Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 03.06.2021 5 tháng đầu năm, lượng tài khoản chứng khoản mở mới tăng 20% so với cả năm 2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 03/06/2021    9637

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 03/062021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Giá dầu thế giới đã quay về đỉnh 2018 nhờ triển vọng nhu cầu tăng và nguồn cung giới hạn
– Dầu Brent tăng 37 cent lên 70.62 USD/thùng, có thời điểm đạt 71.34 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 8/2020. Dầu WTI cũng tăng 32 cent lên 68.05 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2020.
– Xu hướng giá dầu tăng được hỗ trợ bởi công bố tăng sản xuất thêm 841,000 thùng dầu mở vào tháng 7 của OPEC và các nước đồng mình trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ của nhiều nền kinh tế đang hồi phục.
– Hơn nữa, cuộc đối thoại nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc trên thế giới đang gặp gián đoạn, dẫn đến khả năng sản lượng lớn dầu thô Iran sớm quay trở lại thị trường trong thời gian tới thấp đi. Nếu như Iran đạt thỏa thuận với Washington, dự kiến Iran có thể sẽ tăng thêm 1.6 triệu thùng dầu hàng ngày để nâng sản lượng lên 4 triệu thùng/ngày.
– Tính từ đầu năm nay, giá dầu đã tăng hơn 40% khi các nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc và khối EU tăng dự báo chi tiêu cho tiêu thụ năng lượng nhằm mục đích đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại sớm nhất có thể. Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA hôm 1/6 đã nâng triển vọng hồi phục nhu cầu tiêu thụ năng lượng trong năm 2021 sẽ đạt 98% mức tiêu thụ trước đại dịch COVID-19. Tốc độ triển khai vaccine sẽ là điểm nhấn cho triển vọng tích cực của thị trường dầu, khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng nhu cầu đang tăng nhanh.
• Sức nóng lạm phát toàn cầu: Lạm phát Eurozone lần đầu tăng trưởng vượt mục tiêu kể từ 2018
– Cơ quan Thống kê Châu Âu Eurostate công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 ở khu vực Đồng tiền chung Châu Âu Eurozone đạt 2%, tăng so với mức 1.6% của tháng 4 và vượt mục tiêu 1.9%. Đây là lần đầu tiên chỉ số CPI vượt ngưỡng mục tiêu do NHTW châu Âu ECB đặt ra kể từ năm 2018.
– Lạm phát ở khu vực Eurozone tăng chủ yếu từ giá năng lượng tăng đến 13.1% so với mức 10.4% trong tháng 4, do giá dầu thế giới đã tăng đến 40% trong năm 2021. Hơn nữa, việc diễn ra các hoạt động hồi phục kinh tế nhanh chóng dẫn đến việc hàng hóa càng khan cung, đẩy mức giá hàng hóa lên cao kỷ lục. Mức tăng lạm phát nhanh chóng này của Eurozone được giới phân tích so sánh với mức tăng CPI 4.2% của Mỹ trong tháng 5 vừa rồi trong bối cảnh các nền kinh tế này đang nới lỏng chính sách tiền tệ và bơm vào hệ thống lượng tiền kỷ lục.
– Mặc dù vậy, chủ tịch ECB Christine Lagarde chia sẻ quan điểm đồng nhất với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về việc xu hướng lạm phát tăng chỉ là tạm thời và sẽ biến mất trong 12 tháng tới, nên ECB vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp của châu Âu vẫn đang ở mức 8% – vẫn thấp hơn 1.4 triệu việc làm so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

2. Thông tin Việt Nam

• 5 tháng đầu năm, lượng tài khoản chứng khoản mở mới đã lớn hơn 20% tổng lượng tài khoản mở trong cả năm 2020
– Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) công bố hơn 113,500 nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản chứng khoán trong nước trong tháng 5, mức mở tài khoản kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam. Số lượng tài khoản mở mới tăng 3.2% so với tháng 4 và là tháng thứ 3 liên tiếp số tài khoản cá nhân mở mới vượt trên mức 100,000/tháng.
