Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 17.06.2020 – Khối ngoại bắt đầu quay lại với Chứng khoán Việt Nam

Nhận định Thị trường hàng ngày 17/06/2020    2067

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Khối ngoại bắt đầu quay lại với Chứng khoán Việt Nam”

1. Vĩ mô thế giới

Bloomberg đưa tin chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất chi gần 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, góp phần đẩy nhanh quá trình hồi sinh kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19

Đề xuất sơ bộ đang được Bộ Giao thông vận tải Mỹ soạn thảo cho thấy phần lớn tiền trong mức chi 1.000 tỷ USD dự kiến dành cho xây dựng hạ tầng truyền thống như đường, cầu. Phần còn lại dành cho hạ tầng không dây 5G và băng thông rộng cho vùng nông thôn, các nguồn thạo tin cho biết.

Ngày 15/6, Cục dự trữ liên bang Mỹ bắt đầu triển khai Chương trình cho vay Main Street dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Sau nhiều lần sửa đổi, ngày 15/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức triển khai Chương trình cho vay Main Street dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt hoạt động trong các ngành công nghiệp phụ trợ liên quan tới lĩnh vực chế tạo ôtô…., đang chật vật khắc phục những thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra.

Theo đó, sau khi lấy ý kiến của hàng nghìn doanh nghiệp và ngân hàng, Fed hạ số tiền tối thiểu mà các doanh nghiệp có thể vay xuống 250.000 USD, từ mức vay tối thiểu 1 triệu USD theo quy định ban đầu.

Đồng thời, khoản vay tối đa được nâng lên thành 300 triệu USD. Fed cũng gia hạn thời gian trả nợ lên 5 năm, cho phép bên đi vay không phải trả tiền nợ gốc trong hai năm đầu và chậm trả lãi vòng trong một năm.

Liên hợp quốc (LHQ), dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên toàn cầu có khả năng giảm 40% trong năm nay và thậm chí tệ hơn trong năm 2021, do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19

Theo đó, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, FDI toàn cầu trong năm nay sẽ thu hẹp từ mức 1.540 tỷ USD năm 2019 xuống dưới 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể năm 2005 tới nay. UNCTAD cũng dự báo FDI sẽ còn giảm thêm 5-10% vào năm 2021 và chỉ bắt đầu phục hồi vào năm 2022.

Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong tình trạng khó khăn hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008. Theo ông Kituyi, đại dịch COVID-19 sẽ tác động mạnh đến các nước đang phát triển, khi những nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng gián đoạn trong các ngành sản xuất chính, kiều hối và các khoản thu từ du lịch suy giảm cũng như hoạt động giao thương quốc tế thu hẹp.

Ông James Zhan, Giám đốc bộ phận đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD, cho biết theo kinh nghiệm từ quá khứ, đầu tư quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt trong việc phục hồi các nền kinh tế sau các cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông nói thêm quá trình phục hồi có thể tạo ra cơ hội cho các nước thu nhập trung bình, khi các chuỗi giá trị ngày càng khu vực hóa hơn.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt

Khảo sát mới nhất của Tổ chức thẻ Visa về hành vi thanh toán của người tiêu dùng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng giảm sử dụng tiền mặt, thay vào đó là các thanh toán kỹ thuật số qua công nghệ không tiếp xúc.

Theo khảo sát, hiện có 37% người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng phương thức thanh toán thẻ không tiếp xúc. Trong số này, có đến 42% người dùng thanh toán không tiếp xúc bằng điện thoại di động và 85% người dùng sử dụng phương thức này ít nhất một lần/tuần.

2. Vĩ mô trong nước

Thành phố Hà Nội đã tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội 2020, với chủ đề “60 ngày vàng – rộn ràng mua sắm” nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn

Hưởng ứng Chương trình khuyến mại tập trung của thành phố Hà Nội, tính từ ngày 27/5 đến ngày 9/6/2020, Sở Công Thương Hà Nội đã tiếp nhận trên 600 doanh nghiệp với gần 800 chương trình khuyến mại, tổng giá trị khuyến mại lên tới 1.200 tỷ đồng, với hạn mức giảm giá lên tới 70%.

Các lĩnh vực khuyến mại chủ yếu: Ngành hàng điện máy chiếm 30%, giá trị khuyến mại trên 360 tỷ đồng; ngành hàng tiêu dùng chiếm 20%, giá trị khuyến mại trên 240 tỷ đồng; ngành hàng thực phẩm chiếm 30%, giá trị khuyến mại trên 360 tỷ đồng; ngành hàng khác như may mặc, bất động sản, thuốc, giáo dục, thiết bị vật tư y tế… chiếm 20%, giá trị khuyến mại trên 240 tỷ đồng.

Cần tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, kích cầu nội địa

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng mong muốn Quốc hội sớm quyết định về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh mà Chính phủ đã đề xuất.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về định hướng chính sách là phù hợp: giảm lãi vay và thuế phí, tăng thêm nguồn lực cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, tăng cầu nội địa… nhưng đây là những giải pháp manh mún, nhỏ, dàn trải.

Để sản xuất kinh doanh và nền kinh tế sớm phục hồi, ông Cung cũng mong muốn có thêm các giải pháp để giảm gánh nặng thuế phí và các khoản phải nộp của năm 2020, như: gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, áp dụng đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3/2020; giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2020, miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020…

Cùng với đó, Quốc hội sớm đưa ra các chỉ tiêu vĩ mô quan trọng để Chính phủ theo đó mà điều hành. Đơn cử như: Quốc hội cho phép bội chi ngân sách là bao nhiêu thì Chính phủ mới xác định được có thể chấp nhận giảm thu ở mức nào để đưa ra chính sách giãn giảm thuế phí ra sao…

3. Các kênh đầu tư

Khối ngoại bắt đầu quay lại với chứng khoán Việt Nam

Các công ty như Ashmore Group Plc và Coeli Asset Management SA tăng đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ tháng 3, trong khi khối ngoại đang mua ròng trong tháng 6, lần đầu tiên kể từ tháng 1, nhờ tỷ giá ổn định. Xu hướng này, cùng dòng vốn từ các nhà đầu tư trong nước, giúp VN-Index tăng 28% trong quý II, diễn biến tốt thứ hai thế giới

“Hành động kiên quyết khi đối phó Covid-19 và đẩy mạnh đầu tư đều có lợi cho kinh tế Việt Nam”, Andrew Brudenell, nhà quản lý quỹ tại Ashmore, nói. Brudenell tăng tỷ lệ đầu tư vào Việt Nam lên 50% từ cuối năm 2019. Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong quỹ chứng khoán các thị trường cận biên 77 tỷ USD của nhà quản lý này.

Ngân hàng dư vốn, lãi suất sẽ còn giảm

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng – Ngân hàng Nhà nước, cho biết tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tính hết tuần đầu tiên của tháng 6 giảm còn 1,93%, trong khi cuối tháng 5 tăng lên được 1,96%. Các khách hàng hiện nay không có nhu cầu vay do sợ dịch Covid-19 đang trở lại bùng phát ở các nước. Tâm lý khách hàng không đầu tư, sản xuất trong giai đoạn này nên ngân hàng dù có muốn đẩy tăng trưởng tín dụng lên cũng rất khó. Ngược lại, các tổ chức, cá nhân hiện nay dùng nguồn tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng thay vì đầu tư, sản xuất kinh doanh nên tốc độ tăng trưởng huy động nhanh hơn tín dụng.

Trả lời câu hỏi ngân hàng dư thừa vốn có làm lãi suất huy động giảm hay không? Ông Nguyễn Đình Tùng Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết sẽ còn tiếp tục giảm do có một số yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, lạm phát ở mức dưới 4%, nên lãi suất huy động thực dương ở mức 4 – 4,5%/năm là hợp lý. Tuy nhiên theo ông Tùng, lãi suất có xu hướng giảm nhưng sẽ không giảm sốc, giảm nhanh mà từ từ, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.