Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.12.2021 | Dòng bank đỏ lửa, VN-Index đảo chiều giảm điểm

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/12/2021    83059

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/12/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Chủ tịch Fed: Lạm phát kéo dài hơn dự báo, Omicron làm xấu triển vọng kinh tế
– Trong nội dung chuẩn bị trước cho phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 30/11, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết rằng rất khó để dự báo sự tồn tại và ảnh hưởng của các yếu tố cản trở nguồn cung nhưng có vẻ chúng sẽ đẩy lạm phát tăng lâu hơn sang năm sau, kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh lên và thị trường lao động cải thiện. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 gần đây cùng sự xuất hiện biến chủng mới Omicron có thể tạo ra rủi ro giảm với việc làm và hoạt động kinh tế, gia tăng bất ổn về lạm phát.
– Fed tháng 11 bắt đầu giảm hỗ trợ kinh tế Mỹ bằng cách siết dần chương trình mua tài sản 120 tỷ USD/tháng với tiến độ sẽ hoàn tất vào tháng 6/2022.
– Với lạm phát ghi nhận mức tăng hơn 2 lần so với mục tiêu 2%, giới chức Fed ngày càng sẵn sàng tăng tốc siết hỗ trợ, thậm chí tăng lãi suất sớm hơn nếu cần. Fed cam kết giữ mục tiêu ổn định giá và sẽ sử dụng các công cụ để hỗ trợ nền kinh tế cũng như thị trường lao động nhằm ngăn lạm phát tăng cao, kéo dài.

2. Thông tin Việt Nam

• Số dự án FDI cấp mới giảm gần 32% trong 11 tháng
– Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần vào Việt Nam tính từ đầu năm đến ngày 20/11, ước đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước.
– Trong đó, số dự án cấp mới đạt 1.577 với giá trị ước đạt 14,06 tỷ USD, giảm gần 32% về số dự án nhưng lại tăng gần 4% về số vốn so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được gần một nửa số vốn FDI đăng ký cấp mới, số còn lại ghi nhận ở các ngành như sản xuất, phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí và những ngành khác.
– Singapore là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm gần 1/4 tổng vốn FDI đăng ký cấp mới trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, trong 11 tháng vừa qua.
– Số dự án cấp mới giảm về số lượng nhưng tăng lại tăng về mức vốn, cho thấy lực hút FDI của Việt Nam vẫn đang rất tốt, tuy nhiên tiêu chuẩn để được phê duyệt của các dự án ngày càng gắt gao hơn, điều này tạo nên sức ép cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

• Kỳ vọng cuối năm cho Xuất khẩu Gạo
– Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tháng 10, xuất khẩu gạo đạt 618.162 tấn, trị giá 321,941 triệu USD, tăng 4,1% lượng và tăng 9,8% về giá trị. Cộng dồn 10 tháng đạt trên 5,183 triệu tấn, trị giá 2,738 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 3,7% về giá trị.
– Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng cuối năm sẽ gia tăng mạnh nhất nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường chính như: Philippines, Trung Quốc, EU… để phục vụ cho tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán ở một số quốc gia. Trong điều kiện các hoạt động sản xuất, logistics đã được khơi thông trở lại thì sự bứt phá của các doanh nghiệp sẽ mang lại hy vọng đạt được mục tiêu xuất khẩu cả năm 2021.
– Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhiều thị trường đã bổ sung thêm những quy định mới về yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu, trong đó có gạo. Ðáng chú ý là thị trường trọng điểm Trung Quốc với Lệnh 248, 249 về vấn đề đăng ký và quy định an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Trong khi đó, đối với thị trường EU, theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn/năm, nhưng nếu chất lượng gạo tốt thì con số này hoàn toàn có khả năng sẽ tăng lên, vì nhu cầu nhập khẩu gạo của EU hiện lên đến 2,3 triệu tấn/năm với trị giá 1,4 tỷ euro.
– Nhiều ý kiến dự báo số lượng gạo xuất khẩu năm 2021 có thể không đạt mức 6,5 triệu tấn như kỳ vọng từ đầu năm nhưng có thể đạt mức 6- 6,2 triệu tấn.
– Gạo là một trong những nông sản chính Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng đây cũng là mặt hàng chịu sự cạnh tranh cao từ các quốc gia khác và từ chính sản phẩm của Trung Quốc. Việc Trung Quốc đưa ra các tiêu chuẩn, quy định nghiêm ngặt hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói… chắc chắn sẽ là thách thức nếu doanh nghiệp muốn duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

