Hợp tác cùng phát triển

Podcast ngày 15.06.2020 – Cách chọn thời điểm mua cổ phiếu

Nhận định Thị trường hàng ngày 15/06/2020    2157

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “Cách chọn thời điểm mua cổ phiếu”

1. Tình hình vĩ mô thế giới

Giới chuyên gia kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ trong năm tới

Khảo sát của hãng tin Bloomberg được tiến hành từ ngày 5-10/6 cho hay mặc dù vẫn tỏ ra bi quan về triển vọng việc làm tại Mỹ trong năm 2020, song các chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm dần trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Các chuyên gia kinh tế ước tính tỷ lệ thất nghiệp ở mức 13,4% trong quý 2/2020, thấp hơn 2,7% so với kết quả khảo sát hồi tháng 5/2020.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 4/2020 sẽ là 9,5%. Đến cuối năm 2021, các chuyên gia ước tính tỷ lệ thất nghiệp còn 7%.

Về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), các nhà kinh tế ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 5,7% trong năm 2020, sau đó sẽ tăng 4% trong năm 2021 và tăng 2,8% trong năm 2022.

Dự báo trên phản án sự phục hồi từng bước của kinh tế Mỹ, trùng với đánh giá của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra hồi tuần trước rằng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái trầm trọng, và đòi hỏi sự hỗ trợ tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ.

Mỹ Latinh cấp bách tái khởi động ngành hàng không để tránh phá sản

Phó chủ tịch IATA chi nhánh khu vực Mỹ Latinh, ông Peter Cerda cho biết, sẽ không thể tiếp tục trì hoãn ngành vận tải hàng không tới quá tháng Bảy tới, đồng thời hối thúc việc lên kế hoạch nối lại các chuyến bay nội địa, trước mắt là trong khu vực, cũng như việc sớm khôi phục lại các chuyến bay quốc tế.

Ông Cerda nói: “Nếu tiếp tục đà này, sẽ có thêm nhiều hãng hàng không phải đệ trình đơn bảo hộ phá sản và nhiều hãng không có khả năng kích hoạt lại các chuyến bay, đồng nghĩa với việc phải đóng cửa.”

Dự báo lỗ nặng trong năm 2019, hàng loạt hãng hàng không lớn trên thế giới phải cầu cứu chính phủ vay tiền để “sinh tồn” qua dịch

Đây là một quyết định khó khăn nhưng nó được thực hiện theo cách để bảo vệ lợi ích quốc gia và người dân Thái Lan”, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha nói hôm 19/5, khi Thai Airways chấp thuận kế hoạch tái cơ cấu do Tòa án Phá sản Trung ương quốc gia giám sát, nhằm ngăn công ty phải giải thể, bán thanh lý hoặc chính thức tuyên bố phá sản.

Không đến mức định tuyên bố phá sản như Thai Airways nhưng các hãng bay tại Đông Nam Á cũng đã trải qua nhiều tháng chật vật vì đại dịch. Garuda Indonesia đã cho khoảng 800 nhân viên tạm nghỉ trong tháng 5. Singapore Airlines phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu để huy động thêm vốn. Mới đây, Vietnam Airlines đề nghị chính phủ cho vay tối thiểu 4.000 tỷ đồng và nhiều nhất là 12.000 tỷ đồng nhằm vượt qua khó khăn.

Cuối tháng 5, chính phủ Đức và Lufthansa đạt được thỏa thuận sơ bộ về khoản cứu trợ trị giá 9 tỷ euro (9,8 tỷ USD) sau nhiều tuần đàm phán. Bộ Tài chính và Kinh tế Đức đánh giá Lufthansa là một công ty hoạt động lành mạnh, có lợi nhuận và có triển vọng tốt nhưng gặp rắc rối vì đại dịch.

Thỏa thuận được chốt trong bối cảnh các hãng hàng không lớn khác như Air France (Pháp), KLM (Hà Lan) hay American Airlines, United Airlines và Delta Air Lines của Mỹ cũng cầu cứu chính phủ nước họ.

