Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 03.12.2021 | Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu sắt thép

Nhận định Thị trường hàng ngày 03/12/2021    83846

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 03/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do biến thể Omicron
– Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, OECD đã bày tỏ quan ngại rằng biến thể Omicron đang tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa đối với đà phục hồi của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, OECD dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 5,6%, thấp hơn so với mức dự báo 5,7% được đưa ra trước đó.
– Theo tổ chức này, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. OECD cảnh báo rằng vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn.
– Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, nhưng OECD vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng cho năm sau là 4,5%. Báo cáo không bao gồm đánh giá tác động của biến thể Omicron.
– Trong khi đó, các nhà phân tích của Oxford Economics cho rằng, biến thể mới có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất 0,25 điểm % vào năm tới. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh nguy hiểm hơn khiến phần lớn các nước tái áp đặt lệnh phong tỏa, thì mức giảm sẽ lên tới là 2 điểm %. Về các mối quan ngại khác đối với kinh tế toàn cầu, OECD dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khi bước sang năm mới, trước khi giảm dần tại 38 nước thành viên của tổ chức này.
– Thời gian qua, lạm phát tăng vọt đã khiến thị trường chao đảo, do các nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất sớm hơn để ngăn giá cả leo thang. Trước tình hình này, OECD đã hối thúc các nhà hoạch định chính sách thông báo rõ ràng về việc họ sẽ chấp nhận để lạm phát vượt mục tiêu đề ra ở mức bao nhiêu. Liên quan tình trạng thiếu hụt nguồn cung, OECD nhận định xu hướng này sẽ cải thiện trong giai đoạn 2022-2023 khi nhu cầu ổn định trở lại, năng lực sản xuất và số người đi làm tăng trở lại.
– Theo tổ chức này, trong khi một số khu vực của kinh tế toàn cầu đang nhanh chóng phục hồi, thì những nước khác có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những quốc gia thu nhập thấp với tỷ lệ tiêm phòng thấp. Xét theo khu vực, OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm nay, trong khi tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 5,2%. Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ tăng trưởng ở mức 8,1% trong năm nay và 5,1% trong năm 2022.

2. Thông tin Việt Nam

• Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu sắt thép
– Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 11/2021 (từ ngày 01/11 đến ngày 15/11/2021) đạt 29,59 tỷ USD, tăng 3% (tương ứng tăng 867 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 10/2021.
– Đáng chú ý nhất trong các nhóm hàng là sắt thép các loại đạt 10,27 tỷ USD, tăng 5,88 tỷ USD, tương ứng tăng mạnh 134% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy lần đầu tiên xuất khẩu sắt thép của Việt Nam đã vượt 10 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu sắt thép các loại tính đến 15/11/2021 đạt 10,03 tỷ USD, tăng 3,04 tỷ USD, tương ứng tăng 43,5% so với cùng kỳ năm 2020.
– Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), chính sách môi trường, điều chỉnh hoàn thuế xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc và biến động giá quặng, than Coke và phế vừa qua đã ảnh hưởng đến thị trường thép Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Xuất khẩu thép xây dựng 10 tháng 2021 tăng gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020.
– Theo như dự báo của VSA cuối quý III, tình hình bán hàng thép xây dựng Quý IV dự kiến sẽ có triển vọng hơn. Xét thị trường tiêu thụ thép dài tại Việt Nam thì nhu cầu thực sự lớn cho công trình dân dụng và hạ tầng cơ sở, đặc biệt đầu tư công rất lớn. Vừa khi Nhà Nước kiểm soát tốt dịch Covid 19 và cho phép mở giãn cách các vùng miền, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, ngành hàng tái hoạt động bình thường lại. Các yếu tố trên khiến ngành xây dựng hoạt động tốt từ đầu tháng 10/2021, nhu cầu thép tăng trở lại, các nhà máy đều tăng lượng hàng cung cấp cho thị trường.

• Lần đầu tiên kinh tế TP HCM tăng trưởng âm 6,78%
– Tại Hội nghị mở rộng lần thứ 10 của Thành ủy TP.HCM, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên thông tin rằng quý vừa qua tình hình kinh tế xã hội thành phố phát triển khá đồng đều, đến 6 tháng đầu năm thì chững lại và đến cuối năm thì sụt giảm nghiêm trọng. Có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử của thành phố từ giai đoạn đổi mới, kinh tế thành phố tăng trưởng âm 6,78%, trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%.
– Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ 11, và thực hiện chủ đề năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư, triển khai đề án mô hình chính quyền đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Dù vậy, TP HCM phải đối diện làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta lây lan rất nhanh, buộc thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, sau gần 5 tháng thành phố đã chịu nhiều tổn thất nặng nề.
– Theo dự toán, năm nay TP HCM có thể hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, không hoàn thành 14/29 chỉ tiêu, còn 2/29 chỉ tiêu đến cuối năm mới có thể đánh giá. Trong khó khăn, kinh tế TP HCM cũng có điểm sáng đó là kim ngạch xuất khẩu tăng 2,8%, nhập khẩu tăng 24,9%, tổng thu ngân sách nhà nước có thể phấn đấu đến cuối năm đạt 100% chỉ tiêu.
– Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh đã ảnh hướng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành nghề và doanh nghiệp. Tuy nhiên thì đó cũng tạo mức nền thấp cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng hồi phục và có kết quả kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 02/12/2021 tương đối khả quan. Chỉ số tăng nhẹ hơn 3 điểm nhờ lực kéo từ nhóm ngân hàng và vài mã lớn khác trong VN30. Thị trường có phần tích cực hơn sau đó, nhưng đến gần giữa phiên sáng thì VN-Index bất ngờ rơi về gần tham chiếu. Sang phiên chiều, VN-Index tiếp tục biến động trồi sụt khó đoán. Chỉ số lại lần nữa giảm mạnh về tham chiếu, nhưng khác với diễn biến ở phiên sáng, VN-Index không thể phục hồi lại được. Kết phiên, VN-Index giảm nhẹ hơn 3 điểm, xuống mức 1.482,05 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VIC, MSN, SAB, PLX là những cổ phiếu có tác động tích cực nhất đến chỉ số VN-Index. Riêng mã VIC đã góp hơn 1 điểm tăng cho chỉ số này. Ở chiều ngược lại, VPB, VHM, TCB và HPG là những mã có tác động tiêu cực nhất kéo chỉ số giảm điểm.
– Tại sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 7 liên tiếp với giá trị giảm 31% so với phiên trước và ở mức 740 tỷ đồng. Tính chung cả 7 phiên, dòng vốn ngoại sàn này bán ròng tổng cộng 6.791 tỷ đồng. DXG đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị 160 tỷ đồng. HPG và MSN đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 108 tỷ đồng và 77 tỷ đồng. Trong khi đó, VND được mua ròng mạnh nhất với 52 tỷ đồng. VCI đứng sau với giá trị mua ròng 34,8 tỷ đồng.
– Nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài VCB và TPB nhích nhẹ 0,1% và 0,3%, thì còn lại đều chìm trong sắc đỏ và đều nới đà giảm, trong đó, VPB là mã giảm mạnh nhất rổ VN30 và cũng tác động tiêu cực nhất đến VN-Index, khi giảm 2,4%. Các cổ phiếu khác trong nhóm như MSB -3%, STB -2%, HDB -1,6%, MBB -1,4%, TCB -1,3%, các mã BID, CTG, ACB, LPB, SSB cũng đóng cửa giảm điểm.
– Nhóm chứng khoán tiếp tục giảm mạnh ở phiên giao dịch 02/12/2021. Trong nhóm có tới 20/25 mã hiện sắc đỏ. Cụ thể, SSI, AGR và SHS cùng giảm hơn 2%. HCM, FTS sụt giảm hơn 1%.
– Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến diễn biến phiên giao dịch hôm nay khá buồn tẻ, với những phiên giao dịch có thanh khoản trên dưới 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là điều dễ hiểu, sau mỗi nhịp tăng thiết lập đỉnh lịch sử mới, thị trường cần thời gian nghỉ ngơi tích lũy để lấy động lực để đi lên vững chắc hơn.
– Sau phiên hồi phục tốt hôm qua nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường đã quay lại giảm điểm trong phiên hôm nay và là tác nhân chính khiến VN-Index mất điểm vào cuối phiên. Trong khi đó, nhóm thép, chứng khoán vẫn chưa có tín hiệu tích cực trở lại, nên thị trường đang thiếu dòng dẫn dắt để xác định hướng đi tiếp theo.
– Chỉ số VN-Index có thể sẽ còn giằng co và biến động quanh ngưỡng 1.480 điểm trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền sẽ vẫn còn suy yếu và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn trên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn có dấu hiệu tăng dần cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế mua vào ở nhóm cổ phiếu này.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Vinamilk chốt quyền tạm ứng cổ tức đợt 2/2021 với tỷ lệ 14%
– Vinamilk (HoSE: VNM) thông báo 11/1/2022 là ngày chốt danh sách cổ đông tạm ứng cổ tức đợt 2/2021, thay thế cho ngày 31/12/2021 thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm nay. Tỷ lệ thực hiện 14% (1 cổ phiếu được nhận 1.400 đồng). Cổ tức sẽ được thanh toán vào ngày 25/2/2022. Với hơn 2 tỷ cổ phiếu VNM đang lưu hành, số tiền chi để tạm ứng cổ tức đợt này hơn 2.925 tỷ đồng.
– Năm nay, công ty dự kiến trả cổ tức bằng tiền tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế hợp nhất. Cuối tháng 9, Vinamilk đã tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ 15%. Số cổ tức còn lại của năm 2021 sẽ do ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 quyết định.
– Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, doanh nghiệp sữa ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm từ 46,7% xuống 42,9% – mức thấp nhất 4 năm. Vinamilk thường duy trì mức biên lợi nhuận gộp trên 45% trong – nhiều năm qua, bắt đầu từ quý I năm nay thì giảm xuống vùng 43%. Lũy kế 9 tháng, doanh nghiệp sữa đạt 45.100 tỷ đồng doanh thu, tương đương cùng kỳ năm trước; lãi ròng 8.338 tỷ đồng, giảm 6,5%. Vinamilk thực hiện 73% mục tiêu doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.

• Đề xuất cho hàng không tư nhân vay 4.000-6.000 tỷ đồng với lãi suất 0%
– Theo đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), VABA mong bộ này kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét, chấp thuận cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000-6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm).
– Hiệp hội cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000-30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4-5%). Gói này sẽ giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, duy trì hoạt động, phát triển trong và sau dịch.
– Ngoài ra, hiệp hội này đề nghị nhà chức trách cần điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay về mức tối thiểu trong biểu thuế, tức là về mức 1.000 đồng một lít cũng như cho phép giảm 50% phí dịch vụ tại nhà ga trong năm 2022 đối với khách bay nội địa để góp phần kích cầu du lịch.
– Trước đó, lãnh đạo các hãng hàng không tư nhân cũng nhiều lần đề nghị cho Chính phủ và các tổ chức tín dụng trong nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay ưu đãi có tài sản đảm bảo để bổ sung vào dòng tiền đang gặp khó vì dịch bệnh.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall