Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 05.03.2021 – Động lực gần 3.000 tỷ USD của kinh tế toàn cầu

Nhận định Thị trường hàng ngày 05/03/2021    1084

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 05/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Động lực gần 3.000 tỷ USD của kinh tế toàn cầu

– Theo ước tính của Bloomberg Economics, các hộ gia đình tại Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và những quốc gia lớn nhất trong khu vực đồng euro đã tiết kiệm 2.900 tỷ USD khi buộc phải ở nhà, không được ra ngoài mua sắm vì lệnh phong tỏa trong đại dịch. Họ có thể tiếp tục làm điều này khi nhiều nước vẫn áp dụng giãn cách và các chính phủ vẫn tung kích thích. Nửa số tiền tiết kiệm này – tương đương 1.500 tỷ USD – thuộc về Mỹ. Con số này tương đương GDP của Hàn Quốc.

– Các hộ gia đình Trung Quốc đã rót thêm 2.800 tỷ nhân dân tệ (430 tỷ USD) vào tài khoản ngân hàng so với bình thường. Tại Nhật Bản, mức tăng là 32.600 tỷ yen (300 tỷ USD). Tại Anh, con số này là 117 tỷ bảng (160 tỷ USD). Các nền kinh tế lớn nhất tại eurozone có thêm 387 tỷ euro (465 tỷ USD), dẫn đầu bởi Đức (142 tỷ euro). Khoản tiền trên sẽ là động lực lớn cho các nền kinh tế để phục hồi khi đã kiểm soát được Covid-19 và vaccine được tiêm rộng rãi. Những người lạc quan đặt cược vào làn sóng mua sắm khi mọi người được quay lại các điểm bán lẻ, nhà hàng, trung tâm giải trí, điểm du lịch và sự kiện thể thao. Họ cũng sẽ vung tiền mua sản phẩm giá trị lớn đã phải kiềm chế lâu nay.

– Tại Mỹ, Bloomberg Economics ước tính nếu tiêu hết số tiền tiết kiệm trong năm qua, tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ lên 9% thay vì chỉ 4,6% như dự báo hiện tại. Ngược lại, nếu chúng không được dùng đến, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2%. “Mùa hè năm 2020 hóa ra chỉ là bình minh giả tạo. Tuy nhiên, nó cũng cho chúng ta thấy kinh tế có thể bật lại nhanh đến mức nào khi các biện pháp phong tỏa được gỡ bỏ”, Maeva Cousin – nhà kinh tế học cấp cao tại Bloomberg Economics nhận định, “Điều tương tự liệu có thể xảy ra năm 2021 không? Lượng tiền mặt dự trữ khổng lồ hiện tại là lý do chúng tôi tự tin nhu cầu sẽ bật tăng mạnh”.

Nỗ lực mới của EU nhằm sớm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch

– Các đại sứ Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/3 chính thức thông qua quỹ trị giá hàng tỷ euro của khối nhằm giúp các quốc gia từ bỏ nhiên liệu hóa thạch bằng cách bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương khỏi những tác động kinh tế của việc chuyển đổi các lĩnh vực gây ô nhiễm.

– Trong khuôn khổ kế hoạch loại bỏ khí phát thải nhà kính ròng vào năm 2050, EU dành một phần ngân sách và quỹ phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 để hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các kế hoạch nhắm vào các ngành công nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

– Các đại sứ của EU đã “bật đèn xanh” đối với một văn bản pháp lý cho phép thành lập Quỹ chuyển tiếp công bằng (JTF) của EU trị giá 17,5 tỷ euro (hơn 21 tỷ USD), một nguồn tài chính để giúp các nước thu hẹp ngành than, than bùn và đá phiến dầu nhằm thay thế bằng các ngành và lĩnh vực phát thải ít carbon hơn.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

Việt Nam tăng 15 bậc trong bảng xếp hạng tự do kinh tế

– Điểm tự do kinh tế của Việt Nam là 61,7 đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 90 trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Kinh tế 2021. Kết quả tổng thể của Việt Nam đã tăng 2,9 điểm do tình hình tài khóa được cải thiện. Việt Nam xếp hạng 17 trong số 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và điểm tổng thể của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của khu vực và thế giới.

– Năm nay, nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên bước vào nhóm khá tự do. Xếp hạng của Việt Nam có thể tăng hơn nữa nếu Chính phủ có hành động tự do hóa các quy tắc trong đầu tư và lĩnh vực tài chính. Việc bảo vệ quyền sở hữu ở Việt Nam vẫn đang phát triển và việc thực thi chưa đồng đều. Đáng mức là sự minh bạch của Chính phủ đã tăng. Điểm số về gánh nặng thuế, chi tiêu chính phủ và sức khỏe tài chính đều được cải thiện Điểm số về quyền tự do kinh doanh có giảm nhẹ so với các nước khác. Tuy nhiên, Bộ luật lao động 2019 của Việt Nam đã bổ sung tính linh hoạt cho hợp đồng lao động.

Nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu là bước lùi của thị trường chứng khoán Việt Nam?

