Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 06.01.2021 – Giới đầu tư hướng tới các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á

Nhận định Thị trường hàng ngày 06/01/2021    706

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 06/01/2021

1. Vĩ mô quốc tế

Sản xuất Châu Á tăng tốc khi Trung Quốc bắt đầu quay lại mức trung bình

Hoạt động của nhà máy trên khắp châu Á tiếp tục được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng xuất khẩu của khu vực, trong khi sự phục hồi của Trung Quốc đang bắt đầu ở mức vừa phải. Chỉ số sản xuất PMI của Nhật Bản đã tăng lên mức 50 vào tháng 12, mức cao nhất kể từ tháng 4/2019, theo Ngân hàng Jibun và IHS Markit. Bên cạnh đó, chỉ số PMI của Đài Loan đã tăng lên 59,4, mức cao nhất trong một thập kỷ, trong khi của Hàn Quốc vẫn ở mức 52,9, tháng thứ ba liên tiếp trên mức 50 cho thấy các quốc gia đang trong giai đoạn mở rộng trở lại.

Theo Cục thống kê Trung Quốc cho biết vào tuần trước, chỉ số PMI chính thức của Trung Quốc đã giảm xuống 51,9 trong tháng 12 từ mức cao nhất trong ba năm là 52,1 trong tháng 11, trong khi chỉ số Caixin Media và IHS Markit PMI giảm xuống 53 trong tháng từ 54,9 vào tháng 11, kéo theo sản lượng yếu hơn và đơn đặt hàng mới. Các nền kinh tế Nam Á và Đông Nam Á hầu hết đều cho thấy sự cải thiện nhẹ trong tháng trước, với chỉ số của Ấn Độ tăng lên 56,4 từ mức 56,3 và Indonesia tiếp tục mở rộng ở mức 51,3 từ 50,6. Chỉ số PMI của Thái Lan đã tăng và Việt Nam tiếp tục mở rộng trở lại, trong khi Philippines giảm nhẹ và vẫn nằm trong vùng bị thu hẹp. Chỉ số của Malaysia đã tăng trong tháng 12 nhưng vẫn dưới mức 50.

“Các chỉ số PMI tháng 12 cho thấy lĩnh vực sản xuất của châu Á vẫn tiếp tục mở rộng ngay cả khi đại dịch Covid-19 trở nên tồi tệ hơn. Những tháng tới sẽ vẫn còn nhiều thách thức khi các trường hợp lây nhiễm gia tăng trong khu vực và cung vượt quá nhu cầu”, theo Chang Shu, nhà kinh tế trưởng châu Á của Bloomberg. Dữ liệu về PMI được công bố của các quốc gia cũng phù hợp với Bloomberg Trade Tracker và cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch trong nửa cuối năm 2020, đặc biệt là ở các nền kinh tế châu Á.

Với vai trò hỗ trợ cho thương mại toàn cầu, chỉ số PMI của Hàn Quốc thường được xem là thước đo cho nhu cầu trong tương lai. Theo Usamah Bhatti, một nhà kinh tế tại IHS Markit cho biết các công ty đã báo cáo sự gia tăng hơn nữa cả sản lượng và đơn đặt hàng mới trong giai đoạn khảo sát mới nhất.“Các nhà sản xuất hàng hóa Hàn Quốc vẫn lạc quan về triển vọng hoạt động của họ trong 12 tháng tới, khi đại dịch giảm dần và các sản phẩm mới được tung ra thị trường”, Bhatti viết trong một báo cáo.

Giới đầu tư hướng tới các thị trường chứng khoán mới nổi ở châu Á

Chỉ số MSCI của thị trường mới nổi châu Á tăng 63% kể từ mức thấp hồi tháng 3, vượt hầu hết các thị trường trên thế giới trong năm qua, trong đó có các thị trường Mỹ. Nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý quỹ Matthews Asia, Winnie Chwang, cho rằng khả năng kiểm soát tốt dịch Covid-19 của châu Á đã giúp triển vọng lợi nhuận thêm chắc chắn. Số liệu tăng trưởng của các nước châu Á như Trung Quốc tiếp tục mang đến những cơ hội hấp dẫn.

