Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 07.09.2021 | 8 tháng đầu năm giải ngân 40% kế hoạch đầu tư công

Nhận định Thị trường hàng ngày 07/09/2021    44829

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Lạm phát cao phủ bóng cuộc họp của ECB
– Lạm phát ở khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone) đã tăng hơn 3% trong tháng Tám, mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, vượt mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), và còn được dự đoán sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những tháng tới, trước khi giảm trở lại.
– ECB cho rằng sự gia tăng lạm phát là do những yếu tố một lần và liên quan đến dịch Covid-19, như sự phục hồi của giá năng lượng và các chính sách hỗ trợ nền kinh tế. Lạm phát được dự đoán sẽ ở mức 1,5% trong năm 2022 và 1,4% trong năm 2023, tức vẫn thấp hơn nhiều so với mức mục tiêu của ECB. Vì vậy, các nhà quan sát dự đoán Hội đồng thống đốc của ECB sẽ không “đụng chạm” đến lãi suất vốn đang ở mức thấp lịch sử, hay công bố bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chương trình mua trái phiếu của mình, bất chấp những phàn nàn từ 25 nước thành viên.
– Kinh tế eurozone đang trên đà phục hồi nhờ chương trình tiêm chủng đại trà. Trong khi đó, những lo ngại rằng biến thể Delta có thể chặn đứng đà phục hồi này đã không thành hiện thực.
– Năm 2020, ECB đã khởi động chương trình mua trái phiếu khẩn cấp trị giá 1.850 tỷ euro (2.200 tỷ USD) nhằm giúp eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Chương trình mua tài sản khổng lồ này dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 3/2022, nhằm giữ lãi suất thấp để các dòng tín dụng được thông suốt và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

2. Thông tin Việt Nam

• 8 tháng đầu năm giải ngân 40% kế hoạch đầu tư công
– Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính đến hết tháng 8/2021, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước đạt 220.725 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch, thấp hơn 5,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn trong nước đạt 44,7% (cùng kỳ năm 2020 là 50,02%), vốn nước ngoài đạt 7,94% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%).
– Theo Bộ Tài chính, đến thời điểm hiện tại có 10 bộ và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 40% kế hoạch. Trong số đó, một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như: Ngân hàng Phát triển Việt Nam 100%, Thanh Hóa 72,1%, Thái Bình 67,5%, Ngân hàng Chính sách xã hội 67,27%, Nam Định 63,6%, Hưng Yên 61,6%, Lâm Đồng 55,6%.
– Bên cạnh đó, 33/50 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%; trong đó có 21 bộ và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10%, có 4 bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
– Bộ Tài chính cũng cho biết về việc giải ngân một số dự án trọng điểm như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến nay, dự án này đã giải ngân 10.698 tỷ đồng, đạt 46,81% kế hoạch đã giao; trong đó, kế hoạch năm 2021 giải ngân là 844 tỷ đồng, đạt 18,11%. Như vậy, tổng số vốn còn lại chưa giải ngân của dự án này lên tới 12.156,2 tỷ đồng.
– Hay dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến thời điểm hết tháng 8 đã giải ngân kế hoạch vốn năm 2021 là 7.919 tỷ đồng, đạt 51,9% kế hoạch. Dự án này cũng đã được bàn giao mặt bằng lên tới hơn 98% và đang thi công những hạng mục trọng điểm.
– Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng năm 2021 còn thấp hơn so với cùng kỳ là do dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều địa phương, nhiều dự án triển khai trên địa bàn các tỉnh đang thực hiện giãn cách phải tạm dừng thi công.
– Ngoài ra, nguyên nhân khác làm ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân là do vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, do thay đổi quy hoạch của địa phương nên một số dự án đến nay chưa giải ngân. Hay như tình trạng một số dự án chậm tiến độ do các hoạt động nhập khẩu trang thiết bị, các hoạt động cần sự xác nhận của tư vấn nước ngoài không thực hiện được.

