Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.07.2021 | VietinBank ước lãi 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/07/2021    22069

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/07/2021

1. Thông tin vĩ mô thế giới

• Nối tiếp G7, OECD lên kế hoạch nâng thuế các siêu doanh nghiệp toàn cầu
– Theo tờ Nikkei Asia, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lên kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số với khoảng 100 doanh nghiệp trên toàn cầu có doanh thu ít nhất 20 tỷ euro (23,9 tỷ USD) và 10% biên lợi nhuận, theo dự thảo mới đây nhất được gửi đến ước tính khoảng 140 nước và vùng lãnh thổ.
– Cuộc vận động đánh thuế toàn cầu là cách phản ứng với sự trỗi dậy của nhóm các doanh nghiệp công nghệ lớn trên toàn cầu như Google, Amazon, Facebook hay Apple. Thông thường, các doanh nghiệp phải chịu thuế ở nơi mà họ đặt nhà máy, cửa hàng hoặc các hoạt động vật lý khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ cung cấp dịch vụ của họ trên không gian số và không có sự hiện diện nhiều về mặt vật lý trên khắp thế giới. Việc đánh thuế với hoạt động của họ cho đến nay thực sự là thách thức.
– Vào đầu tháng 6, Bộ trưởng Tài chính các nước công nghiệp phát triển G7 đã đồng ý ủng hộ đánh thuế ngưỡng tối thiểu với dịch vụ kỹ thuật số. Động thái mới này nhắm đến khoảng 100 doanh nghiệp đa quốc gia. Kế hoạch này dự kiến sẽ áp dụng thuế doanh thu khoảng 20% với tất cả các lợi nhuận trên biên 10%.
– Việc phân phối các loại thuế như vậy cho đến nay chưa được tính toán chi tiết. Tuy nhiên nó sẽ còn phụ thuộc vào số lượng người dùng cụ thể và mức độ lợi nhuận tại mỗi thị trường.
– Thoản thuận đánh thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu của G7 cách đây 3 tuần được cho là đã khởi xướng cho kế hoạch đánh thuế các siêu doanh nghiệp toàn cầu này của OECD, khi vấn đề lách luật để trốn thuế của các doanh nghiệp toàn cầu gây ra không ít khó khăn cho việc truy thu thuế cho ngân sách của nhiều quốc gia.

• Malaysia bơm 36 tỷ USD “cấp cứu” nền kinh tế lao đao vì Covid-19
– Malaysia ngày 28/6 công bố một gói kích cầu trị giá 150 tỷ Ringgit, tương đương 36 tỷ USD, nhằm hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn khi nước này tiếp tục gia hạn lệnh phong toả toàn quốc để chống chọi với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng. Thủ tướng Muhyiddin Yassin cho biết, kế hoạch trên bao gồm 10 tỷ Ringgit hỗ trợ cho bộ phận dân số bị ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra, những người đề nghị xin giãn nợ 6 tháng sẽ được phê chuẩn ngay lập tức, bất kể mức thu nhập của họ là bao nhiêu.
– Gói kích cầu mới của Malaysia còn bao gồm miễn thuế dịch vụ cho các công ty khách sạn và giảm tiền điện cho tất cả các ngành nghề bị ảnh hưởng. Chính phủ sẽ cấp thêm vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp vi mô và mở rộng trợ cấp tiền lương.
– Đây là gói kích cầu thứ tư của Chính phủ Malaysia trong năm nay và được công bố chỉ một ngày sau khi ông Muhyiddin tuyên bố gia hạn lệnh phong toả toàn quốc kéo dài từ ngày 1/6. Gói kích cầu trước đó, có trị giá 40 tỷ Ringgit, tương đương 9,7 tỷ USD, được công bố vào hôm 31/5, một ngày trước thời điểm bắt đầu phong tỏa toàn quốc. Hiện tại, hệ thống y tế của Malaysia đang quá tải, trong khi tỷ lệ tiêm chủng ngừa Covid mới chỉ 6,4% dân số tiêm đủ 2 mũi tính tới ngày 27/6, cho thấy chính phủ Malaysia còn rất nhiều việc phải làm nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ 6 ở Đông Nam Á.
– Việc gia hạn phong toả sẽ gây ra thêm khó khăn cho nền kinh tế Malaysia. Đầu tháng này, Chính phủ Malaysia hạ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 về 6% từ mức 7,5% trước đó. Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Malaysia về 4,5% từ 6%.

