Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 06.07.2020 – Ngành ngân hàng bị Covid-19 ‘tấn công’ cả trực tiếp và gián tiếp

Nhận định Thị trường hàng ngày 06/07/2020    1595

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Ngành ngân hàng bị Covid-19 ‘tấn công’ cả trực tiếp và gián tiếp

1. Tin vĩ mô quốc tế

Mỹ kéo dài thời hạn cho doanh nghiệp nhỏ xin vay cứu trợ tài chính

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/7 đã quyết định kéo dài thời hạn cho phép các doanh nghiệp nhỏ nộp đơn xin vay cứu trợ theo Chương trình Đảm bảo Tiền lương (PPP) đến ngày 8/8.

Ước khoảng 130 tỷ USD trong tổng số 659 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ dành cho PPP hiện vẫn chưa được sử dụng đến. Các nhà quan sát lo ngại văn phòng Quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, phụ trách quản lý các khoản cho vay, có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc phân phối tiền một cách công bằng.

Quỹ hưu trí lớn nhất thế giới lỗ 165 tỷ USD trong quý tệ nhất trong lịch sử

Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ (GPIF) của Nhật Bản mất 17.7 ngàn tỷ Yên (164.7 tỷ USD), tương đương 11% trong 3 tháng đầu năm 2020.

Đây là khoản lỗ lớn nhất dựa trên dữ liệu từ tháng 4/2008 và đẩy tổng tài sản của quỹ xuống 150.63 ngàn tỷ Yên. Chứng khoán nước ngoài là khoản đầu tư có thành quả tệ nhất, kế đó cổ phiếu nội địa.

Kết quả u ám trên diễn ra chỉ vài tháng sau khi quỹ “thay máu” ban quản lý hàng đầu và điều chỉnh danh mục sang tập trung nhiều hơn vào trái phiếu nước ngoài. Khoản lỗ này đã thổi bay những khoản lời trong năm tài chính hiện tại của quỹ GPIF và có thể thu hút ánh nhìn từ giới chính trị khi an sinh xã hội vẫn là mối quan tâm lớn đối với hàng chục triệu người nghỉ hưu tại Nhật Bản.

Naoki Fujiwara, Giám đốc quản lý quỹ tại Shinkin Asset Management, cho biết chuyện lỗ hoàn toàn nằm trong dự tính. Thị trường cổ phiếu đã phục hồi kể từ tháng 3/2020, vì vậy quỹ có thể lấy lại những gì đã mất trong giai đoạn tháng 4-6/2020, ông Fujiwara cho biết.

Danh mục hiện tại dễ bị tác động trước sự biến động của cổ phiếu”, ông cho biết. “Chúng ta đang trong môi trường lãi suất thấp và có khả năng kéo dài trong vòng 2 năm tới, vì vậy mọi thứ có lẽ vấn ổn tại thời điểm này. Thế nhưng, trong dài hạn, quỹ nên điều chỉnh tỷ lệ phân bổ đối với cổ phiếu”.

2. Tin vĩ mô trong nước

Tín dụng phải tăng ít nhất 10%, nợ công có thể thêm 2 – 3% năm nay

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%. Tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2 – 3%. Thủ tướng cho rằng phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng.

Thủ tướng nhắc lại việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công khi mà nguồn vốn cần giải ngân trong năm nay là 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, trong đó 60% nằm ở các địa phương. Các địa phương phải kịp thời giải quyết vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Thủ tướng cho biết, Chính phủ thành lập đoàn kiểm tra một số địa phương, đơn vị để xem xét tiến độ, kiên quyết điều chuyển vốn ngay tháng 8, không để tình trạng trì trệ. Việc giải ngân vốn đầu tư công được coi là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ năm nay của các cấp, các ngành, các địa phương.

Ngành ngân hàng bị Covid-19 ‘tấn công’ cả trực tiếp và gián tiếp

Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành mới đây đã có một bài viết về tác động của đại dịch Covid-19 với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng.

Đối với ngành ngân hàng nói riêng, vị lãnh đạo của Vietcombank cho rằng đại dịch Covid-19 đã tấn công cả trực tiếp và gián tiếp.

Các doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn, một số thậm chí tuyên bố phá sản hoặc đóng cửa hoàn toàn. Điều này đã khiến nhu cầu tín dụng giảm và dự kiến ​​sẽ làm tăng các khoản nợ xấu, do đó, tạo ra chi phí tín dụng đáng kể.

Để hỗ trợ khách hàng, các ngân hàng đã miễn hoặc giảm lãi suất, miễn lệ phí, cơ cấu lại khoản vay và các biện pháp khác, mặc dù những điều này cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của ngân hàng.

Các ngân hàng cũng đã phát sinh thêm chi phí trong việc đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của nhân viên và khách hàng của họ, từ việc điều chỉnh giờ làm việc theo lịch trình xen kẽ, đến hỗ trợ thiết lập công việc tại nhà. Điều này đương nhiên sẽ khiến chi phí ngân hàng tăng lên và ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh.

3. Thị trường tài chính và các kênh đầu tư

6 tháng tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 2,8%

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tính đến hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng của ngành chỉ ở mức 2,8%, chỉ bằng phân nữa so với cùng kỳ năm trước. Riêng khu vực TP.HCM tín dụng chỉ tăng trưởng 2,5% thấp hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong khi, những năm trước đây, tín dụng khu vực TP.HCM luôn tăng cao hơn toàn ngành.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay ở mức 14%, nhưng Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN cũng sẽ xem xét để điều chỉnh tăng room tín dụng cho một số ngân hàng nếu cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hiện nay, cầu vốn của khách hàng giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì tín dụng cũng khó tăng cao.

Nhiều ngân hàng lớn giảm lãi suất

Agribank cho biết từ ngày 30/6, lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.

Trước Agirbank, Vietcombank cũng giảm mạnh lãi suất huy động VND, với mức giảm từ 0,4 – 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Cụ thể, kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng giảm từ 4,3% còn 3,7%/năm; lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,5% xuống 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,9% xuống còn 4,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 9 tháng giảm từ 4,9% xuống 4,6%/năm.

Tại các kỳ hạn từ 12 – 36 tháng, lãi suất được điều chỉnh giảm 0,5 điểm phần trăm so với trước đó. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank chỉ còn 6,1%/năm thay vì 6,6%/năm trước đó. Đáng chú ý, với khách hàng tổ chức, mức lãi suất cao nhất giảm hẳn xuống chỉ còn 5,5%/năm trên biểu niêm yết.