Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.09.2021 | Lạm phát của Eurozone tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/09/2021    44498

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/09/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Sản xuất giảm tốc, kinh tế Trung Quốc chịu áp lực
– Nền kinh tế số hai thế giới có đợt phục hồi ấn tượng sau đợt suy giảm vì Covid-19 nhưng đà tăng trưởng gần đây dần chững lại do những đợt bùng phát dịch mới. Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ hoạt động xuất khẩu giảm tốc, các biện pháp mạnh tay để kìm giá bất động sản và chiến dịch giảm ô nhiễm carbon.
– Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8 là 50,1 điểm, giảm so với mức 50,4 điểm của tháng 7, theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) hôm nay. Dự báo từ giới phân tích đưa ra trước đó là 50,2 điểm.
– “Khảo sát gần nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc thu hẹp trong tháng 8 do các gián đoạn liên quan Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến hoạt động dịch vụ. Ngành công nghiệp tiếp tục chật vật vì nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng gia tăng, lực cầu suy yếu”, Julian Evans-Pritchard, kinh tế gia cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics, nói.
– Phần lớn những bất lợi sẽ đảo chiều khi các hạn chế liên quan Covid-19 nới lỏng nhưng điều kiện tín dụng thắt chặt cùng lực cầu yếu từ bên ngoài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Trung Quốc, Evans-Pritchard bổ sung. Một tín hiệu đáng lo nữa về đà phục hồi tiêu dùng chậm của Trung Quốc là PMI dịch vụ tháng 8 giảm sâu nhất kể từ đỉnh dịch Covid-19 hồi tháng 2/2020. PMI phi sản xuất chỉ đạt 47,5 điểm, thấp hơn nhiều so với mức 53,3 điểm của tháng 7, theo NBS.
– Đợt bùng phát Covid-19 gần đây của Trung Quốc dường như đã được kiểm soát khi nước này không ghi nhận thêm ca nhiễm mới cộng đồng ngày 30/8, ngày thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, nhà chức trách nhiều khu vực vẫn áp những biện pháp như xét nghiệm hàng loạt cho hàng triệu người và hạn chế đi lại các mức độ khác nhau, đóng cửa cảng.
• Lạm phát của Eurozone tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua
– Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) tiếp tục tăng lên trong tháng Tám, giữa lúc một cuộc họp quan trọng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ diễn ra sau hơn một tuần nữa. Theo ước tính sơ bộ được công bố ngày 31/8, giá tiêu dùng ở Eurozone trong tháng Tám đã tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,2% trong tháng Bảy.
– Số liệu trên được đưa ra sau khi Đức ngày 30/8 cho biết giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008, với tỷ lệ lạm phát toàn phần đạt 3,4% trong tháng Tám. Pháp ngày 31/8 cũng ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong gần ba năm qua.
– Dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 9/9, ECB được dự đoán sẽ thảo luận về tương lai của chương trình mua tài sản, khi hội đồng thống đốc của ngân hàng này đang có những quan điểm khác nhau về thời điểm bắt đầu nới lỏng các biện pháp kích thích. Số liệu lạm phát gia tăng trong tháng Tám nói trên có thể sẽ gây áp lực lên ECB, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc cắt giảm các biện pháp kích thích kinh tế trước cuối năm nay.
– ECB đặt mục tiêu lạm phát toàn phần ở mức 2% trong trung hạn. ECB hiện dự đoán lạm phát của Eurozone sẽ đạt 1,9% trong năm nay do các yếu tố mà ECB cho là mang tính tạm thời. Cũng theo dự báo của ECB, lạm phát của khu vực này sẽ giảm xuống các mức lần lượt là 1,5% và 1,4% trong năm 2022 và 2023.

