Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 07.07.2021 | Con gái Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đăng ký mua hơn 22 triệu cổ phiếu TCB

Nhận định Thị trường hàng ngày 07/07/2021    22421

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đạt kỷ lục
– Khoảng 580 tỷ USD được rót thêm vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu trong nửa đầu năm 2021, ghi nhận mức cao kỷ lục, theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR. Bên cạnh quỹ cổ phiếu toàn cầu, các quỹ mua cổ phiếu của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu cũng tăng mạnh. Trong đó, giới đầu tư gần đây ưa chuộng cả cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu công nghệ tại Mỹ trong bối cảnh lạm phát được dự báo sẽ gia tăng.
– Giới chuyên gia của Bank of America ước tính rằng nếu duy trì ở tốc độ như vậy trong 6 tháng cuối năm nay, dòng vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu trong năm 2021 sẽ cao hơn con số của 20 năm trước cộng lại.
– Dòng vốn đổ vào các quỹ cổ phiếu toàn cầu đã đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh chưa từng thấy trong thời gian qua, với các chỉ số cơ bản liên tiếp lập đỉnh kỷ lục trong tuần trước, nhờ kinh tế phục hồi tích cực. Chỉ số S&P 500 tăng hơn 15% kể từ đầu năm đến nay, trong khi FTSE Thế giới tăng hơn 12%.
– Lợi suất trái phiếu tương đối thấp, với số trái phiếu trị giá 12.000 tỷ USD đang được giao dịch với lợi suất dưới 0, đã làm tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán quy mô 117.000 tỷ USD của thế giới. “Có một sự thay đổi địa chấn trong nền kinh tế và nguồn thu nhập. Ngay cả với kịch bản thận trọng nhất về lạm phát thì lợi nhuận thực tế của bạn đối với trái phiếu đều là con số âm”, Diane Jaffee, quản lý danh mục của quỹ TCW, cho hay. Kết quả, dòng vốn đổ vào các quỹ trái phiếu quốc gia chỉ tăng 33 tỷ USD, theo EPFR.
– Jaffee dự đoán giới đầu tư tiếp tục mua cổ phiếu trong năm nay, đặc biệt là cổ phiếu tại Mỹ – nơi đang có tốc độ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 nhanh hơn nhiều các thị trường phát triển khác. Tuy nhiên, bà và các chuyên gia khác vẫn cảnh báo rủi ro lớn liên quan tới một cú sốc trên thị trường trái phiếu nếu ngân hàng trung ương Mỹ có bước đi sai về chính sách.

• Các nhà máy thép lớn của Trung Quốc nâng công suất lên 70%, giá quặng dự báo vẫn giảm
– Ngày 5/7, tất cả các nhà máy lớn ở thủ phủ thép Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc – nơi sản xuất ra 14% tổng sản lượng thép của Trung Quốc – đã hoạt động trở lại, duy trì công suất ở mức 70%. Mức công suất 70% là cao hơn so với quy định hạn chế sản xuất nghiêm ngặt trước đó của Trung Quốc (ở mức 50%) khi chính quyền Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu cân bằng nhu cầu thép của nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch với các nội dung cam kết bảo vệ môi trường mà quốc gia này đã cam kết. Công suất này dự kiến duy trì đến hết năm nay khi các chuyên gia dự kiến sản lượng thép thô của quốc gia này sẽ giảm khoảng 60 triệu tấn trong nửa cuối năm 2021.
– Việc nối lại hoạt động của hàng loạt nhà máy đã đẩy giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng nhẹ vào ngày 5/7. Theo đó, giá quặng trên hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 6%, ở mức 1.225 nhân dân tệ/tấn (189,6 USD/tấn).
– Ông Zheng Weiwei, nhà kinh doanh thép ở Thượng Hải, chia sẻ với Global Times rằng giá thép giao sau tăng nhưng giá giao ngay vẫn giữ nguyên, bởi quy định kìm hãm giá thép của chính phủ Trung Quốc tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các nhà sản xuất trong khi lực cầu không biến động mạnh.
– Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 473 triệu tấn, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Động thái này đi ngược lại với với mục tiêu duy trì sản lượng thép thô năm 2021 ngang bằng mức của năm 2020 của chính quyền Bắc Kinh và có thể dẫn tới hệ quả là các nhà máy tại Đường Sơn, An Huy, Sơn Đông và Cam Túc cùng đứng trước nguy cơ buộc phải giảm bớt sản lượng. Điều này sẽ tác động mạnh tới giá và sản lượng quặng sắt nhập khẩu, nhất là Australia. Nước này đang là nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 60%. Và Việt Nam cũng không tránh khỏi khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ thép lớn nhất của Việt Nam
– Trong năm 2020, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng quặng sắt lớn thứ 3 thế giới với 340 triệu tấn, xếp sau Australia (900 triệu tấn) và Brazil (400 triệu tấn).