• Xuất khẩu nông lâm thủy sản giảm mạnh 22% trong tháng 8
– Theo Bộ NN&PTNT, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 22% so với tháng 7. Dịch COVID-19 tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, công suất chỉ đạt 30 – 40%, thậm chí phải đóng cửa do có F0.
– Lũy kế 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 32 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 71% kế hoạch năm. Tuy nhiên, nhóm nông sản lại nhập siêu 3,8 tỷ USD.
– Xuất khẩu các mặt hàng chủ lực đều có xu hướng giảm mạnh như sản phẩm gỗ giảm 50%, cá tra và tôm giảm 30%, rau củ giảm 26%, phân bón giảm 24%, hạt tiêu giảm 21,5%.
– Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 14 tỷ USD, tăng gần 14%; lâm sản chính đạt khoảng 11 tỷ USD, tăng 42%; thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7%; chăn nuôi ước đạt 296 triệu USD, tăng 16%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 31%.
– Ở chiều ngược lại, 8 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước đạt gần 29 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2020.
– Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 18 tỷ USD, tăng 58%; nhóm sản phẩm chăn nuôi đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 7%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 1,4 tỷ USD, tăng 19%; nhóm lâm sản chính khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 38%; nhóm đầu vào sản xuất gần 5 tỷ USD, tăng 36%.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index tạo khoảng trống tăng giá ngay sau khi phiên ATO vừa mới kết thúc. Tuy trạng thái giằng co xuất hiện trong khoảng thời gian còn lại của phiên sáng nhưng đà tăng vẫn được giữ vững. Chỉ số tiếp tục bứt phá trong phiên chiều và kết thúc ngày giao dịch ở mức 1,346.39 điểm, tăng 11.74 điểm.
– Khối lượng giao dịch của HOSE tăng cao vượt qua mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 28,200 tỷ đồng. Điều này cho thấy dòng tiền đang dần quay trở lại thị trường và tâm lý nhà đầu tư đang khá tích cực sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày.
– Khối ngoại có phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp trên thị trường, trong đó khối ngoại bán ròng hơn 290 tỷ đồng ở sàn HOSE. Lực bán ròng tập trung ở các cổ phiếu VHM bị bán ròng mạnh 380 tỷ đồng, VNM 76 tỷ đồng, MSN là 61 tỷ đồng, VIC 38 tỷ đồng.
– Sắc xanh tiêu biểu nhất với VN-Index hôm này là HPG khi riêng mã này đã góp hơn 2 điểm tăng cho chỉ số. Cùng với HPG, các cổ phiếu VHM, VIC, GAS là những mã có đóng góp tích cực nhất. Trong khi đó, GVR, VPB và MSN là những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index.
– Tiêu điểm trong phiên hôm nay đến từ nhóm cổ phiếu ngành Thép khi nhiều cổ phiếu tăng trần như HSG, SMC, NKG, HPG. Trong khi đó, dòng tiền có dấu hiệu chốt lời tại một số cổ phiếu midcaps đã tăng mạnh trong giai đoạn trước đó như Cảng biển, Đầu tư công hay Bất động sản. Đáng chú ý là dòng tiền có dấu hiệu lan tỏa sang các cổ phiếu nhóm vốn hóa nhỏ trong vài phiên gần đây khi đồng loạt các mã như FLC, ROS, AMD, HQC, DLG đều tăng sát mức trần.
– Với phiên tăng thứ 5 liên tiếp, VN-Index vẫn trong nhịp hồi phục kỹ thuật và đang tiến dần tới ngưỡng kháng cự tâm lý 1.360-1.380 điểm. Hỗ trợ mạnh của thị trường hiện tại nằm quanh vùng giá 1.290-1.300 điểm và kháng cự kế tiếp là vùng đỉnh ngắn hạn quanh 1.375-1.380 điểm.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Dệt may TNG báo doanh thu tháng 8 tiếp tục giảm
– CTCP Dệt may TNG (HNX: TNG) thông báo doanh thu lũy kế 8 tháng đạt 3.544 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch 8 tháng và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 8, doanh thu 577,5 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch tháng. Như vậy, doanh thu tháng 8 của doanh nghiệp tiếp tục giảm so với tháng 7 và giảm 4% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong tháng 7, doanh thu giảm sau 4 tháng liên tục tăng trưởng. Nguyên nhân được lý giải là do tác động của thiếu hụt vỏ container và cước vận chuyển quốc tế tăng cao. Lũy kế 7 tháng, doanh thu công ty dệt may đạt 2.966 tỷ đồng, tăng 21%; lãi sau thuế 113 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
– Dệt may TNG cho biết doanh thu và lợi nhuận cải thiện nhờ ngay từ đầu năm đã định hướng tập trung khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (chủ động từ nguyên liệu đến thành phẩm) chủ đạo, doanh thu đơn hàng FOB tăng; khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam; đẩy mạnh dòng sản phẩm kỹ thuật, cao cấp.
– Mặc dù tình hình giãn cách xã hội vẫn đang kéo dài, TNG có địa bàn hoạt động chủ yếu ở tỉnh Thái Nguyên, địa phương có số ca nhiễm ít và kể từ giữa tháng 8 không phát sinh ca mới. Doanh nghiệp cho biết trong tháng 8 vẫn tuyển dụng thêm gần 600 lao động bổ sung cho các nhà máy mới thành lập, tăng năng lực sản xuất.

