Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 08.01.2021 – Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất rổ MSCI Frontier với tỷ trọng hơn 30%

Nhận định Thị trường hàng ngày 08/01/2021    690

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 08/01/2021

1. Vĩ mô quốc tế

Cạnh tranh Mỹ – Trung năm 2021 sẽ bước vào trận chiến mới

Căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng là một trong 10 rủi ro hàng đầu vừa được Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group công bố trong báo cáo thường niên 2021. Leon Levy, chuyên gia phân tích cao cấp tại Eurasia Group dự đoán, cạnh tranh Mỹ – Trung rất có thể leo thang trên mặt trận công nghệ xanh. Đặc biệt, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden, người dự kiến sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 tới, luôn coi cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một trong những ưu tiên lớn.

“Chúng ta có thể chứng kiến cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng trong lĩnh vực năng lượng xanh. Điều này mở ra một mặt trận hoàn toàn mới mà chúng ta chưa từng thấy dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump trong những năm qua”, ông Levy nói thêm. Báo cáo rủi ro thường niên được Eurasia Group công bố đầu tuần này đánh giá Trung Quốc nổi lên là quốc gia dẫn dắt trong cuộc đua phát triển năng lượng và công nghệ sạch, bao gồm pin, năng lượng mặt trời và gió. Bắc Kinh đã “ghi điểm ngoại giao nhân dân” và tìm cách vượt Mỹ ở lĩnh vực phát triển xanh bằng cam kết mục tiêu trung lập carbon vào năm 2060.

Ngoài công nghệ xanh, việc ông Biden hướng đến mặt trận đa phương đối phó với Trung Quốc có thể làm tăng nhiệt căng thẳng Mỹ – Trung. Tổng thống đắc cử Biden cho biết ông sẽ tham vấn các đồng minh truyền thống của Mỹ tại châu Âu và châu Á để thúc đẩy “chiến lược nhất quán” về Trung Quốc. Điều này đối lập với nỗ lực đơn phương của Tổng thống Donald Trump khi theo đuổi quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Đổi lại, chiến lược của ông Biden sẽ tạo ra “những rạn nứt lớn hơn giữa Bắc Kinh và các đồng minh của Mỹ” và dẫn tới “cuộc chiến ngoại giao” giữa Mỹ va Trung Quốc, theo Eurasia Group.

World Bank lo ngại ‘thập kỷ mất mát’ vì Covid-19

Trong “Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” công bố hôm 5/1, WB đã hạ dự báo tăng trưởng của thế giới giai đoạn 2020 – 2029 xuống 1,9% một năm. Trước đại dịch, họ vốn đã dự báo tăng trưởng giai đoạn này sẽ chậm lại, xuống mức trung bình hàng năm là 2,1%, từ 2,5% thập kỷ trước. Nguyên nhân là dân số già và tốc độ tăng năng suất chậm lại. World Bank cho rằng sự suy giảm dài hạn của thương mại và đầu tư gây ra bởi đại dịch, cùng sự gián đoạn trong giáo dục đã cản trở việc tăng năng suất lao động. “Trừ khi có một cuộc cải cách đáng kể, chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một thập kỷ với kết quả tăng trưởng đáng thất vọng”, Ayhan Kose, Quyền phó chủ tịch World Bank về tăng trưởng công bằng và các tổ chức tài chính, nói.

Với nhóm nước mới nổi và đang phát triển, World Bank cho rằng tăng trưởng trung bình sẽ đạt 3,3% một năm giai đoạn 2020 – 2029, giảm so với mức dự báo 4,0% trước đại dịch và 5,0% trong thập kỷ trước. “Thế giới không thể chờ đợi tất cả mọi người đều được tiêm vaccine để đưa nền kinh tế toàn cầu chống lại một thập kỷ mất mát. Điều đó có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động và tích cực hành động để đón đầu đại dịch”, ông Kose nói. World Bank cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4% năm nay, sau khi giảm 4,3% vào năm 2020. Dự báo này thấp hơn 0,2 phần trăm so với tháng 6 năm ngoái, do Covid-19 tái bùng phát và các nước áp hạn chế mới đối với hoạt động kinh tế.