Nhật Bản bổ sung gần 300 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và y tế trong đại dịch

Đây là lần thứ hai Nhật Bản bổ sung ngân sách cho tài khóa 2020. Việc này được coi là động thái cần thiết khi Nhật Bản đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất nhiều thập kỷ. Dù vậy, nó cũng khiến núi nợ công nước này càng tăng. Bộ Tài chính nước này cho biết Nhật Bản sẽ phát hành thêm 59.500 tỷ yen trái phiếu.

Một phần ba gói ngân sách bổ sung sẽ dùng để hỗ trợ các công ty đang gặp khó, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ. Khoảng 2.000 tỷ yen để giúp các công ty trả tiền thuê mặt bằng. Hàng nghìn tỷ yen sẽ đổ vào hệ thống y tế. 10.000 tỷ yen sẽ dành cho một quỹ dự trữ trong trường hợp làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát.

2. Vĩ mô Việt Nam và thị trường chứng khoán

Khối ngoại mua ròng trở lại

Tuần giao dịch 8-12/6, VN-Index điều chỉnh 2.56% so với tuần trước, chấm dứt chuỗi 5 tuần tăng điểm liên tiếp. Khối ngoại cho tín hiệu tích cực khi mua ròng hơn 422 tỷ đồng trên cả 3 sàn sau khi rút vốn 3 tuần liên tiếp. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 4.152 tỷ đồng, tăng 26,5% so với tuần trước, trong khi lượng bán ra gần 3.730 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,7%. Đứng đầu danh sách mua ròng là CCQ VFMVN Diamond với hơn 524,4 tỷ đồng và phần lớn đều đến từ giao dịch thoả thuận. Tính rộng ra, chứng chỉ quỹ này đã được mua ròng kể từ khi niêm yết với tổng giá trị đạt gần 1.237 tỷ đồng. VHM được mua vào tuần thứ 5 với tổng giá trị khoảng 748 tỷ đồng. Bên cạnh đó, CCQ VNFin Lead tiếp tục được mua trong tuần này với giá trị đạt gần 105 tỷ đồng.

Tiềm năng thị trường xe máy điện Việt Nam

Pulse News Korea đưa tin nhà sản xuất pin hàng đầu của Hàn Quốc LG Chem Inc. đã tìm thấy tiềm năng ở Việt Nam – một quốc gia phổ biến với xe hai bánh, bằng cách cung cấp pin cho xe máy điện – loại phương tiện ngày càng trở nên phổ biến.

Thị trường xe máy điện của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng với trung bình khoảng 200.000 chiếc được bán ra mỗi năm, so với chỉ 50.000 chiếc được bán trong năm 2017. Khảo sát của Công ty Frost & Sullivan (Mỹ) chỉ ra, có 33% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi trả lời rằng họ nghĩ đến mua xe điện ngay từ lần đầu mua xe. Đây là một con số đầy tiềm năng để phát triển xe điện tại Việt Nam.

Sự hứng thú với công nghệ xe điện của người Việt đã vượt qua những hạn chế của còn tồn tại, giá thành cao, sạc pin tốn thời gian. Vì vậy, Pulse News Korea cho rằng, có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong thị trường xe máy điện ở Việt Nam nếu các trạm sạc được xây dựng.

Mỹ khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 11/6/2020, Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam.

Theo thống kê, xuất khẩu sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam sang Mỹ năm 2019 đạt 309 triệu USD. Hiện tại, sản phẩm này của Trung Quốc cũng đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá là 183,36% và thuế chống trợ cấp từ 22,98% đến 194,9%.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-BCT về việc tạm dừng kinh doanh chuyển khẩu, kinh doanh tạm nhập gỗ dán vào Việt Nam để tái xuất sang Mỹ.

3. Các kênh đầu tư và thị trường hàng hóa

Tuần từ 1/6 – 5/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm nhẹ dần qua hầu hết các phiên.

Chốt phiên cuối tuần 5/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.245 VND/USD, giảm 16 VND/USD so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay và tỷ giá bán được NHNN giữ nguyên, lần lượt là 23.175 VND/USD và 23.650 VND/USD.