2. Thông tin Việt Nam

• 8 tháng đầu năm, ngân sách thặng dư 83 nghìn tỷ đồng
– Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 8/2021 ước tính đạt 21,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2021 đạt 947,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán năm.
– Ở chiều chi ngân sách, chi 15 ngày tháng 8/2021 ước tính đạt 53,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2021 đạt 864,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51,2% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 614,7 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3%; chi đầu tư phát triển 177,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2%; chi trả nợ lãi 67,3 nghìn tỷ đồng, bằng 61,2%. Như vậy, ngân sách vẫn duy trì thặng dư khoảng 83 nghìn tỷ đồng sau 8 tháng 2021.
– Tổng cục Thống kê đánh giá “dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả thu ngân sách Nhà nước. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng”.
– Cũng theo Tổng cục Thống kê, một số khoản thu chính vẫn đạt được tiến độ thu khá. Cụ thể, thu nội địa trong 15 ngày đầu tháng 8/2021 đạt 13,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15/8/2021 đạt 770,9 nghìn tỷ đồng, bằng 68% dự toán năm. Trong đó, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 97,3 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6%. Thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không kể dầu thô đạt 136,6 nghìn tỷ đồng, bằng 68,6%. Thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 168,4 nghìn tỷ đồng, bằng 70,9%. Thu thuế thu nhập cá nhân 85,2 nghìn tỷ đồng, bằng 79%. Thu thuế bảo vệ môi trường 36,9 nghìn tỷ đồng, bằng 57,3%. Thu tiền sử dụng đất 93,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2%. Thu từ dầu thô trong 15 ngày đầu tháng 8/2021 đạt 999 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15/8/2021 đạt 23,4 nghìn tỷ đồng, bằng 101,1% dự toán năm. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 8/2021 đạt 6,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15/8/2021 đạt 152,1 nghìn tỷ đồng, bằng 85,2% dự toán năm.
– Tại TP. HCM, dù dịch tiếp tục bùng phát khó kiểm soát, tuy nhiên, “đầu tàu” kinh tế vẫn tiếp tục trụ vững. Theo Cục Thống kê TP. HCM, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước trên địa thành phố lũy kế 08 tháng đầu năm 2021 ước thực hiện 255.687 tỷ đồng, đạt 70,1% dự toán và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 165.682 tỷ đồng, đạt 66,7% dự toán, chiếm 64,8% tổng thu cân đối và tăng 12,6% so với cùng kỳ. Thu dầu thô ước thực hiện 9.245 tỷ đồng, vượt 8,1% so dự toán, chiếm 3,6% tổng thu cân đối và tăng 18% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 80.740 tỷ đồng, đạt 4,8% dự toán, chiếm 31,6% tổng thu cân đối và tăng 22,5% so với cùng kỳ.

3. Nhịp đập thị trường chứng khoán

• Kiểm định ngưỡng kháng cự 1.335-1.340 điểm
– Tiếp nối đà hưng phấn trước đó, VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 31/08/2021 trong sắc xanh tích cực. VN-Index tiếp tục giao động giằng co trên mốc tham chiếu với sự phân hóa của các cổ phiếu có vốn hóa lớn. Đến phiên chiều, thì áp lực bán gia tăng mạnh hơn đến từ nhóm Ngân hàng, khiến điểm số hạ nhiệt. Kết phiên, VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 3,33 điểm, tiến lên mức 1.331 điểm.
– Thanh khoản thị trường có phần cải thiện hơn phiên trước, đồng thời vượt lên trên mức trung bình 20 phiên gần nhất. Tuy nhiên chưa có sự khởi sắc mạnh, đặc biệt là thanh khoản ở nhóm cổ phiếu Bluechips vẫn tiếp tục suy giảm điều này cho thấy dòng tiền vẫn đang khá thận trọng ở thời điểm hiện tại.
– Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 phiên liên với giá trị giảm 51% so với phiên trước và ở mức 190 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 1.276 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch vừa qua.
– Nhóm cổ phiếu ngân hàng nhìn chung vẫn giao dịch khá tiêu cực và dự báo là tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong những phiên sắp tới. Ngược lại nhóm cổ phiếu Midcap vẫn hút được dòng tiền và duy trì đà tăng giá khá tốt như Bất động sản, Bất động sản khu công nghiệp.
– Mặc dù có hai phiên đầu tuần tăng liên tiếp nhưng VN-Index vẫn chưa thể vượt qua được vùng kháng cự trong khoảng 1.335 – 1.340 điểm nên thị trường hiện tại vẫn đang trong sóng điều chỉnh ngắn hạn. Ngưỡng kháng cự gần nhất của VN-Index nằm quanh vùng 1.335 – 1.340 điểm, cần quan sát thêm diễn biến giao dịch tại vùng này để xác định xu hướng tiếp theo của chỉ số.

4. Tin doanh nghiệp niêm yết

• Kido (KDC): Sắp tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, trình kế hoạch chia thưởng gần 23 triệu cổ phiếu quỹ cho cổ đông
– Tập đoàn Kido (KDC) vừa thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến trình cổ đông phương án chào bán gần 23 triệu cổ phiếu, chia cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu hiện hành. Tỷ lệ thực hiện quyền 10:1, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 quyền nhận thêm cổ phiếu. Cứ 10 quyền nhận thì được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Nguồn vốn lấy từ thặng dư vốn cổ phần để làm nguồn vốn chia cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo BCTC hợp nhất năm 2020.
– Ghi nhận, một số doanh nghiệp gần đây cũng đã lựa chọn hình thức này để chia thưởng cho cổ đông như Vicostone, Vinaconex… Quyết định này sẽ không điều chỉnh giảm giá cổ phiếu tham chiếu tại ngày chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng.
– Được biết, KDC năm 2021 đề ra rất nhiều kế hoạch lớn, bao gồm ra mắt chuỗi Chuk Chuk, các sản phẩm mang thương hiệu Vibev trong liên kết với Vinamilk. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đang trì hoãn hành động của KDC.
– Năm nay, KDC cũng chuyển đổi mô hình kinh doanh, theo hướng KDC sẽ đảm nhận việc thực hiện phân phối, bán sản phẩm dầu ăn, kem, bánh kẹo, cà phê và các sản phẩm thiết yếu khác ra thị trường qua tất cả các kênh bán hàng trong ngoài nước.
– Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, KDC ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước, thực hiện 42,6% kế hoạch năm. Trong đó: doanh thu thuần ngành dầu ăn tăng 36%, chiếm tỷ trọng 83% tổng doanh thu và ngành hàng thực phẩm tăng 22%, chiếm 17% tổng doanh thu. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế KDC đạt 351 tỷ đồng, tăng mạnh 163% so với cùng kỳ năm trước.

• HDBank muốn phát hành 40 triệu cổ phiếu ESOP
– HDBank (HoSE: HDB) trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ từ phát hành 40 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên ngân hàng (ESOP). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 và 2022. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định.
– Việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nhân viên trong thời gian qua, đồng thời khích lệ tinh thần làm việc và sự gắn bó lâu dài của người lao động.
– Vừa qua, HDBank đã chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu vào ngày 27/8 với tỷ lệ tỷ lệ 25%. Ngân hàng dự kiến sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 3.984 tỷ đồng lên gần 20.073 tỷ đồng.
– Nửa đầu năm, ngân hàng lãi trước thuế 4.193 tỷ đồng, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2020 và thực hiện 58% kế hoạch năm. Hiệu quả quản trị và hiệu suất sinh lời được nâng cao với lãi ròng trên vốn chủ sở hữu (ROAE) tăng mạnh từ 21,6% lên 25,6%. Lãi ròng trên tổng tài sản (ROA) tăng từ 2,0% lên 2,1%. Hệ số chi phí trên thu nhập hoạt động kiểm soát ở mức 39,4%, tốt hơn cùng kỳ năm trước.
– Tại 30/6, tổng tài sản ở mức 330.991 tỷ đồng. Dư nợ đạt hơn 199.163 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ 0,8%, thuộc nhóm ngân hàng có nợ xấu thấp nhất.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

Tham khảo thêm Youtube VNDIRECT | DINSIGHTS để cập nhật thông tin qua góc nhìn chuyên gia về các vấn đề tâm điểm trên thị trường tài chính chứng khoán, theo dõi phân tích và nhận định cổ phiếu hàng tuần: https://www.youtube.com/c/vndirectdinsightsbantronchuyengia

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0