Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 03.08.2020 – Khối ngoại mua ròng hơn 763 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Nhận định Thị trường hàng ngày 03/08/2020    631

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Khối ngoại mua ròng hơn 763 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam

1. Vĩ mô quốc tế

GDP quý II của Eurozone giảm kỷ lục 12,1%

Các nền kinh tế lớn nhất của khối đều giảm ở mức hai chữ số trong quý. GDP của Đức giảm 10,1%; Italy giảm 12,4%; Pháp giảm 13,8%; và Tây Ban Nha giảm 18,5%. Trước đó, Eurozone đã chứng kiến sự suy giảm kinh tế ở mức 3,6% trong quý đầu năm. Các nền kinh tế lớn như Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều giảm hơn 5% trong giai đoạn đó.

“Trong khi vài phần của nền kinh tế đã hoạt động trở lại vài tháng qua thì những tổn thất cộng với tác động tiềm tàng của virus hiện nay và tương lai khiến cho sự phục hồi sẽ chậm một cách đau đớn”, Andrew Kenningham, Chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics, nhận định.

Sản xuất Trung Quốc tháng 7 tiếp tục phục hồi

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Trung Quốc trong tháng 7 là 51,1, tăng so với con số 50,9 của tháng 6, theo số liệu chính thức Trung Quốc công bố hôm nay. Đây là mức cao nhất từ tháng 3, trái ngược dự báo giảm còn 50,7 từ giới phân tích.

Trung Quốc dần phục hồi sau đợt phong tỏa để kiểm soát Covid-19 khiến kinh tế tê liệt hồi đầu năm, trong bối cảnh nước này đang phải đối phó đợt bùng phát tiếp theo của dịch bệnh, số ca nhiễm chủ yếu tại khu tự trị Tân Cương ở miền tây và vùng đông bắc.

Số đơn hàng xuất khẩu giảm với tốc độ chậm hơn tháng 6, cho thấy lực cầu từ bên ngoài vẫn chịu sức ép. Các công ty sa thải nhiều hơn là tuyển dụng.

Các tập đoàn dầu khí toàn cầu đua nhau báo lỗ lớn

Hôm 31-7, Exxon Mobil và Chevron, hai tập đoàn dầu khí khổng lồ của Mỹ, công bố kết quả kinh doanh quí 2 với mức thua lỗ lần lượt 1,1 tỉ và 8,3 tỉ đô la Mỹ. Đây là quí thua lỗ thứ hai liên tiếp của Exxon Mobil và cũng là lần đầu tiên tập đoàn này chứng kiến hai quí thua lỗ liền nhau trong 22 năm qua.

Tập đoàn dầu khí ConocoPhillips (Mỹ) cũng báo lỗ 1 tỉ đô la Mỹ trong quí 2. Cùng ngày, Tập đoàn dầu khí Shell (Anh-Hà Lan), cho biết trong quí vừa qua, tập đoàn này lỗ ròng đến 18,4 tỉ đô la, chủ yếu do phải bút toán giảm giá tài sản đến 16,8 tỉ đô la Mỹ.

 Tập đoàn dầu khí Total (Pháp) lỗ ròng 8,4 tỉ đô la, cũng do bút toán giảm giá tài sản 8,1 tỉ đô la. Tập đoàn dầu khí Eni (Ý) cho biết lỗ 4,4 tỉ euro trong quí 2, nâng tổng lỗ ròng trong nửa đầu năm nay lên 7,33 tỉ euro. Tập đoàn dầu khí BP (Anh) sẽ công bố báo cáo tài chính quí 2 và chắc chắn sẽ ghi nhận mức lỗ lớn do phải bút toán giảm giá tài sản.

Amazon đạt lợi nhuận kỷ lục

Tập đoàn công nghệ và thương mại điện tử Amazon ghi nhận mức lợi nhuận quí lớn nhất trong lịch sử 26 năm của tập đoàn này khi doanh thu bán hàng trực tuyến và mảng kinh doanh hỗ trợ các bên bán hàng thứ ba tăng vọt trong suốt thời kỳ cao trào của đại dịch Covid-19.

