Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 08.09.2021 | Ngân hàng Nhà nước chính thức sửa Thông tư 01: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng

Nhận định Thị trường hàng ngày 08/09/2021    45344

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Xuất, nhập khẩu của Trung Quốc cùng lập kỷ lục nhờ nhu cầu bùng nổ ở Mỹ, châu Âu
– Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/9 cho biết xuất khẩu của nước này trong tháng trước tăng 25,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục 294,3 tỷ USD, cao hơn 10 tỷ USD so với kim ngạch của tháng 7. Nhập khẩu tăng 33,1%, đạt 236 tỷ USD, cũng là một con số kỷ lục. Thặng dư thương mại tháng 8 của Trung Quốc là 58,3 tỷ USD.
– Những con số này khiến giới phân tích bất ngờ, bởi trong tháng 8, cảng biển lớn thứ nhì của Trung Quốc bị gián đoạn hoạt động do các biện pháp hạn chế được triển khai để chống Covid. Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu của thị trường toàn cầu vẫn đang mạnh, nhất là tại hai thị trường Mỹ và châu Âu – nơi các công ty bán lẻ có vẻ đang hối hả tích trữ hàng hoá để chuẩn bị cho dịp Giáng sinh và đón năm mới.
– 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về giá trị của Trung Quốc trong tháng 8 là hàng điện tử, sản phẩm công nghệ cao, và hàng may mặc và phụ kiện may mặc. Hai nhóm hàng nhập khẩu nhiều nhất là hàng điện tử và sản phẩm công nghệ cao.
– Các cuộc khảo sát trong ngành sản xuất của Trung Quốc vào tuần trước cho thấy trong tháng 8, số đơn hàng xuất khẩu mới giảm tháng thứ tư liên tiếp – một dấu hiệu cho thấy sự giảm tốc của xuất khẩu trong tương lai.
– Ở thời điểm hiện tại, thương mại đang làm một điểm sáng của kinh tế Trung Quốc, nhưng ngành dịch vụ của nước này lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng dịch Covid vừa rồi. Từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã triển khai các biện pháp mạnh tay để chống dịch, dẫn tới sự tê liệt của các dịch vụ. Ngoài ra, việc Chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát sự leo thang của giá nhà và giảm đầu tư hạ tầng cũng đặt ra trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế.
– Việc Trung Quốc kiểm soát dịch hiệu quả có thể đã dẫn tới việc các nhà cung cấp chuyển đơn hàng từ các nước châu Á khác sang nước này, bởi nhiều quốc gia khác trong khu vực đang vật lộn với làn sóng biến chủng Delta và hoạt động sản xuất rơi vào gián đoạn. Tuy nhiên, lợi thế này của Trung Quốc có thể suy giảm khi đại dịch bắt đầu được kiểm soát ở các nơi khác.
– Khu vực xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng mạnh của Trung Quốc đang vai trò một trụ cột quan trọng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, trong bối cảnh nhu cầu trong nước giảm tốc. Khi kinh tế Trung Quốc có một số tín hiệu suy yếu gần đây, các nhà hoạch định chính sách nước này đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố cung cấp 300 tỷ Nhân dân tệ (46,4 tỷ USD) vốn vay lãi suất thấp cho các ngân hàng thương mại để cấp vốn vay cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm đảm bảo ổn định nền kinh tế và công ăn việc làm cho người dân.

2. Thông tin Việt Nam

• Ngân hàng Nhà nước chính thức sửa Thông tư 01: Kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng
– Ngày 7/9/2021, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.
– Theo giải thích trước đó của NHNN, việc gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng là do căn cứ vào kế hoạch tiêm chủng và kế hoạch kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ, tại dự thảo thông tư lần 1 lấy ý kiến các đơn vị trong Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng đã đánh giá và đề xuất việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022 là phù hợp nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng với dịch, theo đó, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có thêm khoảng thời gian 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