Bà Chwang là một trong số sáu nhà phân tích và nhà quản lý quỹ cho rằng các nhà đầu tư đang kỳ vọng các thị trường chứng khoán mới nổi châu Á, trừ Philippines, sẽ duy trì động lực trong năm nay. Các thị trường chứng khoán khu vực đang bước vào năm 2021 một cách ấn tượng. Hàng loạt cổ phiếu được niêm yết và sức hấp dẫn trở lại của các cổ phiếu có tính chu kỳ đã giúp giá cổ phiếu ở châu Á tăng mạnh trong năm 2020, khi số lượng nhà đầu tư lẻ tăng rõ rệt.

Theo số liệu của Refinitiv, một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của chứng khoán châu Á là tổng cộng 855 công ty tại khu vực này đã “lên sàn” trong năm 2020, huy động tổng cộng 112 tỷ USD, tăng 69% so với năm 2019. Các công ty Trung Quốc chiếm 82% trong tổng số này. 2021 có thể là một năm cũng “nhộn nhịp” như vậy, khi hơn 360 công ty sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Theo các nhà phân tích, giới đầu tư đang dành những hy vọng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, tiếp đến là Indonesia, Ấn Độ và Thái Lan. Kỳ vong này dựa trên giả định tăng trưởng kinh tế sẽ ổn định dần, tình hình tài chính tốt sẽ cho phép các công ty vay và đầu tư, và sức ép về thuế sẽ giảm.

Goldman Sachs nhận định lợi nhuận của các doanh nghiệp ở châu Á sẽ tăng 16% trong năm tới, trong khi Citigroup và Nomura dự báo mức tăng là trên 20% trong kịch bản lạc quan nhất. Credit Suisse dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp ở châu Á là 19%, vượt mức tăng 15% của phần còn lại của thế giới. Theo người phụ trách các giải pháp cho các tài sản tại châu Á-Thái Bình Dương của công ty quản lý quỹ T Rowe Price, Thomas Poullaouec, các nhà đầu tư nên mua vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ và tranh thủ cơ hội tại các thị trường mới nổi.

Sàn New York bất ngờ hủy kế hoạch xóa niêm yết 3 công ty Trung Quốc

NYSE cho biết quyết định mới này được đưa ra sau khi “tham vấn thêm với các cơ quan quản lý liên quan tới Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài”.Ngay sau tuyên bố của NYSE, cổ phiếu của cả 3 tập đoàn viễn thông Trung Quốc đều quay đầu tăng điểm tại sàn Hong Kong. Cổ phiếu của China Mobile tăng 7,5%, China Telecom và China Unicom lần lượt tăng 8,1% và 11%.

Trước đó, trong thông báo đưa ra ngày ngày 31/12, NYSE tuyên bố sẽ hủy niêm yết 3 tập đoàn viễn thông Trung Quốc là China Mobile Ltd., China Telecom Corp Ltd. và China Unicom Hong Kong Ltd.Theo đó, 3 tập đoàn này sẽ tạm ngừng giao dịch từ ngày 7/1 đến ngày 11/1 trước khi hoàn tất thủ tục hủy niêm yết tại NYSE.Động thái được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 11/2020 đã ký một sắc lệnh cấm các công ty Mỹ đầu tư vào 35 công ty Trung Quốc mà Washington cho rằng thuộc sở hữu hoặc kiểm soát bới quân đội Trung Quốc.

Cụ thể, sắc lệnh mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, ngăn chặn các nhà đầu tư, quỹ lương hưu và những tổ chức khác của Mỹ mua và bán cổ phần của 35 công ty Trung Quốc, vốn bị Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm nay xác định là do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn. Đồng thời, các nhà đầu tư Mỹ sẽ có hạn chót tới tháng 11/2021 để thoái vốn khỏi các khoản đầu tư bao gồm cổ phiếu của các công ty này. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố kiên quyết phản đối và khẳng định nước này sẽ thực hiện “các biện pháp cần thiết” để bảo vệ lợi ích của các công ty nước mình.

Ủy ban Quản lý Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) thì đánh giá rằng việc NYSE hủy niêm yết cổ phiếu của ba công ty viễn thông nước này đã vi phạm các quy tắc, trật tự của thị trường thông thường. CSRC cho biết tổng quy mô chứng chỉ lưu ký tại Mỹ của ba công ty nói trên khá nhỏ, với tổng giá trị thị trường chưa đến 20 tỷ NDT (3,07 tỷ USD), tương đương 2,2% tổng vốn chủ sở hữu của cả ba công ty. Do đó, ngay cả khi bị hủy niêm yết, tác động trực tiếp đến sự phát triển của các công ty cũng như hoạt động trên thị trường khá hạn chế.