Amazon cho biết trong quí 2-2020, doanh thu tăng trưởng 40% lên 88,9 tỉ đô la Mỹ nhờ khách hàng đổ xô mua sắm trực tuyến ở mức cao hơn bao giờ hết trong thời kỳ dịch bệnh. Doanh thu bán hàng trực tuyến của Amazon tăng 48% lên con số 45,9 tỉ đô la. Trong khi đó, các bên bán hàng thứ ba chi trả phí cho Amzon nhiều hơn để quảng bá sản phẩm và hoàn thiện đơn hàng, giúp doanh thu dịch vụ bên bán hàng thứ ba và các doanh thu khác bao gồm quảng cáo của Amazon tăng lần lượt 52% và 41%.

Doanh thu của công ty dịch vụ web Amazon (ASW), chuyên cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu và điện toán đám mây, tăng 29% lên 10,81 tỉ đô la. Hàng trăm triệu nhân viên làm việc ở nhà tại Mỹ và trên khắp thế giới, buộc các công ty của họ phải tăng cường sử dụng dịch vụ điện toán đám mây từ các công ty như Amazon, Google, Microsoft.

Lợi nhuận của Amazon trong quí 2 tăng lên mức kỷ lục 5,2 tỉ đô la, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, dù Amazon chi hơn 4 tỉ đô la cho các chi phí phòng chống dịch bệnh, tuyển dụng nhân viên, tăng lương.

Nhật Bản đặt mua 120 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của BioNTech

Hơn 200 loại vắcxin đang được phát triển trên toàn thế giới, trong đó có khoảng gần 20 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm trên người. BioNTech và Pfizer mới đây đã quyết định đẩy nhanh thử nghiệm với những mẫu vắcxin tiềm năng nhất, được biết đến với tên BNT162b2. Đầu tuần này, hai công ty đã tuyên bố bắt đầu thử nghiệm vắcxin trên quy mô lớn với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên khỏe mạnh. Một khi thu được những kết quả thành công và được cấp phép, Pfizer và BioNTech hy vọng sẽ sản xuất được tối đa 100 triệu liều vắcxin vào cuối năm 2020 và “tiềm năng sản xuất hơn 1,3 tỷ liều vắcxin vào cuối năm 2021”.

Mỹ chi 2,1 tỷ USD mua 100 triệu liều vắc xin Covid-19

“Sự đầu tư hôm nay hỗ trợ ứng viên vắc xin mới nhất của chúng ta – một sản phẩm hỗ trợ đang được Sanofi và GSK phát triển – trải qua các cuộc thử nghiệm lâm sàng và sản xuất, với khả năng đưa hàng trăm triệu liều hiệu quả và an toàn tới người Mỹ”, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar cho biết ngày 31/7 khi thông báo về thỏa thuận.

Theo thỏa thuận, chính phủ Mỹ sẽ trả cho hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) và tập đoàn GlaxoSmithKline (Anh) tới 2,1 tỷ USD để được cung cấp đủ vắc xin cho 50 triệu người, và có thể mua thêm 500 triệu liều vắc xin khác.

2. Vĩ mô trong nước

Giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài (ODA) trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5.778,482 tỷ đồng, mới chỉ hoàn thành 10,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao

Vốn ODA dành cho kế hoạch năm 2020 khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó dành 2/3 nguồn vốn này cho các địa phương. Tuy nhiên đến đầu tháng 7/2020, trong 63 tỉnh, thành thì 22 tỉnh giải ngân vốn ODA bằng 0%, tức là sáu tháng qua chưa giải ngân được một đồng nào. Chỉ có 16 tỉnh, thành giải ngân trên 10%, duy nhất một tỉnh đạt 15%, còn lại rất thấp.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Khi xây dựng các dự án để vay vốn ODA, các tỉnh, thành phải cam kết sẽ bố trí đủ vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng. Nhưng đến khi có dự án, lại gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Trước thực trạng này, ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu của từng dự án; đồng thời cần tập trung vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, dự án sắp hoàn thành để đưa vào sử dụng.