• Dịch bệnh được kiểm soát, xuất khẩu cả năm 2021 có thể tăng 10%
– Nếu kiểm soát được dịch trong quý III, Bộ Công thương dự báo, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020.
– 8 tháng 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa là 212,55 tỷ USD, nhập khẩu là 216,26 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam sau 8 tháng nhập siêu 3,71 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 13,69 tỷ USD.
– Trên cơ kết quả xuất khẩu những tháng đầu năm, Bộ Công thương dự báo, trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại, xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỷ USD, tăng khoảng 10,7% so với năm 2020.
– Hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8 được nhận định là tháng có mức độ ảnh hưởng nặng nề nhất do nhiều nhà máy thuộc các ngành xuất khẩu chủ lực địa bàn trọng điểm khu vực phía Nam phải dừng sản xuất hoặc vừa sản xuất vừa chống dịch theo hình thức “3 tại chỗ” khiến sản lượng hàng hóa sụt giảm mạnh.
– Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng. Do đó, tăng trưởng sản xuất và xuất nhập khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả của việc kiểm soát dịch bệnh cũng như tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
– Một tín hiệu tích cực được Bộ Công thương chỉ ra là nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới vẫn đang trong xu hướng phục hồi trở lại, trong đó việc Mỹ và EU tái mở cửa nền kinh tế đang tác động tích cực tới nhu cầu hàng hóa của các thị trường này.
– Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam, tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
– Để ngăn chặn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương đã và đang tập trung các giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Tín hiệu tích cực đến từ nhóm cổ phiếu Ngân hàng
– Chỉ số VN-Index bất ngờ bị bán mạnh sau khi chạm vùng kháng cự quanh 1,350-1,355, với áp lực chốt lời mạnh từ phía nhà đầu tư ở hầu hết các ngành. Kết phiên chỉ số VN-Index giảm 0.33%, xuống mức 1,341.90 điểm. Qua đó, chấm dứt chuỗi tăng điểm 5 phiên liên tiếp của VN-Index. Thanh khoản thị trường tiếp tục tăng và cao hơn mức trung bình 20 phiên, cho thấy dòng tiền đang dần quay trở lại thị trường.
– Trong phiên 07/09/2021, VPB, VHM và CTG là 3 cổ phiếu đóng góp nhiều điểm tăng nhất cho VN-Index, với tổng cộng hơn 3 điểm tăng. Trong khi đó, VIC, GAS và HPG cùng nhau lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số này.
– Giao dịch khối ngoại tiếp tục ghi nhận những diễn biến không tích cực khi bán ròng 825 tỷ đồng trên sàn HOSE, lực bán tập trung vào các cổ phiếu bluechips như VHM, SSI, VIC, HPG, MSN.
– Nhóm cổ phiếu Micaps bị chốt lời khá chủ động trong hai phiên gần đây, có thể kể đến như nhóm Cảng biển, Phân bón, Bất động sản, Đầu tư công. Điều này cũng dễ hiểu khi nhóm này đã tăng khá nhiều thời gian gần đây. Một điểm đáng chú ý là các cổ phiếu penny tăng khá mạnh gần đây, cho thấy dòng tiền đang lan tỏa sang nhóm cổ phiếu kém chất lượng trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình. Điều này hàm chứa những yếu tố rủi ro ngắn hạn cho thị trường.
– Thị trường đón nhận sự trở lại rất cần thiết của nhóm cổ phiếu Ngân hàng trong bối cảnh thị trường chung đang tiệm cận các ngưỡng kháng cự ngắn hạn. Dòng tiền chốt lời ở nhóm Midcaps được kỳ vọng chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tạo động lực giúp thị trường có thể duy trì đà tăng một cách bền vững hơn trong thời gian tới. Do đó, cần theo dõi kỹ hơn sự chuyển dịch của dòng tiền trong các phiên sắp tới để kiểm chứng điều này.
– Với trạng thái hiện tại thì chỉ số Vnindex vẫn đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự gần nhất của Vnindex nằm quanh vùng 1,370 – 1,380 điểm, nếu chỉ số vượt qua vùng này thì chính thức xác nhận trở lại xu hướng tăng giá. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất nằm quanh vùng 1,290-1,300 điểm.
