Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 02.12.2021 | Giải ngân đầu tư công tháng 11 tăng 14,7% so với tháng trước

Nhận định Thị trường hàng ngày 02/12/2021    83334

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 02/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• FED phát tín hiệu về việc có thể sớm tăng lãi suất cơ bản
– Trong cuộc họp chính sách hồi đầu tháng 11, Fed đã thông báo sẽ bắt đầu giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD đang được áp dụng từ tháng 3/2020 để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
– Tuy vậy, mới đây nhất ngày 30/11/2021, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed có thể sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm các nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng cao. Bên cạnh việc thu hẹp chương trình mua trái phiếu, giới phân tích nhận định Fed có thể sẽ sớm tăng lãi suất cơ bản.
– Phát biểu trong phiên điều trần chung với Bộ Tài chính trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, ông Jerome Powell cho rằng việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu có thể sẽ nhanh hơn mức 15 tỷ USD/tháng như dự kiến. Ông cho biết vấn đề này sẽ được thảo luận tại phiên họp chính sách của Fed trong tháng 12 này. Bên cạnh đó, vị chủ tịch bày tỏ: “Tại thời điểm này, nền kinh tế vẫn rất tốt và sức ép lạm phát cao. Do đó, quan điểm của tôi là cần xem xét đẩy nhanh việc thu hẹp chương trình mua tài sản, đã được chúng tôi thông báo trong cuộc họp tháng 11, sớm hơn một vài tháng”.
– Theo giới phân tích, một khi quyết định này được thông qua, Fed có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản vào bất kỳ thời điểm nào.
– Phát biểu trước phiên điều trần, người đứng đầu Fed nhận định các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất khó đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ, đặc biệt là đối với hàng hóa. Giá năng lượng và giá thuê nhà tăng cũng đang đẩy lạm phát lên cao. Hiện tại, tỷ lệ lạm phát đang “cao hơn” mục tiêu 2% mà Fed đề ra.
– Mặc dù Fed nhận định lạm phát sẽ giảm đáng kể khi tình trạng mất cân bằng cung cầu được cải thiện, song ông Powell thừa nhận “rất khó dự đoán” xu hướng. Lạm phát cao sẽ tạo gánh nặng đáng kể đối với người dân. Do đó, Fed cam kết thực hiện mục tiêu ổn định giá cả và sẽ sử dụng các công cụ cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường lao động cũng như ngăn chặn lạm phát tăng cao.

2. Thông tin Việt Nam

• PMI tháng 11 trên 50 điểm, giá nguyên liệu sản xuất tăng nhanh nhất từ tháng 4/2021
– Mới đây nhất IHS Markit vừa công bố báo cáo cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11 tăng lên 52,2 điểm, cao hơn 52,1 điểm của tháng 10, cho thấy các điều kiện kinh doanh cải thiện tháng thứ hai, sau thời kỳ giảm 4 tháng liên tiếp do làn sóng dịch Covid-19.
– Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ nhanh và mạnh nhất kể từ tháng 4 vừa qua. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn duy trì đà tăng, nhưng ghi nhận mức tăng khiêm tốn khi Covid-19 tiếp tục kìm hãm thương mại quốc tế.
– Nguyên nhân là do số lượng đơn đặt hàng mới tăng và mức độ hạn chế do dịch bệnh đã cải thiện so với thời gian trước trong năm đã giúp các nhà sản xuất tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 11.
– Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đã làm hoạt động sản xuất bị thu hẹp. Một số nhà sản xuất cho biết người lao động lo lắng về dịch Covid-19, do đó ngần ngại không muốn trở lại làm việc. Kết quả là doanh nghiệp khó tăng được năng suất trong khi khối lượng công việc gia tăng, dẫn đến lượng cộng việc tồn đọng đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp.
– Có thể thấy những lo lắng về đại dịch cũng làm ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà sản xuất và ghi nhận tâm lý kinh doanh tháng 11 đã giảm so với tháng trước. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới nhờ triển vọng về tỷ lệ tiêm phủ vaccine Covid-19 cho người dân.
• Giải ngân đầu tư công tháng 11 tăng 14,7% so với tháng trước
– Báo cáo mới nhất từ Tổng cục thống kê cho biết vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11/2021 ước đạt 48,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng 10/2021. Ước tính thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý của TP Hồ Chí Minh là 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,5 lần so với tháng 10. Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng mạnh cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.
– Tuy vậy, so với cùng kỳ năm trước, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước giảm 12,9%, bao gồm: vốn trung ương quản lý 8 nghìn tỷ đồng, giảm 18,8%; vốn địa phương quản lý 40,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,6%.
– Như vậy, tính chung 11 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 367,7 nghìn tỷ đồng, bằng 73,8% kế hoạch năm và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
– Tính theo năm ngân sách thì chỉ còn 2 tháng nữa để giải ngân nguồn vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021, trong khi đó vẫn còn 1 lượng vốn khá lớn cần giải ngân (khoảng 166.711 tỷ đồng)
– Thúc đẩy thực hiện giải ngân trong những tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Phía Bộ Tài chính cũng đang kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư công.
– Trước sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo nhà nước, cùng với các bộ, ngành, địa phương, tình hình giải ngân của cả nước đang được mong đợi sẽ khởi sắc và tỷ lệ giải ngân sẽ đạt cao khi kết thúc năm ngân sách.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

– VN-Index có phiên giao dịch phân hóa khá mạnh mẽ giữa các nhóm ngành. Phiên sáng được tóm gọn với những diễn biến giằng co, khi mà chỉ số VN-Index liên tục tăng giảm trong biên độ hẹp quanh mức điểm tham chiếu của ngày. Trong đó, các cổ phiếu ngân hàng là nhân tố chính quyết định hướng đi của thị trường. Đầu phiên giao dịch chiều, tình hình giao dịch của VN-Index cũng không có gì quá khác biệt so với phiên sáng. Chỉ sau khoảng 2h chiều, với sự đảo chiều của các cổ phiếu ngân hàng, VN-Index đã kịp quay đầu tăng trở lại để kết thúc phiên ngày với 6,75 điểm tăng. VN-Index tạm dừng chân ở mốc điểm 1.485,19 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, NVL, TPB, VIC và HDB là các cổ phiếu có đóng góp lớn nhất cho VN-Index, tổng cộng hơn 4 điểm tăng. Ở chiều ngược lại, riêng cổ phiếu VHM đã kéo thị trường đi xuống gần 2 điểm.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị tăng 76% so với phiên trước đó và ở mức 1.075 tỷ đồng. Tính chung cả 6 phiên, dòng vốn này bán ròng gần 5.000 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh hai cổ phiếu họ “Vin” là VHM với 165 tỷ đồng và VIC 121 tỷ đồng. MSN đứng sau với giá trị 119 tỷ đồng. Trong khi đó, CTG được mua ròng mạnh nhất với 68 tỷ đồng. Đứng sau đó là DCM nhưng giá trị mua ròng chỉ là 20 tỷ đồng.
– Nhóm ngân hàng có sự hồi phục mạnh mẽ khi tiến gần về cuối phiên, với nhiều mã cổ phiếu ngân hàng đảo chiều từ sắc đỏ sang sắc xanh. Đà tăng mạnh nhất trong nhóm ngân hàng đến từ cổ phiếu TPB, khi kết thúc phiên giao dịch với mức tăng kịch trần. Cổ phiếu MSB, MBB, TCB, HDB hay STB đều đồng loạt tăng mạnh, trung bình khoảng 2%.
– Nhóm dầu khí hôm nay cũng có phiên giao dịch tích cực khi sắc xanh phủ khắp nhóm này, chỉ vài ba mã giảm giá. Trong khi đó, nhóm chứng khoán, thép vẫn gặp áp lực lớn khi đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.
– Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn nhất là ngân hàng có sự bứt phá rất tốt là lực đỡ chính giúp VN-Index đóng cửa tăng điểm. Điểm trừ của phiên tăng điểm hôm nay, giống như các phiên trong tháng 11 chính là thanh khoản. Sự sụt giảm về thanh khoản trong phiên tăng điểm cho thấy chủ yếu nhờ lực cung giá thấp được tiết giảm, cùng sự hỗ trợ của một nhóm trụ là ngân hàng, chứ không phải từ lực cầu.
– Vùng hỗ trợ gần 1.465-1.470 điểm đã cho phản ứng sớm, giúp chỉ số lấy lại trạng thái cân bằng hơn sau áp lực bán vài phiên gần đây. Mặc dù vậy, đà tăng điểm chỉ tập trung ở một vài nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn cùng với sự sụt giảm về thanh khoản cho thấy khả năng thị trường sẽ còn trải qua diễn biến giằng co điều chỉnh để tạo nền giá ổn định hơn.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• CTG: Cổ đông VietinBank chuẩn bị nhận cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 8%
– Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) vừa công bố thông tin Nghị quyết Hội đồng Quản trị về việc trả cổ tức năm 2020 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 8%/cổ phiếu (01 cổ phiếu được nhận 800 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 15/12/2021. Ngày thực hiện dự kiến là 17/1/2022.
– Từ đầu năm đến nay, VietinBank đã có 2 lần trả cổ tức. Lần thứ nhất trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5%, thực hiện vào ngày 30/12/2020. Đầu tháng 7/2021, VietinBank tiếp tục phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ gần 29%.
• HPG chính thức xây dựng nhà máy sản xất hàng gia dụng tại Hà Nam với công suất 1 triệu sản phẩm/năm
– Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) thông tin vào ngày ngày 30/11, Công ty cổ phần Điện máy gia dụng Hòa Phát – đơn vị thành viên đã tổ chức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất hàng gia dụng đầu tiên tại Khu công nghiệp Hòa Mạc, tỉnh Hà Nam.
– Theo kế hoạch, nhà máy có quy mô diện tích hơn 14 ha, sẽ hoàn thành xây dựng trong khoảng 5 tháng. Sản phẩm của nhà máy bao gồm máy làm mát không khí, máy lọc nước và máy lọc không khí. Công suất các mặt hàng trong khoảng 1 triệu sản phẩm/năm. Điện máy gia dụng Hòa Phát xác định đầu tư dây chuyền hiện đại, bài bản ngay từ đầu nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, kiểu dáng hiện đại, đa dạng và giá thành cạnh tranh.
– Trước đó, tập đoàn đã thành lập Tổng công ty Điện máy gia dụng Hòa Phát và xác định đầu tư lớn, bài bản vào ngành hàng điện máy gia dụng trên nền tảng thâm niên 20 năm phát triển ngành hàng điện lạnh. Đây là bước đi nhằm đón đầu làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt nam. Điện máy gia dụng Hòa Phát đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất Việt Nam với doanh thu 1 tỷ USD từ mảng này vào năm 2030.
– Song song triển khai nhanh chóng các nhà máy mới, Hòa Phát ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển các sản phẩm điện lạnh, hàng gia dụng chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để hướng mạnh ra xuất khẩu.
• Vicostone chốt quyền nhận cổ tức đợt 2/2021 tỷ lệ 20% bằng tiền
– HĐQT Vicostone (HNX: VCS) vừa thông qua tạm ứng cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền với tỷ lệ 20% (1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng). Với 160 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền dự chi đợt này là 320 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 10/12 và thời gian thanh toán dự kiến 24/12.
– Trong năm 2021, Vicostone lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 6.797 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế 1.919 tỷ đồng, tăng 15%. Nếu thực hiện được kế hoạch này, doanh nghiệp sẽ duy trì đà tăng trưởng 9 năm liên tiếp. Riêng công ty mẹ mục tiêu đạt 6.511 tỷ đồng doanh thu và 1.790 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 18% và 12% so với thực hiện 2020.
– Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần tăng 30% lên hơn 5.206 tỷ đồng và tương đương 76% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.542 tỷ đồng, tăng 37%, thực hiện 80% mục tiêu cả năm. Lãi sau thuế tăng 35%, ở mức hơn 1.304 tỷ đồng.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall