Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 06.08.2021 | Kỳ vọng lực đẩy từ làn sóng đầu tư công

Nhận định Thị trường hàng ngày 06/08/2021    32213

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/08/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Sự bùng phát của biến chủng Delta kìm hãm nền kinh tế Trung Quốc
– Đợt bùng dịch Covid-19 lớn nhất ở Trung Quốc kể từ cuối năm 2019 đang ghì chặt hoạt động của ngành du lịch và chi tiêu trong mùa hè, qua đó thôi thúc các chuyên viên phân tích xem xét lại dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Các cơ quan chức trách vội đóng cửa các điểm du lịch, huỷ các sự kiện văn hoá và các chuyến bay, khi số ca nhiễm biến chủng Delta đã xuất hiện ở gần một nửa trong số 32 tỉnh thành trực thuộc trung ương của Trung Quốc trong vòng chỉ 2 tuần trở lại đây. Ít nhất 46 thành phố đã khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trừ trường hợp thực sự cần thiết. Cùng với thiệt hại từ lũ lụt ở một số khu vực, các biện pháp kiểm soát gần nhất có khả năng kìm hãm chi tiêu bán lẻ và tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm 2021. “Các biện pháp cứng rắn từ Chính phủ dẫn tới các lệnh cấm đi lại và phong tỏa khắt khe nhất kể từ mùa xuân năm 2020”, Chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Nomura, cho hay. “Các cơn bão và lũ lụt – đều tệ hơn dự báo – cũng gây ra làn sóng hạ dự báo tăng trưởng quý 3/2021”.
– Nomura Holdings hạ dự báo tăng trưởng quý 3 của kinh tế Trung Quốc từ 6.4% xuống 5.1% và tăng trưởng 4.4% trong quý 4. Trong cả năm 2021, Nomura dự báo tăng trưởng Trung Quốc ở mức 8.2%, giảm từ mức 8.9%.
– Trong vòng 1 năm trở lại đây, Trung Quốc vẫn có những ổ dịch bùng phát rải rác, nhưng đều là những ổ dịch nhỏ và được kiểm soát một cách nhanh chóng. Đợt dịch hiện nay đã dẫn tới việc đóng cửa tất cả các điểm du lịch ở Trương Gia Giới, một điểm đến nổi tiếng ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền Trung Trung Quốc. Các thành phố khác ở Hồ Nam, Giang Tô và Sơn Tây cũng đóng cửa toàn bộ các điểm du lịch.
– Đợt bùng dịch này tạo ra áp lực mới lên sự phục hồi còn mong manh của ngành bán lẻ Trung Quốc, đồng thời gia tăng thách thức đối với tăng trưởng kinh tế nước này trong nửa cuối của năm nay. Trước đó, giới phân tích đã dự báo nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới giảm tốc trong quý 3 và quý 4 do xuất khẩu tăng chậm lại, thị trường bất động sản hạ nhiệt, và đầu tư cơ sở hạ tầng yếu đi. Đợt bùng phát hiện tại gây áp lực lên đà hồi phục mong manh của doanh số bán lẻ và gây ra thêm hàng loạt rủi ro trong nửa cuối năm, bao gồm đà giảm tốc về xuất khẩu và sự hạ nhiệt của đầu tư bất động sản cũng như cơ sở hạ tầng.
– Chỉ số PMI tháng 7/2021 cho thấy sản xuất đang hứng chịu nhiều áp lực. Mặc dù chỉ số PMI dịch vụ của Caixin hồi phục mạnh từ mức đáy 14 tháng trong tháng 6/2021 – chủ yếu là do dịch bệnh ở tỉnh Quảng Đông được kiểm soát – nhưng triển vọng vẫn khá ảm đạm. Chỉ số này cho thấy đà hồi phục kinh tế không vững chắc, và nền kinh tế vẫn đối mặt với áp lực giảm khổng lồ.
– Bloomberg Economics ước tính rằng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc có thể giảm 0,2% so với tháng trước trong tháng 7 và tháng 8, tương tự như ảnh hưởng trong đợt bùng dịch hồi đầu năm nay ở hai tỉnh Hà Bắc và Cát Lâm. Nếu tính cả năm, tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc nhiều khả năng không đạt dự báo tăng 12%.
– Giới chức Trung Quốc đã thận trọng về sự giảm tốc tăng trưởng trong những tháng sắp tới, theo đó cam kết sẽ triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ tài khoá và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm hơn 6%.

2. Thông tin Việt Nam

• NHNN ra thông tư mới về phân loại tài sản có và dự phòng rủi ro
– Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN, thay thế Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD).
– So với Thông tư 02/2013/TT-NHNN, thông tư mới bổ sung vào phạm vi điều chỉnh quy định yêu cầu các ngân hàng phân loại, trích lập dự phòng rủi ro đối với tài sản có phát sinh từ các hoạt động: mua, bán nợ; mua bán lại trái phiếu chính phủ trên thị trường chứng khoán, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các ngân hàng; mua hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước. Đồng thời, thông tư mới quy định đối tượng áp dụng là tất cả tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt. Thông tư bỏ quy định chi tiết liên quan đến các TCTD trong thời gian triển khai phương án tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập có khó khăn trong việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
– Thông tư mới cũng sửa đổi các khái niệm về dự phòng cụ thể, dự phòng chung, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, bổ sung khái niệm nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Dự thảo cũng điều chỉnh nguyên tắc tự phân loại với các khoản nợ cấp tín dụng hợp vốn, với nợ đã bán, ủy thác cấp tín dụng, với nợ đã mua… Thông tư quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ, chính sách dự phòng rủi ro trong đó có quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, tài sản bảo đảm.
– Về nguyên tắc, thông tư quy định, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân loại nợ theo 5 nhóm: nợ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn, nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn.
– Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ như sau: nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%.
– Thông tư cũng nêu rõ, mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.
– Việc thực hiện phân loại nợ phải đáp ứng các yêu cầu sau, có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phù hợp với hoạt động kinh doanh, đối tượng khách hàng, tính chất rủi ro của khoản nợ và có thời gian thử nghiệm tối thiểu 1 năm, có chính sách dự phòng theo quy định;…Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong trường hợp sau: Khách hàng là tổ chức bị giải thể, phá sản, cá nhân bị chết, mất tích; các khoản nợ được phân loại vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
– Ngoài ra, sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2021.

• Kỳ vọng lực đẩy từ làn sóng đầu tư công
– Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế – xã hội, đầu tư công được coi là một trong những động lực chính giúp kinh tế tăng trưởng. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giải ngân đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 171.900 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng mới đạt 36,8% kế hoạch năm.
– Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2021 – 2025, nếu giải ngân vốn đầu tư công mỗi năm tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%. Bên cạnh tác động trực tiếp, hiệu ứng lan tỏa còn mạnh mẽ hơn giai đoạn trước khi việc giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư khối ngoài nhà nước (bao gồm khối tư nhân và khối FDI), cao hơn giai đoạn trước là 1,42 đồng.
– Kế hoạch giải ngân đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 công bố hồi đầu năm nay là 2,500 triệu tỷ đồng đã được nâng lên 2,870 triệu tỷ đồng vào ngày 24/5, tăng thêm hơn 40% so với con số thực hiện của giai đoạn 5 năm trước.
– Mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021 – 2025 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tác động lan tỏa nhiều khối ngành, chuyển đổi kinh tế số theo cách mạng công nghệ 4.0, thay vì ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội như giai đoạn 2016 – 2020.
– Từ nửa cuối năm 2021, tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau khi các đầu kéo còn lại là xuất khẩu và bán lẻ đang bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
– Theo chúng tôi, đầu tư công sẽ được đẩy mạnh trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường bất động sản. Việc Chính phủ phát triển cơ sở hạ tầng sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng chính cho bất động sản trong các năm tới. Bên cạnh đó các nhóm ngành về vật liệu xây dựng, thi công công trình và logistics, cảng biển hay chuyển đổi số cũng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công này.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vingroup chốt quyền trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 12,5%
– Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) thông báo 18/8 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ gần 12,5%. Số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 422,8 triệu đơn vị. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng từ 34.448 tỷ đồng lên 38.676 tỷ đồng.
– Năm ngoái, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần đạt 110.490 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.546 tỷ đồng, lần lượt giảm 15% và 41% so với năm 2019. Tính đến 31/12/2020, Vingroup ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 4.360 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dùng gần như toàn bộ lợi nhuận tích lũy để chia cổ tức năm 2020. Tập đoàn đã hai năm không chia cổ tức, lần gần nhất là thực hiện chia cổ phiếu năm 2017 tỷ lệ 21% vào giữa năm 2018.
– Quý II, doanh thu thuần tăng 65% lên 38.451 tỷ đồng do hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều tăng, đặc biệt là bất động sản và công nghiệp với mức tăng tương ứng 62% và 53%. Lợi nhuận sau thuế giảm 37% về gần 566 tỷ đồng.
– Lũy kế 6 tháng, tập đoàn ghi nhận 61.746 tỷ đồng doanh thu, tăng 59% và 1.433 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng thêm 32 tỷ đồng so với cùng kỳ.
– Năm 2021, Vingroup đặt kế hoạch 170.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 54% và giảm 1% so với thực hiện năm trước. Với kết quả kinh doanh bán niên, tập đoàn hoàn thành 36% chỉ tiêu doanh thu và 32% mục tiệu lợi nhuận.

• Ghi nhận doanh thu, Nhà Từ Liêm lãi quý II tăng 21%
– CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (Nhà Từ Liêm – HoSE: NTL) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II với doanh thu thuần tăng 8%, lợi nhuận sau thuế tăng 21%, lần lượt đạt 109,5 tỷ đồng và 51,4 tỷ đồng.
– Nhà Từ Liêm phát triển các dự án tại Hà Nội, Quảng Ninh. Các dự án chính đang triển khai như Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32 (Hà Nội, gần 39 ha), Khu đô thị 23 ha Hạ Long (Quảng Ninh). và một số dự án đang làm thủ tục đầu tư như Khu đô thị mới Dịch Vọng (Hà Nội, 22 ha), Khu đô thị mới Núi Hạm (68 ha, Quảng Ninh).
– Công ty cho biết lợi nhuận quý II tăng do ghi nhận doanh thu một số biệt thự và bàn giao nhà tại dự án Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội. Các loại chi phí bán hàng tại dự án cũng được cắt giảm 75% cùng kỳ.
– Lũy kế 6 tháng, công ty đạt doanh thu thuần 195,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 64,7 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 19% cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, công ty hoàn thành 24% doanh thu và 23% lợi nhuận.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0