Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 01.04.2021 – Lợi nhuận 2021 của 12 ngân hàng niêm yết có thể tăng 18%

Nhận định Thị trường hàng ngày 01/04/2021    3211

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay ngày 01/04/2021

1. Tin vĩ mô thế giới

Các tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng sau kết quả GDP quý I Việt Nam là 4,48%

– Theo Business Times (Singapore), các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sau quý 1/2021. Song nhìn chung, triển vọng phục hồi của quốc gia này vẫn mạnh mẽ. Cụ thể, GDP quý 1/2021 của Việt Nam tăng 4,48% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức dự báo ở mức 5,7% trước đó.
– Theo đó, Ngân hàng UOB (United Overseas Bank) cũng hạ dự báo từ mức 7,1% trước đó xuống 6,7%. Đại diện bộ phận nghiên cứu của UOB, ông Suan Teck Kin nhấn mạnh: “Mặc dù dự báo tăng trưởng hạ, Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay”. Dự báo sửa đổi cũng nêu rõ, tăng trưởng trung bình trong 3 quý còn lại sẽ đạt mức 7,5%.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế của Maybank Kim Eng, bà Linda Liu và ông Chua Hak Bin cũng hạ dự báo tăng trưởng GPD Việt Nam năm 2021 từ 6,8% xuống 6,5%. “Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi kinh tế bởi triển vọng xuất khẩu, hoạt động sản xuất cũng như dòng vốn FDI được cải thiện”.
– Cũng trong quý 1/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, vốn giải ngân tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4,1 tỷ USD. Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất chiếm gần một nửa tổng vốn FDI đăng ký. Trong đó, Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 4,6 tỷ USD vào Việt Nam trong quý, theo sau đó là Nhật Bản với tổng vốn đầu tư gần 2,1 tỷ USD và Hàn Quốc với 1,2 tỷ USD.
– Mục tiêu tăng trưởng cả năm của Việt Nam là 6%. Trong đó, dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với Việt Nam là 6,6%. Ông Suan Teck Kin kỳ vọng rằng việc Việt Nam bắt đầu triển khai vaccine Covid-19 vào tháng 3 “sẽ tạo ra một động lực rất cần thiết cho đất nước trong giai đoạn phục hồi, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ như bán lẻ và du lịch”. Tuy nhiên, các nhà kinh tế của Maybank lưu ý rằng việc triển khai chậm vaccine Covid-19 là một rủi ro lớn, nhất là đối với các ngành dịch vụ.

EU áp thuế với nhôm Trung Quốc

– Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan giám sát chính sách thương mại cho 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), thiết lập thuế chống bán phá giá 21,2 – 31,2% với các nhà sản xuất nhôm định hình Trung Quốc.
– Thuế suất 21,2% được áp với Guangdong Haomei New Materials và Guangdong King Metal Light Alloy Technology trong khi Press Metal International chịu mức 25%. Những công ty “hợp tác” khác đối mặt thuế suất 22,1%.
– Tháng 2/2020, EC bắt đầu điều tra các sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong vận tải, xây dựng và điện tử sau khi nhận đơn khiếu nại từ hiệp hội ngành nhôm châu Âu European Aluminium. Thuế suất mới thấp hơn mức tạm thời 30,4 – 48% áp trong quá trình điều tra.
Hiệp hội kim loại Trung Quốc trước đó gọi cáo buộc bán phá giá từ EU là vô căn cứ.

2. Tin tức Việt Nam

Savills: Giá thuê khu công nghiệp leo thang, có nơi tăng tới 15%

– Theo Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy trung bình các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam tăng từ 2018 dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu thuê dâng cao ở một số nơi. Từ đó, giá thuê đã tăng mạnh.
– Tại phía Bắc, năm 2020, giá thuê tại Hải Dương tăng cao nhất lên 75 USD/m2, tức tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hà Nội cũng có mức tăng 13%, đạt 129 USD/m2. Các địa phương khác tăng từ 6% đến 9%, như Bắc Ninh (95 USD/m2), Hưng Yên (83 USD/m2). Đáng chú ý, giá thuê tại Thanh Hóa khá cạnh tranh, lên mức 40 – 50 USD/m2. Tỉnh này đã nhận được nguồn đầu tư đáng kể từ năm 2020 với tổng số vốn FDI đăng ký là 349 triệu USD, đứng thứ 20 trong tổng số 60 tỉnh thành trên cả nước. Tỉnh cũng đón 14 dự án đầu tư mới, đóng góp 240 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, những kế hoạch phát triển của Foxconn tại Thanh Hóa đã thu hút một loạt nhà sản xuất linh kiện điện tử, chuyên cung cấp nguyên vật liệu cho các nhà đầu tư lớn. Có thể nói, giá thuê đất cạnh tranh cùng nguồn lao động lớn tại chỗ chính là chìa khóa tạo nên sức hút, khích lệ đầu tư của Thanh Hóa đối với nhiều doanh nghiệp.
– Tại phía Nam, giá thuê tăng cao nhất thuộc về Bà Rịa – Vũng Tàu với mức tăng 18%, tương ứng 65 USD/m2. TP HCM có giá thuê cao nhất, đạt 147 USD/m2. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng đều tăng giá thuê từ 5% đến 8%.
– Ông John Campbell, Trưởng Bộ phận Bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam nhận định nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tăng đột biến khiến giá thuê ở các KCN gần các thành phố lớn leo thang. Giá cả tăng cao vẫn là mối lo ngại đối với các ngành sản xuất có giá trị thấp và tỷ suất lợi nhuận thấp như dệt may và nội thất. Tỷ giá ngoại tệ hiện tại vẫn ở mức chấp nhận được cho các nhà sản xuất đa quốc gia có giá trị cao, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, hỗ trợ công nghệ cao và máy móc tự động

FinPro: Lợi nhuận 2021 của 12 ngân hàng niêm yết có thể tăng 18%

– FiinGroup vừa có báo cáo về ngành ngân hàng, dự báo lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối) sẽ tăng hơn 18% so với năm 2020.
– Triển vọng tích cực này dựa trên hai yếu tố là tín dụng và doanh thu dịch vụ, đặc biệt là bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng (gồm Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB và HDB). Báo cáo kỳ vọng lợi nhuận Vietcombank sẽ tăng gần 15%, BIDV tăng 41,3%, và VietinBank tăng 42%. Một số ngân hàng được dự báo tăng trưởng lội nhuận chậm lại gồm Techcombank 5,1%, VPBank 2,8% và TPBank 6,7%.
– Năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng niêm yết tăng 16,1%. Tổng thu nhập hoạt động tăng gần 13%, chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 20% so với năm 2019. Báo cáo đề cập do Thông tư 01/2020/TT-NHNN, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận vì các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch. Báo cáo cũng đưa ra nhận định các ngân hàng sẽ cân đối giữa lợi nhuận và chi phí dự phòng. Việc chi phí dự phòng và lợi nhuận cùng tăng là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng và tác động của Covid-19 lên 2 yếu tố này trong thời gian tới sẽ không quá lớn.

3. Các kênh tài sản đầu tư

Giá tiêu ‘tăng nóng’, nông dân phấn khởi để dành chờ giá

– Giá tiêu tăng lên từng ngày, đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay. Từ 55.000 đồng/kg, chỉ trong 15 ngày, hồ tiêu tăng thêm gần 20.000 đồng/kg, lên mức trên 76.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá hồ tiêu mới chỉ tăng mạnh ở nội địa, còn thị trường tiêu thụ nước ngoài không tăng tương ứng.
– Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, yếu tố tác động mạnh đến thị trường thời gian qua, đó là hiện tượng găm hàng của người trồng tiêu và gom hàng của một số nhà đầu cơ.
– Thống kê cho thấy trong 2 tháng đầu năm nay, lượng tiêu xuất khẩu giảm 25% so với cùng kỳ. Vì vậy, cả người nông dân và doanh nghiệp đều được khuyến cáo cần thận trọng trước các diễn biến sắp tới. Việc giá tiêu trong nước biến động khó lường sẽ tạo ra tác động không muốn cho cả người bán và người mua. Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) gọi đây là “cuộc mạo hiểu rủi ro”, bởi giá tiêu Việt Nam quá cao so với kỳ vọng của thị trường quốc tế.
– Cụ thể, IPC cho rằng với mức giá đầu vào khoảng 76.000 đồng/kg như hiện nay, giá tiêu Việt Nam bán ra tại thị trường Mỹ phải tăng tương ứng 3.800 USD/ tấn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường thế giới chỉ đang chấp nhận mức giá 3.100 USD/tấn. Do đó hiện số lượng hồ tiêu được giao dịch hạn chế tại thị trường Việt Nam và nhu cầu lớn chuyển sang Brazil khi hồ tiêu nước này được giữ ở mức giá đủ thấp

4. Câu chuyện đầu tư

Vì sao Warren Buffett chỉ giữ 1% tài sản bằng tiền mặt?

“Tiền mặt là mua” là phương châm phổ biến của nhiều người, nhưng với nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett – một trong những nhà đầu tư quyền lực nhất thế giới – thì hoàn toàn khác. Ông chỉ giữ 1% tài sản của mình bằng tiền mặt.
Theo Bloomberg Billionaire Index, tỷ phú Warren Buffett – CEO kiêm chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất của đế chế đầu tư Berkshire Hathaway – hiện sở hữu tài sản gần 98 tỷ USD, nhưng ông chỉ giữ khoảng 1 tỷ USD tiền mặt. Tỷ phú này từng phản đối việc giữ tiền mặt thay vì dùng để mua cổ phiếu.
“Tôi có thể nói một điều rằng khoản đầu tư tồi tệ nhất chính là giữ tiền mặt. Mọi người đều nói rằng tiền mặt là vua nhưng thực tế thì giá trị của tiền mặt sẽ giảm theo thời gian. Trong khi đó, những doanh nghiệp tốt thì sẽ ngày càng giá trị trong dài hạn”, tỷ phú 90 tuổi từng nhận xét.
Warren Bufffett hiện là CEO kiêm chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất của đế chế đầu tư Berkshire Hathaway. Với quan điểm như vậy, ông điều hành Berkshire Hathaway đầu tư vào hàng loạt doanh nghiệp trên thế giới. Berkshire Hathaway hiện sở hữu GEICO, Fruit of the Loom, Helzberg Diamonds, Pampered Chef, Forest River, Duracell, Dairy Queen, BNSF, Lubrizol, Long & Foster, FlightSafety International, and NetJets. Công ty sở hữu cổ phần tại nhiều công ty niêm yết bao gồm Apple, Bank of America, Kraft Heinz Company, American Express và The Coca-Cola Company.
Hiện tại, cổ phiếu Berkshire Hathaway là mã đắt đỏ nhất thế giới với giá hơn 380.400 USD/cổ phiếu và tăng khoảng 48% trong năm ngoái.
Báo cáo nộp Ủy bạn Chứng khoán Mỹ vào tháng 7/2020 của Berkshire Hathaway cho thấy phần lớn tài sản của Warren Buffett đến từ cổ phần tại Berkshire Hathaway cũng như khoản lợi nhuận 15% từ công ty này.
Theo Olumide Adesina, nhà giao dịch đầu tư trên trang tin tài chính Nairametrics, đúng như Buffett nói, giá trị của tiền mặt sẽ giảm theo thời gian do lạm phát. Tại một số nền kinh tế phát triển như Mỹ, dù lạm phát ở mức thấp, giá cả hàng hóa và dịch vụ vẫn tăng mạnh hơn so với lợi nhuận từ việc đầu tư tiền mặt.
Adesina cho rằng ngoài việc chịu rủi ro lạm phát, trong một số trường hợp, tiền mặt mất giá nhanh hơn so với đầu tư vào vàng hay thậm chí Bitcoin. Tuy vậy, ông cũng cho biết giới giàu và siêu giàu thường giữ một khối lượng tiền mặt lớn để dùng cho việc mua hoặc đầu tư tài sản trong tương lai.

Đó là những tin tức cuối cùng trong bản tin của chúng tôi ngày hôm nay, cảm ơn quý vị đã đồng hành cùng chúng tôi. Xin chào và hẹn gặp lại vào 8h sáng ngày mai.