Hợp tác cùng phát triển

Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 13.05.2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 13/05/2020    1968

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “5 bài học kinh nghiệm trong đầu tư và làm giàu của tỷ phú Ray Dalio”

1. Kinh tế vĩ mô và chính sách của nhà điều hành

Ở Việt Nam, thông báo mới đây từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 13/05/2020.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các ngân hàng từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở cũng được giảm từ 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.

Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm.

Ngoài ra, lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), Tổ chức tài chính vi mô (TCTCVM) giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Bên cạnh đó, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của QTDND và TCTCVM đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

2. Thị trường chứng khoán và chuyển động của các doanh nghiệp

Phiên giao dịch ngày 12/5, thị trường tiếp tục có một phiên tăng điểm với sự bứt phá của nhóm cổ phiếu dệt may, thuỷ sản, phân đạm… Cùng với đó tín hiệu tích cực đến từ khối ngoại khi nhóm này mua ròng trở lại gần 95 tỷ đồng trên sàn HOSE. VNM tiếp tục được nhóm này đẩy mạnh mua vào với gần 155 tỷ đồng.

Mobile Money mở ra dư địa mới cho các nhà mạng tăng doanh thu và bước chân vào thị trường tài chính.

Trong 5 năm trở lại đây, ngành viễn thông thế giới chỉ tăng trưởng trung bình khoảng 3%/năm. Mức doanh thu trung bình người dùng (ARPU) của viễn thông Việt Nam cũng liên tục trong nhóm thấp nhất châu Á trong 10 năm trở lại đây và liên tục giảm do cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà mạng.

Doanh thu viễn thông truyền thống (thoại, sms) tại Việt Nam cũng đang liên tục đi xuống. Theo số liệu từ Cục Viễn thông, từ mức chiếm 41% vào năm 2014, doanh thu thoại và SMS chỉ còn chiếm 28,5% vào năm 2019, phần còn lại thuộc về Internet cố định, data di động, điện toán đám mây và các dịch vụ khác.

Trong khi doanh thu truyền thống sụt giảm, doanh thu từ data của các nhà mạng cũng đang tăng trưởng dưới kỳ vọng do cạnh tranh hạ giá thành. Tính riêng trong cơ cấu doanh thu dịch vụ di động tại thị trường Việt Nam, dịch vụ thoại và tin nhắn chiếm 76,6%, còn doanh thu từ data chỉ đạt 23,4%, thấp hơn mức trung bình thế giới, hiện là hơn 43%.

Khó tăng thu ở cả viễn thông truyền thống và kinh doanh data, các nhà mạng đang liên tục tìm kiếm dư địa mới để phát triển. Không ngẫu nhiên khi vào năm 2019, cả 3 nhà mạng lớn của Việt Nam là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đăng ký thêm một ngành nghề kinh doanh, đó là “trung gian thanh toán”.

Đây là động thái nhằm giúp 3 doanh nghiệp viễn thông dọn đường cho việc cung cấp dịch vụ Mobile Money khi được cấp phép cũng như mở ra dư địa mới cho các nhà mạng, đó là làm thay một phần việc của ngân hàng. Theo ước tính, Mobile Money được coi là cơ hội mang lại cho các nhà mạng doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Doanh thu này vừa là dư địa mới, vừa bao gồm cả doanh thu thanh toán nhỏ của các ngân hàng.

Trong buổi trao đổi trực tuyến với nhà đầu tư mới đây, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã đưa ra những quan điểm đáng chú ý về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam.

“Việt Nam có né được khủng hoảng này không? Tôi nghĩ Việt Nam giỏi thì không bị ảnh hưởng nhiều như các nước khác thôi. Nhìn nhận của tôi là nhu cầu, sức mua của người tiêu dùng sẽ sụt giảm trong tương lai”, Chủ tịch MWG nhận định.

“Có thể chúng ta chưa cảm nhận được nó nóng đến như thế nào vào lúc này bởi người Việt Nam nói chung, tiết kiệm trong gia đình khá lớn, làm 10 đồng chắc phải giữ lại 5, 6 đồng để dành, chi tiêu không quá một nửa. Còn mấy nước khác thì tác động tức thì vì họ làm bao nhiêu xài bấy nhiêu”, ông Tài nói.

Theo vị doanh nhân này, ảnh hưởng của dịch đối với Việt Nam sẽ có độ trễ.

“Khi khủng hoảng kinh tế thế giới đến, các bạn nhìn năm 2008, các bạn cũng sẽ cảm nhận như vậy: ở các nước châu Á dính hết rồi còn ở Việt Nam, 6 tháng sau mới thấy ảnh hưởng. Tôi nghĩ năm nay ảnh hưởng cũng khá tương tự. Việt Nam luôn luôn có độ trễ, người ta tăng trưởng rồi thì mình tăng trưởng trễ một chút, người ta khủng hoảng rồi thì mình cũng trễ hơn một chút là bởi vì yếu tố tiết kiệm khá lớn tại Việt Nam”, Chủ tịch MWG nêu góc nhìn.

3. Thị trường tài sản

Ngày 12/5, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) chính thức đưa 10,2 triệu chứng chỉ quỹ của Quỹ hoán đổi danh mục-Quỹ ETF VFMVN DIAMOND (Mã chứng khoán: FUEVFVND) vào giao dịch.

Theo đó, tổng giá trị chứng khoán niêm yết là 102 tỷ đồng, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.693 đồng/chứng chỉ, biên độ giao động giá +/-20%.

Quỹ ETF VFMVN DIAMOND được xây dựng dựa trên chỉ số VN-DIAMOND, gồm 14 cổ phiếu: CTD, CTG, DXG, FPT, GMD, KDH, MBB, MWG, NLG, PNJ, REE, TCB, TPB, VPB.

Tài sản đầu tư của quỹ ETF VFMVN DIAMOND bao gồm cổ phiếu niêm yết và giao dịch tại các sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam, tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, chứng khoán phái sinh niêm yết và giao dịch tại Việt Nam, quyền và tài sản phát sinh gắn liền với chứng khoán trong danh mục của quỹ ETF VFMVN DIAMOND.

4. Câu chuyện đầu tư

5 bài học kinh nghiệm trong đầu tư và làm giàu của tỷ phú Ray Dalio

Điều gì đã khiến Ray Dalio nổi tiếng trong giới đầu tư, phương pháp tiếp cận thị trường nào đã biến Bridgewater Associates nổi tiếng thế giới, kinh nghiệm nào mà huyền thoại đầu tư đã dạy cho chúng ta

1. Làm việc cho chính mình và đừng chỉ làm điều mà người khác yêu cầu bạn – Hãy đầu tư sớm

Ray Dalio đã sớm bước vào sự nghiệp đầu tư vào năm 12 tuổi và đã có những tư duy khác biệt về con đường tự do tài chính. Kể từ khi tốt nghiệp và sử hữu bằng MBA danh giá từ trường kinh doanh Harvard 1973, Ray Dalio đã làm việc cho sàn giao dịch hàng hóa New York.

2. Tư duy đầu tư độc lập và khiêm tốn

Để có thể đầu tư thành công cũng như quản lý tiền hiệu quả thì nhà quản lý quỹ không chỉ sở hữu năng lực vượt trội so với các nhà đầu tư bình thường khác mà còn có khả năng tư duy độc lập đi ngược đám đông. Ray Dalio đã chia sẻ nhiều lần trong các cuộc hội thảo tại các trường đại học danh giá hoặc trả lời trong các cuộc phỏng vấn truyền hình đều thừa nhận rằng để trở thành 1 nhà đầu tư thành công bạn phải có phương pháp đầu tư cũng như chiến lược đầu tư riêng và phù hợp với bạn. Bạn phải rút kinh nghiệm được qua các lần thất bại và tiếp tục tiến lên phía trước. Đặc biệt, ngay cả đạt được một số thành công bạn cũng phải luôn khiêm tốn bởi nhiều khả năng bạn vẫn mắc sai lầm trong các lần giao dịch tiếp theo.

3. Hãy học hỏi những bài học đầu tư của các nhà quản lý quỹ hàng đầu – Học triết lý đầu tư của họ

Ngay từ thủa ban đầu trước khi bước chân vào thế giới đầu tư, Ray Dalio đã có những câu hỏi đối với những người mà ông coi là nhà đầu tư giỏi. Cho dù người đó là nhà môi giới chứng khoán, chủ doanh nghiệp hay bất kỳ ai giỏi trong đầu tư. Ông không quan tâm đến những kết luận, nhận định về thị trường thế nào. Ông quan tâm nhiều hơn về quan điểm đầu tư của họ, cách thức họ đánh giá về thế nào là cơ hội đầu tư tốt. Nói cách khác, ông khuyến nghị chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm đầu tư của những người giỏi hơn chúng ta.

4. Đa dạng hóa danh mục

Một trong những điều mà Quỹ Bridge Associate rất coi trọng đó là quá trình phân bổ danh mục với những chiến lược đa dạng khác nhau. Bạn phải đảm bảo rằng việc lựa chọn cổ phiếu của bạn được hợp lý, cân bằng giữa tỷ lệ giữa các cổ phiếu và được xây dựng và phân bổ hiệu quả. Xây dựng 1 danh mục “bất chấp thời tiết” để có thể chống lại bất kỳ cơn bão tài chính nào.

5. Đầu tư vào cái mà bạn biết và hiểu rõ

Giống như Peter Lynch (QLQ của quỹ Fidelity Magellan) từng nói “Nhà đầu tư mua cổ phiếu mà không hiểu rõ về doanh nghiệp không khác gì việc đọc sách mà không hiểu gì” – Ray Dalio cũng khuyến cáo mọi nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ doanh nghiệp, triển vọng của DN cũng như khả năng tăng trưởng của DN trong tương lai. Chính việc đánh giá đúng DN để nhận diện được các cơ hội xuất hiện trên thị trường là 1 trong những bí kíp mang lại thành công cho Ray Dalio.