Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 03.12.2020 – Luật xuất khẩu mới của Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

Nhận định Thị trường hàng ngày 03/12/2020    792

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 03/12/2020

1. Vĩ mô quốc tế

Kinh tế Australia tăng trưởng trở lại khi chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Australia ngày 2/12, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3 đã tăng 3.3% so với quý trước, sau khi ghi nhận mức sụt giảm 7% trong quý 2. Con số này vượt mức dự báo tăng 2.5% của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng kinh tế vẫn giảm 3.8% (mức sụt giảm dự báo là 4.4%).

Đà tăng trưởng trở lại trong quý 3 của Australia đến từ những khu vực bên ngoài tiểu bang Victoria – nơi tập trung đông dân số nhất nước Australia và là một trong những khu vực áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất trên thế giới giữa đại dịch Covid-19. Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) và Chính phủ cũng đã sớm triển khai các gói kích thích để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Theo James McIntyre, nhà kinh tế của Bloomberg, nhận xét: “Cuộc suy thoái tại Australia đã qua nhưng hệ quả của nó sẽ cần nhiều thời gian để khắc phục. Cú bật dậy trong quý 3 đã lấy lại khoảng 40% mức sụt giảm sản lượng trong nửa đầu năm 2020, một kết quả ấn tượng khi xét tới chuyện 25% nền kinh tế vẫn còn trong tình trạng bị kiềm tỏa. Việc tiếp tục nới lỏng những hạn chế trong quý 4 sẽ là cú huých cho đà tăng trưởng. Khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh về trạng thái bình thường sẽ là lực đẩy chính cho kết quả GDP quý 4/2020 và quý 1/2021. Đà hồi phục của đầu tư lĩnh vực tư nhân là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng bền vững sau đó”,

RBA và Chính phủ đang cùng nhau nỗ lực để hỗ trợ kinh tế. Đầu tháng trước, họ đã thực hiện chương trình kích thích thêm bao gồm giảm lãi suất về 0.1% và khởi động chương trình mua trái phiếu 100 tỷ AUD. RBA cũng đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 5% và năm 2022 là 4%.

Nikkei: Luật xuất khẩu mới của Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo luật mới của Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu muốn xuất một số mặt hàng chiến lược như nguyên liệu hoặc công nghệ tinh vi sẽ cần phải xin phép từ nhà chức trách. Từ ngày thứ Ba, Trung Quốc đã chính thức áp dụng luật kiểm soát xuất khẩu mới cho phép Trung Quốc chặn hàng xuất khẩu đến một số công ty nước ngoài với lý do bảo vệ an ninh quốc gia. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden chắc chắn sẽ đương đầu với thêm thách thức khi muốn ứng phó với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Theo báo Nikkei, vào ngày thứ Hai, giới chức Trung Quốc đã không công bố nhiều thông tin chi tiết về việc sản phẩm hoặc doanh nghiệp nào sẽ chịu biện pháp hạn chế mới, động thái được coi như đáp trả các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài lo ngại rằng Trung Quốc có thể sử dụng luật mới, luật cho phép trả đũa lại bất kỳ nền kinh tế nào lạm dụng quy định hạn chế xuất khẩu để ngăn xuất hàng hóa và dùng biện pháp đó như vũ khí trong chiến tranh thương mại. Ví dụ như nếu chính quyền Bắc Kinh đưa doanh nghiệp Mỹ vào danh sách đen nhằm ứng phó với áp lực mà phía Washington tạo ra với doanh nghiệp như Huawei Technologies, Bắc Kinh có thể trả đũa cả những công ty khác dám tuân thủ quy định trừng phạt từ phía Mỹ. Bắc Kinh cũng có thể hạn chế xuất linh kiện Trung Quốc cho những công ty ngoài Mỹ có bán hàng vào Mỹ, chính vì vậy chuỗi cung ứng cũng sẽ chịu gián đoạn.

Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu bắt đầu dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như sẽ vẫn tiếp tục dưới thời kỳ chính quyền của người kế nhiệm ông là ông Joe Biden.Chính sách thương mại “thù địch” với Trung Quốc mà Tổng thống Trump áp dụng đang khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển hoạt động của họ sang các nước láng giềng như Việt Nam hay một số nơi xa xôi hơn ví như Mexico hay Ấn Độ nhằm tránh bị đánh thuế trừng phạt và đồng thời giảm rủi ro bị trừng phạt về thuế quan.

