Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 06.01.2022 | Chính phủ phấn đấu GDP tăng trưởng 6% – 6.5% trong năm 2022

Nhận định Thị trường hàng ngày 05/01/2022    92646

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/01/2022

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• OPEC+ duy trì sản lượng 400.000 thùng/ngày trong tháng 2 ngay cả khi số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao
– Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các liên minh (OPEC+) quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 2. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn chưa ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
– Ủy ban giám sát chung cấp bộ trưởng OPEC+ (JMMC) cho biết thị trường dầu toàn cầu đang ở trạng thái cân đối, nhưng sẽ rơi vào tình trạng dư cung từ quý I.
– Trước đó, OPEC+ đã từ chối đề xuất tăng nhanh sản lượng của Mỹ để kiềm chế đà tăng của giá nhiên liệu, do lo ngại tình trạng cung vượt cầu có thể ảnh hưởng đến đà phục hồi mong manh của ngành năng lượng.
– 13 thành viên OPEC và 10 nước đồng minh đã cắt giảm mạnh sản lượng trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu dầu giảm mạnh. Năm ngoái, OPEC+ đã quyết định tăng dần sản lượng trở lại khi giá dầu phục hồi, đồng thời tiến hành đánh giá tình hình mỗi tháng.
– Sau đó, trong cuộc họp tháng 12, OPEC+ đã nhất trí tiếp tục kế hoạch tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh giá dầu biến động mạnh, Mỹ mở kho dự trữ dầu và thị trường gia tăng lo ngại về biến thể mới Omicron.
– Tuy nhiên, các chuyên gia của OPEC ngày 3/1 cho biết biến thể Omicron chỉ tác động nhẹ đến nhu cầu và đà tăng của giá dầu được dự đoán sẽ tiếp diễn trong năm 2022. Dù biến thể Omicron vẫn đang lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới, có dấu hiệu cho thấy biến thể này ít nghiêm trọng hơn so với lo sợ ban đầu của thị trường.

2. Thông tin Việt Nam

• Chính phủ phấn đấu GDP tăng trưởng 6% – 6.5% trong năm 2022
– Tại hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 5/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
– Trong đó, Chính phủ xác định triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu GDP tăng trưởng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD.
– Chính phủ cũng đặt mục tiêu triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp tài khóa, tiền tệ thực hiện Chương trình phục hội và phát triển kinh tế xã hội; thúc đẩy tiêu dùng nội địa, với mục tiêu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7-8%; phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 35% GDP; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tố độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
– Theo ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng và quản lý Chương trình Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm 2022 là hoàn toàn khả thi và Việt Nam sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng của thời kỳ trước đại dịch, nhưng với điều kiện Việt Nam và cả thế giới không phải trải qua một cuộc khủng hoảng nào nữa vì đại dịch Covid-19.
– Tuy nhiên, hiện tại dịch bệnh vẫn là mối lo ngại và rủi ro lớn nhất cho nền kinh tế Việt Nam vào 2022, kèm theo rủi ro lạm phát. Trong trường hợp lạm soát không thể kiểm soát ở mức độ hợp lý thì một số chính sách thắt chăt có thể được sử dụng sẽ hạn chế tốc độ tăng trưởng trong năm tới.

• Xuất khẩu cao su Việt Nam dự báo sẽ đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2022
– Năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020 nhờ các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada… tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam.
– Trong giai đoạn 2022-2024, dự báo cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá mạnh do nguồn cung đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.
– Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, các Bộ ngành đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022. Về xu hướng giá của cao su trong năm 2022, nhiều dự báo cho biết quý I/2021 sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.
– Ngoài ra, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) là cơ hội để nông sản Việt, đặc biệt là ngành cao su liên kết sâu rộng vào các thị trường lớn, có giá bán cao. Theo đó, với EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới vì thuế suất đã đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3% – 4,5% trước đây. Băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5%. Đây là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su.
– Mặt khác, tại thị trường EU, ngành công nghiệp – sản xuất – tiêu dùng đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, tạo kỳ vọng tăng trưởng nối tiếp của mặt hàng này trong những năm tiếp theo.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Dệt may TNG – doanh thu quý 4 đạt 1.365 tỷ đồng tăng 43% so với cùng kỳ
– Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 12 và lũy kế cả năm 2021.
– Tính riêng tháng 12, doanh thu tiêu thụ toàn Công ty đạt 468 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm 2021, tổng doanh thu của Công ty đạt 5.445 tỷ đồng, hoàn thành 113% kế hoạch năm và tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, tính riêng quý 4/2021, TNG đạt 1.365 tỷ đồng doanh thu, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.
– Ngày 14/1 tới đây công ty sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2021 bằng tiền. Tỷ lệ chi trả 4%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 400 đồng, tổng số tiền thanh toán khoảng 37 tỷ đồng.
– Theo giới phân tích, TNG đứng trước cơ hội phát triển khi mở rộng công suất sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng đơn hàng trong thời gian tới. Theo đó, năm 2020, TNG đã đầu tư giai đoạn một Nhà máy may TNG Võ Nhai với 18 chuyền may. Năm 2021, công ty sẽ đầu tư tiếp giai đoạn hai: với 18 chuyền may (tương đương 7% công suất hiện tại). Năm 2022, TNG có kế hoạch đầu tư tiếp giai đoạn 2 (20 chuyền may) của nhà máy TNG Đồng Hỷ. Cùng với việc TNG đẩy mạnh các đơn hàng FOB loại 2 với các đối tác lớn như Asmara International, The Children’s Place, Haddad Apparel sẽ tăng biên lợi nhuận cho mảng dệt may của Công ty.
– Bên cạnh đó, về mảng bất động sản, cụm công nhiệp Sơn Cẩm 1 đang triển khai cho thuê trong năm 2021 và dự án TNG Village 1 cũng được dự báo khả năng cao ghi nhận 50% lợi nhuận trong năm nay.

• Vinatex ước tính lợi nhuận ròng 2021 đạt 1.260 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch năm
– Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT) cho biết, lợi nhuận hợp nhất năm 2021 của tập đoàn gấp 2 lần năm 2020 và vượt 70% kế hoạch năm.
– Theo Vinatex, năm 2021, Tập đoàn kiểm soát tốt những tồn tại của các doanh nghiệp còn yếu như Hanosimex, Đông Xuân, Đông Phương, Dệt May Nam Định nên đã đạt được kết quả kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng.
– Trong đó, doanh thu hợp nhất ước đạt 16.436 tỷ đồng, tăng gần 11% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.260 tỷ đồng, tăng vọt 112% so với cùng kỳ
– Với kết quả đó năm 2022, Vinatex lên kế hoạch doanh thu 17.750 tỷ đồng, lợi nhuận 900 tỷ đồng.
– Ngoài ra, theo quyết định thoái vốn của Thủ tướng Chính phủ đối với các doanh nghiệp của SCIC thì Vinatex cũng nằm trong danh sách này. Tuy nhiên, cơ cấu cổ đông thay đổi như thế nào thì cũng không để ảnh hưởng đến tâm lý, kết quả và định hướng phát triển của Viantex trong thời gian tới. Năm 2022 là năm bản lề trong việc thực hiện chiến lược phát triển 5 năm tới của Vinatex.

4. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– Sau phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022 đầy hứng khởi và thiết lập đỉnh lịch sử mới, VN-Index đã điều chỉnh giảm nhẹ trong phiên 05/01/2021. Ở đầu phiên sáng, VN-Index lình xình quanh mốc tham chiếu, trước khi tiến chậm rãi để vượt lên trên mức 1,530 điểm. Bước vào giờ nghỉ trưa, VN-Index có cho mình gần 10 điểm tăng. Tuy vậy, diễn biến ở phiên chiều lại ngược lại hoàn toàn so với phiên sáng, khi mà thị trường liên tục thu hẹp đà tăng trước đó và dần đánh rơi toàn bộ điểm tăng đã tích lũy. Sự đi xuống của nhóm cổ phiếu VN30 là yếu tố chính kéo giảm VN-Index. Kết thúc phiên giao dịch ngày, VN-Index giảm nhẹ 3.08 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, MSN, VHM, VIC và VCB là những mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index. Riêng MSN làm thị trường mất đi gần 3 điểm. Ở chiều ngược lại, GAS, VRE và DIG là những mã có tác động tích cực nhất.
– Về nhóm ngành, nhiều cổ phiếu thủy sản đồng loạt khởi sắc, giúp nhóm này tăng gần 5% khi kết thúc phiên giao dịch ngày 05/01/2021. Sắc tím xuất hiện ở bộ đôi VHC và CMX, những cái tên khác trong ngành cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, MPC tăng 5.19%, ANV tăng 5.13% hay FMC tiến ở mức 3.85%.
– Ngành bất động sản có sự phân hóa nhất định và qua đó chỉ tăng nhẹ 0.46%. Trong khi những ông lớn như VHM hay KBC giảm giá, thì nhiều cổ phiếu bất động sản lại kết phiên trong sắc xanh. Có thể kể đến như cổ phiếu NLG với mức tăng hơn 1%, cổ phiếu AGG tăng mạnh hơn 2%, DXG cũng tăng 1.14%. Ngoài ra, bộ đôi cổ phiếu nóng trong thời gian qua: DIG và CEO tiếp tục duy trì mức tăng kịch trần sang phiên thứ hai liên tiếp.
– Cũng trong phiên ngày 5/1/2021, khối ngoại bán ròng trên sàn HOSE với giá trị gần 224 tỷ đồng, mua ròng trên sàn HNX với giá trị gần 36 tỷ đồng.
– Có thể thấy, sau khởi đầu ấn tượng, VN-Index đã không thể duy trì đà tăng của mình sang phiên kế tiếp dù có lúc tăng gần 10 điểm. Khối lượng giao dịch có sự cải thiện đáng kể trên cả hai sàn HOSE và HNX. Xu hướng tăng trong ngắn hạn đã được VN-Index xác định sau khi vượt đỉnh lịch sử, trong thời gian tới ngưỡng Fibonacci Projection 61.8% (quanh mức 1,530 điểm) sẽ là vùng kháng cự tiếp theo cần phá vỡ.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall