Hợp tác cùng phát triển

Podcast – Bản tin tài sản đầu tư ngày 12.05.2020

Nhận định Thị trường hàng ngày 12/05/2020    2109

Chia sẻ

Cùng điểm qua những thông tin chính về tình hình diễn biến tài chính kinh tế trước giờ giao dịch hôm nay: “7 sai lầm tai hại về quản lý tài chính cá nhân mà ai cũng mắc phải, nhưng Warren Buffett và Bill Gates thì tuyệt đối tránh xa”

1. Kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước

Ngày 11/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết nước này sẽ nhanh chóng triển khai bổ sung các biện pháp kích thích kinh tế nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch.

Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Abe cho biết chính phủ sẽ xem xét áp dụng thêm các biện pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ sinh viên mất việc làm thêm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cùng các khoản trợ cấp dành cho các công ty bị giảm doanh thu.

Tháng trước, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra gói kích thích kinh tế 1.100 tỷ USD. Gói này tập trung vào các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho các hộ gia đình và các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ bị tổn thương bởi đại dịch.

Hãng tin Bloomberg mới đây dẫn lời một quan chức Ấn Độ cho biết, trong tháng 4, chính phủ nước này đã tiếp cận hơn 1.000 doanh nghiệp Mỹ và đưa ra các ưu đãi cho bất cứ công ty nào muốn chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. Hơn 500 ngành hàng được nhắm tới, trong đó ưu tiên những lĩnh vực gồm thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may và phụ tùng xe hơi.

Bloomberg dẫn một nguồn tin cho biết Bộ Thương mại Ấn Độ đang thu thập chi tiết góp ý từ các công ty Mỹ đối với các luật về thuế và lao động để hấp dẫn đầu tư hơn.

Trong quá trình thảo luận với các công ty Mỹ, giới chức Ấn Độ lập luận rằng dù tổng chi phí cao hơn Trung Quốc, chi phí đầu tư tại Ấn Độ vẫn thấp hơn so với Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về quyền lợi đất đai và lao động lành nghề.

Mới đây, theo hãng tin Economic Times của Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang làm việc với các bang để thiết lập quỹ đất cho các tập đoàn quốc tế.

Bộ Tài chính Ả-rập Xau-đi ngày 11/5 đã công bố một số biện pháp kinh tế nhằm tăng thu, giảm chi trong bối cảnh nguồn thu chính từ xuất khẩu dầu mỏ sụt giảm và kinh tế suy thoái do đại dịch. Cụ thể, Ả-rập Xau-đi sẽ tăng gấp 3 lần thuế giá trị gia tăng (VAT), từ mức 5% lên 15% từ ngày 1/7 và ngừng phân phát các khoản trợ cấp cho người dân nước này từ tháng 6. Theo Bộ Tài chính Saudi Arabia, ngoài biện pháp trên, nước này đã hủy và tạm ngừng cấp các khoản chi tiêu của một số cơ quan chính phủ đồng thời cắt giảm khoản chi cho một số dự án lớn vốn nằm trong chương trình cải cách nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dầu mỏ này.

Ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1749 phát động Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” từ ngày 1/6 đến ngày 31/12/2020. Đây là giải pháp nhằm kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước trong bối cảnh bình thường mới sau dịch Covid-19.

Các nhiệm vụ chính trong Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” gồm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá các điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn; các địa phương mở cửa lại du lịch, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sự sẵn sàng đón tiếp khách du lịch.

Bên cạnh đó ngành du lịch xây dựng, triển khai các gói kích cầu giới thiệu các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng với giá hợp lý kèm theo ưu đãi, cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ theo chương trình du lịch trọn gói hoặc từng phần dịch vụ, phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng hàng không xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn nhằm thu hút khách du lịch nội địa.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Đào Ngọc Dung cho biết sẽ đề xuất với Chính phủ dành khoảng 3.000 – 5.000 tỷ đồng từ kết dư bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại cho 1 triệu lao động.

Với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70.000 – 80.000), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động.

“Trước tình hình đó, đối với các doanh nghiệp, Bộ Lao động đề xuất cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh thì yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Về phương thức, các đơn vị sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp.

2. Thị trường chứng khoán

Các thị trường chứng khoán ở châu Á phiên 11/5 đồng loạt tăng do dự báo Nhật Bản và một số nước có thể tiếp tục nới lỏng lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại nền kinh tế.