– Khi có thông tin Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) dự kiến tăng lô giao dịch lên 1.000, cộng đồng các nhà đầu tư cá nhân đã có nhiều phản ứng vì nếu làm vậy, họ sẽ bị thiệt hơn là được, và đó còn là một bước lùi của thị trường chứng khoán Việt Nam. nLý do chính để HOSE nâng lô cổ phiếu giao dịch, từ 10 lên 100 và bây giờ dự kiến là 1.000 là do hệ thống hiện hành bị quá tải, hệ thống mới KRX chưa được triển khai. Nhưng có phải quá tải từ lệnh mua, bán của các nhà đầu tư nhỏ lẻ?

– Hệ thống giao dịch của HOSE được thiết kế có công suất tối đa là 900.000 lệnh/phiên. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm bao nhiêu trong số này? Theo thống kê từ các nhà môi giới bán lẻ ở Mỹ, số lượng giao dịch trung bình trong 1 năm của nhà đầu tư cá nhân Mỹ phổ biến ở mức 15 đến 18 lệnh trong 1 năm. Với 2,73 triệu tài khoản cá nhân hiện nay và giả sử 100% các tài khoản này vẫn còn hoạt động, tần suất giao dịch như người Mỹ, cho là 20 lệnh/năm thì trung bình mỗi ngày, số lệnh đến từ nhà đầu tư cá nhân sẽ rơi vào khoảng 215.000 lệnh (2,73triệu x 20/252). Như vậy so với công suất tối đa của HOSE thì số lượng lệnh này chiếm khoảng 23,88%. Phần lớn còn lại đương nhiên đến từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay đều dùng hệ thống giao dịch tự động qua các thuật toán, với tần suất cao tính bằng giây hoặc nhỏ hơn, thực hiện bởi các chương trình tự động. Và đây có lẽ là điều mà HOSE cần lưu ý.

3. Các kênh đầu tư

Rút cuộc lạm phát có xu thế tăng hay không, và tăng vậy là cao hay thấp? Đây là vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước khác nữa…

Là bởi, ở Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2021 tăng 1,52% so với tháng trước – mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 2 so với tháng 1 trong tám năm gần đây. So với tháng 12-2020, chỉ số này cũng tăng 1,58%, làm người ta lo ngại cho mục tiêu lạm phát 4% cả năm. Thế nhưng, nếu so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2 chỉ tăng 0,7% – thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Có lạm phát hay không?

Đây là câu hỏi tưởng như đơn giản, quá rõ ràng mà lại khó trả lời. Chẳng hạn như lạm phát ở Việt Nam hiện nay là cao hay thấp thì tùy vào so sánh mức lạm phát tháng 2 với tháng 1-2021, hay so sánh mức tăng giá tháng 2-2021 với tháng 2-2020. Mặt khác, còn có những yếu tố chỉ diễn ra một lần mà tác động đến giá cả nữa. Vậy cho nên cần phải tiếp tục quan sát xu thế chứ không thể lấy lạm phát một tháng mà kết luận ngay xu thế.

Mà nếu lạm phát cao hơn thì có tăng lãi suất không?

Ngay cả trong trường hợp người ta đồng ý rằng lạm phát sẽ cao hơn dự đoán, phản ứng chính sách của các nước cũng khác nhau. Trong khi Trung Quốc đang rút lại thanh khoản trên thị trường tiền tệ từ giữa tháng 1, ở Mỹ thì Fed vẫn đang cam kết tiếp tục hỗ trợ thị trường.
Ở nơi khác, Ngân hàng Trung ương Nhật và Úc đã có các hoạt động can thiệp thông qua các đợt mua trái phiếu ngoài dự kiến để kềm chế không để lợi suất trái phiếu tăng mạnh, sau khi nhà đầu tư các nước này đã bán trái phiếu ra, đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh do lo ngại lạm phát sẽ tăng.

Rõ ràng ngân hàng trung ương mỗi nước đang lựa chọn những hành động khác nhau dựa trên mức độ chấp nhận một mức lạm phát cao hơn của mình. Chẳng hạn Fed đã “rào trước” khả năng lạm phát cao hơn dự đoán bằng cách tuyên bố rằng chính sách tiền tệ sẽ phản ứng theo diễn biến của thị trường việc làm và chấp nhận lạm phát có thể vượt qua mục tiêu 2% một chút, miễn là lạm phát trung bình một thời kỳ vẫn ở mức 2%.

Điều này là Fed sử dụng tỷ lệ lạm phát thấp của các năm trước để tạo ra một vùng đệm cho khả năng lạm phát năm 2021 tăng vượt 2% mà họ không cần tăng lãi suất, ít nhất là cho đến cuối năm.

Tình huống của hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc thật ra là khác nhau nên động thái chính sách của nhà điều hành hai nước khác nhau cũng dễ hiểu. Số liệu thống kê cho thấy người Trung Quốc đã chi tiêu tổng cộng 821 tỉ nhân dân tệ (127 tỉ đô la Mỹ) để mua sắm và ăn uống trong dịp Tết Âm lịch, tăng 29% so với một năm trước (thời điểm dịch bệnh) và cao hơn 4,9% so với cùng thời điểm năm 2019.

Ding Shuang, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đại Trung Hoa của ngân hàng Standard Chartered nhận định rằng khóa van nước tiền tệ (monetary policy tapering) là xu thế. Khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và các chỉ số kinh tế đang đi đúng hướng thì ngân hàng trung ương sẽ quyết tâm “khóa van” hơn.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.