các nhà nhập khẩu khi mà Việt Nam bắt đầu quay trở lại nhập siêu do xuất khẩu của khu vực FDI bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Qua 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD, trong đó chỉ riêng trong tháng 5 Việt Nam nhập siêu 2 tỷ USD.
– Việc tỷ giá điều chỉnh giảm cũng giúp bình ổn giá nguyên vật liệu nhập khẩu đầu vào, hỗ trợ cho mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chỉ số tiêu dùng CPI tăng 0.16% trong tháng 5 và 1.29% trong bình quân 5 tháng đầu năm so với năm trước, cho thấy kiểm soát lạm phát ở Việt Nam vẫn được duy trì tốt dù giá xăng dầu và nhiều mặt hàng nguyên vật liệu đang ở mức cao. Hơn nữa, tỷ giá đồng Việt Nam tăng lên là phản ánh tự nhiên đối với việc Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng dương trong năm 2020 và trên đà sớm hồi phục về trạng thái trước khi đại dịch xảy ra.
• Thặng dư thương mại với Hoa Kỳ hơn 31 tỷ USD sau 5 tháng
– Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 5/2021 ước tính nhập siêu 2 tỷ USD. Tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu cao hơn kim ngạch xuất khẩu khiến cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 369 triệu USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,87 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,74 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,37 tỷ USD.
– Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,6%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.
– Ở chiều ngược lại, 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,5 tỷ USD, tăng 53,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, tăng 20,5%; thị trường ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 54,6%; Nhật Bản đạt 9 tỷ USD, tăng 15,9%; thị trường EU đạt 6,7 tỷ USD, tăng 16,8%; Hoa Kỳ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 7,5%
– Như vậy, Việt Nam đang có mức thặng dư thương mại 31,2 tỷ USD với Hoa Kỳ, thặng dư 9,4 tỷ USD so với EU và thâm hụt 23,4 tỷ USD so với Trung Quốc.
– Bộ Công thương dự báo, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định: CPTPP, EVFTA, UKFTA… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
– Giá hàng hóa xuất khẩu cũng đang có xu hướng tăng, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu. Bên cạnh đó, ở các nước Mỹ và châu Âu đang dỡ bỏ dần hoặc hoàn toàn lệnh phong tỏa khi đã tiêm đủ số lượng vắc xin, cầu hàng hóa trên thị trường thế giới đang hồi phục trở lại, đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vingroup thành lập công ty sản xuất vaccine Vinbiocare với vốn điều lệ 200 tỷ đồng
– Tập đoàn Vingroup công bố vừa thành lập CTCP Công nghệ sinh học Vinbiocare với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu cụ thể là sản xuất vaccine, huyết thanh và các thành phần của máu. Vingroup là 1 trong 3 cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 69%, tương ứng với 138 tỷ đồng. Bà Mai Hương Nội, PTGĐ tập đoàn Vingroup, sẽ là Chủ tịch HĐQT của công ty vaccine Vinbiocare.
– Việc thành lập công ty sản xuất vaccine bất ngờ gây được sự chú ý của toàn thị trường khi Việt Nam đang trong giai đoạn chống đỡ với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Ngoài tìm kiếm nguồn hỗ trợ vaccine ở nước ngoài, chính phủ cũng đang tạo điều kiện nhằm nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước.
– Sự xuất hiện của Vinbiocare đánh dấu công ty thứ 5 sẽ tham gia vào khu vực sản xuất vaccine trong nước. Trước đó, Vingroup cũng đã tài trợ cho 3 đơn vị là IVAC, Vabiotech và Nanogen để thử nghiệm vaccine Covivac và NanoCovax, trước khi đi đến quyết định thành lập công ty sản xuất vaccine riêng.
– Là tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại, Vingroup đã tài trợ cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 gần 2,300 tỷ đồng. Bước đi này cho thấy quyết tâm của Vingroup trong việc đẩy nhanh vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài và tiếp nhận chuyển giao công nghệ vaccine cho việc phòng chống COVID-19, nhằm sớm đưa nền kinh tế và xã hội Việt Nam trở lại trạng thái ổn định và bình thường.
• Đất Xanh đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 3 lần; muốn phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tỷ lệ hơn 38.5%
– Qua công bố nội dung họp ĐHCĐ thường niên năm 2021 vào ngày 26/6 sắp tới Tập đoàn Đất Xanh, HĐQT Đất Xanh đặt mục tiêu năm 2021 doanh thu thuần 9,000 tỷ đồng, gấp 3 lần thực hiện năm trước, và LNST cổ đông công ty mẹ 1,350 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 496 tỷ đồng. Cùng với đó là phương án cổ tức dự kiến 20%/mệnh giá cổ phiếu.
– Ngoài ra, công ty cũng trình phương án phát hành 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chiếm 38.59% số lượng đang lưu hành và 7 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), chiếm 1.35% lượng cổ phiếu lưu hành. Đây là một điểm cần lưu ý khi lợi ích cổ đông hiện hữu sẽ bị ảnh hưởng bởi kế hoạch phát hành một lượng rất lớn cổ phiếu của ban lãnh đạo Đất Xanh, do giá phát hành sẽ được tính bằng 80% trung bình 20 phiên giao dịch gần nhất trước khi được ban lãnh đạo chấp thuận.
– Trong năm 2021, tập đoàn Đất Xanh sẽ tập trung triển khai các dự án tại Đồng Nai và TPHCM như Gem Sky World, Opal Skyline hay Opal Cityview. Việc triển khai các dự án trên là một phần trong chiến lược 3 năm của Đất Xanh, với dự kiến sẽ bổ sung thêm 3 – 5 dự án quy mô lợi nhuận 3,000 – 5,000 tỷ đồng/dự án, đảm bảo quỹ đất sạch trung hạn, doanh thu và lợi nhuận liên tục 3 – 5 năm tới nhằm tránh rơi vào tình cảnh kết quả kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng như năm ngoái.
– Ngoài ra, Đất Xanh còn công bố chiến lược 5 năm 2020 – 2025 sẽ triển khai khai thác các dự án khu đô thị với quy mô từ 100 đến 200 ha tại các khu đô thị loại I và loại II, đồng thời mở rộng các quỹ đất dài hạn với các dự án có quy mô hơn 200ha. Hơn nữa, Đất Xanh cũng đề cập đến việc thâu tóm quỹ đất KCN từ 500 – 1000ha, cho thấy công ty bất động sản này sẽ không đứng ngoài lề với xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị sang Việt Nam trong tương lai gần.
– Về dài hạn, chiến lược 10 năm 2020 – 2030 của Đất Xanh đặt mục tiêu sở hữu quỹ đất tiềm năng 10,000ha. Hiện tại, danh mục dự án của Đất Xanh đang có tổng diện tích 2,295ha với tổng mức đầu tư hơn 118,000 tỷ đồng, cho thấy tham vọng của ban lãnh đạo với mục tiêu tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