Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 04.03.2021 – 7 điểm sáng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 04/03/2021    974

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 04/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với nhôm tấm hợp kim từ nhiều nước

– Bộ Thương mại Mỹ ngày 2/3 ban hành các mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với nhôm tấm hợp kim thông thường từ 16 trong số 18 quốc gia và vùng lãnh thổ bị điều tra. Trong số các nước trên, nhôm nhập khẩu từ Đức sẽ bị áp thuế 242,8%, trong khi mức thuế sẽ là 83% đối với hàng nhập khẩu từ Bahrain. Tương tự, Hàn Quốc sẽ chịu mức thuế 5,04% và Hy Lạp sẽ bị áp 2,72% đối với nhôm nhập khẩu.

Kinh tế Mỹ trước khả năng tăng trưởng quá nóng?

– Nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2020, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) có thể vượt xa cả những dự báo lạc quan nhất, thậm chí trước khi gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD được tung ra – hãng tin CNBC cho hay.

– Số liệu do Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) công bố vào đầu tuần cho thấy ngành sản xuất của nước này đạt mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 8/2018. Báo cáo giúp khẳng định đánh giá của giới chuyên gia rằng nền kinh tế Mỹ khởi động năm 2021 trong trạng thái tốt hơn rất nhiều so với dự báo tăng trưởng một con số ở ngưỡng thấp đưa ra hồi cuối năm ngoái.Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Atlanta mới đây dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 10% trong 3 tháng đầu năm.

– Một báo cáo hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy thu nhập cá nhân của người Mỹ tăng 10% trong tháng 1, chủ yếu nhờ vào khoản hỗ trợ tiền mặt trực tiếp 600 USD mỗi người từ gói kích cầu 900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ tăng thêm gần 2 nghìn tỷ USD trong tháng, trong khi chi tiêu chỉ tăng 340,9 tỷ USD, tương đương tăng 2,4%.
Những con số trên, cộng thêm với lượng tiền tiết kiệm của người Mỹ tăng thêm gần 4 nghìn tỷ USD, cho thấy không chỉ một nền kinh tế đang phục hồi mạnh, mà xu hướng này sẽ còn tiếp diễn trong cả năm.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

Bảy điểm sáng của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm

Điểm sáng đầu tiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đó là kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Tháng 2/2021, do là tháng Tết, số ngày làm việc ít hơn, lại cộng thêm với những ảnh hưởng của Covid-19, nên sản xuất công nghiệp đã giảm tới 7,2% so với cùng kỳ. Nhưng nếu tính chung, thì chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 6,2% của 2 tháng đầu năm ngoái.
“Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm tăng 5,49%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52% (cùng kỳ tăng 5,4% – PV); không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý đối với hàng hóa phục vụ Tết, nhất là sản phẩm nông, lâm, thủy sản”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Không chỉ vậy, điểm sáng của nền kinh tế còn được thể hiện ở việc thị trường tiền tệ, tín dụng trước, trong và sau Tết Nguyên đán tương đối ổn định. Tương tự, mặc dù tháng 2/2021 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, song tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy một số chuyển biến tích cực.

Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt trên 8.000 doanh nghiệp, cao hơn so với mức trung bình khoảng 7.300 doanh nghiệp trong các tháng Tết giai đoạn 2016-2020. Tháng 2 cũng ghi nhận hơn 4.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi chỉ có gần 7.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 19,8% so với cùng kỳ.
“Điều này phản ánh niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phục hồi của nền kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các điểm sáng khác được Bộ trưởng chỉ ra, đó là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 1,29 tỷ USD.

Trên thực tế, xuất nhập khẩu – bất chấp Covid-19 – vẫn luôn là điểm sáng của nền kinh tế. Những kết quả mà Việt Nam đạt được trong thương mại hàng hóa thậm chí luôn được các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế đánh giá cao, gọi là cú “lội ngược dòng” so với thế giới.

Hai tháng đầu năm nay, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu còn lớn hơn thế: ước đạt 95,8 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu tăng tới 23,2% – một kết quả tích cực trong “thời Covid-19”.
Ngoài các điểm sáng này, trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đã nhấn mạnh việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được thúc đẩy, với con số ước giải ngân tính đến hết tháng 2 là 23.480 tỷ đồng, đạt 5,09% kế hoạch Thủ tướng giao.

Một điểm sáng khác, đó là đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số tiếp tục có chuyển biến tích cực. Đây được coi là một động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Trong khi đó, điều quan trọng là, cân đối ngân sách Trung ương và địa phương được đảm bảo. Số liệu cho thấy, thu ngân sách nhà nước 2 tháng qua đạt 21,3% dự toán, tăng 0,6%, trong khi tổng chi đạt 12,3% dự toán, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2020. Chi ngân sách nhà nước, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư , đã đáp ứng được các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách đón Tết cổ truyền.

3. Các kênh đầu tư

Giảm nghẽn lệnh: Không chuyển cổ phiếu trong VN30, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp tự nguyện dời giao dịch sang HNX

– Được sự chấp thuận của lãnh đạo Bộ Tài chính về việc tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) sang Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) để giảm tải cho hệ thống giao dịch của HoSE, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có thông báo và hướng dẫn HoSE, HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thực hiện.

– Theo đó, doanh nghiệp có nguyện vọng chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX phải có văn bản yêu cầu, kèm theo Nghị quyết của HĐQT hoặc của ĐHĐCĐ gửi cho HNX và HoSE.
HNX khẩn trương tiếp nhận xử lý cho doanh nghiệp giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE, mà không xem xét lại hồ sơ theo quy trình niêm yết mới. Các cơ chế giao dịch, giám sát giao dịch, quản lý niêm yết, chế độ báo cáo và công bố thông tin… áp dụng chung như với doanh nghiệp niêm yết trên HNX. HoSE, HNX phối hợp trong công tác giám sát giao dịch đối với các cổ phiếu này để đảm bảo tính liên tục trong công tác giám sát.

– Cũng theo văn bản hướng dẫn của Ủy ban, cổ phiếu của các công ty chuyển giao dịch hiện nằm trong bộ chỉ số VN-Index của HoSE sẽ được đưa ra khỏi bộ chỉ số trong thời gian tạm thời chuyển giao dịch sang HNX. Tạm thời chưa xem xét chuyển giao dịch đối với các cổ phiếu của các công ty hiện nằm trong bộ chỉ số VN30.

– UBCKNN cũng yêu cầu HNX, HoSE và VSD khẩn trương xử lý để doanh nghiệp có thể chuyển giao dịch tương tự như các trường hợp chuyển niêm yết đã thực hiện từ trước đến nay; thực hiện thông tin truyền thông rộng rãi đến doanh nghiệp, công chúng đầu tư.

– UBCKNN nêu rõ, cơ chế này được áp dụng từ ngày 3/3/2021 và sẽ có văn bản về việc chấm dứt khi chuẩn bị xong giải pháp công nghệ giải quyết hiện tượng nghẽn lệnh tại hệ thống giao dịch của HoSE.

4. Câu chuyện đầu tư

4 BƯỚC ĐỂ XÂY DỰNG DANH MỤC ĐẦU TƯ SINH LỜI

Trong thị trường tài chính hiện nay, một danh mục đầu tư được duy trì tốt là rất quan trọng cho sự thành công của bất kỳ nhà đầu tư nào. Trong vai trò là một nhà đầu tư cá nhân, bạn cần phải biết cách phân bổ tài sản một cách tốt nhất để phù hợp với mục tiêu đầu tư và chiến lược của mình.

Nói cách khác, danh mục đầu tư của bạn cần đáp ứng nhu cầu vốn trong tương lai và phải giúp bạn cảm thấy an toàn. Nhà đầu tư có thể xây dựng danh mục đầu tư phù hợp với mục tiêu và chiến lược bằng cách đi theo cách tiếp cận có hệ thống và cách tiếp cận đó gồm những bước cơ bản sau đây:

BƯỚC 1: XÁC ĐỊNH CÁCH PHÂN BỔ TÀI SẢN THÍCH HỢP CHO BẠN

Nhiệm vụ đầu tiên để thiết lập danh mục đầu tư, bạn cần phải xác định tình hình tài chính cá nhân và mục tiêu đầu tư của mình. Yếu tố quan trọng cần xem xét là thời hạn, như là bạn cần bao nhiêu thời gian để phát triển việc đầu tư, cũng như số vốn đầu tư bạn cần trong hiện tại và tương lai.

Yếu tố thứ hai cần tính đến là tính cách và mức độ chấp nhận rủi ro của bạn.

Sau khi xác định rõ tình hình hiện tại , nhu cầu vốn cho tương lai, mức độ chấp nhận rủi ro của bản thân, bạn cần phải phân bổ khoản đầu tư cho từng loại tài sản

Nhà đầu tư an toàn và Nhà đầu tư mạo hiểm

Nói chung, mức độ chấp nhận rủi ro của bạn càng lớn thì danh mục đầu tư của bạn càng chứa nhiều cổ phiếu, ít trái phiếu và các loại chứng khoán thu nhập cố định. Ngược lại, nếu bạn chỉ chấp nhận một phần rủi ro vừa phải, thì bạn sẽ cần một danh mục đầu tư thật thận trọng

Mục tiêu chính của danh mục đầu tư an toàn là để bảo toàn giá trị tài sản.

BƯỚC 2: BƯỚC THIẾT KẾ DANH MỤC ĐẦU TƯ

Một khi bạn đã xác định việc phân bổ tài sản, bạn chỉ cần phân chia vốn của bạn giữa các loại tài sản thích hợp. Ở mức độ cơ bản, cổ phiếu là cổ phiếu và trái phiếu là trái phiếu.

Nhưng bạn có thể tiếp tục phân loại các loại tài sản khác nhau theo hướng tài sản phòng vệ (gồm có tài sản đảm bảo thanh toán ngắn hạn, bảo hiểm), tài sản tích sản hưu trí, tài sản đầu tư để có dòng thu nhập thụ động và đầu tư chủ động để tận dụng cơ hội. Các bạn có thể tham khảo sản phẩm DGO tích sản thông qua các danh mục chuẩn Dportfolios hướng đến đầu tư dài hạn giúp bạn an tâm trên hành trình tự do tài chính

BƯỚC 3: TÁI ĐÁNH GIÁ TỶ TRỌNG DANH MỤC ĐẦU TƯ

Một khi bạn có một danh mục đầu tư hoàn chỉnh, bạn cần phải phân tích và tái cân bằng định kỳ vì biến động thị trường có thể thay đổi chất lượng doanh mục của bạn. Để đánh giá chính xác sự phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư, hãy phân hạng các khoản đầu tư bằng cách định lượng và xác định phần trăm giá trị trên tổng thể.

Hãy điều chỉnh danh mục đầu tư cho phù hợp từ việc xem xét các yếu tố có thể thay đổi theo thời gian như tình hình tài chính hiện tại, nhu cầu trong tương lai và mức độ chấp nhận rủi ro của bạn.

BƯỚC 4: TÁI CÂN BẰNG CHIẾN LƯỢC

Hãy ghi nhớ tầm quan trọng của sự đa dạng hóa.

Xuyên suốt toàn bộ quá trình xây dựng danh mục đầu tư, điều quan trọng nhất là bạn phải đặt tính đa dạng hóa lên hàng đầu. Nó không đơn giản là bạn nắm giữ mỗi loại tài sản một ít, bạn cũng phải đa dạng hóa chúng theo từng nhóm hạng, đảm bảo rằng đầu tư được phân tán đồng đều vào

Như chúng tôi đã đề cập, các bạn có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư và phân chia theo 3 loại tài sản: tài sản phòng vệ (gồm có tài sản đảm bảo thanh toán ngắn hạn, bảo hiểm), tài sản tích sản hưu trí, tài sản đầu tư để có dòng thu nhập thụ động và đầu tư chủ động để đảm bảo danh mục của bạn tránh được rủi ro

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.