2. Thông tin Việt Nam

• Chậm tiến độ, Bộ Giao thông vận tải “thúc” giải ngân hơn 26.000 tỷ đồng 6 tháng cuối năm
– Bộ Giao thông vận tải cho biết, ước tính đến 30/6 sẽ giải ngân được khoảng 17.311 tỷ đồng, tương đương 40% tổng số vốn được giao của cả năm. Tỷ lệ giải ngân cao nếu so với ước tính tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ và ngành trung ương đến hết tháng 6/2021 khi chỉ đạt 22,02%, trong đó, vốn trong nước 23,75%.
– Về kết quả giải ngân một số dự án trọng điểm lớn, Bộ Giao thông vận tải cho biết, 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc – Nam đã điều chuyển bổ sung 1.637 tỷ đồng nhằm đảm bảo đủ vốn triển khai 2 dự án mới chuyển sang đầu tư công – bao gồm dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đoạn Quốc lộ 45 – Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu.
– Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn, thực hiện điều chỉnh kế hoạch 3 đợt cho 11 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 3.130 tỷ đồng.
– Lý giải nguyên nhân tiến độ giải ngân dù cao hơn mặt bằng chung, nhưng theo kế hoạch vẫn chậm, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước cho các doanh nghiệp và địa phương, phần giải ngân cho khối lượng thi công chưa cao.
– Việc giải ngân cũng vẫn còn khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng của các dự án chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, ảnh hưởng tới tổ chức thi công, đặc biệt là đối với các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Ngoài ra, tình trạng thiếu nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án hiện hữu.
– Về kế hoạch giải ngân 6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cho hay, với kết quả giải ngân mới đạt được 40% kế hoạch, tương đương khoảng 17.311 tỷ đồng/43.401 tỷ đồng tổng số kế hoạch cả năm. Như vậy, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cần tiếp tục giải ngân 26.090 tỷ đồng gồm: 3.620 tỷ đồng vốn nước ngoài, 22.065 tỷ đồng vốn trong nước.

• Bất chấp Covid-19, số doanh nghiệp và vốn đăng ký mới đạt kỷ lục
– Theo Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 67,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 34,3% về vốn đăng ký.
– Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 67,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 942,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 484,3 nghìn lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả so vơi cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tăng 8,1%, tăng 34,3% về vốn đăng ký và giảm 4,5% về số lao động.
– Nếu tính cả 1.152,5 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 23,7 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 là 2.095,1 nghìn tỷ đồng.
– Từ đầu năm đến nay, 26,1 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 93,2 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có 15,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
– Hơn nữa, tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng được ghi nhận là mức cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, với 2.095.163 tỷ đồng.
– Như vậy, bình quân vốn đăng ký trên một doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 14,1 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, trong kỳ đã có 23.708 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn, với số vốn tăng thêm gần 1,2 triệu tỷ đồng.
– Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy hoạt động sản xuất – kinh doanh đang có cơ hội phục hồi tốt so với năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 bùng phát trở lại, diễn biến phức tạp, sự gia tăng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cho thấy nhiều cơ hội kinh doanh mới đã và sẽ xuất hiện, cũng như tiềm năng tích cực của thị trường Việt Nam.

3. Tin doanh nghiệp niêm yết

• VietinBank ước lãi 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm
– Tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG), Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ngân hàng ước đạt 13.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 8%.
– Trước đó, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 1/2021 đạt 8.060 tỷ đồng. Theo đó, ước tính lợi nhuận quý 2/2021 của ngân hàng đạt khoảng 5.000 tỷ, tăng khoảng 10% so với quý 2/2020.
– Ban lãnh đạo ngân hàng chia sẻ trong nửa đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng của VietinBank có sự cải thiện tích cực hơn so với cùng kỳ, dư nợ tín dụng tăng 4,8% so với đầu năm (cùng kỳ chỉ 1%) lên 1,06 triệu tỷ đồng.
– Tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2 của VietinBank ở mức 1,38%, khá thấp so với trung bình của ngành. Tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối quý 1 (khoảng 0,94%) do một số khoản nợ phải cơ cấu lại trong quý 2. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 110%. Dự kiến vào cuối năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 180%.
– Về huy động vốn, đến cuối tháng 6 đạt 1,2 triệu tỷ, tăng 3,4%. Tỷ trọng tiền gửi không tiền mặt (CASA) cải thiện. Tuy nhiên, TGĐ VietinBank cũng lưu ý CASA đang có dấu hiệu chững lại. “6 tháng cuối năm, công tác nguồn vốn là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung nguồn lực tăng trưởng nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn chi phí thấp”
– Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chính thức có quyết định chấp thuận việc VietinBank tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt của năm 2019.
– Theo phương án này, dự kiến trong quý III đến quý IV/2021, VietinBank sẽ phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 29,07%) để trả cổ tức. Qua đó, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng từ 37.234 tỷ đồng lên gần 48.058 tỷ đồng.

• Giá dầu tăng mạnh, doanh thu Lọc Hóa dầu Bình Sơn ước tăng 56% lên 49,483 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hơn 3,000 tỷ đồng
– CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa công bố số ước kết quả 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 49.483 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận 6 tháng ước đạt trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 5.451 tỷ. Trong kỳ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vận hành với 105% công suất, khối lượng tiêu thụ đạt 3,45 triệu tấn.
– Việc giá dầu thế giới đã quay trở về vùng đỉnh năm 2018, với hơn 70 USD/thùng, là yếu tố thúc đẩy hoạt động kinh doanh của BSR khởi sắc trở lại. Hơn nữa, giá dầu tiếp tục được dự báo tăng trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ xăng dầu toàn cầu đang hồi phục nhanh chóng nhờ các nền kinh tế mở cửa trở lại. Đây là cơ sở để kỳ vọng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (crack spread) của BSR tiếp tục cải thiện, yếu tố chính đóng góp vào lợi nhuận khả quan của doanh nghiệp.
– Năm 2021, BSR đặt mục tiêu sản lượng khoảng 6,5 triệu tấn, doanh thu 70.661 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 864 tỷ đồng. Kết thúc quý 1/2021, BSR đã vượt kế hoạch năm với lợi nhuận sau thuế hơn 1.848 tỷ đồng, và với kết quả ước tính 6 tháng, BSR dự kiến sẽ có 1 năm tăng trưởng vượt bậc sau giai đoạn kinh doanh khó khăn của năm 2020.

• Gemadept: Lợi nhuận 6 tháng ước tăng 38% lên 388 tỷ đồng, cảng nước sâu Gemalink dự hoạt động hết công suất ngay trong quý 3/2021
– Chia sẻ về ước tính tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm tại ĐHĐCĐ thường niên, đại diện Gemadept (GMD) cho biết doanh thu đạt 1.439 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và thực hiện 51% kế hoạch. Khấu trừ, lợi nhuận ước thu về 388 tỷ đồng, tăng 38% và đạt 55% kế hoạch.
– Tại đại hội, ông Đỗ Văn Nhân, Chủ tịch HĐQT cho hay mặc dù trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh, nhân công khan hiếm và giá vật tư xây dựng tăng nhưng cảng nước sâu Gemalink vẫn hoàn thành đúng tiến độ đề ra và chính thức đi vào hoạt động với chuyến tàu thương mại đầu tiên vào tháng 1. Trong quý I, sản lượng tại Gemalink ước đạt hơn 100.000 teus. Ước trong 6 tháng đầu năm, sản lượng Gemalink tiếp tục tăng, ước đạt 300.000-320.000 teus. Dự kiến cả năm sản lượng tại Gemalink có thể đạt 900.000-1.100.000 teus.
– Sở dĩ có sự chênh lệch biên độ rộng là do trong 6 tháng đầu năm xảy ra nhiều sự cố như nghẽn kênh đào Suez, tình trạng thiếu container khiến hoạt động các hãng tàu xáo trộn. Nhiều hãng tàu không duy trì được số tàu theo kế hoạch. Tính đến hiện tại cảng đã hoạt động 90% công suất, dự kiến đạt 100% từ quý III.
– Cũng theo lãnh đạo GMD, với sản lượng 900.000 teus, doanh thu tối thiểu có thể đạt của Gemalink trong năm nay là 41 triệu USD. Khả năng cảng sẽ có lợi nhuận ngay trong năm đầu tiên hoạt động, tối thiểu là 1 triệu USD. Khách hàng chính của Gemalink là CMA-CGM và một số hãng tàu lớn trên thế giới.
– Về kế hoạch đầu tư, GMD cho biết trong năm 2021 doanh nghiệp dự kiến sẽ triển khai dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 và đưa vào hoạt động vào năm 2022, quy mô 22-44 ha với 440-1.100 cầu bến, 600.00-1.200.000 teus. Vốn đầu tư dự kiến 2.000-4.500 tỷ đồng. Ngoài ra công ty dự kiến đầu tư dự án mới là hệ thống trung tâm logistics và ICD phía Nam quy mô 10 ha với vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng. Đây là dự án nhằm gia tăng kết nối, dịch vụ của cảng nước sâu Gemalink.
– Động lực tăng trưởng năm 2021 của GMD sẽ đến từ khối khai thác cảng. Công ty đặt mục tiêu tăng thị phần khai thác cảng từ 11% năm 2020 lên 19% năm 2021 và đạt 23% vào năm 2025. Với kết quả kinh doanh thuận lợi trong 6 tháng đầu năm, GMD hoàn toàn có thể vượt qua kế hoạch đề ra và tăng trưởng tích cực trong năm nay.


Cập nhật Bản tin nhận định thị trường DCALL vào 8hh00 sáng hàng ngày trên các kênh: Website VNDIRECT và Soundcloud https://soundcloud.com/vndirect-dcall

———–

Quý Nhà đầu tư vui lòng dành 3 phút tham gia Khảo sát Đánh giá và đóng góp ý tưởng hoàn thiện Bản tin Nhận định thị trường DCALL: TẠI ĐÂY 

———–

  • DGO Con đường Tích sản Tài chính và An tâm Đầu tư. Tham khảo thêm tại: https://hubs.li/H0RgXR90
  • Tư vấn đầu tư hàng tuần: 9h30/14h30 – Thứ 3, Thứ 4 và Thứ 5. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5Ch0 
  • Khóa học DGO và Tháp tài sản: sáng Thứ 7 hàng tuần. Tìm hiểu thêm và đăng ký: https://hubs.li/H0QF5pL0