Nhìn chung, trên thị trường ngoại hối, xu hướng tỷ giá giảm được duy trì trong suốt tháng 5, khi tỷ giá VND/USD đã giảm mạnh 150-200 điểm, dao động trong khoảng 23.250-23.300 VND/USD vào thời điểm cuối tháng.

Bên cạnh đó, tâm lý thị trường được củng cố vững chắc. Các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như doanh nghiệp, cá nhân cho thấy sự lạc quan vào khả năng thu hút các các dòng vốn đầu tư nước ngoài lớn trong thời gian tới dựa trên những điều kiện thuận lợi như kiểm soát thành công dịch Covid-19, môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định so với các nước trong khu vực, xu hướng dịch chuyển của chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc…

“Mặc dù lãi suất huy động đã giảm mạnh tại các ngân hàng có vốn nhà nước và một số ngân hàng cổ phần, nhưng tín hiệu đáng mừng là chưa xuất hiện trở lại tâm lý găm giữ ngoại tệ – một vấn đề nhức nhối thường tạo áp lực lớn lên tỷ giá trước đây”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.

4. Câu chuyện đầu tư

Tỷ phú huyền thoại Warren Buffett được bình chọn là nhà đầu tư vĩ đại nhất. Bí quyết thành công của ông đến từ việc mua các cổ phiếu và doanh nghiệp với mức giá hấp dẫn đúng thời điểm từ đó hưởng lợi lâu dài từ chúng. Là một nhà đầu tư ắt hẳn ai cũng quan tâm đến, làm sao để chọn điểm mua cổ phiếu mang lại hiệu quả cao. Từ kinh nghiệm thực tiễn đầu tư kết hợp với những kiến thức học hỏi được từ Buffett chúng tôi giới thiệu đến quý vị “Cách lựa chọn điểm mua cổ phiếu – bài học từ Warren Buffett”

Ngài Warren Buffett đã từng lộ bí quyết mua bán cổ phiếu của ông qua câu nói “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, hãy sợ hãi khi người khác tham lam”. Tuy vậy để áp dụng nguyên tắc này không hề đơn giản. Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều người áp dụng nhưng đa phần đều thất bại, nguyên nhân đến từ sẵn sàng mua mạnh khi thấy thị trường bán mà không cần biết đến thị trường vừa mới bắt đầu có phiên giảm đầu tiên trong 1 chu kỳ giảm; hay không cần biết cổ phiếu đó có hấp dẫn hay không …

Bên cạnh câu nói nổi tiếng trên, Ngài Buffett cũng có nguyên lý kinh điển khác mà chúng ta có thể kết hợp vào cách chọn điểm mua cổ phiếu như “Nguyên tắc thứ nhất không để mất tiền, Nguyên tắc thứ hai không quên nguyên tắc số một”. Như vậy hãy mua cổ phiếu khi đám đông bán tống bán tháo nhưng phải mua ở một mức giá an toàn với rủi ro giảm giá thấp. Để làm được điều này ngài Buffett cũng chia sẻ triết lý về việc mua cổ phiếu có biên an toàn cao: “Tôi đặc biệt yêu thích và không thể bỏ qua cơ hội mua cổ phiếu có giá trị 1 USD với giá chỉ 50 cents”. Việc mua cổ phiếu với định giá hấp dẫn, không những tránh mất tiền mà còn mang lại lợi nhuận rất cao cho nhà đầu tư.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, một thị trường mới nổi với rủi ro rất cao, thì cách lựa chọn điểm mua cổ phiếu càng quan trọng hơn, vì thế nhà đầu tư có thể học hỏi cách lựa chọn điểm mua cổ phiếu từ ngài Warren Buffett được tóm lược lại như sau:

Thứ nhất: Thời điểm mua cổ phiếu dễ dàng nhất, với số lượng cổ phiếu nhiều nhất mà không đẩy giá lên cao là khi đám đông bán tống bán tháo cổ phiếu mà không cần quan tâm cổ phiếu họ đang có tốt hay xấu.Và

Thứ hai: Chỉ mua khi giá cổ phiếu được định giá hấp dẫn với một mức biên an toàn lớn, tối thiếu là 30%.