Việc hạ dự báo cho năm 2021 chủ yếu phản ánh tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế tiên tiến. GDP Mỹ năm nay có thể chỉ tăng 3,5%, giảm từ 4% trong dự báo trước đó. Khu vực đồng euro dự kiến sẽ tăng 3,6%, giảm so với 4,5%. Các nền kinh tế mới nổi có thể tăng trưởng 5% năm nay, cao hơn dự báo 4,6% trước đó, nhờ động lực từ Trung Quốc. GDP nền kinh tế lớn nhì thế giới được kỳ vọng tăng 7,9% năm nay, sau khi tăng 2% vào năm ngoái. Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tránh được suy giảm năm 2020.

2. Vĩ mô Việt Nam

Việt Nam đứng thứ 3 toàn cầu về chỉ số kỳ vọng kinh tế

Theo kết quả khảo sát của Gallup International, hiện nay Việt Nam xếp thứ 3 trên thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế, đứng sau Nigeria và Azerbaijan. Cụ thể, chỉ số kỳ vọng kinh tế cao nhất được ghi nhận ở Nigeria (58%), theo sau đó là Azerbaijan (47%). Việt Nam đứng thứ 3 ở mức 45%. Bên cạnh đó, chỉ số kỳ vọng kinh tế của người dân Nga năm 2020 đã tụt xuống tới mức -41%. Trước đó, chỉ số thấp như vậy được ghi nhận tại quốc gia này là vào năm 1998. Chỉ số kỳ vọng thấp nhất trong 23 năm qua của Nga là -43% và được ghi nhận trong năm 2013.

Trong số 38.000 người trên 41 nước quốc gia trên thế giới thực hiện khảo sát, có 47% số người được hỏi nhận định rằng năm 2021 sẽ là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong khi 6% kỳ vọng kinh tế sẽ khởi sắc trong năm mới. Đồng thời, 40% số người Nga được hỏi cho rằng năm 2021 sẽ giống như năm 2020, trong khi 8% cảm thấy khó đưa ra nhận định chính xác.

Theo các nhà phân tích, chỉ số kỳ vọng về kinh tế thế giới năm 2021 là -21%. Cuộc khảo sát trên cho thấy 25% số người được hỏi mong đợi kinh tế phục hồi vào năm 2021, 46% cho biết đã chuẩn bị cho một năm đầy khó khăn.Tỷ lệ kỳ vọng kinh tế thấp nhất được ghi nhận ở Anh, Bulgaria và Italy với tỷ lệ lần lượt là -62% và -59%. Thêm vào đó, tại Nga, chỉ số kỳ vọng kinh tế cao nhất được ghi nhận vào năm 2006 là 9%.

Kịch bản lạm phát 2021: Khó dự báo nhưng có thể đạt mục tiêu

Dự báo CPI năm 2021, PGS. TS. Nguyễn Bá Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế – Tài chính cho rằng, CPI  bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,5% (+/- 0,3%) tức là từ 3,2% đến 3,8%. Và như vậy, việc kiểm soát lạm phát trong mục tiêu Quốc hội giao là hoàn toàn khả thi.. Quan điểm của ông Minh dựa trên 3 dự báo: Dịch Covid-19 trên thế giới dần được khống chế, các loại vắc-xin Covid-19 được tiêm chủng trên diện rộng và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục; dịch tả lợn Châu Phi ở Việt Nam đang được khống chế và việc tái đàn đang được khôi phục với nhiều tín hiệu khả quan; cả hệ thống chính trị của Việt Nam luôn chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bình ổn giá cả thị trường, điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát…