2. Vĩ mô Việt Nam

Gỡ vướng nâng hạng thị trường

Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, sẽ góp phần gỡ “nút thắt” về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL). Theo đó, các Luật sửa đổi nói trên đã cho phép tự động áp dụng FOL 100% cho các công ty đại chúng, trừ khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc luật chuyên ngành có các quy định cụ thể thấp hơn. Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán sửa đổi cũng quy định thêm thêm chứng chỉ lưu ký (DR), và các quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn sở hữu đối với NVDR tại các doanh nghiệp đó…

Việt Nam đang phối hợp với đối tác Hàn Quốc để triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2021. Việt Nam cũng dự kiến thành lập Trung tâm thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác bù trừ trung tâm (Central counter Party – CCP). Theo đó, Việt Nam hy vọng sẽ giải quyết được vấn đề “yêu cầu kiểm tra phải có đủ tiền trước khi giao dịch” như tại thời điểm hiện tại, từ đó gỡ được “nút thắt” nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và FTSE. Nếu Việt Nam hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới trong nửa đầu năm 2021, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên TTCK mới nổi của MSCI trong kỳ đánh giá thị trường thường niên vào tháng 5/2021. Sau đó, Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá thị trường thường niên của MSCI vào tháng 5/2022, và việc nâng hạng sẽ chính thức có hiệu lực một năm sau đó vào tháng 6/2023.

Việc TTCK Việt Nam được nâng hạng sẽ kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại Việt Nam. Dòng vốn này sẽ đến từ các quỹ đầu tư thụ động và cả chủ động. Sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp thị trường sôi động hơn nhờ thanh khoản tăng và duy trì đà tăng điểm của các chỉ số. Thanh khoản tăng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện tăng vốn trên sàn chứng khoán.

NHNN thay đổi cơ chế giao dịch ngoại tệ

Sau khi Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, từ ngày 31/12/2020, NHNN ngừng niêm yết tỷ giá giao ngay tại Sở Giao dịch và ngừng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay. Bên cạnh đó, từ ngày 4/1/2021, NHNN sẽ thực hiện mua ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng (thay vì kỳ hạn 3 tháng như trước) có hủy ngang với tỷ giá mua kỳ hạn là 23.125 VND/USD. Mỗi tổ chức tín dụng chỉ được hủy ngang một lần và toàn bộ giá trị giao dịch đối với mỗi bán ngoại tệ cho NHNN theo phương án này.

Theo phân tích từ CTCK KB Securities Việt Nam, việc ngừng niêm yết tỷ giá bid rate (mua vào) tại Sở Giao dịch sẽ gỡ bỏ “chốt chặn” đà giảm của tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối.  Ngưng hoạt động mua ngoại tệ giao ngay cho thấy NHNN không còn sẵn sàng mua USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối như trước kia. Các NHTM cần phải phải chủ động liên hệ trực tiếp với NHNN trong trường hợp trạng thái ngoại tệ dương lớn và nếu có được tiến hành thì hoạt động mua giao ngay USD rất có thể chỉ diễn ra theo từng trường hợp cụ thể.Việc mở rộng kỳ hạn mua USD lên 6 tháng kèm điều kiện không được huỷ ngang 1 lần cho thấy việc bán USD có kỳ hạn cho NHNN đã trở nên khó khăn hơn nhiều trong khi bán USD giao ngay bị hạn chế. Ngoài ra, mốc 6 tháng sẽ hạn chế vi phạm tiêu chí thứ 3 của Đạo luật Thực thi Thương mại Mỹ, khi việc can thiệp một chiều vào thị trường ngoại hối xảy ra ít nhất 6/12 tháng.

Từ đó, NHNN có thể sử dụng sự khó khăn trong bán ngoại tệ của NHTM để làm bằng chứng đàm phán với Bộ Thương mại Mỹ, trên cơ sở đó chứng minh NHNN đã và sẽ không còn tích cực can thiệp vào thị trường ngoại tệ một chiều thông qua việc mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, điều này sẽ hạn chế công cụ bơm VND vào hệ thống và trong trường hợp thanh khoản thiếu hụt tạm thời, nhiều khả năng NHNN sẽ phải nới thời gian đáo hạn trên thị trường OMO (hiện tại là 7 ngày).