Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 03.03.2021 – Trung Quốc cảnh báo về 2 quả bong bóng sắp vỡ tung

Nhận định Thị trường hàng ngày 03/03/2021    901

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 03/03/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Trung Quốc cảnh báo về 2 quả bong bóng sắp vỡ tung, chứng khoán châu Á đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ

– Quan chức hàng đầu của cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc mới đây cho biết ông “rất lo ngại” về những rủi ro từ bong bóng trên thị trường tài chính toàn cầu và lĩnh vực bất động sản trong nước. Bình luận này làm dấy lên những mối lo mới về những động thái thắt chặt chính sách mạnh mẽ hơn ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngay sau đó, chứng khoán châu Á đồng loạt rớt điểm. Guo Shuqing – Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC), đã đưa ra nhận định trong phiên họp giao ban ngày 2/3 tại Bắc Kinh. Ông cho biết, Bong bóng xuất hiện tại khắp các thị trường Mỹ và châu Âu có thể vỡ tung bởi diễn biến hiện tại đang đi ngược lại với những quy tắc cơ bản của nền kinh tế và sớm muộn sẽ phải đối mặt với sự điều chỉnh.

– Các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế rủi ro trong nước, đồng thời hạn chế những gián đoạn từ thị trường bên ngoài khi thị trường mở cửa rộng hơn với dòng vốn nước ngoài. CBIRC cho biết hồi tháng 1 sẽ tiếp tục “đón đầu những rủi ro hệ thống” sau khi giới hạn hoạt động cho vay của ngân hàng đối với thị trường bất động sản, thắt chặt hoạt động của ngành ngân hàng “ngầm” và kiểm soát thành công sự tăng trưởng chóng mặt của lĩnh vực cho vay ngang hàng. Steven Leung – giám đốc điều hành của Uob Kay Hian (Hồng Kông), cho biết: “Chính sách tiền tệ của Trung Quốc không dễ dàng như Mỹ và châu Âu. Bình luận mới nhất sẽ tạo mối lo ngại về động thái thắt chặt chính sách gắt gao hơn nữa.” Chỉ số MSCI Asia Pacific xóa bỏ mức tăng 0.8% trước đó. CSI 300 của Trung Quốc và Hang Seng Index của Hồng Kông lần lượt mất 1,4% và gần 1%. Trái phiếu chính phủ Trung Quốc ghi nhận mức tăng khi nhà đầu tư tìm đến tài sản “trú ẩn”, theo đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 rớt xuống mức thấp nhất trong gần 3 tuần.

Mỹ tiếp tục cứng rắn trong thương mại với Trung Quốc

– Ngày 1/3, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho hay Tổng thống Joe Biden sẽ sử dụng “mọi công cụ sẵn có” để ngăn chặn chống lại những hành vi thương mại mang tính “lạm dụng” của Trung Quốc. Trong báo cáo về chương trình nghị sự năm 2021 do USTR đệ trình lên quốc hội Mỹ, đội ngũ phụ trách vấn đề thương mại của Tổng thống Biden cho biết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh và bảo vệ người lao động Mỹ.

– Báo cáo nhấn mạnh việc phục hồi mối quan hệ rạn nứt với các đồng minh và đối tác thương mại cũng sẽ là một phần trong chiến lược ứng phó với Trung Quốc của Tổng thống Biden nhằm giải quyết tình trạng “méo mó” của thị trường toàn cầu do tình trạng dư thừa công nghiệp tạo ra. Như vậy, báo cáo này được xem là một trong những tín hiệu nhằm chính thức hóa những tuyên bố của Tổng thống Biden và bà Katherine Tai – người được ông đề cử vào vị trí người đứng đầu USTR. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh những thiệt hại do các hành vi thương mại không công bằng và mang tính cưỡng ép của Trung Quốc gây ra, đồng thời khẳng định những hành vi này “gây phương hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ”.

2. Tin vĩ mô Việt Nam

Thu hút vốn FDI: ‘Ðại bàng’ mở rộng tổ

– Việt Nam đang thay đổi chiến lược thu hút FDI. Quan điểm tập trung vào dự án chất lượng, đến từ “đại bàng” FDI trên thế giới. Số vốn thực hiện 2 tháng đầu năm 2021 tăng lên là một trong những dấu hiệu tích cực. Cụ thể, số vốn FDI thực hiện ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, nhà đầu tư vẫn tiếp tục “rót vốn” mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới và dòng vốn FDI chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, cả nước có 115 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư. Quy mô vốn điều chỉnh tăng (từ 4,2 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2020 lên gần 14 triệu USD/lượt trong 2 tháng năm 2021), làm tăng tổng vốn đầu tư điều chỉnh lên gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
– Đặc biệt, nhiều “đại bàng” FDI đã và đang mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Tiêu biểu như, dự án LG Display tăng vốn thêm 750 triệu USD, lần thứ 4 điều chỉnh tăng vốn kể từ khi đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, tổng vốn của LG Display đổ vào Hải Phòng đã lên tới 3,25 tỷ USD. Theo kế hoạch, ngay sau khi được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, LG Display sẽ nhanh chóng triển khai xây dựng, lắp đặt phần mở rộng và dự kiến đến tháng 5/2021 có thể bắt đầu đi vào sản xuất.

