Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 09.03.2022 – Digiworld trình phương án chia thưởng tỷ lệ 90%

Nhận định Thị trường hàng ngày 09/03/2022    37494

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 09/03/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Châu Âu chật vật giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga
– Theo CNBC, Nga đe dọa đóng đường ống dẫn khí sang Đức và cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu các chính phủ phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng trong bối cảnh Mỹ và một số nước châu Âu hiện đang cân nhắc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu khí Nga nhằm tiếp tục trừng phạt Moscow.
– Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nga cũng sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên. Liên minh châu Âu hiện đang phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí từ Nga, khi Nga chiếm tỷ lệ cung cấp khoảng 40% khí đốt, một số trong đó chạy qua Ukraine.
– Các nhà hoạch định chính sách châu Âu hiện đứng trước áp lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch của Nga, khi những quốc gia nhập khẩu vẫn đang “nạp năng lượng” cho cuộc chiến của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin với nguồn doanh thu dầu khí khổng lồ.
– Trên thực tế, doanh thu từ dầu khí của Nga chiếm khoảng 43% ngân sách liên bang của Điện Kremlin từ năm 2011 đến năm 2020. Con số cho thấy nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò không thể thay thế đối với chính quyền Nga.
– Hôm 7/3, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất 14 năm khi các nhà đầu tư lo sợ Mỹ và phương Tây sẽ áp đặt lệnh trừng phạt lên xuất khẩu năng lượng của Nga. Tuy nhiên, giá dầu đã rời đỉnh 140 USD/thùng và hiện chỉ còn khoảng 125 USD/thùng.
– Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, thứ mà ông cho là “cần thiết” đối với an ninh năng lượng của lục địa này. Hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu nhằm phục vụ hoạt động đi lại, sưởi ấm, xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách thức nào khác trong thời điểm này. Do đó, năng lượng nhập khẩu từ Nga đóng vai trò quan trọng đối với các dịch vụ công cộng và đời sống hàng ngày của người dân.
– Nga chiếm khoảng 55% tổng nguồn cung khí đốt của Đức. Liên minh châu Âu nhập khẩu hơn 50% sản phẩm năng lượng. Trong số đó, Nga cung cấp 41% khí đốt, 46% than và 27% dầu.

• Ảnh hưởng từ giá dầu khiến giá xăng Mỹ đang ở mức cao nhất mọi thời đại
– Người tiêu dùng ở Mỹ đang phải mua xăng với giá cao chưa từng thấy, khi giá bình quân trên toàn quốc ở Mỹ cho một gallon xăng loại thường đạt mức 4,14 USD/gallon, tương đương khoảng 25.200 đồng/lít, vào ngày 7/3. Mức giá này đã vượt qua kỷ lục cũ là 4,11 USD/gallon của giá xăng ở Mỹ vào tháng 7/2008.
– Chỉ trong vòng 1 tuần, giá xăng ở Mỹ đã tăng thêm 52 cent/gallon, tương đương tương đương tăng khoảng 3.100 đồng/lít. Nếu tính từ hôm 24/2, khi Nga mở cuộc tấn công quân sự nhằm vào Ukraine, giá xăng ở Mỹ đã tăng thêm 60 cent, tương đương tăng 17%.
– Những diễn biến đang khiến giới đầu tư toàn cầu lo lắng là Mỹ cân nhắc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, trong khi Nga doạ cắt cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 1.
– Dù các biện pháp này mới chỉ đang được các bên cân nhắc, dòng chảy dầu thô từ Nga ra thị trường toàn cầu đã bị gián đoạn. Các nhà giao dịch đang ngại mua dầu Nga, một phần vì gặp khó khăn khi thanh toán do các ngân hàng Nga bị phương Tây trừng phạt, một phần vì e ngại vướng vào các biện pháp trừng phạt đã và có thể sắp có.
– Giá xăng tăng cao đang đặt ra sức ép lớn lên ngân sách của nhiều hộ gia đình ở Mỹ. Tính đến tháng 1, lạm phát trong vòng 1 năm ở mỹ là 7,5%, cao nhất trong gần 40 năm.
– Tính bình quân, mỗi hộ gia đình ở Mỹ tiêu thụ 90 gallon xăng mỗi tháng. Như vậy, mức tăng giá 60 cent/gallon xăng kể từ khi nổ ra xung đột vũ trang Nga-Ukraine khiến mỗi hộ gia đình ở nước này phải tiêu tốn thêm bình quân khoảng 54 USD mỗi tháng cho xăng.
– Cách đây 1 năm, giá xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ còn là 2,77 USD/gallon, thấp hơn 1,37 USD/gallon so với hiện nay. Nếu mức giá hiện nay duy trì, mỗi hộ gia đình Mỹ phải tiêu tốn thêm gần 125 USD/mỗi tháng, tức gần 1.500 USD mỗi năm, để mua xăng.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Đơn hàng đi Nga của doanh nghiệp cá tra Việt Nam gặp gián đoạn
– Tháng 1 vừa qua, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Nga đạt 2,18 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2021. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã tạm ngưng ký các đơn hàng đến Nga cho dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn duy trì hợp tác.
– Nguyên nhân khiến doanh nghiệp tạm ngừng là đồng ruble đã giảm hơn 40% sau khi các nước phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, xuống mức gần 130 ruble/1 USD. Việc đồng ruble mất giá mạnh khiến nhiều nhà nhập khẩu không muốn trả tiền đơn hàng, trong khi tình hình thanh toán qua các ngân hàng Nga gần như tê liệt.
– Ngoài ra, việc các hãng tàu biển bắt đầu từ chối tiếp nhận vận chuyển container hàng đi Nga cũng gây rủi ro lớn về vận chuyển, khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại cảng trung chuyển Rotterdam (Hà Lan) trước khi tới được hai cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok. Trước đó, những ngày đầu tháng 3, một số hãng tàu lớn đã thông báo tạm ngừng dịch vụ vận chuyển đến và đi từ các cảng ở Nga, do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây dành cho nước này.
– Mặt khác, giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng lên mức 32.000 đồng/kg do tình trạng khan hiếm. Nhiều thị trường lớn khác cũng đang có nhu cầu nhập khẩu cá tra lớn nhưng các nhà máy không đủ nguyên liệu cho chế biến, chưa nói tới việc đủ cá thành phẩm xuất khẩu đi Nga trong bối cảnh căng thẳng chiến sự như hiện nay.
– Tuy nhiên, ảnh hưởng nói chung đến triển vọng xuất khẩu ngành cá tra của Việt Nam không quá lớn do giá trị xuất khẩu của cả ngành sang Nga chỉ tương đương với chưa đến 10% sang Mỹ. Năm 2021, Việt Nam là một trong 3 thị trường cung cấp sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất cho Nga, sau Argentina và Trung Quốc, với kim ngạch xuất khẩu đạt 32,5 triệu USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ đạt 371 triệu USD trong năm 2021.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• Biwase lên kế hoạch doanh thu tăng tối thiểu 10%, lợi nhuận đi ngang
– Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương (HoSE: BWE) vừa công bố tài liệu đại hội thường niên năm 2022, dự kiến tổ chức ngày 31/3 tại Bình Dương. Về kế hoạch kinh doanh năm 2022, Biwase đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng trưởng tối thiểu 10% so với thực hiện năm 2021, tương ứng tối thiểu 3.850 tỷ đồng (gồm doanh thu nội bộ). Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ở mức tối thiểu 750 tỷ đồng, tăng so với thực hiện năm 2021 (737 tỷ đồng). Tỷ lệ thất thoát nước toàn công ty ≤ năm 2021 (tỷ lệ 5%). Sản lượng nước thương phẩm tối thiểu đạt 180.000.000 m3. Tỷ lệ cổ tức mong đợi tối thiểu 13%, đây là mức cao hơn so với năm 2021 (12%).
– Năm 2021, Biwase ghi nhận tổng doanh thu 3.572 tỷ đồng, tăng 7% và hoàn thành kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế 738 tỷ đồng, tăng 40% và vượt 34% kế hoạch năm. Đây là kết quả kinh doanh kỷ lục trong lịch sử hoạt động của đơn vị. Tỷ lệ cổ tức là 12% tiền mặt đã được chốt quyền tạm ứng cuối năm ngoái.
– Biwase cho biết về cơ bản nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, tình hình kinh tế tại Bình Dương sẽ hồi phục tốt và có khả năng phát triển nhanh vào năm 2022 thông qua việc thu hút vốn đầu tư của các dự án với quy mô lớn tại Bình Dương như hợp tác phát triển thành phố mới Bình Dương giữa Becamex IDC với Capitaland (Singapore) với giá trị đầu tư khoảng 1,12 tỷ đô Singapore, hay việc đầu tư hơn 1 tỷ USD vào khu đất rộng 44 ha tại tỉnh Bình Dương của Tập đoàn LEGO, tạo cơ hội cho Biwase trong việc phát triển dịch vụ.

• Digiworld trình phương án chia thưởng tỷ lệ 90%
– Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ 2022, HĐQT Digiworld (HoSE: DGW) sẽ trình kế hoạch năm 2022 gồm doanh thu thuần 26.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 800 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 21,7% so với thực hiện 2021.
– Nhìn lại 2021, DGW ghi nhận 20.972 tỷ đồng doanh thu, vượt 38% kế hoạch năm và tăng 67% so với 2020; lãi sau thuế 657 tỷ đồng, vượt 119% kế hoạch và gấp 2,4 lần năm trước.
– Hầu hết các mảng kinh doanh năm trước của Digiworld đều tăng trưởng mạnh. Mảng máy tính xách tay tăng 82% mang về 7.899 tỷ đồng doanh thu nhờ nhu cầu làm việc, học tập tại nhà tăng cao do dịch bệnh cùng sự đóng góp từ các sản phẩm của nhãn hàng Apple và Huawei. Mảng điện thoại đóng góp 9.857 tỷ đồng, vượt 31% kế hoạch khi đơn vị tiếp tục gia tăng thị phần Xiaomi và phân phối các dòng iPhone của Apple. Mảng thiết bị văn phòng cũng tăng 85% doanh thu khi có thêm nhiều nhãn hàng mới, ngoài ra các sản phẩm như smart watch của Xiaomi, Huawei và Apple ngày càng được ưa chuộng.
– Cũng vào cuối năm trước, doanh nghiệp trở thành đối tác độc quyền thực hiện chiến lược phát triển thị trường cho thiết bị gia dụng Whirlpool của Mỹ. Theo lãnh đạo Digiworld, mối quan hệ này không chỉ giúp có thêm 1 nhãn hàng mới mà sẽ mở ra ngành hàng mới là thiết bị gia dụng.
– Với kết quả đạt được năm qua, HĐQT quyết định trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10% cho năm 2021, thời điểm thực hiện trong quý II. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ tiến hành phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 80%. Như vậy, tổng mức chia thưởng năm 2021 đạt tỷ lệ 90%. Chương trình ESOP 2022 của doanh nghiệp là tối đa 2,5% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành, giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Mở cửa phiên giao dịch 08/03/2022, VNINDEX đã chìm trong sắc đỏ và mặc dù có sự hồi phục nhẹ cuối phiên sáng nhưng những nỗ lực của bên mua là chưa đủ khi áp lực bán đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong phiên chiều, đẩy chỉ số VNINDEX đóng cửa thấp nhất phiên ở 1.473,71 điểm, giảm 25,34 điểm (-1,69%). Giá trị giao dịch của VNINDEX trong phiên 08/03/2022 đạt 34.518 tỷ đồng, tăng 9,8% so với phiên trước đó. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 370 mã giảm, chiếm 74,15% số mã trên sàn HSX.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB, GAS, HPG là những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới chỉ số VNINDEX, trong đó riêng VCB lấy đi -4,12 điểm. Ở chiều ngược lại, VJC, FPT, MSN là những cổ phiếu hỗ trợ tích cực nhất cho chỉ số, mặc dù vậy cả 3 cổ phiếu cũng chỉ đóng góp tăng vỏn vẹn 0,8 điểm cho VNINDEX.
– Về nhóm ngành, chỉ có 2/10 nhóm ngành tăng điểm, gồm: Chăm sóc sức khỏe và Công nghệ thông tin với mức tăng lần lượt là 1,22% và 0,85%. Cổ phiếu của hai nhóm ngành này có sự phân hóa mạnh với sắc xanh đỏ đan xen, mức tăng nhẹ ở trên chủ yếu đến từ một vài cổ phiếu như TNH (+6,4%), JVC (+3,8%), FPT (+1,1%).
– Nguyên vật liệu và Năng lượng là hai nhóm ngành giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt là 2,97% và 2,36% khi các cổ phiếu chịu áp lực bán chốt lời sau nhiều phiên tăng: HPG (-3,2%), HSG (-4,8%), PLX (-3,2%), PVS (-1,6%)…
– Khối ngoại trong phiên giao dịch 08/03/2022 đã bán ròng 1.521,29 tỷ đồng trên sàn HOSE. Trong đó, họ bán ròng nhiều nhất 3 cổ phiếu: HPG (-221,07 tỷ đồng), GEX (-105,79 tỷ đồng), VCB (-105,51 tỷ đồng). Ở chiều ngược lại, họ mua ròng nhiều nhất: NKG (24,28 tỷ đồng), IDC (20,18 tỷ đồng) và VND (16,83 tỷ đồng).
– Diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư và gây ra áp lực giảm điểm cho VNINDEX trong phiên ngày 08/03/2022. Hiện tại, VNINDEX đang ở gần mốc hỗ trợ 1.470 điểm (mức thấp nhất tháng 2/2022). Nếu mốc 1.470 điểm không được giữ vững thì có khả năng VNINDEX sẽ lùi về vùng hỗ trợ 1.420-1.440 điểm (vùng thấp nhất tháng 1/2022).
– Nhà giao dịch ngắn hạn cân nhắc thu hẹp danh mục cổ phiếu: chốt lời dần những cổ phiếu đã đạt mục tiêu, giảm tỷ trọng những cổ phiếu đang có tín hiệu suy yếu, thoát vị thế cổ phiếu vi phạm xu hướng tăng. Nhà đầu tư trung dài hạn ưu tiên quan sát, chờ nhịp rung lắc của thị trường để mua gom dần những cổ phiếu tốt và nắm giữ trung dài hạn.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0