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính – TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, năm 2021 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, đồng thời kinh tế trong nước và thế giới phục hồi, lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng tăng trở lại. “Tuy nhiên, với việc lạm phát so với cùng kỳ năm trước đang ở mức rất thấp là 0,19%, lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ không thể cao, nhất là khi kinh tế trong năm 2021 sẽ chưa thể phục hồi hoàn toàn”, vị này nhận định. Cụ thể, ông Độ dự báo, năm 2021, trường hợp có biến động mạnh về giá xăng dầu hay giá thực phẩm như năm 2019, lạm phát trung bình nhiều khả năng sẽ vẫn ở mức dưới 3%. Ở kịch bản thấp hơn, lạm phát trung bình có thể ở mức khoảng 2%.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến (Học viện Tài chính) lại dự báo, nhiều mặt hàng thiết yếu sẽ có nhiều biến động trong năm 2021, do đó CPI sẽ tăng cao hơn năm 2020, song bình quân cả năm cũng chỉ ở mức dưới 4% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) – TS. Lê Quốc Phương thì thận trọng hơn khi  đưa ra 2 kịch bản: Khi đại dịch được kiểm soát, kinh tế thế giới phục hồi, mặt bằng giá ở Việt Nam theo đó chịu sức ép tăng, CPI bình quân có thể từ 4-4,5%. Đại dịch chưa được kiểm soát kinh tế thế giới chưa phục hồi, kinh tế thế giới vẫn khủng hoảng, mặt bằng giá của Việt Nam theo đó khó tăng cao, dự báo CPI bình quân sẽ ở mức 3,8% đến 4%.

Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2021 là 12%

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2021 không phải là con số cố định, pháp lệnh buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ mà là con số trong định hướng điều hành của ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.

Cụ thể, trong trường hợp hết dịch COVID-19, nền kinh tế cần khôi phục nhanh, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh có nhu cầu tín dụng nhiều hơn nữa thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động mở rộng tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi. Ngược lại, khi nền kinh tế có dấu hiệu cần kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo hài hòa với mục tiêu lạm phát thì con số tăng trưởng tín dụng sẽ thấp hơn 12%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết thêm, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng trong năm 2021. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trình Thủ tướng Chính phủ nội dung sửa đổi Thông tư 01/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi dựa vào nguồn lực của các ngân hàng thương mại.

3. Tin tức tài sản đầu tư

Việt Nam trở thành thị trường lớn nhất rổ MSCI Frontier với tỷ trọng hơn 30%

Số liệu từ MSCI cho biết, tại ngày 31/12/2020, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index đã tăng lên 30,64% và trở thành thị trường lớn nhất trong rổ cận biên của MSCI. Trong khi đó, thị trường Kuwait đã không còn nằm trong rổ MSCI Frontier Markets Index do đã được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets).

Top 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục MSCI Frontier Markets Index vào cuối năm 2020 có tới 4 cổ phiếu Việt Nam, bao gồm VIC (3,96%), VNM (3,45%), VHM (3,25%), HPG (2,92%).Hiện có khá nhiều quỹ chủ động có quy mô hàng trăm triệu USD đang sử dụng benchmark là MSCI Frontier Markets Index, có thể kể tới như Schroder International Selection Fund, Templeton Frontier Markets Fund, Morgan Stanley Institutionam Fund, Magna Umbrella Fund,…Với việc trở thành thị trường lớn nhất trong rổ Frontier Markets Index, chúng ta có thể kỳ vọng đón nhận thêm dòng vốn lớn từ các quỹ ngoại kể trên.

Với rổ MSCI Frontier Markets 100 Index, tại thời điểm 31/12/2020, Việt Nam chiếm tỷ trọng 15,05% và là thị trường lớn thứ 2, sau Kuwait với tỷ trọng 21,68%. Từ nay đến tháng 11/2021, MSCI sẽ tiến hành loại toàn bộ cổ phiếu Kuwait ra khỏi danh mục MSCI Frontier Markets 100 Index và đưa Việt Nam lên thành thị trường lớn nhất rổ chỉ số với tỷ trọng 28,78%.