– Khi chỉ số chung đang không có xu hướng trong ngắn hạn thì việc tham gia giao dịch các vị thế ngắn hạn chỉ nên tập trung vào các cổ phiếu đang trong xu hướng tăng giá và với tỷ trọng cổ phiếu duy trì trong tài khoản ở mức vừa phải. Hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại trước khi thị trường xác nhận trở lại xu hướng tăng giá mới.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Thị trường chứng khoán sôi động, nhiều CTCK hoàn thành kế hoạch năm
– Nửa đầu năm 2021, nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng về tăng trưởng và kiểm soát tốt dịch bệnh so với các nước trong khu vực. Nhiều đơn vị dự báo tăng trưởng GDP cả năm có thể vào khoảng 6,3% đến 6,7%.
– Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh thành phía Nam, Nhiều tổ chức đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trước tình hình trên. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
– Điểm đáng chú ý là 8 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc bất chấp đại dịch bùng phát. VN-Index tăng 20,6% sau 8 tháng, tương tự, HNX-Index tăng đến 68,8%. Đi cùng với đó là thanh khoản liên tục lập kỷ lục. Giá trị giao dịch trung bình 8 tháng đầu năm 2021 đạt 23.790 tỷ đồng/phiên, gấp 3,2 lần so với bình quân năm 2020 với 7.400 tỷ đồng/phiên. Phiên 20/8, giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn lần đầu tiên vượt 2 tỷ USD, đạt 46.280 tỷ đồng.
– Theo số liệu từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước, 6 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị trường chứng khoán ước đạt 176.745 tỷ đồng, tương đương 7,7 tỷ USD, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động vốn cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ đóng góp lớn nhất với 141.493 tỷ đồng, tăng 63%, kế đến là phát hành cổ phiếu và cổ phần hoá đạt 26.857 tỷ đồng, tăng mạnh 197% so với cùng kỳ. Có thể thấy được thị trường chứng khoán đã tỏ rõ vai trò là kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp, bù đắp một phần cho những khó khăn trong kinh doanh, khôi phục sản xuất ngay khi có thể.
– Chứng khoán không chỉ đóng vai trò là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, hay giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn trong điều kiện tín dụng có phần hạn chế mà còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước trong bối cảnh nhiều nguồn thu khác bị ảnh hưởng. Theo số liệu thu – chi ngân sách 7 tháng đầu năm của Tổng cục thuế, hoạt động kinh doanh chứng khoán tăng gấp 2,47 lần cùng kỳ, tương đương tăng khoảng 3.000 tỷ đồng.
– Động lực chính giúp thị trường chứng khoán biến động tích cực và sôi động là đến từ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác không còn hấp dẫn hoặc bị gián đoạn do ảnh hưởng từ đại dịch thì chứng khoán nổi lên là kênh đầu tư hấp dẫn nhất cho nhà đầu tư cá nhân. Theo Thống kê từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), 720.989 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới trong 7 tháng đầu năm, cao hơn 83,7% so với con số của cả năm 2020. Với diễn biến tích cực về mọi mặt của thị trường, các công ty chứng khoán (CTCK) được cho là hưởng lợi nhiều nhất. Dự báo trước được sự tích cực này, các CTCK đưa ra những mục tiêu kinh doanh đầy tham vọng cho năm 2020, nhiều đơn vị với kế hoạch kỷ lục.
– Mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp, trở nên kém hấp dẫn với người dân, bất động sản sau thời gian tăng nóng chứng kiến sự giảm giá mạnh, nhiều nơi mất thanh khoản hay các kênh đầu tư tiền kỹ thuật số chứng kiến sự trồi sụt, chứng khoán được cho vẫn là kênh thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, mức định giá P/E của Việt Nam vẫn ở mức hấp dẫn so với khu vực, với kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ trong quý IV khi tỷ lệ tiêm vaccine cao hơn và khống chế được dịch bệnh sẽ là cơ sở cho sự tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết. Với triển vọng tích cực của thị trường và dòng tiền trong dài hạn, dự báo lợi nhuận của các CTCK tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0