Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 10.03.2021 – Nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường – Con chim sợ cành cong?

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/03/2021    1504

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Mỹ có thể dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu năm 2021

– Mỹ có thể giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ trong năm nay, vì nước này đóng vai trò trung tâm hơn trong sự hồi phục, so với sau cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Điều này phản ánh bản chất bất thường của cú sốc Covid-19 và sự linh hoạt của nền kinh tế Mỹ.

– Theo Oxford Economics, nền kinh tế thế giới có thể sẽ tăng trưởng khoảng 6% trong năm nay, tốc độ nhanh nhất trong gần nửa thế kỷ qua, khi các chiến dịch tiêm chủng cho phép các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ và doanh nghiệp thu hồi vốn. Cũng theo đơn vị này, lần đầu tiên kể từ năm 2005, Mỹ dự kiến đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng toàn cầu so với Trung Quốc trong năm nay. Trước đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự phục hồi kinh tế toàn cầu lại được hỗ trợ bởi Trung Quốc, khi Mỹ trải qua giai đoạn hồi sinh yếu nhất kể từ cuộc Đại suy thoái.

– Vì nền kinh tế Mỹ lớn hơn Trung Quốc khoảng một phần ba, đóng góp của nó vào tăng trưởng toàn cầu sẽ lớn hơn của Trung Quốc nếu cả hai đều tăng trưởng xấp xỉ với tốc độ như nhau trong năm nay.
Theo Goldman Sachs, nền kinh tế Mỹ đã suy giảm 3,5% trong năm 2020 và dự kiến tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc đã tăng trưởng 2,3% trong năm ngoái và dự kiến sẽ tăng 8% trong năm nay.
Các nhà kinh tế của JP Morgan thì dự đoán Mỹ sẽ vượt qua tốc độ tăng trưởng trước đại dịch vào giữa năm nay, trong khi Trung Quốc đã trở lại quỹ đạo trước đại dịch nhưng sẽ không vượt quá tốc độ tăng trưởng trước kia. Châu Âu và một số thị trường mới nổi thì vẫn sẽ tụt hậu trong năm tới

Chính phủ Trung Quốc chính thức phê duyệt RCEP

– Theo thông tin mới nhất, ông Vương Văn Đào, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc công bố bên lề kỳ họp Quốc hội thường niên của nước này chiều 8/3. Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt nội dung Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), bước đi quan trọng trước khi Quốc hội nước này chính thức phê chuẩn.

– Ông Wang Wentao cho biết, chính phủ Trung Quốc đã chính thức phê duyệt RCEP, đồng thời mong muốn các quốc gia khác cũng đẩy nhanh tiến trình này, để có ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 nước khác phê chuẩn giúp hiệp định sớm có hiệu lực. Cũng theo quan chức này, Trung Quốc hiện đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị về mặt kỹ thuật liên quan đến thực thi RCEP. Đến nay, mọi việc ở nước này diễn ra “rất thuận lợi”, bao gồm thuế quan, chứng nhận xuất xứ…

– Theo đánh giá của ông Hứa Ninh Ninh, Chủ tịch Điều hành Hội đồng Thương mại Trung Quốc – ASEAN, Trung Quốc là quốc gia làm nhiều công tác chuẩn bị nhất trước khi RCEP chính thức có hiệu lực trong số các nước thành viên.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

Dự thảo quy hoạch điện VIII: Thách thức dành 12-13 tỷ USD đầu tư cho ngành điện mỗi năm

– Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2045 (quy hoạch điện VIII). Trong đó, dự thảo dự báo với mức tăng trưởng kinh tế khoảng 7% hàng năm trong giai đoạn 2021-2030. Theo đó, nhu cầu năng lượng, điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cũng duy trì ở mức cao, khoảng 10% trong thập kỷ tới.

– Bên cạnh đó, điện thương phẩm dự báo đạt 491 tỷ kWh vào 2030 và sẽ đạt 5,7% vào 2031-2045. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm trên GDP đạt 1,13 lần vào 2030 và sẽ giảm xuống 0,58 lần vào 2045, thấp hơn rất nhiều so với mức 1,2 vào 2020.
Về cơ cấu, than sẽ chiếm tỷ lệ 35% vào 2025 và lên mức 45,5% vào 2035. Tỷ lệ thủy điện có mức giảm đáng kể, trong khi đó các loại xăng dầu chiếm tỷ trọng hơn 20% của tổng năng lương sơ cấp. Bên cạnh đó, tỷ trọng năng lượng tái tạo mới đạt mức 27,9%, 25,6% và giảm xuống 23,5% lần lượt vào các năm 2025, 2030 và 2035. Để đảm bảo công suất phát điện đạt khoảng 138.000 MW vào 2030, mỗi năm ngành điện cần khoảng 12-13 tỷ USD vốn để đầu tư mới cho cả nguồn và lưới điện.

– Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết dự kiến đến 2030 công suất sẽ đạt 138.000MW, gấp đôi so với hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, dự thảo quy hoạch điện VIII đề xuất cơ chế triển khai thực hiện quy hoạch như đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện hay cơ chế xã hội hóa đầu tư truyền tải điện. Dự thảo quy hoạch điện VIII cũng đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện. Dự thảo còn đề xuất cơ chế xây dựng kế hoạch phát triển điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

3. Kênh tài sản khác

Nhà đầu tư ngoại rút vốn khỏi thị trường – Con chim sợ cành cong?

Có lẽ nhà đầu tư ngoại đã quá thấm thía bài học từ Taper Tantrum 2013 nên lần này đã phản ứng có thể được nhiều người gọi là quá sớm, quá mức… Mới hồi tháng 1 năm nay, tờ Financial Times có bài viết phấn khích đưa tin chỉ trong 3 tuần đầu của tháng đã có 17 tỷ USD vốn nước ngoài đổ vào 30 nước trong nhóm các thị trường mới nổi (EMs). Cũng theo bài viết, kể từ sau khi bị rút vốn mạnh, tới 90 tỷ USD riêng trong tháng 3/2020 là tháng bắt đầu đại dịch, vốn ngoại đã lại tràn ngập trên các thị trường vốn và nợ của EMs, đặc biệt là trong quý 4/2020 với lượng vốn đổ vào là 180 tỷ USD, nâng tổng vốn ngoại vào 63 nước EMs đạt 360 tỷ USD trong 9 tháng cuối năm 2020.

Bài báo cho rằng lãi suất Mỹ tăng làm nhà đầu tư lo sợ có thể Fed sẽ sớm chấm dứt nới lỏng tiền tệ, gây ra một “taper tantrum” khác giống như hồi 2013 vốn đã làm tổn hại EMs. Nỗi sợ này đã xui khiến các nhà đầu tư rút vốn ròng khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, đột ngột chấm dứt giai đoạn vốn ròng đổ vào dài cả tháng.

Cần biết rằng trong thời gian đó, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm mới chỉ quanh quẩn 1,1% hồi đầu tháng 2 đột ngột tăng lên 1,54% ngày 25/2 sau khi Thống đốc Fed Powell trong một cuộc họp báo thậm chí không tỏ cho thấy Fed đã sẵn sàng hành động để kiềm chế lãi suất dài hạn. Thị trường cần và kỳ vọng được nghe những cam kết hành động cụ thể từ Fed làm yên lòng giới đầu tư, chẳng hạn như sẽ ngừng mua trái phiếu ngắn hạn, chuyển sang mua trái phiếu dài hạn để chặn đà tăng lợi suất trái phiếu dài hạn. Chưa hết, lợi suất này tiếp tục tăng lên gần 1,6% ngày 8/3 là mức cao nhất trong vòng một năm, bất chấp Thượng viện Mỹ mới phế chuẩn gói kích thích tài chính 1,9 nghìn tỷ USD vào ngày 6/3.

Như vậy, điều có thể rút ra là mối liên hệ giữa các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ, với các EMs hiện nay đã trở nên khăng khít và bị tác động nhiều hơn bởi các chính sách kinh tế của Washington so với trước đây. Do đó, với tư cách là một thị trường mới nổi, thậm chí là một trong những điểm sáng hiếm hoi về kinh tế trong khu vực và thế giới, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài những xu hướng đang diễn ra trên các thị trường vốn và nợ quốc tế. Thực tế là tương đồng với xu hướng rút vốn mạnh khỏi EMs từ tuần cuối tháng 2, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến nhà đầu tư ngoại rút vốn ròng liên tục cho đến tuần này mà không có một phiên nào có màu xanh xen kẽ như từng thấy từ đầu năm.

Điều đáng nói khác là trong lúc không ai có thể khẳng định được nhà đầu tư trong nước sẽ còn lạc quan, hưng phấn với thị trường chứng khoán và trái phiếu Việt Nam được bao lâu, lực nâng đỡ thị trường từ sức mua ròng của khối ngoại là điều không nên được đặt cược quá nhiều, kể cả khi gói kích thích tài chính 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ đã được phê chuẩn. Bởi gói kích thích quy mô đến gần 10% GDP cấp tập đổ vào nền kinh tế Mỹ được Fed cam kết hỗ trợ cấp vốn với lãi suất 0% hoàn toàn có thể tạo ra những kỷ lục mới về thâm hụt kép của Mỹ gồm thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khóa làm dấy lên viễn cảnh lạm phát cao trong tương lai dẫn đến kỳ vọng ngày càng tăng vào việc Fed sẽ sớm phải đảo chiều chiến dịch bơm tiền, kéo theo lãi suất dài hạn tăng. Vì vậy, sẽ là không mấy ngạc nhiên khi thị trường chứng kiến biến động trái chiều của các chỉ số chứng khoán Mỹ ngày 8/3 sau khi gói 1,9 nghìn tỷ USD này được Thượng viện Mỹ phê chuẩn.

Xu hướng sắp tới của dòng vốn ngoại vào EMs cũng như Việt Nam sẽ phần nào được định hình rõ hơn trong cuộc họp chính sách tuần tới của Fed, nơi một số nhà làm chính sách có thể thay đổi quan điểm của mình trước diễn biến thị trường.

4. Câu chuyện đầu tư

“ Một số lời khuyên trong đầu tư chứng khoán của Warren Buffett”

Không chỉ là một vị tỷ phú và tài năng trong kinh doanh, Warren Buffett còn là người được biết đến với vị trí người thầy – người truyền cảm hứng, truyền kinh nghiệm hữu ích cho hàng vạn nhà đầu tư trên thế giới trong nhiều năm qua. Một số những phương pháp đầu tư được ông đúc kết bao gồm:

a. Kiên nhẫn
Warren Buffet đã từng nói rằng “Nếu có sự kiên nhẫn, bạn sẽ giữ được chiếc đầu lạnh trong khi người khác đang phát điên”. Trong bối cảnh các chiến lược đầu cơ trở thành phương pháp kiếm lời phổ biến thì việc kiên nhẫn duy trì một danh mục đầu tư trở thành điều xa lạ với nhiều nhà đầu tư.
Thực tế diễn biến thị trường cũng cho thấy một mã cổ phiếu trước khi bước vào xu hướng tăng giá mạnh thường giảm sâu suốt khoảng thời gian dài. Khi các nhà đầu nhỏ lẻ đã buông xuôi, “cá mập” chứng khoán sẽ ôm hàng cho đến khi đủ số lượng cần thiết rồi đột ngột “bật giá” trở lại mà không gặp phải trở ngại gì. Như vậy, vì thiếu tính kiên nhẫn, vì không có lòng tin vào thị trường bạn đã để vuột mất món lợi khổng lồ vào tay “cá mập”.

b. Ngược chiều đám đông
Thị trường chứng khoán “tấp nập” là bởi vì tâm lý đám đông lấn át lợi nhuận và cổ tức. Tuy nhiên có một nghịch lý, đám đông thì thường không chiến thắng. Theo thống kê chỉ có 5% nhà đầu tư trên thị trường thắng lớn, còn lại 95% người chơi chứng khoán thất bại.
Bởi vậy, Warren Buffett nói rằng “Hãy sợ hãi khi người khác tham lam và tham lam khi người khác sợ hãi”. Đừng để quyết định của mình bị chi phối vởi ý kiến của người khác thay vào đó trước khi thực hiện giao dịch bạn nên bĩnh tĩnh nghiên cứu đánh giá doanh nghiệp một cách chuyên tâm nhất.

c . Quyết định đầu tư nằm ở bản thân
Tất nhiên việc “ngược chiều đám đông” không phải lúc nào cũng đúng, điều này vào quá trình nghiên cứu doanh nghiệp và thị trường của nhà đầu tư. Nói cách khác dù mua – bán mã chứng khoán nào thì quyết định đầu tư là do chính bạn làm chủ.
Warren Buffett đã chứng minh tính đúng đắn của quan niệm trên bằng số tài khoản khổng lồ mà ông có được trong 50 qua. “Nhà tiên tri Omaha” đã gặt hái khoản lợi nhuận hàng tỷ đô vì mua vào những mã cổ phiếu giàu tiềm năng mà người khác không đánh giá cao và các chuyên gia hiếm khi nhắc tới.

d. Ưu tiên đầu tư dài hạn
Đầu tư dài hạn là nguyên tắc “bất di bất dịch” trong chiến lược đầu tư của Warren Buffett.
Ưu tiên đầu tư dài hạn
Trong những lời nhắn gửi của Warren Buffett đến các cổ đông của Berkshire Hathaway ông luôn nhấn mạnh về việc đầu tư dài hạn, với ông đầu tư chứng khoán cần sự nghiêm túc về công sức lẫn thời gian chứ không chỉ vì nguồn lợi nhuận trước mắt.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.