Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.07.2020 – Thủ tướng ra “tối hậu thư” cho hàng loạt “ông lớn” thoái vốn nhà nước

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/07/2020    2110

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: Thủ tướng ra “tối hậu thư” cho hàng loạt “ông lớn” thoái vốn nhà nước

1. Tin tức vĩ mô quốc tế

Thủ tướng Anh cam kết hỗ trợ hơn 6 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng Anh phải nắm bắt thời khắc ngay sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 để giải quyết các vấn đề kéo dài hàng thập kỷ, đồng thời vạch ra kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế, cam kết hỗ trợ 5 tỷ bảng (6,15 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa đất nước thoát khỏi các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19.

Trong bài phát biểu ngày 30/6 tại một trường đại học ở thị trấn Dudley, miền Trung nước Anh, Thủ tướng Johnson khẳng định nước này cần gia tăng nỗ lực do Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã sụt giảm mạnh do đại dịch.

Mỹ chính thức ngừng xuất khẩu vũ khí, tước ưu đãi thương mại với Hong Kong

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu rõ, quyết định của Trung Quốc về việc tước quyền tự trị của Hong Kong đã buộc Chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đánh giá lại các chính sách của mình đối với vùng lãnh thổ này.

Theo đó, kể từ ngày 29/6, Mỹ sẽ chấm dứt xuất khẩu thiết bị quốc phòng có nguồn gốc từ Mỹ tới Hong Kong và từng bước áp đặt những hạn chế tương tự đối với các công nghệ quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng của Mỹ cho Hong Kong như đối với Trung Quốc.

Cũng trong ngày 29/6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross thông báo bắt đầu thu hồi trạng thái đặc biệt của Hong Kong. Theo đó, các quy định của Bộ Thương mại Mỹ vốn dành ưu đãi cho Hong Kong so với Trung Quốc đại lục, gồm các ngoại lệ về giấy phép xuất khẩu, cũng sẽ bị ngưng lại.

COVID-19 và nỗi lo tranh chấp thương mại toàn cầu

Cecilia Malmstrom, cựu giám đốc thương mại của EU nói rằng, có một xu hướng đáng ngại đối với chủ nghĩa bảo hộ trên toàn thế giới và sự tái xuất của các xung đột thương mại đã bắt đầu khi xảy ra cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu.

Chỉ trong vòng hai tuần, Mỹ đã rút khỏi các cuộc đàm phán với EU về thuế đối với các công ty kỹ thuật số và cam kết sẽ thiết lập một mức thuế lớn hơn đối với các đối tác của Tổ chức Thương mại Thế giới(WTO). Điều này sẽ đe dọa thuế quan đối với một loạt các sản phẩm mới của châu Âu, bao gồm ô liu tươi, các mặt hàng bánh và rượu gin…

Số liệu của Mỹ cho thấy sự thâm hụt thương mại với EU về hàng hóa và dịch vụ là 109 tỷ, với Trung Quốc là 420 tỷ USD trong năm 2018. Mỹ đang cần phải cân bằng lại mối quan hệ với châu Âu và Trung Quốc, bao gồm cả về thương mại và chính trị. Donald Trump sẽ làm mọi cách để nước Mỹ trở về vị thế “cửa trên” trong các giao dịch thương mại toàn cầu.

2. Vĩ mô trong nước và các thông tin đáng chú ý

Bội chi ngân sách hơn 69 nghìn tỷ đồng sau 6 tháng

Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê , Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2020 ước tính đạt 607,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,1% dự toán năm.

Nhờ công tác kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện tốt và có hiệu quả, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế trong tháng 6/2020 đã từng bước trở lại trạng thái hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc giá xăng, dầu trong nước tăng theo sự khởi sắc của thị trường dầu thô thế giới đã tác động tích cực đến kết quả thu, chi NSNN trong 15 ngày đầu tháng Sáu.

Trong các khoản thu, thu nội địa đạt 503,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,9%; thu từ dầu thô 20,2 nghìn tỷ đồng, bằng 57,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 82,8 nghìn tỷ đồng, bằng 39,8%.

Tác động kinh tế của COVID-19 đến Việt Nam sẽ nhẹ hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực

Việt Nam đã hạn chế thành công sự lây lan của COVID-19, nhưng sẽ không tránh khỏi tác động kinh tế của nó. Nhu cầu trong nước và cả bên ngoài đang yếu hơn. Điều này dự kiến ​​sẽ làm chậm tăng trưởng đáng kể, từ 7% trong những năm gần đây xuống còn 2,7% vào năm 2020, IMF dự báo.

Chuyên gia dự kiến tác động kinh tế ​​sẽ nhẹ hơn hầu hết các nước trong khu vực. Triển vọng phục hồi có vẻ tươi sáng, khi Việt Nam dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, người tiêu dùng đang đổ xô đến các nhà hàng và cửa hàng.

Có những dấu hiệu về sự phục hồi trong nước, với doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trở lại. Nhưng để Việt Nam có thể tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ, kinh tế của cả các đối tác thương mại quan trọng với Việt Nam cũng phải phục hồi.

Thủ tướng ra “tối hậu thư” cho hàng loạt “ông lớn” thoái vốn nhà nước

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 908/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020.

Quyết định này nhằm đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước, tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.

3. Thị trường tài sản

Trái phiếu doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng có nguy cơ rơi vào trạng thái rác do đại dịch Covid-19

17 trong số 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu ở châu Á – Thái Bình Dương được Fitch xếp hạng ở mức thấp nhất BBB- hiện ít có khả năng được nâng hạng. Trong số này có 14 công ty có triển vọng tiêu cực hoặc trong trạng thái theo dõi tiêu cực.

“Nhiều công ty và quốc gia sẽ tiếp tục đối mặt điều kiện khó khăn trong tương lai gần do ảnh hưởng từ Covid-19”, các nhà phân tích tại Fitch Ratings cho biết. Ấn Độ sẽ có vai trò quyết định bởi nước này có liên quan đến xếp hạng của 7 doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Nhóm 17 công ty trên phát hành tổng cộng 117 tỷ USD nợ và chỉ có 3 công ty có triển vọng ổn định.