Vượt Trung Quốc, Mỹ thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt

– Với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,04 tỷ USD, chiếm 33,05% thị phần, Mỹ vượt qua Trung Quốc trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu trong hai tháng đầu năm nay. Báo cáo mới nhất của Bộ NN-PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản hai tháng đầu năm nay của cả nước ước đạt gần 11 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 6,17 tỷ USD, tăng 16,6%; nhập khẩu ước khoảng 4,8 tỷ USD, tăng 13,6%; xuất siêu khoảng 1,37 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.

– Không chỉ vậy, hai tháng đầu năm nay, thị trường xuất khẩu nông sản Việt cũng có sự thay đổi. Theo đó, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,04 tỷ USD, tăng 57,3% so với cùng kỳ và chiếm khoảng hơn 33% thị phần, Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của nông sản Việt Nam xuất khẩu.Xếp thứ hai là thị trường Trung Quốc. Trong 2 tháng qua, nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường này ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ và chiếm 30,53% thị phần.

3. Các kênh đầu tư

Lạm phát có dấu hiệu tăng: Tín hiệu cảnh báo với thị trường chứng khoán

– Việc giá cả thị trường tăng trong hai tháng dịp Tết nguyên đán cũng là bình thường. Nhưng trong một năm đặc biệt bị ảnh hưởng bởi covid, nó không đơn giản nhìn lướt qua như vậy. Mặc dù còn quá sớm để kết luận nhưng chúng ta cần chuẩn bị cho xu hướng lạm phát sẽ tăng.Việc lạm phát tăng không ngạc nhiên bởi nó phản ánh sự hồi phục của nền kinh tế. Nhưng nếu nó tăng nhiều hơn trong tương quan tăng trưởng kinh tế thì lại là câu chuyện khác.

– Năm 2020 là năm mà việc bơm tiền xảy ra trên khắp thế giới và Việt Nam không ngoại lệ. Việc chính sách tiền nới lỏng và tiền rẻ tiếp tục được duy trì là điều hiển nhiên để phục vụ phát triển kinh tế, nhưng việc nó có tiếp tục nới lỏng thêm, rẻ thêm hay không là câu chuyện khác, phụ thuộc vào khả năng tăng của lạm phát.

– Nước Mỹ, nền kinh tế dẫn dắt các chính sách của thế giới, đang đứng trước lo ngại về lạm phát tăng trở lại, thể hiện qua lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng trở lại sau khi đạt mức thấp vào tháng 8 năm ngoái. Lạm phát tăng trở lại không hàm ý nó cao một cách đáng lo ngại, mà là nó cảnh báo rằng mặt bằng lãi suất được kỳ vọng sẽ tăng lên, nghĩa là chính sách nới lỏng tiền tệ và tiền rẻ hơn nữa là ít khả năng xảy ra. Thị trường chứng khoán Mỹ và thế giới phản ánh dựa trên kỳ vọng này, chứ không phải lo ngại lạm phát cao. Giá tài sản phụ thuộc vào mặt bằng lãi suất vì nó ảnh hưởng tới tỷ suất chiết khấu chung làm cho tài sản không còn rẻ nữa.

– Việt Nam cũng trong tình huống tương tự nhưng e ngại về xu hướng tăng lãi suất trở lại chưa xảy ra. Nếu nhìn vào lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm, nó đã giảm từ mức khoảng 3,5% vào cuối tháng 3 năm 2020 cho đến mức thấp 2,1% vào giữa tháng 1 năm 2021. Nhưng trong hơn một tháng qua, lợi suất trái phiếu này không giảm nữa mà đang nhích tăng dần trở lại lên 2,3%. Nói cách khác, kỳ vọng vào việc chính sách tiền tệ nới lỏng và tiền rẻ thêm cũng đang khó dần.

– Với việc kinh tế đang phục hồi và tăng trưởng tốt, đồng thời Ngân hàng nhà nước cũng thể hiện quan điểm điều hành chặt chẽ ổn định trong hơn 10 năm qua, tôi tin rằng họ sẽ tiếp tục quan sát diễn biến lạm phát để có phản ứng chính sách phù hợp. Nếu biết rằng mục tiêu của chính sách nới lỏng tiền tệ là nhằm giúp phát triển kinh tế thông qua hạ mặt bằng lãi suất cho vay, chúng ta nên để ý rằng mục tiêu này thực hiện được rất chậm do mặt bằng huy động thì giảm nhanh nhưng cho vay thì giảm chậm. Điều đó chứng tỏ sự “nghẽn” trong nền kinh tế không nằm ở việc thiếu tiền, mà là mức rủi ro kinh doanh chung do ảnh hưởng của đại dịch.

Tắc động đến thị trường chứng khoán

– Với những người quan tâm tới tác động tới thị trường tài sản, đặc biệt là thị trường chứng khoán, sự cân nhắc giữa khả năng sinh lời trên thị trường chứng khoán và gửi tiết kiệm đã là lý do quan trọng để dòng tiền tiết kiệm dịch chuyển sang thị trương tài sản trong thời gian qua.

– Chỉ số định giá so sánh quan trọng là giá trên lợi nhuận (P/E) của thị trường chứng khoán thời kỳ trước đại dịch vào khoảng 14-17, không hề hấp dẫn so với gửi tiết kiệm với P/E khoảng 14 tương ứng với lãi suất tiết kiệm 7%/năm.

– Nhưng khi mặt bằng lãi suất giảm xuống, cùng với sự sụt giảm mạnh của thị trường hồi tháng 3/2020, tương quan định giá so sánh này thay đổi nhanh chóng dẫn tới sự chuyển dịch dòng tiền. Chỉ số P/E của thị trường chưng khoán rơi xuống mức hấp dẫn 11, hút mạnh dòng tiền và tăng từ đó cho đến nay, ở mức khoảng 18 lần, trong khi P/E của gửi tiết kiệm cũng tăng mạnh do mặt bằng lãi suất thấp đi.

– Nếu mặt bằng lãi suất tiết kiệm một năm hiện tại vào khoảng 5-6% thì P/E của gửi tiết kiệm đang vào khoảng 16-20. Như vậy, có thể nói rằng tương quan hiện tại là trong vùng cân bằng, do gửi tiền tiết kiệm là lựa chọn an toàn trong khi đầu tư chứng khoán bao giờ cũng rủi ro hơn. Nhưng mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ nếu mặt bằng lãi suất không giảm hoặc tăng lên, định giá của gửi tiết kiệm sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn trong khi định giá của chứng khoán sẽ kém hấp dẫn hơn. Và đó chính là vấn đề tại sao xu hướng lạm phát là quan trọng, chứ không phải vì nó quá cao.

– Nhưng tôi tin rằng, mặc dù xu hướng là có, việc nó tác động ngay tới dòng tiền và thị trường chứng khoán không phải là một sớm một chiều. Nó diễn ra mà chúng ta không để ý cho đến một năm sau nhìn lại. Biên độ của P/E gửi tiết kiệm cũng hàm ý chứng khoán sẽ biến động lên xuống như vậy.

– Sự giao thời giữa giai đoạn tiền rẻ và giai đoạn trở lại bình thường (không có nghĩa là đắt) có thể sẽ diễn ra nhẹ nhàng nếu chính sách tiền tệ hiện tại được duy trì.

4. Câu chuyện đầu tư

Nhà đầu tư thông minh

“Ví thử đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có ai hơn“.
Là hai câu thơ của nhà chí sĩ Phan Bội Châu khi động viên bản thân và các đồng chí lên đường đấu tranh cách mạng.
Nếu TTCK cũng chỉ có lên mà không có xuống, chỉ có bò mà không có gấu, vậy thì cơ hội của bạn nằm ở đâu?
Benjamin Franklin, nhà chính trị nổi tiếng nhất khi thành lập nước Mỹ, cũng từng nói, “Không chuẩn bị nghĩa là … BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHO VIỆC THẤT BẠI“. Virus Corona giống như một phép thử về chiến lược đầu tư của bạn, liệu chiến lược này có đủ khả năng chiến thắng thị trường trong dài hạn hay không? Và nếu có kịch bản tồi tệ nhất sẽ là gì? Liệu bạn có phương án dự phòng cho điều đó chưa?
Và khi bạn đã lập được kế hoạch cho điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, thì Bạn sẽ có sự bình tĩnh, an tâm mỗi ngày khi điều tồi tệ nhất chưa đến. Chỉ có bằng cách này, bạn mới không hoảng loạn nhảy cóc theo từng diễn biến xấu dần đi của thị trường nếu thực sự diễn biến của thị trường xấu đi.
Có một phương pháp của Benjamin Grahan miêu tả trong quyển sách nhà đầu tư thông minh. Đó là luôn luôn giữ vững tỷ lệ cân bằng giữa cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục. Tỷ lệ cổ phiếu tối thiểu trong danh mục là 25% và tối đa 75%. Trường hợp tương tự ngược lại với trái phiếu. Trong trường hợp như vậy, khi giá cổ phiếu giảm mạnh, bạn vẫn có một dòng tiền dư dả để mua thêm và tái cân bằng về mức cũ. Như vậy, bạn tiếp tục mua thêm cổ phiếu khi giá giảm và ngược lại, bán bớt ra để tái cân bằng danh mục khi Cổ phiếu tăng mạnh vượt tỷ lệ.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.