• PC1 sắp chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 20%
– CTCP Xây lắp điện 1 (PCC1, HoSE: PC1) công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành hơn 38,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2020 theo tỷ lệ 20% (5 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 31/12/2020 (1.108,6 tỷ đồng).
– Ngoài ra, HĐQT công ty cũng thông qua phương án bán 432 cổ phiếu quỹ và chào bán hơn 5,7 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 3% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Giá phát hành 10.000 đồng/cp, hơn 57 tỷ đồng huy động dự kiến dùng để bổ sung vốn lưu động. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 2 năm.
– Thời gian phát hành cổ phiếu trả cổ tức, bán cổ phiếu quỹ và cổ phiếu ESOP dự kiến trong quý III-IV. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ gần 1.912 tỷ lên 2.351 tỷ đồng.
– Năm ngoái, doanh thu tăng 14% lên 6.678,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt hơn 544 tỷ, tăng 45%. Với kết quả đó, ban lãnh đạo doanh nghiệp quyết định chia cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%, cao hơn theo kế hoạch đề ra tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 là 15%.
– Ban lãnh đạo PC1 cho biết, kế hoạch năm 2021 doanh thu dự kiến đạt 8.003 tỷ đồng tăng 20% so với thực hiện năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 6% về 510 tỷ đồng. Cổ tức năm 2021 dự kiến 15%/vốn điều lệ.
– Theo BCTC soát xét bán niên, PCC1 ghi nhận doanh thu thuần tăng 79% so với nửa đầu năm ngoái, đạt 4.536 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động xây lắp và thiết bị ngành điện mang về 2.938 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ. Ngoài ra, nguồn thu công ty đến từ một số hoạt động khác như bán hàng hóa (976 tỷ), bán điện (299 tỷ), sản xuất công nghiệp (624 tỷ).
– Lợi nhuận sau thuế đạt 422 tỷ đồng, tăng 95% so với cùng kỳ và hoàn thành 83% chỉ tiêu năm. Kết quả đạt được nhờ doanh thu tài chính nửa đầu năm tăng gần 268 tỷ đồng do đánh giá lại khoản đầu tư vào Khoáng sản Tấn Phát. Ngoài ra, PC1 ghi nhận lãi từ công ty liên doanh liên kết Gang thép Cao Bằng cũng tăng 50,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0