2. Thông tin Việt Nam

• Cá nhân mở mới kỷ lục hơn 140.000 tài khoản chứng khoán trong tháng 6
– Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trong tháng 6 tiếp tục lập kỷ lục với 140.054 đơn vị, tăng 23,3% so với tháng 5. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp cá nhân mở mới trên 100.000 tài khoản. Tính tổng 6 tháng, cá nhân mở mới 619.911 tài khoản chứng khoán, vượt 58% so với cả năm 2020.
– Lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng tăng so với tháng trước và đạt 139 đơn vị (tháng 5 là 131 đơn vị). Như vậy, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tới cuối tháng 6 đạt hơn gần 3,36 triệu đơn vị.
– Trong khi đó, cá nhân nước ngoài mở mới 280 tài khoản giao dịch chứng khoán trong tháng 6, tiếp tục giảm 33,8% so với tháng trước. Đồng thời, tổ chức nước ngoài đóng tài khoản nhiều hơn mở mới. Lượng mở mới tài khoản chứng khoán của đối tượng này giảm từ 4.015 đơn vị xuống còn 4.012 đơn vị.
– Việc tài khoản mở mới tài khoản giao dịch chứng khoán tháng 6 lên mức kỷ lục như trên được cho là giúp VN-Index liên tục đi tìm đỉnh mới cũng như thanh khoản lại lập kỷ lục. Phiên giao dịch ngày 4/6 xác lập kỷ lục về giá trị khớp lệnh với 36.121 tỷ đồng, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt gần 29.100 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh bình quân trên thị trường trong tháng 6 đạt 27.500 tỷ đồng/phiên, tăng 13,7% so với tháng 5.
– Hiện nay có khoảng 3,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân của nhà đầu tư trong nước, so với dân số Việt Nam đạt khoảng hơn 3% và đây là con số thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực khoảng 10% và các nước lận cận phát triển như Thái Lan và Singapore khoảng từ 25% – 35%. Chính vì vậy mà chúng tôi cho rằng việc gia tăng các nhà đầu tư mới vẫn còn rất nhiều dư địa trong thời gian tới.
– Ở một diễn biến khác thì trong phiên giao dịch ngày hôm nay, các chỉ số chính đồng loạt bị giảm mạnh hơn 4% với áp lực bán sàn ở hầu hết các cổ phiếu nhóm trụ như Ngân hàng,Chứng khoán,Bán lẻ. Một nhịp điều chỉnh ngắn hạn ở thời điểm này được coi là cần thiết sau một giai đoạn tăng trưởng mạnh vừa qua để hướng tới các mốc cao hơn trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên rủi ro ngắn hạn cũng đang lớn dần ở vùng giá hiện tại.
– Tháng này các doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2 và 6 tháng đầu năm với tăng trưởng lợi nhuận được dự đoán khả quan ở các nhóm ngành chiếm tỷ trọng cao trong rổ VN30 như Ngân hàng, Dầu khí, Chứng khoán và Thép. Thị trường chứng khoán vẫn được trợ lực bởi nền kinh tế trên đà hồi phục cùng tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết.
– Tuy nhiên theo chúng tôi, định giá thị trường đã phản ánh một phần mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực của doanh nghiệp trong quý 2 và nửa đầu năm 2021. Và giai đoạn tăng trưởng tốt nhất đã qua đi nên nhà đầu tư cần ưu tiên chiến lược quản trị rủi ro trong giai đoạn này. Bởi lẽ thị trường có thể sẽ phải đối diện với một số rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn 6 tháng cuối năm như áp lực lạm phát quay lại và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận có thể không còn mạnh trong quý 3 và quý 4 do ảnh hưởng Covid-19 kéo dài.

• Doanh nghiệp ngành gỗ chủ động nắm bắt cơ hội giữa “bão” Covid-19
– Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021 ngành gỗ nhận 23 dự án mới từ 9 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng số vốn 136,056 triệu USD; 10 lượt tăng vốn với tổng vốn tăng đạt 45,28 triệu USD; 26 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng vốn 41,14 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc với 12 dự án, tổng vốn đầu tư 29,26 triệu USD; Hàn Quốc với 2 dự án, tổng vốn 8,14 triệu USD; Nhật Bản với 2 dự án, tổng vốn 1,265 triệu USD…
– Về mặt hàng, sản xuất giường, tủ, bàn ghế thu hút 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 46,53 triệu USD. Trong đó Trung Quốc đầu tư 12 dự án với tổng vốn 29,26 triệu USD. Các nước còn lại như: Belize, BritishVirginIslands, Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều đầu tư 1 dự án; cưa bào, xẻ có 1 dự án do Nhật Bản đầu tư với vốn 865,8 nghìn USD; pallet gỗ với 1 dự án do Hồng Kông (Trung Quốc) đầu tư, vốn 500 nghìn USD.
– Theo thống kê hải quan, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt hơn 6,42 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ đạt 4,96 tỷ USD, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số xuất khẩu cao kỷ lục, vượt lên những tác động do dịch Covid-19 mang lại, trong khi nhiều ngành hàng khác vẫn đang ngập trong khó khăn.
– Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products) chia sẻ, trong năm nay công ty còn có thêm một số khách hàng mới ở thị trường Mỹ dẫn đến đơn hàng năm 2021 đã tăng khoảng 30% so với thời điểm này của năm 2019. Những khách hàng này là khách hàng dịch chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Việt Nam. Do đó, công ty Việt Products cũng đã chuẩn bị lực lượng lao động đủ để thực hiện các đơn hàng này cho đến cuối năm 2021.
– Cũng như vậy, nhiều doanh nghiệp và chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, mỹ nghệ thuộc Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Hồ Chí Minh (HAWA) cũng đã nhận đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài cho đến cuối năm 2021. Đây là bước tăng trưởng khá tốt của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ so với trước thời điểm xảy ra dịch bệnh Covid-19.
– Với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) giúp ngành gỗ Việt Nam gia tăng sức cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng loại với các đối thủ cạnh tranh tại thị trường EU, đặc biệt là đối với nhóm mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động, khách hàng nước ngoài tin tưởng tìm nguồn cung tại Việt Nam ngày một tăng. Chính vì vậy chúng tôi đáng giá các doanh nghiệp gỗ sẽ tiếp tục phát triển và có triển vọng tốt trong tương lai.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Sản lượng bán hàng của Hòa Phát giảm tháng thứ 3 liên tiếp do dịch bệnh và mùa mưa bắt đầu
– Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông tin sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 569.000 tấn, giảm 18% so với tháng trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp sản lượng Hòa Phát sụt giảm.
– Trong đó, thép cuộn cán nóng và thép xây dựng của Tập đoàn đều đạt 230.000 tấn mỗi loại. Ống thép đạt hơn 41.000 tấn, còn lại là tôn mạ và phôi thép. Riêng sản lượng thép xây dựng ghi nhận giảm 29% so với tháng trước và giảm 9% so với cùng kỳ năm trước.
– Sản lượng bán hàng thép xây dựng và ống thép của Hòa Phát giảm so với cùng kỳ và tháng trước do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trên toàn quốc, đặc biệt là TP HCM và các tỉnh phía Nam cộng với mùa mưa đã bắt đầu.

• Con gái Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh đăng ký mua hơn 22 triệu cổ phiếu TCB
– Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về giao dịch cổ phiếu của người liên quan người nội bộ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank – TCB). Cụ thể, bà Hồ Thủy Anh, con gái ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank đăng ký mua 22.474.840 cổ phiếu TCB. Dự kiến giao dịch thực hiện từ ngày 12/7/2021 đến 4/8/2021 theo phương thức khớp lệnh trên sàn và giao dịch thỏa thuận.
– Ước tính theo vùng giá hiện nay, con gái ông Hùng Anh có thể phải bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng để thực hiện giao dịch. Hiện con gái ông Hùng Anh không sở hữu cổ phiếu TCB nào, trong khi đó, con trai ông đang sở hữu gần 138 triệu đơn vị.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0