Anh phê duyệt vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech

Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thông qua vắc-xin Covid-19 của Pfizer Inc. và BioNTech SE, trước cả Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Vắc-xin của Pfizer được dự báo sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19. Trong tháng 11/2020, Pfizer và đối tác BioNTech cho biết vắc-xin này được xây dựng dựa trên công nghệ mRNA và có hiệu quả tới 95%.

Vắc-xin sẽ có tại Anh từ tuần tới, theo một tuyên bố từ Chính phủ Anh. Trước đó, Anh báo hiệu sẽ nhanh chóng thông qua vắc-xin để bảo vệ người dân và bác sĩ trên khắp đất nước. Đối với Chính phủ Anh, đây là cơ hội để bù đắp cho những bước đi sai lầm trong đại dịch lần này, khi số ca tử vong tại Anh lên tới gần 60,000 ca.

2. Vĩ mô Việt Nam

Xuất khẩu thủy sản có thể đạt mốc 8,6 tỷ USD vào năm 2020

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), sau khi giảm liên tục trong nửa năm đầu do tác động của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam bắt đầu phục hồi từ tháng 7 và đến tháng 9 đã đạt tăng trưởng 2 con số. Thành tích này phần lớn nhờ xuất khẩu tôm duy trì tăng ổn định, các sản phẩm hải sản khác cũng có tín hiệu khả quan từ tháng 8.

Đến tháng 9, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng 10% và tháng 10 tăng 12% đạt mức kỷ lục 919 triệu USD. Sang tháng 11, xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 868 triệu USD. Cuối tháng 11, xuất khẩu thủy sản đạt mức tương đương cùng kỳ năm trước 7,8 tỷ USD. Ước tính xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt tương đương năm 2019 với mốc 8,58 tỷ USD.

Liên quan đến mặt hàng, trong tháng 11, xuất khẩu tôm tiếp tục đà tăng trưởng với mức tăng 28%, đạt 395 triệu USD. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu tôm đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019. Ước tính, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm ngoái.

Bangkok Post: Doanh nghiệp Thái đầu tư gần 40 triệu USD vào điện mặt trời tại Việt Nam

Theo Bangkok Post, Gunkul Engineering Plc đã tiếp quản một trang trại điện mặt trời tại Việt Nam với chi phí 39,9 triệu USD nhằm tăng doanh thu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo mà công ty tin rằng có tiềm năng tăng trưởng cao.

Giám đốc điều hành Gunkul, bà Sopacha Dhumrongpiyawut cho biết Gunkul Engineering Plc đã trở thành chủ sở hữu độc quyền của Công ty Cổ phần Đầu tư Đoàn Sơn Thủy (DST) và sẵn sàng vận hành nhà máy điện mặt trời Phong Điền II với công suất 50 MW tại Huế.

Theo đại diện của Gunkul, thương vụ được ký kết tuần trước bao gồm việc  mua 49% cổ phần từ Bangjak Green Energy Co – công ty con của BS Industry Service Co (Bangkok) và 51% cổ phần từ hai cổ đông cá nhân Việt Nam.

Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II vừa hoàn thành xây dựng, dự kiến trong thời gian tới sẽ kết nối với lưới điện quốc gia do Tập đoàn Điện lực Việt Nam vận hành, theo hợp đồng mua bán điện với giá 0,0709 USD/ kWh được cấp cho người vận hành trong 20 năm. Dự kiến, dự án sẽ bắt đầu vận hành thương mại vào ngày 15/12.

Xuất khẩu dệt may 2020 ước đạt hơn 35 tỷ USD

Kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may dự kiến đạt hơn 35 tỷ USD, giảm hơn 3 tỷ USD so với cuối năm 2019. Chịu tác động dịch bệnh và kinh tế thế giới suy giảm có được kết quả này là một nỗ lực đáng ghi nhận của ngành dệt may, khi mà tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. Năm nay, mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động. Bước sang năm 2021, với khả năng kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn ngành dệt may sẽ bớt được khó khăn

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2021, khả năng ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD, sẽ tăng so với 2020. Nhưng dự báo khả quan này đi kèm với điều kiện là quý 1 năm 2021, toàn thế giới kiểm soát được đại dịch Covid-19. Người dân thế giới có công ăn việc làm thì sức mua sẽ tăng.

Bên cạnh đó, vấn đề là các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký như Hiệp định EVFTA, đặc biệt Hiệp định thương mại RCEP sẽ tạo ra động lực để thu hút được phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam.