Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 09.07.2021 | Fed chưa chắc chắn về thời điểm thu hẹp chương trình mua tài sản

Nhận định Thị trường hàng ngày 09/07/2021    23185

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Bloomberg: Mỹ có thể sắp họp bàn áp thuế Việt Nam liên quan hành vi tiền tệ
– Mỹ đang thảo luận về việc áp thuế với Việt Nam về các hành vi tiền tệ từng được chính quyền cựu tổng thống Donald Trump mô tả là “bất hợp lý và gây bất lợi cho doanh nghiệp Mỹ”.
– Chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến họp bàn về vấn đề này sớm nhất vào ngày 7/7, Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin. Cuộc họp sẽ có sự tham gia của các quan chức Bộ Tài chính Mỹ, văn phòng Đại diện Thương mại, Bộ Thương mại và Hội đồng An ninh Quốc gia.
– Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hạn chót tháng 10, một năm sau khi Washington bắt đầu điều tra, để áp thuế theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đang đến gần.
– Trong những ngày cuối của chính quyền Trump, Mỹ kết luận hành vi tiền tệ của Việt Nam là “bất hợp lý và tạo gánh nặng hoặc cản trở thương mại Mỹ” nhưng không áp thuế trừng phạt.
– Cuộc điều tra thương mại vẫn chưa kết thúc và nếu Mỹ quyết định chính thức áp thuế với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, Washington cần có khung thời gian để tiếp nhận bình luận từ công chúng và tổ chức các buổi điều trần. Điều này đồng nghĩa bước đi ban đầu là đưa ra danh sách sản phẩm đề xuất áp thuế cần phải thực hiện trong vài tuần tới, theo giới chuyên gia thương mại.
– Chính quyền Biden cho đến nay vẫn chọn cách tiếp cận mềm mỏng hơn trong vấn đề tiền tệ so với người tiền nhiệm. Hồi tháng 12, Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Trump ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”, lần đầu tiên gắn mác thao túng tiền tệ với Việt Nam và Thụy Sĩ.

• Fed chưa chắc chắn về thời điểm thu hẹp chương trình mua tài sản
– Biên bản cuộc họp mới nhất công bố ngày 7/7 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy giới chức ngân hàng trung ương này bị chia rẽ về thời điểm bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản, do những yếu tố không chắc chắn về triển vọng nền kinh tế. Trong biên bản, Fed cho hay một số quan chức kỳ vọng các số liệu sắp công bố sẽ cho thấy điều kiện để Fed có thể bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản đến sớm hơn dự kiến trước đó.
– Tuy nhiên, một số khác lại coi các số liệu sắp tới chỉ cung cấp những “tín hiệu kém rõ ràng” về các động lực kinh tế cơ bản. Họ đánh giá rằng Fed cần thêm thông tin vào những tháng tới để có thể đánh giá tốt hơn về xu hướng của thị trường lao động và lạm phát. Nhóm quan chức này nhấn mạnh Fed nên kiên nhẫn trong việc đánh giá tiến độ các mục tiêu, cũng như đưa ra những thay đổi đối với chương trình mua tài sản của ngân hàng trung ương này.
– Song dù có những khác biệt, các quan chức Fed vẫn đồng ý rằng ngân hàng này phải có “thể trạng” tốt để giảm tốc chương trình mua tài sản nhằm đối phó với những sự kiện kinh tế bất ngờ.
– Fed đã cam kết giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức thấp kỷ lục gần bằng 0%, đồng thời tiếp tục chương trình mua tài sản tối thiểu ở mức hiện tại là 120 tỷ USD mỗi tháng cho đến khi đà phục hồi kinh tế Mỹ đạt được tiến bộ đáng kể hơn nữa. Biên bản không tiết lộ khi nào Fed sẽ bắt đầu điều chỉnh chương trình mua trái phiếu và lãi suất được đưa ra vào mùa xuân năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19.
– Theo biên bản, hiện tiêu chuẩn của Fed về “đà phục hồi đáng kể” nhìn chung chưa được đáp ứng, mặc dù các quan chức kỳ vọng sẽ có thêm nhiều tiến triển. Fed họp 8 lần một năm, với hai cuộc họp tiếp theo được lên lịch vào ngày 27-28/7 và ngày 21-22/9.

2. Thông tin Việt Nam

• Tiến độ tiêm vaccine có thể hãm đà tăng xuất khẩu dệt may
– Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý 2/2021 đạt 8 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, dệt may xuất khẩu ước đạt 18,47 tỷ USD, tăng 19,22%so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2019.
– Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 13,7 tỷ USD, tăng 11,25% so với cùng kỳ. Xuất khẩu xơ sợi đạt 2,64 tỷ USD, tăng 64,2%. Xuất khẩu vải đạt 1,115 tỷ USD, tăng 31,3%. Xuất khẩu vải địa kỹ thuật đạt 367 triệu USD, tăng 88,2%. Xuất khẩu phụ liệu dệt may đạt 597 triệu USD, tăng 23%.
– Tính riêng 5 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 6,02 tỷ USD, tăng 24,19% so với 5 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu sang các thị trường CPTPP đứng thứ 2 với 1,95 tỷ USD, nhưng chỉ tăng 2,03% so với 5 tháng đầu năm 2020. Tiếp đến là thị trường EU với kim ngạch xuất khẩu 1,21 tỷ USD, tăng 14,38% so với 5 tháng đầu năm 2020… Điển hình nếu so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường thành viên EU tiêu thụ lớn đều tăng trưởng ở mức cao như Hà Lan tăng 27,45%, Pháp tăng 41,57%, Bỉ tăng 17,27%, Italia tăng 30,25%…
– Những con số này trái ngược hoàn toàn với năm 2020, bởi theo Hiệp hội dệt may (Vitas), thời điểm này năm ngoái khi đợt dịch thứ 2 bùng phát, các doanh nghiệp dệt may trong trạng thái trông chờ đơn hàng có khi tính theo tuần và đối tác liên tục hoãn, huỷ đơn hàng, nhưng năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng tới hết năm.
– Nhưng trớ trêu, đơn hàng nhiều doanh nghiệp lại lo không hoàn thành đúng tiến độ do thiếu lao động, cũng như dịch bệnh Covid-19 vẫn dập dình.
– Theo bà Trần Tường Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty may Hoà Thọ, thách thức về lao động và kiểm soát dịch vẫn còn nguyên vẹn trong năm 2021. Bởi hiện chưa có dự báo chính thức nào về thời điểm thế giới kiểm soát được dịch Covid-19 và các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường.
– Bà Hoàng Ngọc Ánh, Tổng Thư ký Vitas cũng đồng tình, thời điểm hiện tại, sản xuất dệt may đang phục hồi tích cực. Kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng liên tục do doanh nghiệp có nhiều đơn hàng.
– Chia sẻ tại Vitas, ông Lưu Tiến Chung, Tổng giám đốc Công ty CP May Bắc Giang LGG thừa nhận, thị trường nửa đầu năm tốt lên, đơn hàng về nhiều nhưng nếu không làm được doanh nghiệp sẽ gánh thiệt hại kép, cả doanh thu và hiệu quả sản xuất.
– Khi ấy, doanh nghiệp gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao. Chưa kể, nếu đổi vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không cho kịp tiến độ giao hàng doanh nghiệp chắc chắn lỗ.
– Trong 6 tháng đầu năm ngành dệt may Việt Nam đã có nhiều tín hiệu khởi sắc nhờ nỗ lực của Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều chính sách và động thái hỗ trợ triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và thông thương hàng hoá. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới có thể khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị trở ngại, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và mặt hàng dệt may nói riêng.

• Lượng kiều hối đổ về TP.HCM vẫn tăng mạnh bất chấp dịch COVID-19
– Bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nhiều nước, lượng kiều hối đổ về Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.
– Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng kiều hối đổ về Thành phố đạt 3,2 tỉ USD, tăng 22,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây được xem là mức tăng trưởng khả quan trong bối cảnh khó khăn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
– Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết nguồn kiều hối chuyển về chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.
– Dự báo trong năm nay, lượng kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt khoảng 6,5 tỉ USD, tăng khoảng 6,5% so với năm ngoái (6,1 tỉ USD). Như vậy, đến thời điểm này, lượng kiều hối đổ về thành phố đã đạt khoảng 50% con số dự báo trên.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Digiworld ước lãi quý II đạt 101 tỷ đồng, tăng 110% so cùng kỳ
– Thế giới số (HoSE: DGW) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II/2021 doanh thu ước đạt 4.166 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 61% và 110% so với cùng kỳ năm 2020.
– Các sản phẩm điện thoại di động mang về 2.123 tỷ đồng, chiếm trên 50% doanh thu, tiếp đến là mảng laptop và máy tính bảng đóng góp 1.307 tỷ đồng. Cả hai nhóm sản phẩm tăng trưởng lần lượt 85% và 21% so với cùng kỳ.
– Dữ liệu từ Digiworld cũng cho thấy doanh thu tăng trưởng ở tất cả các nhóm sản phẩm. Trong đó mức tăng mạnh nhất ghi nhận ở các sản phẩm thiết bị văn phòng với mức tăng 120% so với cùng kỳ, mang về 657 tỷ đồng, tương đương khoảng 16% tổng doanh thu cho Digiworld.
– Với doanh thu các mảng đều tăng trưởng, quý II, Digiworld ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 101 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả khả quan dù quý II thường là quý thấp điểm, theo Digiworld.
– Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Digiworld đạt doanh thu thuần 9.173 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 208 tỷ đồng, tăng 123% so với quý II năm ngoái. Kết quả này giúp Digiworld hoàn thành lần lượt 60% và 69% kế hoạch cả năm.
– Đóng cửa phiên sáng 8/7, DGW tăng hơn 4% đạt 140.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vùng đỉnh gần nhất thiết lập vào nửa cuối tháng 5 này. Mức này cũng cao hơn 63% so với thị giá hồi đầu năm.

• Hoà Phát Dung Quất đề xuất đầu tư dự án hơn 371 tỷ đồng ở Quảng Ngãi
– Sở Tài chính tỉnh Quảng Ngãi cho biết CTCP Thép Hoà Phát Dung Quất đã đề xuất đầu tư dự án nhà xưởng, kho bãi hàng hóa và sản xuất vật liệu xây dựng Hòa Phát Dung Quất. Dự án quy mô 12,9 ha, tổng mức đầu tư khoảng 371,8 tỷ đồng bằng vốn tự có. Căn cứ vào vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư tại ngày 30/6/2020 là 31.623 tỷ đồng, Sở Tài chính đánh giá doanh nghiệp đủ năng lực tài chính để đảm bảo đúng tiến độ sử dụng đất và đủ cơ sở đầu tư dự án bằng vốn tự có.
– Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thống nhất cho Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Dự kiến triển khai trên diện tích 279 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng.
– Trước đó, CTCP gang thép Hòa Phát Dung Quất đã thực hiện Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn/năm. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.

• Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu bứt phá mở thêm 100 nhà thuốc trong vòng 6 tháng
– Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, FPT Long Châu khai trương hơn 100 nhà thuốc mới, chính thức cán mốc 300 cửa hàng tại 53 tỉnh, thành trên toàn quốc vào cuối quý 2, 2021.
– Hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu là một trong những cái tên uy tín trong ngành bán lẻ dược phẩm với kinh nghiệm gần 20 năm. Tuy nhiên, chỉ vài năm gần đây, FPT Long Châu mới tăng tốc, phát triển mạnh mẽ với sự xuất hiện của hàng loạt nhà thuốc trên toàn quốc. Sự tăng tốc phát triển này dựa trên yếu tố nhu cầu ngày càng cao của người dân Việt Nam về các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, cùng với kinh nghiệm quản trị, vận hành chuỗi bán lẻ và lợi thế công nghệ từ tập đoàn FPT, Long Châu nhanh chóng tìm được công thức mở rộng quy mô như hiện nay.
– Bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch Công ty bán lẻ FPT, kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu – chia sẻ: “Thế mạnh của chúng tôi là kinh nghiệm vận hành chuỗi bán lẻ. Thế nên, với FPT Long Châu, chúng tôi rất chú trọng về hàng hoá, làm sao đáp ứng tốt nhất nhu cầu về thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ của người dân Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp hơn 30.000 đầu mục sản phẩm được nhập chính hãng và được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu thuốc và các sản phẩm sức khỏe của người dùng với giá hợp lý nhất.
– Trực thuộc tập đoàn FPT vào năm 2017 chỉ với 8 cửa hàng tại TP. HCM, FPT Long Châu đã tăng tốc lên 300 nhà thuốc chỉ sau 4 năm. Tốc độ mở bán được đẩy mạnh khi trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, FPT Long Châu đã mở mới hơn 100 cửa hàng trên toàn quốc và hướng đến mục tiêu 400 nhà thuốc vào cuối năm 2021


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0