Thị trường Việt Nam có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, VN-Index tăng 14,6 điểm (tương ứng 1,79%) lên 828,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch HOSE đạt 353,42 triệu đơn vị, giá trị 6.247,51 đồng.  Khối ngoại bán ròng trở lại hơn 450 tỷ  đồng. Nếu loại trừ yếu tố đột biến đến từ bán thỏa thuận cổ phiếu PC1, thì khối này bán ròng chưa tới 100 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng là VNM, VPB, VCB, HPG…

3. Thị trường tài sản

Thị trường trái phiếu sắp có “luật chơi” mới

Những đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cũng như HNX công bố hàng tháng từ năm 2019 đến nay cho thấy, chưa ghi nhận những thương vụ có lãi suất lên đến 18 – 20%/năm, mà cao nhất cũng chỉ từ 11 – 14%/năm.

Dữ liệu các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 4/2020, theo ghi nhận của VBMA, thì đợt phát hành của Công ty cổ phần Ðầu tư IDJ Việt Nam có lãi suất cao nhất là 13%/năm, còn lại dao động từ 10,5 – 12,5%/năm.

Ðiều đó có nghĩa, những thông tin về doanh nghiệp phát hành với lãi suất lên đến 19,5%/năm, theo góc nhìn của chuyên gia, đôi khi ban đầu chỉ là chào mời, còn khi chốt giao dịch có thể sẽ thay đổi theo hướng giảm, thậm chí không phát sinh giao dịch. Việc tung tin lãi suất cao có thể ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư về kỳ vọng lãi suất tăng, có nguy cơ gây khó cho các nhà phát hành khác.

Ðược biết, tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 163/2018/NÐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất lãi suất phát hành trái phiếu doanh nghiệp không được vượt quá 20%/năm.

Dự thảo nghị định đã được Bộ Tài chính hoàn tất và đang trình Chính phủ xem xét ban hành. Nhiều khả năng, ngay trong quý II/2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ có luật chơi mới.

4. Câu chuyện đầu tư

7 sai lầm tai hại về quản lý tài chính cá nhân mà ai cũng mắc phải, nhưng Warren Buffett và Bill Gates thì tuyệt đối tránh xa

Có hai điều chúng ta biết rất chắc chắn về các triệu phú, đó là họ biết chính xác tiền của mình sẽ đi tới đâu và nên tránh điều gì khi sử dụng chúng. Nếu bạn muốn trở thành một triệu phú hay chỉ đơn giản là hình thành thói quen chi tiêu lành mạnh, thì điều quan trọng nhất là nên học hỏi từ giới siêu giàu, từ tỷ phú Bill Gates và huyền thoại đầu tư Warren Buffett.

Đây là 7 sai lầm về tiền bạc bạn không bao giờ thấy những người giàu nhất thế giới mắc phải. Từ đó, bạn có thể áp dụng để tạo thói quen tài chính lành mạnh, giúp bạn trở nên giàu có.

Không bao giờ phung phí tiền vào các khoản phụ phí

Người giàu hiểu rõ rằng các loại phí đều tiêu tốn thời gian và cả tiền bạc, vì thế bạn nên thanh toán các khoản tiền sinh hoạt đúng hạn. Họ biết tận dụng những tính năng như thanh toán tự động để tránh được những loại phí bị cộng dồn khi thanh toán không đúng hạn, từ các loại phí thẻ tín dụng cho tới hoá đơn dịch vụ.

Ngoài ra, họ cũng quan tâm đến phí ngân hàng. Rất nhiều ngân hàng sẽ tính thêm phí cho các dịch vụ của họ và thậm chí bạn không chú ý đến điều đó. Ví dụ như họ sẽ yêu cầu đóng phí khi bạn không đáp ứng một số yêu cầu cụ thể, có thể là duy trì số dư trung bình trong tài khoản. Hãy tạo thói quen kiểm tra các khoản truy thu hàng tháng để kiểm soát các loại phụ phí “ẩn” này.

Không chú ý đến điểm tín dụng

Điểm tín dụng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc xác định mức lãi suất của bạn. Điểm tín dụng cao có thể giúp mức lãi suất khi vay giảm bớt và bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể trong suốt khoảng thời gian đi vay ngân hàng. Điểm tín dụng thấp sẽ gây khó khăn khi bạn đang cần đi vay. Người giàu nhận thức rõ điều này, bởi vậy họ không bao giờ “phớt lờ” nó. Họ liên tục kiểm tra điểm tín dụng của mình và cố gắng duy trì nó ở mức cao nhất có thể

Không bao giờ bị thu hút bởi các chiêu trò quảng cáo

Có thể thấy, trong thời đại ngày nay, các “mánh khoé” marketing xuất hiện ở khắp mọi nơi và người giàu thường tránh nó bằng cách so sánh giá cả và chất lượng của sản phẩm. Họ đánh giá cao giá trị nhưng cũng nhìn nhận vào “bức tranh” vĩ mô hơn và luôn cân nhắc về lợi ích sản phẩm đó mang lại so với giá thành của nó.

Để xây dựng thói quen tương tự, bạn nên nghiên cứu và cân nhắc về những điểm mấu chốt trước khi quyết định mua, dù món đồ đó lớn hay nhỏ. Mua một sản phẩm đắt tiền nhưng có thể sử dụng trong nhiều năm, bạn có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc để sửa chữa hay thay thế bằng sản phẩm khác.

Không chi tiền theo “cảm hứng”

Có thể thấy, rất nhiều ngôi sao chi hàng trăm nghìn thâm chí hàng triệu USD cho những thứ hào nhoáng. Dẫu vậy, điều đáng ngạc nhiên là những người thông minh lại cực kỳ tiết kiệm. Bill Gates chỉ đeo một chiếc đồng hồ có giá 10 USD, còn Warren Buffett chỉ dùng 1 món cho bữa sáng giá 3,17 USD ở McDonald’s mỗi ngày. Trong khi đó, Mark Zuckerberg lái một chiếc xe số sàn của Volkswagen để di chuyển.

Pam Danziger, nhà nghiên cứu thị trường, cho biết: “Người giàu không trở nên giàu có bằng cách chi tiền một cách hoang phí. Họ biết rõ hơn ai hết, rằng việc chi tiêu cẩn trọng có thể giúp họ có được thu nhập cao hơn.” Tiêu xài quá mức dẫn đến sự lãng phí, bội chi và thậm chí là nợ nần – đây là điều mà những người thành công luôn tránh.

Không “lơ là” chiến lược đầu tư dài hạn

Tỷ phú và cựu CEO của Google, Eric Schimidt, nói rằng những giao dịch ngắn hạn (mua/bán cổ phiếu dựa trên biến động hàng ngày của thị trường) sẽ không giúp bạn trở nên giàu có. Ông luôn đánh giá cao những giao dịch dài hạn và không bao giờ cố gắng đánh bại thị trường.

Hơn nữa, Warren Buffett cũng nhiều lần nhấn mạnh việc áp dụng chiến lược dài hạn. Chỉ vài ngày sau khi công bố bức thư gửi đến các cổ đông của Berkshire Hathaway vào đầu năm nay, tỷ phú này đã giải thích lý do tại sao các chiến lược đầu tư dài hạn như các quỹ chỉ số vẫn được các nhà đầu tư đặc biệt ưa chuộng.

Thu nhập không chỉ đến từ một nguồn duy nhất

Việc sở hữu nhiều nguồn thu nhập sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn, và người giàu cũng không bao giờ chỉ dựa vào một nguồn thu nhập. Bạn có thể sử dụng chiếc oto của mình cho ứng dụng gọi xe, làm một công việc tự do, làm gia sư hay viết về các lĩnh vực chuyên môn.

Không chạy theo những xu hướng mới nhất

Theo báo cáo năm 2017 của trang web tuyển dụng CareerBuilder, 78% lao động Mỹ không hề có cuộc sống dư dả, việc chi tiêu hàng ngày chỉ dựa vào lương. Người giàu biết cuộc sống lý tưởng là không chạy theo xu hướng. Bởi vậy, Warren Buffett chưa từng sở hữu một chiếc iPhone nào cho đến khi ông được tặng, nhưng ông nói “Tôi lại chẳng bao giờ sử dụng nó.”

Bạn bè, hàng xóm hay những người đồng nghiệp của bạn thường sở hữu những món đồ công nghệ mới nhất, nhưng điều đó không có nghĩa bạn cũng phải có nó. Cuộc sống thực tế quan trọng hơn nhiều so với những gì người khác nhìn qua về bạn.