Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 08.03.2022 – HPG: Hòa Phát bán ra 1,34 triệu tấn thép trong 2 tháng, tăng 32% so với cùng kỳ

Nhận định Thị trường hàng ngày 08/03/2022    36606

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/03/2022

1. Thông tin vĩ mô

• Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP “khoảng 5,5%” năm 2022
– Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội vào sáng 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 5,5% trong năm 2022, đồng thời duy trì mục tiêu về việc làm và lạm phát tương tự như năm 2021. Tuy nhiên, chỉ tiêu về tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP năm nay khoảng 2,8%, thấp hơn mức 3,2% năm 2021. Ngoài ra, Bắc Kinh đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp tại các đô thị “không vượt quá 5,5%” và chỉ số giá tiêu dùng “khoảng 3%”.
– Trong các tuần gần đây, giá đồng Nhân dân tệ đã tăng lên mức gần cao nhất 4 năm so với USD. Năm ngoái, tăng trưởng quý 4 của Trung Quốc giảm xuống còn 4% so với cùng kỳ năm 2020, dù tăng trưởng cả năm đạt 8,1%. Năm 2020, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải vật lộn với những tác động nặng nề đại dịch Covid-19.
– Tuy nhiên, chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc vẫn chưa phục hồi, trong khi chiến dịch siết quản lý với lĩnh vực công nghệ và bất động sản đã kìm hãm tăng trưởng. Bên cạnh đó, chính sách Zero Covid với các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt càng khiến doanh số bán lẻ tiếp tục gặp khó khăn hồi phục.
– Về chính sách đầu tư, Bắc Kinh sẽ triển khai toàn diện các thay đổi với “danh sách đen” đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp nước ngoài được phép sở hữu cổ phần lớn hơn trong liên doanh ở những lĩnh vực như sản xuất ô tô chở khách, khuyến khích đầu tư nước ngoài hơn nữa trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, dịch vụ hiện đại, tại khu vực Trung Tây và Đông Bắc.

• Visa, Mastercard, PayPal cùng lúc ngừng cung cấp dịch vụ tại Nga
– Ba tổ chức thanh toán quốc tế hàng đầu Visa, Mastercard và PayPal hôm 5/3 cùng tuyên bố họ sẽ tạm ngừng tất cả các hoạt động ở Nga để phản ứng lại cuộc tấn công của Điện Kremlin vào Ukraine. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ khẩn thiết áp đặt hạn chế quyền truy cập thẻ tín dụng của các công ty ở Nga.
– Visa sẽ vào cuộc ngay để ngừng tất cả các giao dịch Visa tại Nga trong những ngày tới, và nhấn mạnh tất cả các giao dịch được thực hiện bằng thẻ Visa được phát hành tại Nga sẽ không còn có thể hoạt động bên ngoài Nga, và bất kỳ thẻ Visa nào do các tổ chức tài chính bên ngoài Nga phát hành cũng sẽ không sử dụng được ở Nga.
– Mastercard cũng cho biết sẽ tạm ngừng các dịch vụ mạng lưới của mình tại Nga. Thẻ thanh toán do các ngân hàng Nga phát hành sẽ không được mạng lưới Mastercard hỗ trợ và thẻ Mastercard phát hành bên ngoài Nga sẽ bị vô hiệu lực tại các cửa hàng bán lẻ hoặc máy rút tiền ATM ở Nga.
– Tuy nhiên, Reuters dẫn thông tin của hãng thông tấn Nga Tass cho hay, Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga, cho biết các động thái mà Visa và Mastercard công bố sẽ không ảnh hưởng đến người dùng thẻ mà tổ chức này phát hành ở Nga.
– Trong động thái tương tự, PayPal xác nhận công ty đang ngừng các hoạt động ở Nga. PayPal sẽ “tiếp tục làm việc để xử lý các khoản rút tiền của khách hàng trong một khoảng thời gian, đảm bảo rằng số dư tài khoản được phân bổ phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành”. Trước đó, PayPal đã ngừng kinh doanh các dịch vụ nội địa ở Nga vào năm 2020.
– Sau khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đã thống nhất loại một số ngân hàng Nga ra khỏi mạng lưới tài chính quốc tế SWIFT, việc các tổ chức thanh toán quốc tế lớn như Visa hay Mastercard dừng cung cấp dịch vụ tiếp tục cho thấy những rủi ro kinh tế Nga phải đối mặt khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.

2. THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM

• Giá xăng leo thang đe dọa đến các doanh nghiệp vận tải
– Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động vận tải hành khách 2 tháng đầu năm vẫn trầm lắng khi chỉ đạt 538,5 triệu lượt khách vận chuyển, tiếp đà sụt giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do số ca mắc Covid-19 ở các địa phương đang gia tăng nhanh khiến người dân hạn chế trong di chuyển.
– Bên cạnh đó, tính chung 2 tháng đầu năm 2022, vận tải hàng hóa vẫn giữ đà tăng ổn định, đạt 341,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
– Tuy vậy, vận tải khách nối lại nhịp hoạt động bình thường chưa được bao lâu thì giá nhiên liệu biến động mạnh, liên tiếp tăng mạnh trong những đợt điều chỉnh gần đây khiến doanh nghiệp vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn, phải gồng gánh nhiều chi phí để cầm cự hoạt động.
– Cụ thể, trước áp lực tăng giá xăng dầu tăng lần thứ 6 liên tiếp, sát mốc 27.000 đồng/lít và nhiều chi phí khác, hàng loạt doanh nghiệp vận tải buộc phải quyết định tăng giá cước vận chuyển 5-10%.
– Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, doanh nghiệp vận tải càng chạy càng lỗ, nếu chuyển chi phí sang cho người tiêu dùng thông qua việc tăng giá vé sẽ tạo ra rủi ro suy giảm nhu cầu di chuyển của hành khách. Ngược lại, nếu doanh nghiệp quyết định tạm nghỉ sẽ không duy trì được nguồn tiền trả lãi vay ngân hàng, và đồng thời mất nguồn khách quen.
– Việc giá xăng dầu liên tục tăng mạnh và đã phá kỷ lục kể từ năm 2014, và có thể tiếp tục tăng mạnh hơn trong thời gian tới khiến các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn trầm trọng do chưa kịp phục hồi sau đại dịch Covid-19. Điều này sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh giá cước vận chuyển hành khách và vận tải hàng hoá đầu ra để theo kịp giá cả thị trường. Kèm theo áp lực giá xăng dầu tăng, lạm phát trong nước hoàn toàn đứng trước nguy cơ tăng vượt 4 – 5%, gây ảnh hưởng đến mức độ tăng trưởng của nền kinh tế.

3. THÔNG TIN DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

• HPG: Hòa Phát bán ra 1,34 triệu tấn thép trong 2 tháng, tăng 32% so với cùng kỳ
– Tập đoàn Hòa Phát công bố sản lượng sản xuất thép thô tháng 2 đạt 693.000 tấn, tăng 10% so với cùng kỳ 2021. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 708.000 tấn, tăng 61,2% so với cùng kỳ.
– Trong đó, lượng thép cuộn cán nóng đã cung cấp cho thị trường trong tháng 2 gần 240.000 tấn, tăng 5% so với tháng 1/2022 và 36% so với cùng kỳ 2021. Đầu tháng 2, Hòa Phát đã ký hợp đồng xuất khẩu lô thép cuộn cán nóng (HRC) đầu tiên tới Italia với khối lượng 35.000 tấn. Đơn hàng đầu năm đi châu Âu mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho sản phẩm của tập đoàn.
– Về thép xây dựng, sản lượng bán hàng thép xây dựng Hòa Phát đạt 450.000 tấn, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 17% so với tháng 1/2022. Đây là kết quả bán hàng cao thứ 3 trong lịch sử sản xuất kinh doanh thép xây dựng của Hòa Phát. Riêng lượng thép xây dựng xuất khẩu đạt 60.000 tấn, gấp gần 2 lần cùng kỳ. Thép xây dựng Hòa Phát đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến tháng 5/2022 với 720.000 tấn.
– Ngoài sản lượng thép xây dựng, phôi thép và HRC kể trên, các sản phẩm thép hạ nguồn của HRC như ống thép và tôn mạ của Hòa Phát cũng ghi nhận kết quả khả quan trong tháng 2. Ống thép đạt 78.000 tấn, tôn mạ là 27.000 tấn, lần lượt tăng trưởng 48% và 61% so với tháng 2/2021.
– Năng lực sản xuất thép thô của Hòa Phát hiện đạt trên 8 triệu tấn/năm, tức khoảng 700.000 tấn/tháng. Kết quả sản lượng trên cho thấy các khu liên hợp sảng xuất thép của Tập đoàn tại Quảng Ngãi, Hải Dương, Hưng Yên đã vận hành tối đa công suất để phục vụ nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.

• DGC: Hóa chất Đức Giang đặt kế hoạch lãi 3.500 tỷ đồng, cổ tức 127%
– Tập đoàn Hóa chất Đức Giang vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó kế hoạch tổng doanh thu năm nay là 12.117 tỷ đồng, tăng 26% so với thực hiện năm 2021. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 3.500 tỷ đồng, tăng 39%.
– Về đầu tư, tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện dự án Hóa chất Đức Giang – Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý III).
– Năm 2021, Hóa chất Đức Giang ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất tăng 53% lên 9.550 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2.513 tỷ đồng, tăng 165% và vượt 257% kế hoạch. Kết quả này đạt được nhờ duy trì nhà máy hoạt động hết công suất; đưa mỏ apatit KT25 vào hoạt động làm giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến chu kỳ tăng giá hàng loạt, trong đó có sản phẩm photpho chủ lực của DGC.
– Với kết quả đạt được, Hội đồng quản trị đề xuất mức chia cổ tức năm 2021 là 127%. Trong đó cổ tức bằng tiền 10% (đã được tạm ứng cuối năm ngoái) và cổ tức bằng cổ phiếu 117% (tương đương phát hành hơn 200 triệu cổ phiếu). Kế hoạch cổ tức ban đầu của năm 2021 là 30%.
– Ngoài ra, Hội đồng quản trị dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành 8,55 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), tương đương 5% cổ phần đang lưu hành. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, toàn bộ 85,5 tỷ đồng thu về được dùng để bổ sung vốn lưu động. Số cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm. Thời gian thực hiện trong năm nay.
– Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức và ESOP, vốn điều lệ có thể hơn gấp đôi từ 1.516 tỷ lên 3.601 tỷ đồng.
– Trên thị trường, cổ phiếu DGC liên tục bứt phá kể từ giữa tháng 1. Trong phiên 7/3, giá mã này vừa tăng trần lên 190.000 đồng/cp, tương ứng mức tăng 47% sau gần hai tháng và gấp 3 lần sau một năm.

4. NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

– Phiên giao dịch ngày 07/03/2022, VNINDEX đã chịu áp lực bán mạnh ngay từ những phút đầu phiên sáng và duy trì đà giảm đến hết phiên chiều. Các mã trong VN30 vẫn chịu lực chốt lời mạnh đến chủ yếu từ nhóm ngành ngân hàng và bất động sản khiến VNINDEX đóng cửa phiên ở mức 1.499,05 điểm (-6,28 điểm) và VN30 đóng cửa ở 1.509,12 điểm (-16,22 điểm)
– Về mức độ ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VNINDEX, VHM, BID, MSN ,SAB lấy đi -4,79 điểm, chiếm hơn 70% mức giảm của VNINDEX phiên hôm nay. Chiều ngược lại, cổ phiếu GAS và HPG với mức tăng lần lượt là 3,23 và 1,48 điểm.
– Đa số các nhóm ngành hôm nay đều chịu áp lực giảm điểm chung của thị trường, tích cực có nhóm ngành năng lượng vẫn giữ được vị thế với mức tăng 5,5%, theo sau có 2 nhóm ngành vẫn giữ được sắc xanh là ngành nguyên vật liệu (+2,6%) và Dịch vụ tiện ích (+1,78%). Dẫn đầu nhóm ngành năng lượng khi giá dầu tiếp tục vượt lên trên hơn 120 USD/thùng, với các mã tăng hết biên độ PVO (+14,5%), PVC(+9,7%%) và PVD(7%) thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS và PLX với mức tăng cũng khá ổn lần lượt là 5,6% và 3,6% nhưng lượng tăng của cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn chiếm phần đông hơn.
– Nhóm ngành bất động sản hôm nay chịu mức giảm -1,51% khi một trong các mã trụ lớn là VHM, KDH và NVL giảm lần lượt là -2,2%, -1,5% và -1,3%. Điểm tích cực từ ngành bất động sản đến từ 3 mã NTL (+3,8%), LIG (3,4%), NDN (2,0%) đều thuộc nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
– Nhóm ngành vật liệu trong đó có ngành thép với HSG tăng 4%, NKG tuy nay đã đạt được đến mức giá trần nhưng áp lực bán tăng mạnh nên mức tăng dừng ở 3,4% và SMC tăng 3,2%. HPG trong phiên hôm nay có mức tăng khiêm tốn chỉ 2,6% khi lượng nhà đầu tư chốt lời ngắn hạn gia tăng. Ngành phân bón trong phiên hôm nay có DPM, DCM và BFC tăng hết phiên độ 7%.
– Khối ngoại trong phiên giao dịch ngày hôm nay đã bán ròng 1.473,35 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng 271 triệu đồng trên sàn HNX. HOSE bị bán ròng chủ yếu đến từ quỹ ETF FUEVFVND của Dragon Capital (-340 tỷ đồng), NLG (-156,1 tỷ đồng) và VHM (-140,4 tỷ đồng). Chiều ngược lại các mã đã được khối ngoại mua ròng có DGC (45,8 tỷ đồng), SBT (47,8 tỷ đồng) và STB (25,3 tỷ đồng).
– VNINDEX giảm điểm chủ yếu đến từ việc VN30 gặp áp lực chốt lời mạnh khiến chỉ số Index cũng giảm mạnh theo. Dòng tiền vẫn chưa tham gia mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn mà vẫn đang phân hóa mạnh vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ nên chưa có động lực để chỉ số VNINDEX bước vào xu hướng tăng giá mới. Theo góc nhìn kỹ thuật, VNINDEX hiện vẫn đang giao dịch trong trạng thái đi ngang quanh vùng 1500 điểm. Các tín hiệu cho thấy thị trường đang khá lưỡng lự động lực tăng điểm từ nhóm cổ phiếu hóa lớn vẫn chưa xuất hiện, nhà đầu tư ngắn hạn cân nhắc chốt lời ở những cổ phiếu đã đạt target và cutloss cổ phiếu đã vi phạm mức giá chặn. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể quan sát và gia tăng tỷ trọng với những mã tốt để nắm giữ trong dài hạn.

———–

Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0