Podcast ngày 09.06.2021 Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy thép Dung Quất 2 của Hoà Phát
Nhận định Thị trường hàng ngày 09/06/2021 12539
Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/062021
1. Thông tin vĩ mô thế giới
• Lạm phát tăng và nền kinh tế phục hồi – ‘phép thử’ chính sách của ECB
– Lạm phát tăng và nền kinh tế phục hồi khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng sẽ là trọng tâm tại cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 10/6, đồng thời đặt ra vấn đề liệu ngân hàng này có giữ vững cam kết duy trì các biện pháp kích thích nền kinh tế trong bối cảnh dịch.
– Hội đồng điều hành gồm 25 thành viên của ECB được nhận định rộng rãi là sẽ duy trì lãi suất ở các mức thấp kỷ lục và giữ nguyên chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp sắp tới.
– Tuy nhiên, khi triển vọng của nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sáng sủa hơn nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được đẩy mạnh và nhiều doanh nghiệp mở cửa trở lại, các nhà quan sát sẽ chờ đợi các dấu hiệu cho thấy khi nào ECB có thể bắt đầu giảm quy mô chương trình mua trái phiếu trong khủng hoảng.
– Chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trong đại dịch trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) của ECB, công cụ chính mà ngân hàng này sử dụng nhằm ứng phó với tác động của dịch, dự kiến sẽ được duy trì đến tháng 3/2022.
– Các nhà quan sát cho rằng Chủ tịch ECB, Christine Lagarde, tại cuộc họp báo vào ngày 10/6 có thể sẽ có nhận định lạc quan về đà phục hồi kinh tế của khu vực nhưng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì các biện pháp hỗ trợ. Thống đốc Ngân hàng trung ương Italia Ignazio Visco tuần trước nói rằng vẫn chưa chắc chắn về quá trình và tốc độ phục hồi kinh tế nên vẫn cần duy trì các điều kiện tài chính thuận lợi trong một thời gian dài.
– Lạm phát tại Eurozone chạm mức 2% trong tháng Năm, vượt qua mức mục tiêu mà ECB đặt ra, đạt mức cao nhất trong gần 3 năm. Các quan chức ECB nhấn mạnh lạm phát lõi, không bao gồm giá năng lượng và các mặt hàng dễ biến động khác, vẫn thấp. ECB sẽ công bố dự báo mới nhất trong ngày 10/6, với lạm phát có thể được điều chỉnh tăng từ mức hiện nay là 1.5% cho năm nay và 1.2% trong năm tới. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ không đổi, ở mức 4% trong năm nay và 4.1% trong năm tới.
– Khi hàng loạt giá cả hàng hóa tăng cao, thì có thể lạm phát sẽ là một vấn đề mà khiến các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Tuy nhiên, sự gia tăng lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời và sẽ giảm bớt một khi sự gián đoạn nguồn cung và các tác động cơ bản từ những tháng đầu của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 giảm bớt.
• Xuất khẩu Trung Quốc tiếp tục bùng nổ, thặng dư thương mại hơn 45 tỷ USD trong 1 tháng
– Xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 5, dù có giảm tốc chút ít so với tháng 4, nhờ nhu cầu lớn của thị trường toàn cầu khi có thêm nhiều nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại. Nhập khẩu của nước này cũng tăng vọt, một phần do giá nguyên vật liệu thô neo thang.
– Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ Hải quan Trung Quốc ngày 7/6 cho biết kim ngạch xuất khẩu tính bằng USD của nước này tăng khoảng 28% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn dự báo và thấp hơn mức tăng của tháng 4, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trung bình lịch sử. Nhập khẩu tăng 51.1%, mạnh nhất từ tháng 3/2010. Thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 5 là 45.5 tỷ USD.
– Nhu cầu của thị trường quốc tế đối với hàng hoá Trung Quốc đang ở mức cao, khi các nền kinh tế từ Anh tới Mỹ thoát khỏi quãng thời gian phong toả kéo dài nhiều tháng. Xuất khẩu sang các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Đông Nam Á – những nơi có Covid-19 bùng phát mạnh những tháng gần đây – cũng tăng trưởng tốt.
– Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc là một tín hiệu khả quan nữa về kinh tế toàn cầu. Mới đây, Hàn Quốc công bố số liệu tháng 5 cho thấy xuất khẩu tăng mạnh nhất từ năm 1988. Xuất khẩu của Hàn Quốc luôn được xem là một thước đo đáng tin cậy về sức khoẻ kinh tế thế giới.
– Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm tốc nhẹ, nhưng vẫn tăng khoảng 21%. Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng khoảng 13%. Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng hơn 100% tháng thứ hai liên tiếp. Giá nguyên vật liệu thô tăng cao và cơ sở so sánh thấp của năm 2020 tiếp tục là những nhân tố dẫn tới tốc độ tăng trưởng lớn về giá trị nhập khẩu của Trung Quốc.
– Chính sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc là một nguyên nhân đẩy giá nguyên vật liệu thô toàn cầu lên cơn sốt những tháng gần đây. Trong 5 tháng đầu năm, nhập khẩu quặng sắt và tinh quặng sắt của Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm tăng 85,5% về giá trị dù chỉ tăng 6% về khối lượng. Nhập khẩu quặng đồng và tinh quặng đồng tăng 54.5% về giá trị dù chỉ tăng 6.4% về khối lượng.
– Giá đầu vào tăng cao đang đẩy chi phí gia tăng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Chính phủ nước này gần đây đã tăng cường chiến dịch kiềm chế sự neo thang của giá vật tư và sức ép lạm phát. Và với giá xuất xưởng hàng hóa ở Trung Quốc trong tháng 5 tăng sẽ góp phần đẩy giá hàng hóa xuất khẩu tăng.
2. Thông tin Việt Nam
• ‘Tắc nghẽn’ đầu tư công làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế
– Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 5, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên toàn quốc ước đạt hơn 102,029 tỷ đồng, bằng hơn 22% kế hoạch Thủ tướng giao và thấp hơn gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp, gần 3%.
– Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cho rằng: “Giải ngân chậm hơn và thấp hơn chắc chắn làm giảm động lực tăng trưởng của chúng ta. Trong khi đó, đây lại là một trong những động lực được kỳ vọng nhất”.
– Nguyên nhân được các bộ, ngành, địa phương chỉ ra là bởi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại xuất hiện ở 39 tỉnh, thành phố khiến nhiều địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa dẫn đến tiến độ thi công nhiều dự án bị đình trệ. Điều này cũng lý giải tình trạng không có khối lượng nghiệm thu để làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước dẫn đến việc giải ngân kế hoạch đầu tư công bị ảnh hưởng.
– Thêm nữa, giá cả vật liệu thời gian gần đây cũng tăng cao đột biến, đặc biệt thép xây dựng có thời điểm đã tăng hơn 40% làm ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực và tiến độ thi công của nhà thầu.
– Lý giải về nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn ODA rất thấp, Bộ Tài chính cho rằng sự phản hồi về ý kiến của nhà tài trợ ODA rất chậm. Ngoài ra, những dự án đã ký hiệp định vay nước ngoài, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng mất nhiều thời gian.
– Trước thực trạng vừa nêu, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự án được giao, quản lý như đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai và tài nguyên. Bộ Tài chính cũng yêu cầu rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa những dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Việc thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ, địa phương để xử lý những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu cũng được Bộ Tài chính đề xuất thực hiện.
• Tăng giá dịch vụ cảng biển: Cân nhắc thời điểm phù hợp
– Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA) vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị điều chỉnh khung giá dịch vụ bốc dỡ container (THC) tại khu vực các cảng biển khu vực 1 (không bao gồm khu vực cảng Lạch Huyện) tăng 10% mỗi năm trong 3 năm liên tục từ ngày 1/7; Các cảng biển nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải phí xếp dỡ container tăng ít nhất 20% so với mức tối thiểu đã được quy định tại Thông tư 54 từ ngày 1/7 và lộ trình tăng 10% cho 3 năm sau đến 2023.
– Giải thích về văn bản “ngược đời” đề xuất tăng giá trong bối cảnh COVID-19 nêu trên, ông Nhữ Đình Thiện, Phó Tổng Thư ký VISABA cho biết, đề xuất tăng phí xếp dỡ cảng biển lúc này không ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển. Bởi, giá bốc xếp tính luôn trong cước vận tải mà hãng tàu đang thu từ doanh nghiệp rất cao từ trước đến nay, nhưng trả cho dịch vụ cảng biển rất thấp do biểu giá phí hiện tại của Việt Nam thấp.
– “Hơn 10 năm qua, giá phụ phí xếp dỡ container và giá bốc xếp cảng biển tại Việt Nam có sự chênh lệch rõ rệt so với khoản thu của các hãng tàu nước ngoài, lên đến 68-87 USD/TEU. Với hàng chục triệu TEUs hàng hóa thông qua cảng biển mỗi năm, phần chênh lệch này đến cả tỷ USD. Các doanh nghiệp cảng biển và bản thân các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam đều đang chịu thiệt thòi lớn”, ông Nguyễn Xuân Kỳ nhìn nhận.
– Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhận được nhiều kiến nghị của Hiệp hội, doanh nghiệp đề xuất sớm ban hành Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 54/2018. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị điều chỉnh tăng giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container tại 3 khu vực I, II, III và khu vực cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép-Thị Vải, với mức tăng theo lộ trình 10%/năm, trong thời gian 3 năm.
– So với các nước, giá dịch vụ bốc dỡ container của Việt Nam hiện nay ở mức thấp nhất (bằng 80% Campuchia, 70% Malaysia, 61% của Indonesia, 46% của Singapore). Trong đó, thấp nhấp là khu vực I khu vực cảng miền Bắc và cao nhất là khu vực cảng Lạch Huyện và Cái Mép- Thị Vải.
– Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết theo quy định thì các doanh nghiệp cảng được quyền quyết định mức giá nằm trong khung giá do Bộ Giao thông vận tải quy định. Nhưng trên thực tế, các cảng biển Việt Nam hiện nay đều đang áp dụng mức giá tối thiểu theo quy định.
– Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng cục Thống kê cho rằng việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container trong năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Do đó, cần cân nhắc thời gian điều chỉnh giá phù hợp. Tuy nhiên, nếu dịch vụ bốc dỡ container được cải thiện thì các doanh nghiệp cảng biển và dịch vụ container sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới.
3. Tin doanh nghiệp niêm yết
• TPBank dự kiến tăng vốn điều lệ lên gần 11,717 tỷ đồng
– Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HOSE: TPB) vừa có Nghị quyết thông qua Phương án tăng vốn điều lệ lên mức gần 11,717 tỷ đồng, bằng hình thức chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được ĐHĐCĐ 2021 thông qua.
– TPBank dự kiến phát hành riêng lẻ 100 triệu cp (9.33% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, qua đó, tăng vốn điều lệ thêm 1,000 tỷ đồng, từ mức 10,717 tỷ đồng lên gần 11,717 tỷ đồng.
– Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế 3 năm chuyển nhượng đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
– Với số vốn tăng thêm, TPBank dự kiến đầu tư vào cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ và mở rộng mạng lưới; đồng thời bổ sung nguồn vốn hoạt động, vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn…
– Trong năm nay, ngân hàng kế hoạch không chia cổ tức mà sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh.
– Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 vừa qua, trước đề nghị xem xét lại phương án chia cổ tức, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT cho biết, bản thân ông cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng theo tính toán của ban điều hành, nếu để lại có thể gia tăng mức độ an toàn vốn cho ngân hàng. Nếu tính cả phần lợi nhuận dự kiến cho năm 2021, Ngân hàng sẽ có hơn 21,000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu tính tới hết năm, mức đệm dự phòng đủ cho TPBank tăng trưởng ổn định.
– Về kế hoạch năm 2021, ban lãnh đạo TPBank khẳng định không đưa ra kế hoạch trả cổ tức nhưng không phải là không chia. “Đến thời điểm thích hợp ban lãnh đạo sẽ tính đến việc chia cổ tức. Ban lãnh đạo chưa tính ra tỷ lệ cổ tức là bao nhiêu do lo ngại sẽ quá lớn”.
– Trong 5 năm gần đây, kết quả kinh doanh của TPBank trong xu hướng tăng trưởng, từ 20-80%/năm.
– Ba tháng đầu năm 2021, kết quả kinh doanh của TPBank hầu hết đều cho kết quả khả quan hơn cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước và sau thuế tăng 41%, lên mức hơn 1,422 tỷ đồng và hơn 1,138 tỷ đồng trong quý 1. Nếu so với con số 5,500 tỷ đồng kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2021, TPBank đã thực hiện được 21% sau 3 tháng đầu năm.
• Quảng Ngãi chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy thép Dung Quất 2 của Hoà Phát
– Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 được CTCP Gang thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Tập đoàn Hòa Phát – HoSE: HPG) dự kiến triển khai trên diện tích 279 ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 85,000 tỷ đồng, tổng công suất là 5.6 triệu tấn thép/năm. Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi đánh giá nếu Hòa Phát thực hiện đúng tiến độ và đưa vào hoạt động thì giai đoạn 2026 – 2030, tỉnh sẽ có nguồn thu thuế rất lớn từ nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất.
– Tại cuộc họp ĐHCĐ mới đây, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát cho biết nhu cầu thép cán nóng của Việt Nam khoảng 12 triệu tấn năm 2020, trong khi Hòa Phát và Formusa sản xuất được 8 triệu tấn. Trên cơ sở đó, Hòa Phát thực hiện đầu tư giai đoạn 2 dự án Dung Quất để chớp thời cơ. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2024.
– Trước đó, CTCP gang thép Hòa Phát Dung Quất đã thực hiện Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư 52,000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn/năm. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.
———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