Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.09.2020 – Ngành thép nửa cuối năm: Hưởng lợi từ đầu tư công và nhu cầu từ Trung Quốc

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/09/2020    683

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Ngành thép nửa cuối năm: Hưởng lợi từ đầu tư công và nhu cầu từ Trung Quốc

1. Vĩ mô Quốc tế

Trung Quốc áp quy định mới về xuất khẩu công nghệ, ngăn ByteDance bán lại TikTok cho Mỹ

Ngày 28/08, các bộ phụ trách thương mại, khoa học và công nghệ Trung Quốc đã đưa ra các ràng buộc mới, trong đó bao gồm các mảng như điện toán và công nghệ xử lý dữ liệu – như phân tích văn bản, khuyến nghị nội dung, nhận dạng giọng nói… Các công nghệ trong danh sách không được phép xuất khẩu mà không có giấy phép từ các cơ quan thương mại địa phương.

Các biện pháp giới hạn mới có thể gây khó khăn cho cuộc đàm phán giữa công ty ByteDance (Trung Quốc) và người mua tiềm năng, trong bối cảnh tổ chức sở hữu TikTok bị Nhà Trắng yêu cầu bán lại mảng hoạt động tại Mỹ hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh cấm.

Trong năm qua, Chính phủ Mỹ cũng áp giới hạn nghiêm ngặt với các công ty và cá nhân Trung Quốc mua công nghệ Mỹ. Hàng tá công ty và cá nhân bị thêm vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ kể từ tháng 10/2020. Theo đó, họ không được mua một số công nghệ mà không có giấy phép từ Chính phủ.

Thái Lan sẽ chi 770 triệu USD để cứu trợ các hãng hàng không giá rẻ nội địa

Chính phủ Thái Lan đã cam kết bơm 24 tỷ baht (hơn 770 triệu USD) dưới hình thức vay ưu đãi để giúp cứu trợ 7 hãng hàng không giá rẻ trong nước.

Cùng với cam kết cứu trợ, chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu các hãng hàng không này giữ lại 20.000 nhân viên trong suốt cuộc khủng hoảng COVID-19 để đổi lại.

Bộ Tài chính trước đó miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu máy bay và giảm mức giảm thuế tiêu thụ đặc biệt xuống 0,2 baht, nhưng việc cắt giảm sẽ hết hạn vào cuối tháng sau. Các chi phí khác được miễn hoặc giảm bao gồm phụ phí hàng không, phí hành khách, phí bãi đỗ và phí khởi hành quốc tế.

Chính phủ Thái Lan sẽ sớm tìm kiếm các giải pháp để hỗ trợ các công ty của họ, và thừa nhận rằng ngành hàng không, vốn đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc báo lãi giảm mạnh, nợ xấu tăng vọt

Trong báo cáo bán niên công bố vào ngày 30/08, Ngân hàng Công nghiệp & Thương mại Trung Quốc (ICBC – ngân hàng lớn nhất thế giới về tài sản), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB – ngân hàng lớn thứ hai thế giới), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC) và Ngân hàng Trung Quốc (BoC) đều ghi nhận lãi giảm ít nhất 10%. Khoản trích lập dự phòng nợ xấu tăng vọt trong phạm vi 27%-97% tại 4 ngân hàng lớn nhất.

Ngoài ra, các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng thiếu vốn trầm trọng và gánh nặng nợ xấu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chịu áp lực từ Chính phủ để cho vay các doanh nghiệp gặp khó khăn, các khoản cho vay tại 4 ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc tăng 7-10% trong 6 tháng đầu năm, dù nợ xấu tăng vọt.

Nhà đầu tư chưa bao giờ bi quan đến thế về triển vọng của các ngân hàng Trung Quốc. Cổ phiếu của 4 ngân hàng lớn này hiện có P/B ở mức 0.45 lần, thấp kỷ lục.

Nhật Bản đặt mua hơn nửa tỉ liều vaccine COVID-19, gấp 4 lần dân số

Theo hãng tin Reuters (Anh), giống như nhiều quốc gia giàu có khác, Nhật Bản đang ký kết hàng loạt thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19 đủ loại vì họ sợ một số loại vaccine có thể thất bại trong thử nghiệm lâm sàng hoặc đề phòng mỗi người dân có thể phải tiêm hơn một liều vaccine.

Tuy nhiên, ngoài việc bảo vệ sức khỏe cho người dân, Nhật Bản còn hướng tới mục tiêu khác khi triển khai tiêm vaccine đại trà. Đó là hàng nghìn vận động viên và người hâm mộ sẽ đến Tokyo tham dự Thế vận hội Olympic năm 2021, sau khi sự kiện này đã bị hoãn lại vào năm nay do đại dịch COVID-19.

Dự kiến, sẽ có khoảng 11.000 vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic năm 2021. Với số lượng đông đảo này, ngay cả khi có đủ lượng vaccine cần thiết, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với thách thức tiêm chủng cho các vận động viên và du khách quốc tế trước hoặc sau khi hạ cánh xuống Nhật Bản.

2. Vĩ mô trong nước

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3.5% so với tháng trước

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2020 tiếp tục đối mặt với khó khăn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng và lây lan sang một số địa phương trên cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2020 chỉ tăng 3.5% so với tháng trước và giảm 0.6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2.2%, là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, đồng thời bùng phát trở lại ở một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 7/2020 đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của sản xuất công nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu sớm mở lại đường bay thương mại với Nhật Bản, Hàn Quốc

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ xử lý ngay vấn đề mở lại đường bay thương mại giữa Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nơi có hệ số an toàn cao…,

Bên cạnh việc điều phối các chuyến bay đón công dân Việt Nam về nước, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh còn được giao tổ chức, điều phối để tạo thuận lợi đưa chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao nhập cảnh. Mọi chuyến bay đều phải có phương án cụ thể đảm bảo an toàn, kể cả cách ly phù hợp với từng nhóm người nhập cảnh.

Trước đó, Việt Nam đã dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước từ ngày 1/4. Thời gian vừa qua, một số hãng hàng không nước ngoài đã được khai thác lại các đường bay quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên chỉ chở hàng vào và chở khách từ Việt Nam đi.

Trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam sẽ làm việc với cơ quan hàng không Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Campuchia để lên kế hoạch vận chuyển.

Ước tính lượng khách từ nước ngoài nhập cảnh mỗi tuần trên các chuyến bay này khoảng 2.500 đến 3.000, ngoài ra còn có các chuyến bay Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm giải cứu công dân Việt Nam.

Ngành thép nửa cuối năm: Hưởng lợi từ đầu tư công và nhu cầu từ Trung Quốc

Thị trường thép trong các tháng tới sẽ theo chiều hướng tích cực. Lý do, sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được Chính phủ chi ra trong năm 2020, trong đó có 200.000 tỷ đồng sẽ chi cho các dự án hạ tầng lớn như: cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất… Một tín hiệu đáng mừng là kể từ tháng 7/2020 giải ngân đầu tư công đã cải thiện hơn.

Ước tính nhu cầu trong nửa cuối năm sẽ phục hồi và tăng 4-5% so với cùng kỳ do chính sách giãn cách xã hội được nới lỏng và gia tăng đầu tư công (ước tính chiếm khoảng 15% sản lượng tiêu thụ thép)

Ngoài ra, Việt Nam được hưởng lợi từ nhu cầu thép tiếp tục tăng mạnh ở Trung Quốc. Theo Hiệp hội quặng sắt và thép Trung Quốc, mức tiêu thụ thép của Trung Quốc ước tính tăng 40 triệu tấn, tương đương tăng khoảng 8% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2020, và 2% cho cả năm 2020.

Thống kê cho thấy trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thép của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đã tăng đáng kể, gần gấp 15 lần, lên 1,06 triệu tấn, khoảng 27% tổng sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Hiệp hội thép thế giới, nhu cầu thép toàn cầu dự kiến phục hồi 4% trong năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ cho kênh xuất khẩu của các công ty sản xuất của Việt Nam..