Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 07.07.2020 – Định giá thị trường chứng khoán châu Á lên mức cao nhất kể từ năm 2009

Nhận định Thị trường hàng ngày 07/07/2020    1824

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Định giá thị trường chứng khoán châu Á lên mức cao nhất kể từ năm 2009

1. Vĩ mô thế giới và các xu hướng đáng chú ý

Nhật Bản lên kế hoạch “khai tử” 100 nhà máy nhiệt điện than

Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI), Hiroshi Kajiyama, cho biết ông đã yêu cầu các quan chức đưa ra các đề xuất để loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than kém hiệu quả và phát triển năng lượng tái tạo trở thành nguồn cung cấp điện chính. Ông nói rằng chính phủ sẽ tìm cách khuyến khích năng lượng tái tạo bao gồm cải cách các quy định về sử dụng lưới điện.

Hãng tin Kyodo tiết lộ tại cuộc họp với lãnh đạo của các công ty cung cấp điện lớn nhất nước này vào hôm trước đó, ông Kajiyama nói chính phủ đang lên kế hoạch đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động 100 nhà máy nhiệt điện than theo từng giai đoạn trong 10 năm tới. Việc tạm dừng hoạt động nhà máy nhiệt điện than sẽ được xem xét trên cơ sở nó có thể được sử dụng làm phương án cung cấp điện dự phòng trong trường hợp nguồn cung điện thiếu hụt do thiên tai, thời tiết xấu.

Kinh tế Mỹ khó có thể phục hồi hoàn toàn trước năm 2022

Theo ông Christophe Barraud, nhà kinh tế trưởng của Market Securities, kinh tế Mỹ sẽ có một chặng đường phục hồi dài sau giai đoạn suy giảm mạnh do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và điều này có thể ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Mỹ. Bên cạnh đó, ông Barraud cho rằng một số nước châu Âu không thể có sự phục hồi kinh tế trước năm 2023.

Theo ông Barraud, sự phục hồi kinh tế trở lại mức trước dịch COVID-19 sẽ không thể diễn ra trong “một sớm một chiều”. Thậm chí cho dù vắc-xin COVID-19 được nghiên cứu thành công vào cuối năm 2020 thì cũng không thể được phân phối cho đến năm 2021, khiến Mỹ sẽ còn phải mất nhiều thời gian để ứng phó và vượt qua cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay.

Ông Barraud đã được hãng tin Bloomberg xếp hạng là nhà dự đoán chuẩn xác nhất về số liệu kinh tế Mỹ trong tám năm liên tiếp. Ngoài ra, ông Barraud cũng được xếp hạng là nhà kinh tế hàng đầu về Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kể từ năm 2015 và về Trung Quốc kể từ năm 2017.

2. Vĩ mô trong nước

Quyết liệt giải ngân 30 tỷ USD vốn đầu tư công

Theo Bộ Tài chính, về giải ngân vốn đầu tư phát triển, mặc dù đạt tiến độ khá so cùng kỳ năm 2019 (33,1% so với 28,6% của năm 2019), song nếu so với số vốn đầu tư công được phép giải ngân trong năm 2020 bao gồm cả nguồn các năm trước chuyển sang thì số giải ngân 6 tháng mới đạt 28,94% kế hoạch. Đặc biệt, giải ngân vốn ngoài nước mới đạt hơn 10% dự toán năm 2020. Với nguồn vốn cần giải ngân năm 2020 rất lớn (700.000 tỷ đồng, khoảng 30 tỷ USD), gánh nặng dồn lên 6 tháng cuối năm là rất lớn.

Hà Nội ‘chốt’ tiến độ 3 công trình giao thông trọng điểm trong năm nay

Bí thư Thành ủy Hà Nội vừa yêu cầu một số dự án phải hoàn thành trong năm nay, gồm dự án mở rộng tuyến đường vành đai 3, dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên và dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc vành đai 2.

Tại buổi thị sát 5 công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thành phố mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ yêu cầu 3 dự án phải hoàn thành vào dịp Quốc khánh 2/9.

3. Thị trường tài chính

Định giá thị trường chứng khoán châu Á lên mức cao nhất kể từ năm 2009

Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 4,83% trong tháng 6 trong khi chỉ số MSCI toàn thế giới chỉ tăng 3,03%.

Theo đó, P/E của chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tăng lên mức 15,62 vào cuối tháng 6 so với mức 14,34 vào cuối tháng 5. Đây là mức cao nhất kề từ tháng 12/2009, theo dữ liệu của Refinitiv-Eikon.

Bên cạnh đó, các chỉ số chứng khoán thị trường Ấn Độ (NSEI), Hồng Kông (HIS), Philippines (PSI) và Đài Loan (TWII) đều tăng hơn 6% trong tháng 6.

Trong đó, cổ phiếu ở New Zealand, Ấn Độ và Malaysia là đắt nhất trong khu vực với tỷ lệ P/E lần lượt là 30,7, 19,3 và 17,4.

“Những nhà đầu tư kỳ vọng thị trường tăng giá đang nhìn vào sự ảm đạm của nền kinh tế hiện tại, nhưng dù vậy, họ không thoát ra khỏi thị trường khi được thúc đẩy bởi một làn sóng tiền dễ dãi được bơm vào thị trường”, Vishnu Varathan, người đứng đầu Bộ phận Kinh tế và Chiến lược tại Mizuho Bank nói.

Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục nâng giá cổ phiếu

Theo JPMorgan Chase, chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ được duy trì trong thời gian dài để hỗ trợ kinh tế, theo đó sẽ nâng cao thanh khoản ngân hàng và cả giá cổ phiếu lẫn trái phiếu.

“Tiền mặt nhàn rỗi tăng cao tạo ra một nền tảng hỗ trợ mạnh mẽ cho các tài sản phi tiền mặt như trái phiếu và cổ phiếu. Với mức lãi suất trái phiếu thấp như hiện tại, hầu hết thanh khoản này cuối cùng sẽ được chuyển vào cổ phiếu do nhu cầu tiết kiệm để phòng ngừa giảm dần theo thời gian”, theo các chiến lược gia của JP Morgan Chase.