Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 10.02.2022 – Mỹ thâm hụt thương mại tăng lên mức kỷ lục trong năm 2021

Nhận định Thị trường hàng ngày 10/02/2022    30100

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 10/02/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Mỹ thâm hụt thương mại tăng lên mức kỷ lục trong năm 2021
– Bộ Thương mại Mỹ ngày 8/2 cho biết thâm hụt thương mại về hàng hóa và dịch vụ đã tăng lên mức kỷ lục 859,1 tỷ USD trong năm 2021 do nhập khẩu tăng mạnh.
– Nhập khẩu của Mỹ năm 2021 tăng khoảng 20,5% lên 3.390 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng khoảng 18,5% lên 2.530 tỷ USD.
– Mức chênh lệch thương mại này tương đương 3,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong năm 2021, tăng so với mức 3,2% GDP trong năm 2020.
– Các chuyên gia kinh tế nhận định việc Mỹ tăng mạnh nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong nước đã khiến thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ tăng 27% trong năm 2021. Đồng thời, thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục gia tăng trong năm nay, khi kinh tế Mỹ phải chật vật ứng phó những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong năm thứ ba liên tiếp.
– Có thể thấy, tăng trưởng xuất khẩu không ổn định sẽ trở thành một yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2022. Bên cạnh đó, lạm phát gia tăng cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu của Mỹ tăng khi chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 12/2021 đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/1982.

• Trung Quốc nới lỏng hạn chế cho vay bất động sản khi thị trường nhà ở sụt giảm luật.
– Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tuyên bố các khoản vay ngân hàng để tài trợ cho các dự án cho thuê giá rẻ sẽ không còn phải tuân theo quy định của pháp luật.
– Động thái này cho thấy sự quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trong nới lỏng việc kìm hãm đòn bẩy bất động sản vốn đang tăng trưởng chậm lại. Việc khởi động thêm các dự án bất động sản sẽ giúp chống lại sự suy giảm tăng trưởng của các công ty xây dựng đang gặp khó khăn tài chính.
– Lần nới lỏng mới nhất này diễn ra sau khi các ngân hàng đã được thúc giục cho vay nhiều hơn cho các nhà phát triển bất động sản và tăng tốc độ phê duyệt thế chấp. Các công ty cũng được tạo điều kiện để có nguồn tài chính mua tài sản từ các công ty bất động sản yếu hơn bằng cách loại trừ khoản nợ đó khỏi các giới hạn quy định về vay.
– Theo các giới hạn cho vay có hiệu lực vào tháng 1 năm ngoái, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc được yêu cầu cắt giảm tỷ lệ cho vay đối với lĩnh vực bất động sản xuống còn 40% hoặc ít hơn. Khoản cho vay cầm cố của các ngân hàng được giới hạn ở mức 32,5% dư nợ tín dụng. Những ngân hàng vượt quá giới hạn được cho một thời gian gia hạn là bốn năm để đáp ứng các yêu cầu.
– PBOC cũng kêu gọi các bên cho vay tăng cường hỗ trợ cho các căn nhà cho thuê giá cả phải chăng bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính “hợp pháp” và “bền vững về mặt thương mại”.
– Vào tháng 1/2021, Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị – Nông thôn cho biết, tổng cộng 6,5 triệu ngôi nhà cho mục đích cho thuê sẽ được xây dựng trên 40 thành phố lớn trong 5 năm đến năm 2025. Các ngôi nhà này sẽ chiếm khoảng 26% nguồn cung nhà ở mới tại các thành phố trong giai đoạn kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và mang lại lợi ích cho 13 triệu người trẻ và cư dân mới.
– Việc Trung Quốc đang cố gắng kích thích thị trường bất động sản thông qua nới lỏng điều kiện cho vay, đồng thời với việc gia hạn thêm 5 năm nữa cho ngành công nghiệp thép để đạt mức đỉnh phát thải trước khi bước vào giai đoạn trung hòa carbon, là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho giá thép và ngành công nghiệp thép trong thời gian tới.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Ngân hàng nhà nước kiến nghị thủ tướng sớm chỉ đạo gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng
– Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
– Gói hỗ trợ lãi suất dự kiến triển khai trong năm 2022 và 2023 với mức hỗ trợ lãi suất 2% một năm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
– Ngoài ra, Ngân hàng nhà nước cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh, tạo điều kiện cho nhóm này tăng cường năng lực tài chính, phát huy vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Nhà nước.
– Phản hồi kiến nghị của phía Ngân hàng nhà nước, thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan xử lý theo thẩm quyền. Đồng thời thủ tướng nhấn mạnh, Ngân hàng nhà nước cần tập trung kiểm soát nợ xấu, áp lực lạm phát, kiểm soát dòng tiền vào các lĩnh vực.
– Theo đó chúng tôi cho rằng, Chính phủ và ngân hàng nhà nước tới đây sẽ có những kế hoạch chặt chẽ hơn trong việc thực thi gói hỗ trợ này, nhằm nắn dòng vốn ưu tiên vào đúng lĩnh vực, tránh để tiền chảy vào các lĩnh vực khác như đầu cơ chứng khoán, bất động sản từ đó gây nên những hệ lụy nặng nề như nhiều năm trở về trước.

• Đề xuất sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để cung ứng cho thị trường
– Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung xăng dầu trong nước cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy 100% công suất từ 13/3/2022. Hiện, các doanh nghiệp đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong trường hợp Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động như kế hoạch.
– Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu.
– Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường. Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng qua tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường.
– Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1/2022, tại một số tỉnh (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao, không có đủ nhân lực để kinh doanh.
– Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho sử dụng nguồn xăng dầu dự trữ quốc gia để cung ứng cho thị trường trong trường hợp cần thiết. Đồng thời, yêu cầu Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khẩn trương đưa ra giải pháp tái cấu trúc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhằm duy trì hoạt động, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường. Cùng đó chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Bình Sơn tăng công suất sản xuất để tăng nguồn cung cho thị trường.
– Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thời giá hiện hành và thực tế chi phí phát sinh trong kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Digiworld ghi nhận doanh thu 3.060 tỷ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch quý
– Digiworld (HOSE: DGW) công bố ghi nhận 3.060 tỷ đồng doanh thu chỉ trong tháng 1/2022 – tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 44% kế hoạch quý.
– Tổng giám đốc Digiworld chia sẻ doanh nghiệp đạt được kết quả ấn tượng như trên nhờ 2 nguyên nhân do: ‘dư âm’ của tâm lý mua sắm bù sau 3 tháng giãn cách trong năm 2021 và tháng Tết âm lịch.
– Trong năm 2022, Digiworld lần đầu tiên đặt mục tiêu doanh thu trên 1 tỷ USD – 26.300 tỷ đồng – kèm lợi nhuận ròng 800 tỷ đồng. Theo đó, mảng laptop – tablet và Mobile Phone tiếp tục đóng vai trò quyết định trong kế hoạch kinh doanh của Digiworld trong năm 2022. Dự kiến 2 mảng này sẽ mang về cho doanh nghiệp 9.740 tỷ đồng và 12.330 tỷ đồng doanh thu.
– Có thể thấy, Covid-19 mang đến những lợi ích bất ngờ với các doanh nghiệp kinh doanh trong mảng ICT như Digiworld. Năm 2021, đại dịch khiến các cửa hàng và chuỗi bán hàng công nghệ phải đóng cửa trong thời gian dài, cộng thêm đó là vấn đề logistics hết sức khó khăn; bù lại, Covid-19 thúc đẩy nhu cầu về các thiết bị công nghệ – văn phòng để phục vụ làm việc từ xa.

• HAX báo lãi ròng quý 4/2021 tăng gấp đôi so với cùng kỳ lên 125 tỷ đồng
– Công ty cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HOSE: HAX) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 với doanh thu tăng 19% lên 2.156 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp đôi so năm trước đạt hơn 125 tỷ đồng.
– Lý giải về kết quả trên, công ty cho biết đơn vị đã tận dụng thời cơ khi TP. HCM bắt đầu mở cửa lại từ quý 4. Haxaco đẩy mạnh các chiến dịch quảng bá trên nền tảng trực tuyến, tối đa hóa lợi nhuận trên từng chiếc xe, tiếp tục tiết giảm các chi phí phát sinh. Đồng thời, chính sách hỗ trợ của Chính phủ về việc giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô đã kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
– Ngoài ra, sự ưu đãi lãi suất của các ngân hàng liên kết cũng như việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả đã góp phần giảm chi phí tài chính, tăng lợi nhuận.
– Tính chung cả năm, doanh thu đi ngang ở mức 5.551 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 160 tỷ đồng.
– Nhìn chung, nửa đầu năm 2022 là thời điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp ô tô với các ưu đãi đặc biệt từ chính phủ nhằm kích thích tiêu dùng. Với vị thế lớn trong ngành và thị phần lớn với các dòng xe nổi tiếng sẽ tạo điều kiện tích cực cho triển vọng kết quả kinh doanh HAX trong năm 2022.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 09/2/2022 chỉ tăng nhẹ dưới 5 điểm. Mặc dù có thời điểm tăng tới 10 điểm trong phiên, tuy vậy VN-Index đã nhanh chóng lùi về giao dịch loanh quanh mốc tham chiếu. Diễn biến giao dịch của thị trường ở phiên chiều tương đối ảm đạm, VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ hẹp và kết thúc toàn phiên với mức tăng chỉ 4.39 điểm, lên mức 1,505.38 điểm.
– Về mức độ đóng góp, HPG là cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến VN-Index khi góp hơn 2 điểm tăng cho chỉ số này. Theo sau là các mã BID, DIG và SHB. Trong khi đó, VCB, VIC và GAS là những cổ phiếu kìm hãm đà tăng của chỉ số.
– Về nhóm ngành, vật liệu xây dựng tiếp tục hút dòng tiền đầu tư và tăng cho mình 3.7%. Nhóm cổ phiếu thép đồng loạt khởi sắc. Những cổ phiếu thép như HSG, POM và NKG cũng tăng kịch trần. Nhóm ngành xây dựng cũng là một trong những nhóm có mức tăng tốt nhất trong phiên, cả nhóm tăng ở mức 1.69%. Những cổ phiếu như REE, CTD, HTN hay HBC đều kết phiên trong sắc xanh tích cực. Cả ngành có tới 50 mã tăng giá, 22 mã tham chiếu và chỉ có 25 mã điều chỉnh giảm giá.
– Khối ngoại phiên giao dịch ngày 09/2 mua ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 217 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị hơn 31 tỷ đồng.
– Có thể thấy, VN-Index giằng co quanh vùng kháng cự kỹ thuật 1,500-1,510 điểm. Điều tích cực là khối ngoại duy trì trạng thái mua ròng sau khoảng thời gian dài liên tiếp bán ròng. Khối lượng giao dịch đang cho thấy những tín hiệu phục hồi.
– Nhà đầu tư nên tránh mua đuổi tại giai đoạn hiện tại khi ngưỡng 1,500 – 1,510 điểm vẫn là kháng cự mạnh của thị trường. Những nhịp điều chỉnh về vùng 1,480 hoặc nếu VN-Index có thể phá vỡ vùng 1,500 – 1,510 điểm cùng với khối lượng giao dịch tăng mạnh thì điểm mua hợp lý sẽ mở ra cho các nhà đầu tư.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0