– Lũy kế 5 tháng đầu năm, tổng số tài khoản chứng khoán mở mới của các nhà đầu tư nội địa đạt gần 480,000 tài khoản, tăng 20% so với cả năm 2020, chiếm 15% của 3.2 triệu tài khoản chứng khoán đang được mở trên thị trường, tương đương với 3.2% tổng dân số Việt Nam.
– Con số trên cho thấy mức độ càng ngày càng hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong bối cảnh 1) lãi suất huy động đang ở mức thấp và dự kiến sẽ không tăng nhiều trong thời gian tới; 2) kênh trái phiếu doanh nghiệp bị siết lại do Nghị định 81 có hiệu lực vào đầu tháng 9; 3) Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kinh tế dương và được các tổ chức xếp hạng tín dụng tăng triển vọng tích cực; 4) định giá thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức hấp dẫn trong khu vực; 5) triển vọng được nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets trong 2 năm sắp tới.
– Điều đáng chú ý hơn là sự gia nhập thị trường của các nhà đầu tư F0 đã cân bằng lại áp lực bán ra hơn 1 tỷ USD của các nhà đầu tư nước ngoài kể từ thời điểm tháng 3/2020. Dòng tiền mạnh mẽ từ bộ phận nhà đầu tư F0 giúp thanh khoản thị trường liên tiếp tăng trưởng và đã vượt hơn 1 tỷ USD 1 phiên giao dịch.
• Đầu tư công có nguy cơ đình trệ do cơn bão giá “thép”
– Khi nhiều hoạt động kinh doanh và xã hội gặp khó khăn do dịch COVID-19, đầu tư công nghiễm nhiên trở thành động lực chính cho việc phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, việc giá vật liệu xây dựng đang tăng rất mạnh trong thời gian gần đây tạo nên thêm rủi ro kinh tế do tạm ngưng hoặc dừng hoàn toàn việc triển khai các dự án đầu tư do không thể kiểm soát chi phí nguyên vật liệu.
– Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giải ngân đạt gần 99,000 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16.3% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng này được đánh giá là cao nhất giai đoạn 2017 – 2021, nhưng so với kế hoạch năm còn khá thấp. Đặc biệt, khi chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 7.6% so với tháng trước, tăng 40.47% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50-60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15-25%… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng.
– Theo tính toán, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12% – 16% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%. Thời điểm hiện tại, giá thép có loại đã tăng từ 40-45% so thời điểm cuối năm 2020, tương ứng giá trị công trình tăng thêm hơn khoảng 4%. Trong khi đó, đối với nhà thầu, lãi của một công trình chỉ dao động dưới mức 5%, và trong trường hợp nhà thầu không thể đánh giá hết rủi ro tiềm ẩn về biến động giá nguyên vật liệu và vốn xây dựng bị đội vốn, thiệt hại kinh tế cho chính các nhà thầu thi công là vô cùng lớn, dẫn đến viễn cảnh đầu tư công có nguy cơ đình trệ, gây ảnh hưởng tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hồi phục từ COVID-19.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Quản lý tốt chi phí, lợi nhuận và EPS Hoa Sen tăng gấp nhiều lần
– Lợi nhuận Hoa Sen đặc biệt bứt phá mạnh trong 2 tháng gần đây, ghi nhận trên 500 tỷ đồng mỗi tháng, trong khi 6 tháng niên độ 2020-2021 tỉ suất lợi nhuận trên cổ phần EPS đạt 3.610 đồng/cổ phiếu, gấp 4.5 lần EPS 6 tháng niên độ 2019-2020. Lợi nhuận tập đoàn tăng mạnh từ 53 tỷ đồng quý II niên độ 2018-2019 lên 1.099 tỷ đồng quý II niên độ 2020-2021.
– Riêng tháng 4 vừa qua, với sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 216.390 tấn, đơn vị lãi 538 tỷ đồng, gấp gần 6 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập mức kỷ lục mới ghi nhận trong 1 tháng. Lũy kế 7 tháng đầu niên độ tài chính 2020-2021 (từ 1/10/2020 đến 30/4/2021) sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen ước đạt gần 1.3 triệu tấn, và đạt 2,208 tỷ đồng, gấp 4.6 lần so với cùng kỳ năm trước và gấp đôi cả niên độ 2019-2020.
– Ngoài yếu tố thị trường thép diễn biến thuận lợi thì nội tại doanh nghiệp cũng có bước tiến rõ rệt giúp duy trì lợi nhuận tăng trưởng liên tục. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) – nguyên liệu đầu vào của tập đoàn liên tục tăng trong thời gian qua nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, dao động từ 15% – 18% trong 6 quý liên tiếp.
– Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), Hoa Sen dẫn đầu thị trường tôn mạ trong 4 tháng đầu năm nay với tổng sản lượng tiêu thụ xấp xỉ 600.000 tấn, chiếm 36,84% thị phần. Trong đó, sản lượng xuất khẩu là 397.000 tấn.
– Với ống thép, Hoa Sen bán ra gần 177.000 tấn trong 4 tháng đầu 2021, chiếm 20,2% thị phần, chỉ đứng sau Tập đoàn Hòa Phát.
– Ngoài kinh doanh hai sản phẩm chủ lực lâu năm là tôn mạ và ống thép, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ còn đang mở rộng sang mảng nội thất và vật liệu xây dựng với các mặt hàng như thiết bị vệ sinh, chậu rửa mặt, vòi sen, bột – keo chống thấm, sơn nội – ngoại thất, thiết bị điện, bồn nhựa – inox, cho thấy tham vọng táo bạo của tập đoàn Hoa Sen và kỳ vọng tích cực về tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
• Vietnam Airlines lỗ gần 5,000 tỷ đồng trong quý I, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ
– Mức lỗ kỷ lục trên của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đến từ việc các hoạt động kinh doanh giảm nghiêm trọng do diễn biến dịch COVID-19 chưa được kiểm soát. Cụ thể, doanh thu cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines giảm đến 64%, trong đó doanh thu nội địa giảm 26% và quốc tế giảm 97%. Doanh thu thuê chuyến cũng giảm 83.5%. Các công ty con cung cấp dịch vụ hàng không của Vietnam Airlines cũng đều ghi nhận tình hình kinh doanh kém khả quan.
– Với việc lỗ tiếp gần 5,000 tỷ đồng quý I, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines tăng lên 14,219 tỷ đồng, vượt quá quy mô vốn điều lệ. Nhờ thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn khác mà tổng công ty vẫn chưa bị âm vốn chủ sở hữu và tạm thời chưa bị hủy niêm yết.
– Nhằm đối phó với tình trạng dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát, Vietnam Airlines đã thu hẹp quy mô sản xuất, đàm phán với các chủ tàu thuê, nhà cung cấp để giảm giá và hoãn tiến độ thanh toán, giảm chi phí. Đồng thời, đơn vị cũng tăng cường sử dụng các khoản vay vốn ngân hàng để bù đắp thanh khoản. Ngoài ra, hãng còn triển khai các giải pháp tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư để bổ sung dòng tiền, cải thiện thu nhập.
– Mới đây, Vietnam Airlines cũng công bố kế hoạch bán 11 trên 51 máy bay Airbus A321 CEO trong đội tàu bay 107 chiếc của hãng. Các máy bay được rao bán sản xuất năm 2004, 2007 và 2008, dự kiến sẽ mang lại dòng tiền giúp hãng hàng không tiếp tục đấu tranh với tình hình dịch bệnh. Trong thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ cần nhanh chóng thực hiện tăng vốn để tránh nguy cơ bị hủy niêm yết. Dự kiến, hãng hàng không sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, đồng thời sẽ gấp rút triển khai kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu 8,000 tỷ đồng.

———–
DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư
Tham khảo thêm tại: dgo.vndirect.com.vn
Lich Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3 và Thứ 5
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/tuvandautu_DGO
Lịch Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần
Tìm hiểu thêm và đăng ký: http://bit.ly/dangky_khoaDGO
————
Hãy cùng đón chờ các Cập nhật của chúng tôi vào mỗi buổi sáng 8h hàng ngày trên Website:
https://www.vndirect.com.vn/
Soundclound: https://soundcloud.com/vndirect-dcall
Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCVCzjWFSb9iP7iK_VBTS3vQ