Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 07.04.2021 – PMI ASEAN tháng 3 đạt 50,8 điểm, với Việt Nam có mức tăng cao nhất

Nhận định Thị trường hàng ngày 07/04/2021    3849

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 07/04/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Phố Wall đối mặt ‘bóng đen’ tăng thuế vì kế hoạch chi tiêu của Biden

– Với thị trường cổ phiếu, đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ đảng Dân chủ để tài trợ cho gói chi tiêu hơn 2.000 tỷ có thể nhanh chóng tạo ra thiệt hại, theo dự báo từ giới phân tích.
– Goldman Sachs ước tính kế hoạch tăng thuế từ chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể xóa bỏ 9% EPS của các công ty trong S&P 500 năm 2022.
– Theo kế hoạch chi cơ sở hạ tầng công bố tuần trước, thuế doanh nghiệp cần tăng từ 21% lên 28% – một sự đảo ngược đáng kể từ chính sách cắt giảm dưới thời tổng thống tiền nhiệm Donald Trump. Ngoài ra còn có đề xuất thuế toàn cầu tối thiểu 21%, theo từng quốc gia cụ thể, để nhắm vào các thiên đường thuế. Dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin nằm trong nhóm chịu thiệt hại nặng nhất do hai lĩnh vực nhạy cảm với việc tăng thuế. Goldman Sachs dự báo hai lĩnh vực sẽ mất khoảng 10% lợi nhuận trong năm 2022 vì thuế doanh nghiệp và thuế toàn cầu. Lĩnh vực công nghệ có đợt tăng chưa từng có trên Phố Wall từ đáy tháng 3/2020 trước khi bị bán mạnh gần đây.
– Savita Subramanian, trưởng bộ phận chiến lược định lượng và cổ phiếu Mỹ tại Bank of America, nói cổ phiếu công nghệ năm nay chịu áp lực từ nguy cơ chi phí đi vay tăng – làm giảm giá trị dòng tiền trong tương lai.
“Thuế đang trên đà tăng”, Mike Mullaney, giám đốc nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Boston Partners, nói. “Chúng ta chỉ không biết mức độ tăng thuế như thế nào”.

Lo ngại bong bóng, Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng hạ tăng trưởng tín dụng

– Tại cuộc họp với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 22/3, các ngân hàng được yêu cầu giữ tăng trưởng tín dụng năm nay xấp xỉ so với năm 2020, theo các nguồn thạo tin. Một số ngân hàng nước ngoài còn được kêu gọi kìm hãm tăng trưởng cho vay.
– Bình luận trên cung cấp cái nhìn cụ thể hơn về thông báo từ PBOC sau cuộc họp. PBOC cho biết họ đề nghị đại diện 24 ngân hàng lớn giữ tăng trưởng cho vay ổn định và hợp lý.
– Trong năm 2020, tổng cho vay của các ngân hàng Trung Quốc cao kỷ lục, đạt 19.600 tỷ nhân dân tệ (3.000 tỷ USD). Nếu giữ nguyên mức này cho năm nay, tổng dư nợ sẽ lên khoảng 192.000 tỷ nhân dân tệ, đồng nghĩa tăng trưởng tín dụng 11%, thấp nhất trong hơn 15 năm.
– “Một mặt, Trung Quốc sẽ giảm tốc độ tăng trưởng cho vay. Mặt khác, mức giảm tốc là vừa phải”, Lu Ting, kinh tế gia trưởng về Trung Quốc tại Nomura Holdings, nói. Tốc độ tăng trưởng vẫn phù hợp với lập trường không thay đổi chính sách đột ngột của PBOC.
– Với đại dịch Covid-19 gần như được kiểm soát và kinh tế đang phục hồi, giới lập chính sách của Trung Quốc tái triển khai chiến dịch hạn chế rủi ro, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và bất động sản. Ngay cả khi tăng trưởng tín dụng hạ nhiệt, triển vọng lãi suất tăng và ít tài sản rủi ro hơn vẫn giúp ngân hàng tăng lợi nhuận. Ngành ngân hàng gần đây ghi nhận lợi nhuận suy giảm vì phải hỗ trợ người đi vay.
– Các ngân hàng Trung Quốc tăng trưởng nợ 4.900 tỷ nhân dân tệ trong hai tháng đầu năm, cao hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu chính thức. FT trước đó đưa tin PBOC hồi tháng 2 yêu cầu các ngân hàng giữ mức cho vay trong quý I xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái.
– Hạn chế tín dụng sẽ rút cạn thanh khoản trên thị trường chứng khoán và gây áp lực với những lĩnh vực có định giá cao, theo Ken Chen, nhà phân tích tại KGI Securities, Thượng Hải.
– PBOC muốn các ngân hàng tập trung cho vay vào các lĩnh vực như đổi mới công nghệ và sản xuất. Hồi đầu tháng 3, Guo Shuqing, chủ tịch Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, cảnh báo về bong bóng trên thị trường bất động sản và tài chính, gia tăng lo ngại nhà chức trách sẽ thắt chặt dần chính sách tiền tệ.
– Chính phủ Trung Quốc đang tranh thủ đà phục hồi kinh tế để giảm đòn bẩy nợ, mục tiêu phải tạm gác lại trong thời gian thương chiến với Mỹ và bị trì hoãn thêm bởi đại dịch. Năm ngoái, chính sách hỗ trợ kinh tế đẩy tổng nợ của Trung Quốc lên 280% GDP.
– Kinh tế Trung Quốc cũng ghi nhận mức nợ kỷ lục sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, khi Bắc Kinh phải dựa vào tín dụng để tránh rơi vào tình trạng suy thoái như ở phương Tây. Những nỗ lực kiểm soát tăng trưởng nợ năm 2017, đặc biệt là trong hoạt động tài chính ngầm, dẫn đến lãi suất tăng trên thị trường tiền tệ và trái phiếu chính phủ mất giá.