Cơ hội gì cho ngành du lịch Việt Nam trong trạng thái ‘bình thường mới’?

Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch Trần Trọng Kiên cho rằng hiện tại, biên giới các nước vẫn đang đóng cửa và người dân chỉ có thể chọn những địa điểm nội địa, an toàn và gần nơi mình sinh sống hơn.

Trạng thái bình thường mới đối với ngành du lịch đó là chú trọng phát triển du lịch nội địa. Hiện nay, Chính phủ đã đặt ra những giải pháp kích cầu du lịch. Thêm vào đó, nhu cầu du lịch của người dân đã bị kìm nén trong mội thời gian dài. Do vậy, thị trường nội địa đang đóng góp một vai trò rất lớn đối với ngành du lịch.

Tuy nhiên, ông Kiên cũng nhấn mạnh đây chỉ là một hướng đi tạm thời. Mặc dù khách du lịch nội địa Việt Nam đang tăng rất nhanh, đạt mức đến 28% nhưng năm ngoái, tổng doanh thu từ du lịch quốc tế đóng góp 55% trong thị trường du lịch.

Trước bối cảnh dịch Covid-19, hoạt động tín dụng tăng chậm buộc ngân hàng giảm chi phí huy động để giảm lãi suất đầu ra. Thế nhưng, tiền nhàn rỗi vẫn chảy mạnh vào ngân hàng

Theo báo cáo tháng 7/2020 của NHNN chi nhánh TP.HCM, đối với lãi suất huy động bằng VNĐ, các tổ chức tín dụng đã thực hiện giảm lãi suất theo định hướng và các mức lãi suất điều hành của NHNN.

Thế nhưng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến 31/7/2020 (số liệu dự ước) đạt 2.648.000 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối tháng trước, tăng 3,96% so với cuối năm 2019 và tăng 11,06% so với cùng kỳ.

Đánh giá về tình hình huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, huy động vốn trên địa bàn đến cuối tháng 6/2020 nhìn chung đã có tốc độ tăng trưởng tích cực hơn so với những tháng đầu năm (tăng 3,35% so với cuối năm trước).

Bảy tháng, kim ngạch xuất khẩu khu vực trong nước tăng 13,5%

Tổng cục Thống kê cho biết, dịch COVID-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng về xuất khẩu.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 145,79 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50,76 tỷ USD, tăng 13,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,03 tỷ USD (chiếm 65,2% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 5,7%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 61,86 tỷ USD, tăng 1,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 77,47 tỷ USD, giảm 6,2%

3. Các kênh đầu tư

Khối ngoại mua ròng hơn 763 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán tuần 27-31/7

Tuần giao dịch 27-31/7, các chỉ số có sự biến động mạnh, tăng giảm đan xen giữa các phiên. Bên cạnh đó, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ trong phiên thứ 6 phần nào tác động đến diễn biến của các chỉ số. VN-Index đóng cửa ở mức 789,39 điểm, giảm 39,77 điểm (-4,8%) so với tuần trước.

Khối ngoại cho tín hiệu tích cực khi mua ròng 4 phiên đầu tuần và bán trở lại trong phiên ngày thứ 6. Tổng giá trị mua ròng đạt hơn 763 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào gần 3.275 tỷ đồng, tăng 31% so với tuần trước và giảm 17,13% lượng bán ra, xuống 2.511 tỷ đồng.

KDC đứng đầu danh sách mua ròng với hơn 149,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thoả thuận chiếm gần 145 tỷ đồng. VHM được mua trở lại với 134,2 tỷ đồng. 2 ccq VFMVN Diamond, VNFin Lead đều được mua vào với giá trị lần lượt là 70,7 tỷ đồng và 52,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thoả thuận. Ở chiều ngược lại, MSN tiếp tục bị bán 44,8 tỷ đồng.