• Giá than giảm 59% từ đỉnh nhưng chưa đạt kỳ vọng của Trung Quốc
– Cuộc khủng hoảng thiếu than của Trung Quốc được giải quyết vì cả sản lượng và nguồn than dự trữ đều tăng để đảm bảo cho mùa đông lạnh giá năm nay.
– Tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết lượng than dự trữ tại các nhà máy điện là 147 triệu tấn và có thể cao kỷ lục vào cuối tháng 11. Bên cạnh đó, sản lượng hiện tại là 12 triệu tấn/ngày trong khi tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn/ngày. Lượng than Trung Quốc nhập khẩu cũng cao trong những tháng gần đây. Trong tháng 11, nước này mua 22,64 triệu tấn, cao hơn 900.000 tấn so với tháng 10 và gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá mặt hàng này vẫn ở mức cao. Cụ thể, than trong hợp đồng tương lai trên sàn Trịnh Châu ngày 29/11 ở mức 821,2 nhân dân tệ/tấn.
– Tuy giá nhiên liệu này đã giảm 59% so với kỷ lục 1.982 nhân dân tệ/tấn ghi nhận ngày 19/10 nhưng vẫn cao hơn kỳ vọng 550-600 nhân dân tệ/tấn của chính phủ Trung Quốc. Mùa đông năm ngoái, giá than cao nhất cũng chỉ trên 600 nhân dân tệ/tấn.
– Theo Reuters, nếu sản xuất tiếp tục được duy trì và nhà chức trách Trung Quốc vẫn can thiệp thị trường, giá than sẽ xuống thấp hơn.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Dòng bank đỏ lửa, VN-Index đảo chiều giảm điểm
– Sau phiên sáng chinh phục thành công ngưỡng 1.500 điểm với dòng tiền tích cực hướng đến nhiều nhóm ngành và tạo gap 8 điểm. Cổ phiếu ngân hàng quay lại đóng vai trò dẫn dắt cho đà tăng của VN-Index giúp chỉ số giữ vững sắc xanh trong suốt phiên sáng. Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, áp lực bán lớn từ nhóm ngân hàng đã khiến thị trường quay đầu giảm trở lại về dưới mức tham chiếu. Kết phiên, VN-Index giảm 6,4 điểm, về mức 1.478,44 điểm.
– Về mức độ ảnh hưởng, VCB là cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất đến chỉ số VN-Index khi lấy đi hơn 2 điểm của chỉ số này. Theo sau VCB là các mã MSN, CTG, VPB. Ở chiều ngược lại, GVR, HPG và GEX là những mã có đóng góp tích cực nhất đến chỉ số.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 610 tỷ đồng, tăng 74% so với phiên trước. Dòng vốn ngoại sàn này bán ròng 5 phiên liên tiếp với tổng giá trị 4.986 tỷ đồng. HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 119,4 tỷ đồng. SSI, MSN và VIC đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với 125 tỷ đồng. VND và VCI được mua ròng lần lượt 80 tỷ đồng và 49 tỷ đồng.
– Cổ phiếu ngành ngân hàng có khoảng thời gian đầu phiên giao dịch hết sức tích cực. Tuy nhiên, lực bán tăng cao đã khiến nhóm cổ phiếu này quay đầu giảm mạnh. Các cổ phiếu như VCB, MBB, ACB, CTG và VIB đồng loạt giảm trung bình từ 2-3%.
– Ngành xây dựng cũng có phiên giao dịch tích cực với hầu hết các mã trong nhóm cùng hiện sắc xanh. Tiêu biểu trong đó là cổ phiếu CTD, khi kết phiên với mức giá trần. Các mã khác như VCG cũng tăng hơn 6%, BCG tăng 3%, REE và HTN cùng tăng hơn 2%.
– VN-Index tiếp tục thất bại khi thử thách lại vùng tâm lý 1.500 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước, cho thấy áp lực chốt lời có động thái gia tăng trở lại. Điều này cho thấy diễn biến chung của thị trường vẫn đang có sự thận trọng nhất định.
– VN-Index có thể sẽ tiếp tục nhịp điều chỉnh và kiểm định lại ngưỡng hỗ trợ 1.465-1.470 điểm. Đồng thời, thị trường có dấu hiệu bước vào giai đoạn tích lũy cho nên các chỉ số có thể sẽ biến động hẹp và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Trong khoản thời gian này, chúng ta cần đánh giá và xem xét một số cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến thị trường như nhóm VIC, VNM hoặc nhóm Ngân hàng.
– Rủi ro ngắn hạn cũng có dấu hiệu gia tăng dần cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn cần chậm lại và đánh giá trạng thái thị trường cũng như từng cổ phiếu trong danh mục. Đồng thời cũng nên giữ danh mục ở mức cân bằng, để tránh rủi ro bất ngờ.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• NVL trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 31%
– CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) vừa thông báo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế ghi nhận trên BCTC kiểm toán hợp nhất và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận trên BCTC công ty mẹ tại quý IV/2020.
– Ngày 27/12 tới đây, Novaland sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, tập đoàn dự kiến phát hành thêm gần 457 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 100:31 (tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 31 cổ phiếu trả cổ tức). Số cổ phiếu phát hành sẽ được làm tròn xuống hàng đơn vị, phần lẻ thập phân sẽ bị hủy bỏ. Tổng giá trị phát hành tính theo mệnh giá là gần 4.570 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành, vốn điều lệ của Novaland dự kiến sẽ tăng lên khoảng 19.304 tỷ đồng.
– Theo BCTC quý III, Novaland ghi nhận hơn 2.549 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tổng doanh thu hợp nhất bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt gần 10.362 tỷ đồng, tăng gần 159% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 9.282 tỷ đồng (tăng 230% so với cùng kỳ năm ngoái) chủ yếu được ghi nhận từ việc bàn giao các dự án như Saigon Royal, Aqua City, NovaHills Mui Ne, Victoria Village, NovaWorld Ho Tram, NovaWorld Phan Thiet; doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt 1.080 tỷ đồng.
– Giá trị vốn hóa của Novaland tại ngày 30/10 đạt hơn 161.000 tỷ đồng (khoảng hơn 7 tỷ USD), Novaland hiện đang là tập đoàn bất động sản có giá trị vốn hóa đứng thứ hai trên thị trường. Mới đây, doanh nghiệp đã được vinh danh tại Top 1 Nhà phát triển và đầu tư bất động sản xuất sắc năm 2021 do Nhịp cầu đầu tư tổ chức và Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2021 do Forbes bình chọn.
• Vingroup đang đàm phán huy động tới 1 tỷ USD cho VinFast
– Theo thông tin từ Reuters, Vingroup đang đàm phán với các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Qatar QIA và BlackRock, để huy động lên tới 1 tỷ USD thông qua vốn cổ phần cho VinFast, trong bối cảnh VinFast đang tiến vào thị trường Mỹ với các dòng xe điện VF e35 và VF e36. QIA quản lý tài sản 300 tỷ USD, đang đa dạng hóa danh mục đầu tư từ thị trường châu Âu, Mỹ cho đến châu Á. Black Rock là quỹ quản lý tài sản lớn nhất thế giới.
– Theo các nguồn tin, Vingroup thảo luận về huy động vốn trước khi kịch bản VinFast niêm yết tại Mỹ có thể xảy ra sớm nhất vào đầu năm 2022. Vingroup có thể hoàn tất huy động vốn sớm nhất trong tháng 12. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang đàm phán với các quỹ tư nhân toàn cầu. Hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng VinFast vẫn đang theo đuổi kế hoạch trước đó là niêm yết thông qua một công ty mua lại với mục đích đặc biệt (SPAC) hoặc niêm yết độc lập.
– Nếu thành công, đây sẽ là đợt huy động vốn cổ phần lớn nhất của Việt Nam, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư đối với Đông Nam Á – khu vực có những “gã khổng lồ” gọi xe và giao hàng như Grab, GoTo đã huy động được hàng tỷ USD. Đợt huy động vốn còn cho thấy các dự án xe điện vẫn có sức hút lớn với nhà đầu tư.

——–
Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT
Hội tụ trí tuệ – Lan tỏa thành công
📅 Lịch phát sóng các chương trình của Trung tâm TVĐT:
Thứ 2, 15h: La Bàn Đầu tư – điểm lại tin tức vĩ mô & các kênh Tài sản trong tuần.
Thứ 4, 15h30: Tọa đàm đầu tư – cập nhật về Ngành, Mã có câu chuyện đầu tư, đáng chú ý- Chương trình dành riêng cho Khách hàng của VNDIRECT

Thứ 5, 15h30: Cổ phiếu 360 – Nhận định về một mã cổ phiếu ở 2 góc nhìn Tích cực & Tiêu cực
Thứ 7, 9h (2 tuần/ lần) : Đối thoại với PM – Mời Khách mời là PM hoặc các chuyên gia trong Ngành để trao đổi, thảo luận về quan điểm, chiến lược đầu tư.
————
Các chương trình của chúng tôi được phát sóng trên:
🌎 Website: https://www.vndirect.com.vn/
🌎 Fanpage Vndirect Securities Corporation : https://www.facebook.com/vndirect
📺 Youtube: https://www.youtube.com/vndirectdinsightsbantronchuyengia
#Dcall