2. Tin tức Việt Nam

PMI ASEAN tháng 3 đạt 50,8 điểm, với Việt Nam có mức tăng cao nhất

– Theo báo cáo của IHS Markit về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), lĩnh vực sản xuất của ASEAN tiếp tục tăng trưởng trong cuối tháng 1. Sau khi giảm nhẹ trong tháng 2, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng 3, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ. Sự đình trệ của chuỗi cung ứng tiếp tục tạo áp lực lạm phát dẫn đến tốc độ tăng chi phí nhanh nhất kể từ tháng 1/2014. Dẫu vậy, niềm tin kinh doanh tăng thành mức cao của 3 tháng.
– Chỉ số PMI toàn phần tăng từ 49,7 trong tháng 2 lên thành mức trên ngưỡng trung tính 50 là 50,8 trong tháng 3. Điều này cho thấy các điều kiện sản xuất ASEAN tiếp tục cải thiện, mặc dù mức cải thiện chỉ là nhẹ.
– Mức tăng trưởng được ghi nhận ở 4 trong 7 quốc gia khảo sát trong tháng 3. Mức tăng cao nhất thuộc về Việt Nam với số điểm 53,6 – đây là mức cải thiện nhanh nhất kể từ tháng 12/2018. Indonesia và Philippines cũng duy trì được tăng trưởng trong tháng 3. Đối với Indonesia, chỉ số toàn phần đạt mức cao kỷ lục (kể từ tháng 4/2011) là 53,2 và cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi Philippines có mức tăng trưởng nhẹ ở mức 52,2 điểm. Ngoài ra, Singapore là quốc gia ASEAN duy nhất còn lại có sự cải thiện các điều kiện sản xuất trong tháng 3. Tại đây, chỉ số PMI toàn phần (50,7) cho thấy tốc độ tăng trưởng chậm hơn đáng kể so với ba tháng trước đó, với tốc độ tăng không đáng kể. Với Malaysia, chỉ số toàn phần đạt mức dưới ngưỡng trung tính 50 điểm. Tại Thái Lan, đà giảm sút đã chậm lại kể từ tháng 2, ở mức 48,8 điểm. Myanmar chứng kiến mức giảm nghiêm trọng trong tháng 3 với mức thấp kỷ lục 27,5, khi các nhà máy vẫn đóng cửa và tình trạng chính trị bất ổn.
– Nhìn chung, nhân tố chính góp phần cải thiện các điều kiện sản xuất ASEAN trong tháng 3 là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng trở lại. Song, đây cũng chỉ là mức tăng nhẹ, yếu hơn so với tháng 12 và tháng 1.

Đất nền ở đâu ‘nóng’ nhất trong 3 tháng đầu năm?

– Tại buổi công bố báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quý I diễn ra sáng nay (6/4), ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đánh giá 3 tháng đầu năm là giai đoạn chứng kiến mức độ quan tâm của khách hàng và nhà đầu tư tăng cao nhất từ trước đến nay, bất chấp các tác động của dịch Covid-19 tái bùng phát lần 3.
– Theo đại diện Batdongsan.com.vn, các khu vực có lượt quan tâm (phản ánh nhu cầu thị trường) tăng mạnh trải rộng từ Bắc vào Nam. Bên cạnh các thị trường truyền thống, tại nhiều thị trường mới có thông tin quy hoạch hạ tầng được công bố, mức giá tăng phổ biến từ 10-30%, một số nơi giá đất tăng 2-3 lần trong thời gian ngắn.
– Tính đến ngày 15/3, lượng quan tâm tại một số khu vực phía Bắc tăng cao so với quý liền trước như Bắc Giang (tăng 37%), Bắc Ninh (tăng 28%), Thái Nguyên (tăng 50%), Hòa Bình (tăng 35%). Với diễn biến này, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng khu vực miền Bắc, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh Hà Nội, thị trường BĐS đang hoạt động sôi nổi hơn hẳn. Nguyên nhân được Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chỉ ra là làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Nam ra Bắc xuất hiện từ giữa năm 2020 đến nay đang làm cho các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào khả năng tăng giá của các sản phẩm BĐS.
– Cùng với mức độ quan tâm tăng mạnh, giá BĐS tại các tỉnh phía Bắc cũng đang thiết lập một mặt bằng mới. Giá rao bán đất ở nhiều địa phương tăng mạnh, có thể kể đến là Hòa Bình (tăng 102%), Ba Vì (tăng 75%), Hưng Yên (tăng 26%), Thái Nguyên (tăng 15%)…
– Đối với miền Trung, mức độ quan tâm của các tỉnh lân cận Đà Nẵng cũng tăng cao so quý liền trước. Nếu như Đà Nẵng có mức độ quan tâm tăng 32% cùng kỳ năm trước thì Hội An, Tam Kỳ (Quảng Nam) đều tăng 39%. Giá rao bán đất nền cũng tăng tương ứng 7% đối với Đà Nẵng và 30% đối với Tam Kỳ.
– Tại khu vực phía Nam, khu vực lân cận TP HCM, mức độ quan tâm cũng vô cùng “nóng”. Cần Giờ trở thành tiêu điểm của thị trường TP HCM khi mức độ quan tâm cao nhất, tới 81%. Một số huyện trong đề án lên quận như Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè cũng tăng đáng kể, từ 22% đến 36%. Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng tăng độ quan tâm 35%, Long Thành (Đồng Nai) là 12%. Trong khi đó, Tân Uyên (Bình Dương) tăng 7%.
– Đại diện Batdongsan.com.vn cho rằng thị trường BĐS quý I sôi động nhờ lực đẩy cộng hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm tiền rẻ do lãi suất rất thấp (khoảng 3,5 – 5%); đông đảo nhà đầu tư F0 tham gia thị trường; thông tin quy hoạch được tung ra ồ ạt; nhiều địa phương điểu chỉnh khung giá đất (giá đất một số địa phương được tăng lên từ 15-30%, có nơi 50 – 100%)…

3. Các kênh tài sản đầu tư

Vốn hóa tiền ảo toàn cầu lập đỉnh mới tại 2.000 tỷ USD

– Theo các hãng nghiên cứu CoinGecko và Blockfolio, vốn hóa thị trường tiền ảo toàn cầu vừa lên cao nhất mọi thời đại, tại 2.000 tỷ USD. Đà tăng kéo dài vài tháng qua đã thu hút sự tham gia của cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.
– Dẫn đầu đà tăng này là Bitcoin – tiền số phổ biến nhất thế giới. Vốn hóa Bitcoin cũng lập thành tích mới, khi duy trì mốc 1.000 tỷ USD suốt một tuần qua. Hiện tại, mỗi đồng giao dịch quanh 59.000 USD.
– Kể từ khi lập đỉnh tại 61.000 USD, Bitcoin giao dịch với biên độ khá hẹp. Giới phân tích cho rằng miễn là Bitcoin duy trì trên 53.000 USD, tiền số này sẽ giữ được mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.
– Hãng cung cấp số liệu khối chuỗi Glassnode nhận định việc Bitcoin giữ được mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD suốt một tuần cho thấy “niềm tin vào Bitcoin và tài sản tiền số nói chung”. Bitcoin năm nay đã tăng giá hơn 100%. Ethereum thì tăng gần 190%. Nguyên nhân là các công ty lớn, như Tesla, BNY Mellon tăng đầu tư vào tiền số

4. Câu chuyện đầu tư

Bài học từ huyền thoại Bill Miller (kỳ 2): Đừng răm rắp làm theo cái mác “đầu tư giá trị”

Lãi gộp có tương quan cao tới giá cổ phiếu
Ông Miller không quan tâm công ty có P/E 10x hay 100x. Xét cho cùng, tất cả những gì ông quan tâm là dòng tiền tương lai của doanh nghiệp và liệu ông ấy có thể mua dòng tiền tương lai đó với giá thấp hơn trị giá thực sự của nó hay không. Ông đã nhấn mạnh tới điều này trong cuốn sách “The Man Who Beats the S&P” (Tạm dịch: “Người đàn ông đánh bại S&P”):

“Định nghĩa giá trị của chúng tôi xuất phát từ các cuốn sách giáo khoa tài chính. Trong đó, giá trị của khoản đầu tư được định nghĩa là giá trị hiện tại của dòng tiền tự do trong tương lai của khoản đầu tư. Bạn sẽ không tìm thấy ‘giá trị’ được định nghĩa bằng mức P/E thấp hay P/FCF thấp trong sách tài chính. Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư sử dụng những hệ số này như đại diện cho những cổ phiếu giá hời tiềm năng. Chúng đôi khi đúng, đôi khi không”.

Theo đó, ông Bill Miller cho rằng các hệ số như P/E và P/FCF chỉ nên được xem là chỉ dẫn để nghiên cứu sâu hơn chứ không dùng để ra quyết định đầu tư ngay lập tức
Mua khi kỳ vọng thấp và nắm giữ trong thời gian dài
Đặc điểm cuối cùng đóng góp vào thành công của ông Miller là khả năng mua cổ phiếu tại mức có kỳ vọng thấp. Khái niệm này khá đơn giản. Bạn mua cổ phiếu tại mức giá bao hàm kỳ vọng thấp về thành quả tương lai của doanh nghiệp. Mục tiêu ở đây là sử dụng giá mà “Ngài thị trường” đưa ra như một thông tin về kỳ vọng của nhà đầu tư. Liệu mức giá hiện tại ngụ ý kỳ vọng cao hay thấp? Công ty cần phải làm gì trong vòng 3, 5 hoặc 7 năm tới để dung dưỡng cho mức giá hiện tại?

Trong trường hợp của Miller, ông tìm kiếm những cổ phiếu có kỳ vọng thấp:

“Mẫu số chung giữa các cổ phiếu chiến thắng của chúng tôi đều xuất phát từ kỳ vọng thấp. Thành tích của một cổ phiếu phụ thuộc vào mối tương quan giữa yếu tố cơ bản và kỳ vọng. Đối với những cổ phiếu thắng lớn, khoảng cách giữa thành tích thực sự và thành tích mà nhà đầu tư kỳ vọng sẽ là lớn nhất. Các cổ phiếu mang lại thành quả cao nhất của chúng tôi cũng thường là những công ty tiếp tục tích lũy giá trị trong nhiều năm như Amazon”.

Ông Miller không chỉ mua cổ phiếu ở thời điểm kỳ vọng thấp mà còn thường giữ vị thế hơn 5 năm. Vòng quay danh mục bình quân ở mức 20%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 100% của hầu hết các nhà quản lý quỹ

Thị trường là cỗ máy chiết khấu tương lai. Yếu tố ngắn hạn đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Nói cách khác, lợi thế duy nhất mà bạn có với tư cách là nhà đầu tư là khả năng nhìn đủ xa vào tương lai và thấy một kết quả khác với kỳ vọng của “Ngài thị trường”. Bằng cách này hay các khác, mọi thứ sẽ trở lại với kỳ vọng.

Như ông Miller giải thích:

“Chúng tôi thường phân tích những cổ phiếu có sự bất thường trong hành vi, mà nguyên nhân phần lớn là do cách nhà đầu tư phản ứng trước các sự kiện. Nói rộng hơn, giá của những cổ phiếu này phản ánh kỳ vọng thấp về khả năng tạo ra giá trị trong tương lai vì sự kiện vĩ mô, vi mô hoặc sự sợ hãi của nhà đầu tư. Các nỗ lực nghiên cứu của chúng tôi đều nhằm xác định khoảng cách giữa kỳ vọng và giá trị nội tại tiềm năng của cổ phiếu, liệu khoảng cách này có lớn hay không. Cổ phiếu lý tưởng là cổ phiếu thể hiện những gì mà Ngài John Templeton cho là “điểm bi quan cực độ””.

———–

DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư

Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn

Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO

Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần

Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO

————

Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website: https://www.vndirect.com.vn/

Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