Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 04.05.2021 – Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đấu năm đạt mức cao nhất giai đoạn 2017 – 2021 giai đoạn

Nhận định Thị trường hàng ngày 04/05/2021    1072

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/05/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Kinh tế Mỹ phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng Covid-19

– Với lực đẩy từ chi tiêu tiêu dùng và gói hỗ trợ của chính phủ, kinh tế Mỹ đang phục hồi nhanh chóng sau khi cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 khiến hàng chục triệu người Mỹ mất việc làm.

– Ngày 29/4, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo cho biết kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% trong quý I, mức tăng cao nhất trong quý đầu tiên của năm kể từ năm 1984. Số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước cũng ở mức thấp nhất kể từ khi đại dịch xảy ra.

– Theo một thống kê tích cực khác, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ cho biết ngày càng có nhiều người Mỹ ký hợp đồng mua nhà trong tháng 3. Điều này cho thấy thị trường nhà đất tăng trưởng mạnh hơn khi mùa Hè đến gần.

– Các nhà kinh tế nhận định việc mở rộng chương trình tiêm chủng, đà giảm các ca mắc Covid-19, hoạt động mở cửa trở lại của nhiều doanh nghiệp, gói viện trợ liên bang và tốc độ tạo việc làm sẽ giúp duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế. Dự kiến trong năm 2021, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 7%, mức cao nhất kể từ năm 1984.

– Trong những tháng gần đây, người tiêu dùng Mỹ đã thúc đẩy hoạt động chi tiêu, với chi tiêu cho hàng hóa tăng gần 24% trong quý trước còn chi tiêu cho dịch vụ tăng dưới 5%. Dự kiến, sự chênh lệch này có thể sẽ thay đổi khi nhiều nhà hàng và địa điểm giải trí mở cửa trở lại và người dân muốn chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ giải trí.

– Tốc độ phục hồi của kinh tế Mỹ đã gây ấn tượng sau khi đại dịch Covid-19 khiến tất cả doanh nghiệp đóng cửa và kinh tế Mỹ thu hẹp kỷ lục 31% trong quý II/2020. Trong tháng 3, các nhà tuyển dụng đã tạo thêm 916.000 việc làm – đợt tuyển dụng lớn nhất kể từ tháng Tám. Trong khi đó, chi tiêu bán lẻ tăng mạnh, sản xuất gia tăng và niềm tin của người tiêu dùng đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Gregory Daco, nhà kinh tế tại Oxford Economics, nhận định tất cả động lực của nền kinh tế đều tăng trưởng.

• Eurozone rơi vào đợt suy thoái thứ hai trong chưa đầy một năm

– Đây là đợt suy thoái thứ hai ở eurozone trong vòng chưa đầy một năm. Triển khai tiêm chủng ngừa Covid-19 chậm so với kế hoạch và các biện pháp cách ly chống dịch được cho là nguyên nhân ngăn chặn đà phục hồi của khu vực gồm 19 nước thành viên này.

– Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong quý I năm nay, sản lượng kinh tế của eurozone giảm 0,6%. Tỷ lệ thất nghiệp tuy giảm từ 8,2% trong tháng 2 xuống 8,1% trong tháng 3, nhưng vẫn cao hơn mức 7,1% của tháng Ba năm ngoái.

– Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát gần chạm ngưỡng mục tiêu. Trong số các nước trong khu vực, nền kinh tế lớn nhất eurozone là Đức suy giảm tới 1,7% trong quý đầu tiên của năm 2021, phần lớn do tác động của các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

– Tuy nhiên, nhiều nước thành viên eurozone vẫn tin rằng cuộc suy thoái kép hiện nay sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhất là khi các cuộc khảo sát gần đây cho thấy khu vực sản xuất đang phát triển mạnh trở lại.

– Bên cạnh đó, với việc các nước châu Âu khởi động lại chiến dịch tiêm chủng, nhu cầu chi tiêu dự kiến sẽ bùng nổ sau thời gian dài bị “dồn nén” do các biện pháp phong tỏa vì đại dịch và kế hoạch phục hồi kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) dần đi vào quỹ đạo sẽ tạo động lực để eurozone dần phục hồi trở lại, qua đó tạo lực đẩy cần thiết cho các quốc gia Nam Âu vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch như Italy hoặc Tây Ban Nha..

2. Thông tin Việt Nam

• CPI bình quân 4 tháng tăng 0,89%, thấp nhất kể từ 2016

– Theo báo cáo kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay (29/4), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 0,04% so với tháng trước do giá lương thực, thực phẩm và điện nước sinh hoạt đều giảm. Tuy nhiên, nếu so với tháng 12/2020 và cùng kỳ năm ngoái, CPI tăng lần lượt tăng 1,27% và 2,7%. CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016.

• Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt mức cao nhất giai đoạn 2017-2021

– Số liệu từ Tổng cục Thống kê nêu rõ, tháng 4/2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 30,4 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 6,6% so với kế hoạch năm 2021.

– Theo đó, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 98,7 nghìn tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2020 bằng 16,6% và tăng 14,5%). Trong đó, vốn Trung ương quản lý đạt 15,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% kế hoạch năm và tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020; vốn địa phương quản lý đạt 83,6 nghìn tỷ đồng, bằng 21,9% kế hoạch năm và tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

– Tổng cục Thống kê nhấn mạnh: “Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 4/2021 và 4 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2017 – 2021”.

• Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 24,1%

– Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2021 ước tính tăng 1,1% so với tháng 3, đồng thời tăng 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 3,8% và tăng 1,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 0,5% và tăng 29,1%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,6% và tăng 16,4%.

– Tính chung 4 tháng đầu năm nay, IIP ước tính tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,6%. Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 4 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, như sản xuất kim loại tăng gần 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 32,9%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 17,6%; sản xuất mô tô, xe máy tăng gần 17%.

• 5,5 tỷ USD vốn FDI được giải ngân trong 4 tháng, tăng gần 7%

– Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 vừa được công bố của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12,25 tỷ USD tính đến ngày 20/4. Vốn FDI thực hiện ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2020.

– Singapore vươn lên dẫn đầu dòng vốn FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 4,8 tỷ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư.

– Long An tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với tổng vốn đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm 26,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cần Thơ xếp thứ hai với tổng vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD. TP HCM ở vị trí thứ 3 với hơn 1,1 tỷ USD tổng vốn đăng ký.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• VPB: Dùng tiền bán vốn FE Credit mở rộng mảng kinh doanh mới, đầu tư vào đơn vị khác

– Chiều 29/4, VPBank họp cổ đông thường niên 2021, thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước. Tăng trưởng cho vay hợp nhất đạt 14% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp toàn NH tăng 17 điểm cơ bản. Mức tăng trưởng mạnh mẽ này được thúc đẩy bởi KQKD của ngân hàng mẹ, với tăng trưởng cho vay đạt 17% và chi phí vốn giảm 1,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, FE Credit ghi nhận mức giảm thu nhập lãi 4% so với cùng kỳ xuống còn 4.446 tỷ do biên lợi nhuận gộp của công ty giảm 1,5%.

– Ông Vinh cũng cho biết tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) năm 2020 tăng từ 13% lên 15%. Hết quý I, con số này là 17% và đặt mục tiêu đạt 18-20% trong năm nay. Bước đi này nhằm tận dụng nguồn vốn giá rẻ, tối ưu chi phí.

– VPBank công bố sẽ bán 49% vốn FE Credit cho Sumitomo Mitsui với mức định giá 2,8 tỷ USD. Ước tính, tập đoàn Nhật Bản sẽ cần chi gần 1,4 tỷ USD cho thương vụ này. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của một ngân hàng Nhật Bản vào một tổ chức tài chính Việt Nam.

– Theo ông Vinh, FE Credit sau khi bán một phần vốn vẫn là công ty con của VPBank. Ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ để phát triển mạnh FE Credit nhằm đem lại giá trị lớn hơn. Từ năm 2021, lợi nhuận từ FE Credit đóng góp vào hợp nhất có thể giảm hoặc giữ nguyên, nhưng về dài hạn vẫn tiếp tục tăng. Ban lãnh đạo xác định FE Credit là mảng kinh doanh quan trọng.

– Sau khi bán 49% vốn FE Credit, ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu lên 90.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng có thể nâng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 3, vốn điều lệ là gần 25.300 tỷ đồng.

• Gemadept (GMD): Quý 1 lãi 172 tỷ đồng tăng 40% so với cùng kỳ

– CTCP Gemadept (GMD) công bố KQKD quý 1/2021, trong đó doanh thu thuần đạt 687 tỷ đồng tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, giá vốn hàng bán cũng tăng nên lợi nhuận gộp đạt gần 259 tỷ đồng tăng 9% so với quý 1/2020.

– Trong quý 1/2021, tăng trưởng lợi nhuận của GMD chủ yếu nhờ vào mảng vận hành cảng, đạt mức tăng trưởng doanh thu 16% so với cùng kỳ từ mức cơ sở tương đối thấp trong quý 1/2020. Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của GMD được hỗ trợ bởi biên lợi nhuận ròng tăng 2,5 điểm %. Tăng trưởng mảng vận hành cảng của GMD chủ yếu được đóng góp từ các cảng biển của công ty tại cụm cảng Hải Phòng ở miền Bắc.

– Chúng tôi cho rằng thu nhập ròng từ các công ty liên kết của GMD giảm do cảng biển nước sâu Gemalink đi vào hoạt động thương mại vào đầu năm 2021. Theo đó lợi nhuận của Gemalink sẽ cải thiện mạnh trong các quý còn lại của năm 2021 khi gia tăng hiệu suất hoạt động.

• Lợi nhuận Vingroup tăng 72% quý đầu năm

– Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Tổng doanh thu thuần đạt 23.294 tỷ đồng – tăng 52% so với cùng kỳ năm trước nhờ tiếp tục bàn giao và ghi nhận doanh thu tại ba Đại đô thị Vinhomes Ocean Park, Smart City và Grand Park, cùng doanh thu hoạt động sản xuất tăng mạnh nhờ doanh số bán xe và điện thoại tiếp tục tăng trưởng tốt. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 868 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước.

– Trong đó, doanh thu bán bất động sản quý đầu năm đạt 10.656 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước nhờ tăng trưởng về bàn giao tại ba Đại dự án Vinhomes.Doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan trong quý I đạt 1.885 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

– Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí đạt 933 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước do quý này ngành du lịch, khách sạn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc giãn cách cộng đồng và hạn chế nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế.

– Doanh thu từ hoạt động sản xuất trong kỳ đạt 4.814 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước nhờ các sản phẩm ô tô, xe máy điện VinFast và điện thoại thông minh VSmart được thị trường đón nhận tốt.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